TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

* GIAO THỪA CỦA NGÀY XƯA - Tùy bút của Mai Hương



Giao thừa luôn là một thời khắc vô cùng thiêng liêng trong tâm hồn của mỗi người con Việt Nam. Đó là thời khắc mà lòng người như lắng đọng, vạn vật như lặng im để đưa tiễn năm cũ đi qua và chuẩn bị chào đón năm một mới với niềm hân hoan đầy niềm tin và hy vọng. Mỗi người trong chúng ta đều có những phút giao thừa của riêng mình, nó in đậm, khắc sâu trong tâm trí mỗi con người khó có thể lãng quên được. Và tôi cũng vậy, tôi cũng có những thời khắc ấy thật sâu lắng, giản dị và đáng trân trọng đến chừng nào.
Tết năm ấy, tôi nhớ không rõ lúc đó mình bao nhiêu tuổi nữa. Nhưng có thể ước chừng lúc đó tôi vừa bước vào tiểu học với giọng còn ngọng nghịu ê a đánh vần từng con chữ và thêm vào đó là bài toán cộng trừ để chuẩn bị cắp sách đến trường với bao điều mới lạ trong ký ức của tôi về ngày ấy.
Tôi nhớ như in, quê tôi còn nghèo lắm, đường sá lầy lội, trường học sập xệ, điện đèn, nước sạch cũng chưa có. Nhà này cách nhà kia hàng mấy trăm mét, leo lét vài ba bóng đèn dầu lập lòe trong đêm tối thật buồn. Đêm ba mươi Tết trời tối đen như mực mà ở quê tôi chỉ có đèn dầu thì không đủ thắp sáng cho một vùng quê nên buồn là vậy, chẳng như bây giờ nhà này thắp đèn lên thì nhà kia cũng được sáng rực lên bởi ánh đèn với áp suất lớn. Những đứa trẻ thì chỉ cần vài bước là có thể sang gọi nhỏ bạn kế bên đi đón giao thừa cùng nhau. Bây giờ nhớ lại trong tôi lại dâng lên một niềm cảm xúc xa xôi. Nhà tôi nằm trong một con hẻm nhỏ chạy dọc theo một con kênh nhỏ cách đường lớn gần hơn một cây số nên có phần vắng lặng là vậy. Cuộc sống nơi đây chỉ nhờ vào ánh đèn huỳnh quang cộng với chiếc bình ắc-quy cho mỗi ngày trời sụp tối nên cũng đỡ buồn. Chỉ có những nhà kha khá một tí thì mới sử dụng được chiếc đèn bình ắc-quy như thế, còn phần đông sử dụng đèn trứng vịt (hay còn gọi là đèn dầu). Mới tám giờ tối thôi nhưng cả nhà tôi đã bận rộn hẳn lên. Không khí lúc ấy thật háo hức. Ba tôi chuẩn bị ấm trà thật ngon, mẹ thì chuẩn bị nào là bánh tét, bánh in, giấy vàng mã và rất nhiều thứ khác để chuẩn bị cho một mâm cúng tươm tất, đoàng hoàng theo đúng phong tục Việt Nam trong đêm giao thừa. Thằng cháu nhỏ con chị Hai cũng bắt chước tôi và bà ngoại làm việc lăn xăn khắp nào rồi bài đặt tìm lấy cái chổi to tướng quét quét khắp nơi trong nhà, những trò trẻ con của nó làm cho mọi người có một trận cười tít mắt vì hành động thật ngây thơ của nó.
Khi chiếc ti vi trắng đen được dùng bằng bình ắc-quy bật lên nghe tiếng pháo hoa nổ đùng đùng từ thành phố Long Xuyên cũng là lúc ba mẹ tôi bắt đầu thắp nhang trên bàn thờ khẩn vái trời đất cho năm mới cả gia đình luôn dồi dào sức khỏe, các cháu hòa thuận, làm ăn mưa thuận gió hòa, ruộng vườn tươi tốt. Ba mẹ lại quay sang bàn thờ ông, bà nội thắp nén hương nhờ ông bà phù hộ con cháu mạnh khỏe, học hành thông minh sáng suốt, gia đình hạnh phúc.
Lúc đó, tiếng pháo nổ râm rang khắp nơi, báo hiệu một năm mới bắt đầu với bao điều mới mẻ. Tôi vẫn nhớ như in ngày ấy, ba dành dụm tiền mua cho tôi một cây pháo bông dài khoảng sải tay người lớn. Thật không thể nào tả được cảm giác sung sướng, ngất ngây của tôi lúc ấy. Nhìn những chùm pháo sáng đầy màu sắc in trên nền đen của bầu trời, thật không có gì tuyệt bằng. Tôi thầm nghĩ ba mình thật tuyệt, ba tôi là người hơi trầm lặng ít thể hiện tình cảm với các con trong nhà, ngày đó ba đưa cho tôi cây pháo bông tôi vô cùng ngạc nhiên và vui sướng thầm cảm ơn ba đã dành cho con niềm vui ấy.
Sau giây phút hân hoan đó, mọi người quây quần bên nhau ăn bánh và kể nhau nghe những câu chuyện vui nhất, thằng cháu con chị Hai tôi dường như quên đi cơn buồn ngủ vì thấy cảm giác mới lạ của không khí đầu xuân. Cả nhà vui vẻ chúc nhau những câu may mắn, ba mẹ chúc tôi học giỏi, chúc cháu tôi mau ăn chóng lớn, tôi thẹn thùng chúc lại ba mẹ luôn dồi dào sức khỏe, sống lâu trăm tuổi và vui khỏe cùng con cháu.
Tôi vẫn thích là những bao lì xì đỏ chót vào những ngày đầu năm, dù không nhiều nhưng tôi thích lắm. Đó là một đêm giao thừa hiếm hoi cả nhà tôi được sum vầy như thế…
Sau này, vì công việc làm ăn xa nhà và các anh chị tôi đã lập gia đình nên gia đình ít được tụ họp đầy đủ trong thời khắc thiêng liêng nhất của một năm. Lúc thì anh tôi đi trực cơ quan, lúc thì chị tôi ở xa chưa về kịp hoặc có khi tôi còn mãi lang thang đâu đó với bạn bè để xem đốt pháo hoa. Năm mới đến rồi, giờ ngồi đây nghĩ lại, tự dưng thấy thèm lắm. Thèm cái cảm giác của giao thừa ngày ấy, thèm hơi ấm gia đình, thèm được ôm ba ôm mẹ, thèm choàng vai lì xì cho em trai,... thèm nhiều thứ lắm mà không thể nói thành lời.
MAI HƯƠNG
_
( theo ĐP)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét