TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

* THEO SÔNG RA BIỂN - Ký của Đỗ Văn Ngôn




          Đã nhiều lần, tôi theo chiếc tàu đò của nhạc phụ xuôi ngược trên sông Hậu, chạy ngang Vàm Nao, băng qua sông Tiền, xuôi dòng về Mỹ Tho. Thuở ấy, khoảng thập niên tám mươi, vào thế kỷ trước, tại Mỹ Tho có Trung tâm Huấn luyện Đồng Tâm. Hầu như, thanh niên các tỉnh Nam Bộ tập trung về đây huấn luyện, rồi bổ sung cho lực lượng làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Cùng với thân nhân đi thăm bộ đội, trên mui tàu mọi người chen chúc ngồi dựa lưng vào nhau, tôi cũng ngồi chung với bà con, nhìn sang hai bên bờ sông Tiền, sông Hậu vào buổi chiều trong màn sương thấp. Tiếng máy nổ đều, con tàu âm thầm vượt đường xa, rẽ nước chạy bon bon giữa dòng.

 
     Có đi mới biết, mới hiểu được tình cảm của người dân gắn liền với ruộng vườn và cùng lớn lên bên nhánh sông quê. Chính tôi đã sinh ra bên bờ sông Hậu ấy. Tôi rất muốn theo dòng sông Hậu, sông Tiền để lần ra biển cả. Nhưng, con tàu của nhạc phụ tôi chỉ đưa thân nhân tới Đồng Tâm thăm bộ đội, rồi lại quay về. Dù có tiếc ngẩn ngơ, tôi cũng chưa có dịp một lần ra cửa biển. Có lẽ với tôi, dòng sông là nỗi lưu luyến đậm đà, sâu nặng nhất, cất giấu rất nhiều kỷ niệm tuổi thơ đã hằng sâu vào nỗi nhớ. Dòng sông bồng bềnh, cuộn tròn trong ký ức và luôn theo tôi vào giấc ngủ. Những giấc mơ thật dịu hiền, hằng đêm cứ âm thầm quay lại hình ảnh cậu học trò nhỏ, thích bơi đùa, lặn lội, bắt cá kiếm ăn. Đến chiều về, giản dị bên bữa cơm nghèo với nhúm tép, mớ cua. Tôi lớn lên theo dòng sông, từng con nước lớn ròng, từng mùa nước nổi, những dòng sông chở theo phù sa và đàn cá linh non tràn xuống từ Biển Hồ. Thật quá nhiều kỷ niệm, nếu muốn gợi nhớ, gợi thương, có lẽ phải bắt đầu từ “hồi ấy”.
     Hồi ấy, khác với bây giờ một trời, một vực, như một truyện cổ tích xảy ra vào thời xưa và bây giờ đã biến mất. Vào cái mùa “cá ra” trên cả hai dòng sông Tiền và Hậu, cá nhiều đến nổi như được nuôi đầy cứng trong hồ. Chỉ cần kéo một mẻ “lưới giựt” giữa sông là đong được một trăm giạ cá. Loài cá “linh” có tánh linh như tên gọi của nó. Hễ nước vừa nhuốm giựt, chúng lũ lượt kéo đàn bơi về nguồn, về Biển Hồ, nơi chúng được sanh ra. Chẳng những mọi người chờ đến tháng mười âm lịch, đem ghe chành chở cá linh, tập kết đầy ứ cho những hãng nước mắm, mà ở các ngã ba sông xuồng chài chen nhau hằng trăm chiếc, ồn ào như mở hội. Mùa nầy, gió bấc bắt đầu thổi lao xao, bầu trời thì trong vắt với vô số đàn nhạn trắng háo hức chao lượn, chúng cũng tham gia vào việc bắt cá. Dòng sông bỗng trở nên náo nhiệt!...
     Có được đi lại thường xuyên trên sông thì mới thấy được hết những cảnh sinh hoạt phong phú. Người ta không thể ngờ rằng, cuộc sống trên sông cũng rộn ràng, nhộn nhịp không thua gì trên đất liền. Mỗi nơi có cách sống riêng, rất thú vị. Dưới sông cũng có làng, đó là làng bè nuôi cá Châu Đốc. Và cũng có chợ, gọi là chợ Nổi. Thú vị hơn là vào những buổi chiều, được ngắm những cánh buồm no gió trên sông, ngắm những ngọn đèn dầu cá hai bên bờ lập lòe như những đốm lửa đỏ, điểm rải rác trong đêm tối. Rồi những đoàn tàu dòng ghe kéo dài hằng trăm mét như con rắn ngoằn ngoèo, chạy dựng ngược giữa dòng sông. Khi ta đi qua voi vịnh, gặp những chú cá nược, vội kêu lớn: Nược đua!... Nược đua! Thì lập tức trước mũi tàu, đàn cá nược bỗng nổi lên khìn khịt. Cá nược là loài có vú, màu đen, lườn trắng, nặng hơn trăm ký. Chúng lội rất nhanh và thích vui đùa.
     Có một đặc sản của dòng sông Cửu Long mà đời sau con cháu gần như không biết. Thuở ấy, ở Vàm Nao và các đuôi cồn luôn có đoàn người chuyên lưới cá hô. Mỗi con lớn hơn trăm ký, còn con nhỏ thì cũng sáu bảy chục. Cứ vài hôm là đoàn lưới xẻ thịt cá hô bán cho dân. Chỉ cần một lần ăn canh chua cá hô, sẽ thấy không có loài nào sánh kịp! Vây kỳ của nó giòn rụm, ngon hơn gân bò. Về sau, được xem phim ảnh bắt cá hô trên sông Vàm Nao, tôi vụt cười thầm. Cá hô gì mà giống y con cá chép! Chứng tỏ là đạo diễn không biết cá hô rồi!
     Có những thứ mà ngày nay không còn nữa! Bầy nhạn trắng đã bay về đâu mà lâu rồi bầu trời vẫn mênh mông chờ đợi? Dòng sông vẫn âm thầm cuộn chảy, nhưng trong lòng nó dường như có một nỗi đau nhức nhối vì không bảo vệ được các loài thủy tộc, đang dần dần bị con người nhẫn tâm hủy diệt. Cá linh cũng thưa dần, mùa cá về các ngã sông đìu hiu dưới cơn bấc. Người ta che mắt đứng nhìn theo dòng nước nhấp nhô, lã chã, không khỏi chạnh lòng, hoài niệm về một quá khứ mà thầm bảo rằng: Giờ dưới sông sắp hết cá, chỉ còn lại một dòng nước trong xanh!...
     Từ đầu nguồn sông Cửu Long rực vàng hoa điên điển. Nhưng càng về hạ lưu dòng sông thêm rộng, mực nước so với bờ càng thấp. Khi đến cầu Mỹ Thuận thì vườn tược, cây trái xum xuê. Bên bờ sông mọc dày những rừng bần và từ đây đổ ra biền, mùa gió chướng nước bắt đầu mặn.
     Tôi thật sự khát khao sẽ có lần theo sông ra biển, nhưng thời gian thì trôi qua mãi mà ý định ấy vẫn chưa thực hiện. Cho đến đầu năm 2008, tôi có dịp theo đoàn Văn học do anh Trịnh Bửu Hoài – Chủ tịch  Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang dẫn đoàn dự Hội nghị ở Bến Tre, sau đó thăm Trà Vinh rồi ra biển Ba Động.
     Đoàn đến Mỹ Tho vào một buổi chiều. Chúng tôi chụp hình dưới chân cầu Rạch Miễu, cây cầu mới xây nhịp đầu tiên, nối từ bờ ra một phần sông, dự báo năm sau sẽ cho xe lưu hành. Cảnh hoàng hôn nơi đây thật đẹp, huyền ảo và lung linh trên sóng nước. Trông xa xa có thể thấy rừng dừa Bến Tre rũ ngọn như cô gái xõa tóc bồng bềnh bên bờ sông lộng gió.
     Chiếc phà Rạch Miễu nặng nề đưa chúng tôi sang sông. Chính nó cũng muốn tạ từ chúng tôi, những người khách đường xa rằng: Năm sau vào tháng nầy, khi chiếc cầu thông xe, con đò già kia sẽ vĩnh viễn nghỉ ngơi.
     Đoàn nhanh chóng tới Bến Tre và nghỉ đêm bên bờ hồ Trúc Giang – một thành phố nghèo, buồn tẻ về đêm. Chỉ có tiệm kẹo dừa là khách đông nghịt vì người ta mua một ít kẹo, một số quà lưu niệm. Lần ra bờ sông Ba Lai, con sông cuối năm chảy cuồn cuộn, cuốn theo ánh đèn đêm chấp chóa dưới dòng nước.
     Bên hồ Trúc Giang về khuya cuối cùng chỉ còn lại chúng tôi là những người khách lạ. Cũng chính tại nơi nầy, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã cùng đối ẩm với bạn thơ:
“Bạn mừng ta tay run rót rượu
Ta mở lòng hớp ngụm tình xưa
Ta cứ rót bóng mình trong đáy cốc
Trần gian là một cuộc vui đùa”.
                           (Uống rượu bên hồ Trúc Giang)
     Đêm càng về khuya, sương rơi lạnh, bờ hồ thật tĩnh lặng. Chúng tôi mãi nói chuyện về thơ ca.
     Rồi chiều hôm sau, cuộc hội thảo kết thúc, anh Phương – Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Trà Vinh hướng dẫn chúng tôi đến Ba Động. Qua phà Ba Lai, chạy dọc về hướng Nam, đi tắt bằng con đường đất trải đá nhỏ, chúng tôi chạy luồn trong vùng quê hẻo lánh, xuyên qua rừng dừa và cây trái. Được khoảng hai mươi cây số là đến bờ sông Cổ Chiên, đây là một dòng sông rộng. Càng về hạ lưu chẳng biết nông sâu như thế nào, nhưng khi nhìn qua bờ bên kia chỉ thấy mù mù trong sương chiều đục. Chiếc phà lắc lư như say rượu. Tay tôi vịn vào lan can phà để quan sát rõ hơn. Nước bắt đầu rút mạnh ra biển. Từng giề lục bình cuốn nhanh theo dòng nước, mang theo những cánh hoa màu tim tím được các nhà thơ, nhà văn thường nhắc đến trong các án văn chương, nhưng chưa bao giờ loài hoa ấy được bàn tay con người mang về cắm vào bình hoa trong nhà. Tôi lặng nhìn bâng khuâng, ngông cuồng như muốn hẹn hò. Chiều nay, hoa và chúng tôi cùng ra biển Ba Động, nhưng khi đến nơi thì chùm hoa hoang dại kia sẽ trôi mãi về một phương trời nào đó, biết có còn gặp lại nhau?
     Phà vừa cặp bến khoảng ba giờ chiều. Lên bờ, chúng tôi ngỡ ngàng vì đã tới địa phận của thị xã Trà Vinh. Một phố thị cổ kính, trồng rất nhiều cây cổ thụ. Đặc biệt là người Khơmer chiếm 70% dân số. Đoàn ghé thăm Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Trà Vinh, nghỉ ngơi trong giây lát rồi lên xe chạy thẳng ra biển Ba Động. Đoạn đường ra tới cửa biển còn khoảng sáu mươi lăm cây số.
    Xe rời thị xã đi về hướng Nam. Con lộ trải nhựa liên huyện  chỉ vừa đủ hai chiếc xe qua mặt nhau. Chạy một đoạn, đoàn xe đi ngang qua huyện Cầu Ngang, một huyện giồng cao, dân cư thưa thớt. Ở đây dường như nhà nào cũng trồng cây sao, tán che phủ rậm rạp. Thỉnh thoảng, xa xa lại trông thấy vài thửa ruộng. Chỉ còn khoảng ba mươi cây số nữa là tới huyện Duyên Hải, càng ra gần cửa biển mặt đất càng thấp. Những vuông tôm nối đuôi bạt ngàn, dần dần hiện ra. Cặp bờ lộ, nhà đúc thì san sát như khoe nét giàu sang, sung túc của huyện biển. Nhưng trớ trêu, đôi khi vẻ bề ngoài không nói hết được sự thật. Anh bạn hướng dẫn chậm rãi nói như than thở:
- Thấy vậy, chớ huyện Duyên Hải là huyện nghèo nhất tỉnh đấy!
Mọi người hơi tỏ vẻ ngạc nhiên, anh nói tiếp:
- Trúng tôm được mấy năm đầu, dân khá lên thấy rõ, ai cũng đua nhau cất nhà cao đẹp, nghĩ là trời đã giúp cho dân Duyên Hải nầy được ngẩng cao đầu cùng giàu sang với thiên hạ, bù lại những tháng ngày cơ cực. Nhưng, chuyện đời thật tệ hại! Rồi mấy năm sau đó, tôm liên tiếp chết hằng loạt, hiện nay vẫn còn tình trạng đó, riết rồi giấy tờ nhà, giấy tờ đất thay nhau chui vô ngân hàng. Đến nay vẫn chưa hộ nào chuộc ra nổi!
     Anh hướng dẫn nói chuyện lai rai như bóng chiều xuống chậm. Chiếc xe vẫn cứ lao nhanh về phía biển, những chòi tôm bằng lá mọc rải rác khắp cánh đồng. Mọi thứ như buồn tím ngắt, ngoắc ngoải những ưu tư lo lắng. Người dân cảm thấy mệt mỏi, cố gắng nuôi thêm vài loài thủy sản hòng thoát nghèo, thoát nợ… Cùng lúc, dân Duyên Hải quay ra nỗ lực mở con đường về Ba Động, con đường mà xe đang chạy đây, vừa mới hoàn thành. Hy vọng ngành du lịch Ba Động sẽ mở ra hướng làm ăn mới cho dân Duyên Hải.
Biển đã lộ ra, hàng dương reo vi vu trên bờ đê cao bốn mét, chạy dài ngút mắt. Bờ đê là đụn cát do gió mang vào, chắn ngang mé biển. Có lẽ có ba đụn cát, nên người dân nơi nầy là Ba Động.
     Chúng tôi tới Ba Động trong buổi hoàng hôn gió lộng. Đặc biệt phía bên nầy đê, sát mé biển, là rẫy dưa hấu. Bên kia là nước biển màu xám bùn. Những con sóng lớn đùng đùng rượt đuổi nhau, vỗ ầm ầm dưới chân, tung lên những bọt biển đục ngầu. Những con sóng khác dường như cũng nhảy múa tưng bừng lộ ra nét vui mừng để chào đón chúng tôi – những người bạn từ đầu nguồn sông Cửu Long về thăm cuối biển. Gió mạnh thổi tung mái tóc bồng bềnh các chị trong đoàn. Tất cả đều thả tầm mắt theo dõi tít xa đường chân trời, tìm xem có chiếc thuyền nào trở về từ biển khơi hay không? Nước lớn dâng cao ngoài dự đoán. Biển Ba Động không tắm được, do lượng phù sa đặc quánh từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về đây. Đến bây giờ khi đứng trước biển, tôi mới hình dung chín cửa sông giống như chín con rồng ngẩng cao đầu. Cứ mỗi năm bờ biển bồi thêm nửa cây số, rồi chín con rồng lặng lẽ trườn mình đi tới. Ví chừng một trăm năm sau, bờ biển Ba Động sẽ bồi dài ra năm chục cây số nữa. Anh bạn hướng dẫn đứng bên, hào hứng giới thiệu:
- Khu du lịch Ba Động nầy đẹp nhất là lúc nước ròng. Khi ấy, tại đây bãi biển trồi lên, dài thêm ba cây số, lộ ra nền đất cứng, xe Honda có thể chạy ra tận mé nước. Như thế mỗi ngày có thêm vài trăm khách đến đây để ăn uống, đùa giỡn và vui chơi thỏa thích…
Thật đáng tiếc là chúng tôi đến không đúng lúc nước ròng để có dịp thả bộ trên bãi biển đẹp. Chỉ được đứng trên bờ Ba Động ngắm sóng, lắng nghe tiếng âm ba thì thầm của biển, với chút cảm giác như có hương vị muối mặn từ gió. Và nay, tôi rất thỏa lòng vì được làm sứ giả để mang thông điệp của con cá linh đầu nguồn đến cho con tôm cuối biển…
     Trời chiều lịm tắt, chút nắng hoàng hôn cuối cùng cũng tan dần. Bóng tối bắt đầu lờ mờ, xung quanh không còn nhìn rõ. Chúng tôi đi vào nhà hàng cặp sát biển, những món ăn hải sản còn tươi rói được bày ra với rượu nếp Xuân Thạnh là đặc sản của Trà Vinh. Trời mỗi lúc càng khuya, mọi người đã ngà say, không gian bỗng vắng lặng, chỉ còn nghe rõ được tiếng thông reo trên bờ Ba Động, tiếng gió rít qua khe cửa, tiếng sóng biển vỗ ầm ầm vào bờ đá. Mọi thứ như gợi lên một nỗi buồn da diết, một cảm giác lạ lẫm của người dân đầu nguồn sông Cửu Long. Chắc phải còn khuya lắm chờ con nước rút, gió và sóng biển mới lặng yên. Chúng tôi ra xe trở về Trà Vinh, ngước nhìn con trăng cuối chạp, treo lơ lững trên nền trời phương Đông đã khuyết đi một nửa.


ĐỖ VĂN NGÔN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét