TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

* KHÔNG BÁN... LẤY GÌ ĂN TẾT - Truyện của Y Nguyên


1.
Nó mê cưỡi bò.
Khổ, cả bầy bò nhà nó toàn loại bò cỏ, ốm ho; miễn cưỡng leo lên lưng là ì ạch loạng quoạng bước chân. Mẹ quát: “Không được cưỡi! Bò yếu, cưỡi hoài đổ lao(1), hết lớn bây giờ!”. Khổ, cũng tiếng đi chận(2) bò, mà bò lũ bạn nhà nào cũng một, hai con bò lai to cộ; ra khỏi nhà là chúng phóc lên lưng, hươi roi phi tới; trong khi mỗi mình nó phải cuống quít guồng đôi chân ngắn tũn lạch bạch chạy theo… đít bò, nhục chưa???

 
Ấy mới nói chuyện đường bộ; chưa kể pha đường thủy, tức lội sông. Lùa bò vô chân núi chận phải lội qua sông. Con sông Thạch Bàn mùa khô nước cạn, xắn quần lội không nói gì; nhưng sang mùa lũ nước dâng cuồn cuộn, hẳm sằm, ra khỏi bờ ba bước là… hụt chân, phải bơi. Bò thì không sao. Trời sinh cái giống bò biết bơi từ bụng mẹ bơi ra. Qua sông, chúng cứ bình tĩnh thản nhiên sắp hàng nối đuôi thả nổi, bơi. Nghé con sợ trôi nên được mẹ kèm phía hạ lưu nhưng vẫn tự nổi, tự bơi. Chỉ người là không thể!
Chính xác, hội chận bò vẫn có đứa biết bơi; nhưng không đứa nào dại dột tự bơi chi cho nguy hiểm và nhọc thân. Qua sông, người theo bò. Lũ bạn có bò lai cứ phóc lên lưng con to nhất, nằm phục, choàng ôm lấy ụ cho bò đưa qua sông. Chở chủ trên lưng mà không bị chìm chỉ có bò to. Bò nhà nó ư, cho kẹo cũng không dám chơi kiểu ấy! Đành chịu xấu ôm… đuôi bò đu đỡ. Nhũng nha nhũng nhẵng, cố giữ nổi cái đầu để thở, chờ lúc nào bò è ạch lội sang tới bờ bên kia hẵng biết. Chân chưa đụng đất thì lũ bạn ê ê cách mấy cũng không dám buông tay…
   Vậy nên, dễ hiểu, chuyện con Ròm trưởng thành, phát ụ, đàng hoàng chở nó trên lưng là một cuộc cách mạng… vĩ đại tới cỡ nào trong cái lịch-sử-ấu-thơ-chăn-chận-bầy “bò nhà nghèo” mãi-hoài-vác-roi-chạy-bộ-rạc-cẳng-theo-sau của nó...
2.
Gọi Ròm là do “tàn dư quá khứ” của một thời xa xưa; tức cái thời bé Ròm còn là một chú bê con sinh chưa tròn năm. Đúng ròm: Xác thì có xác nhưng ốm tong! Nhà nó nuôi toàn bò cái. Đúng ra, bò cái có đẻ bò đực; nhưng hễ con bê đực nào vừa sởn sơ phát ụ phát sừng tí chút là lập tức phải khăn gói lên đường theo mấy ông buôn bò cho mẹ nó có tiền trang trải nợ áo cơm. Rút cục, cái lại hoàn cái!
Có đực cái gì thì việc đồng áng cũng không thể bỏ nên mẹ Ròm – con bò cái “tương đối” nhất của “Tây Lương… bò quốc” nhà nó phải quần quật đi cày, đi bừa. Vào cữ gieo sạ, mẹ Ròm bị “khai thác” đến giơ xương. Mẹ còn giơ xương, biểu sao con có thịt???
   Vậy nên nguyên một thời ôm vú mẹ, con Ròm trông chán lắm. Cũng nhờ vậy mà đám lái bò chê, trả rẻ bèo nên mẹ tiếc, không bán. Kệ, bỏ thí, nuôi cầu may…, mẹ bảo. May thật; cai sữa được năm, gặp mùa mưa chăng(3), cỏ tốt, Ròm ta đột ngột mướt ra, phát ụ phát sừng, lớn phổng! “Bản năng đàn ông” khiến nó lập tức tự phong chức đầu đàn, bệ vệ đi trước, dẫn đầu cả đoàn bò cái lúc thúc theo sau – kể cả mẹ nó! Trời thương rồi! Mẹ mừng, cười híp mắt. Mẹ không biết; chứ nó còn híp mắt gấp ba. Lùa bò ra khỏi nhà, chờ khuất bóng mẹ là nó một nhún chân bay ngay lên lưng con Ròm. Ngồi thoải mái trên tấm lưng rộng, bằng chặn như tấm thớt, nó tay ôm ụ, tay hươi roi, chân thúc gót, miệng “hầy, hầy” theo nhịp nhún nhẩy cho con Ròm đi nhanh hơn. Ròm có nghe lời nó mà đi nhanh hay không nó không quan tâm. Được đàng hoàng ngồi lưng bò vô tới bãi chận là xem như đã được “phục hồi danh dự”, một bước nên ông. Phải; lưng con Ròm, cái ngai danh dự ấy, qua sông nó cũng nhất định không rời; cứ ngồi lì ôm ụ cho con Ròm bơi qua, mặc kệ quần áo ướt mem! Không sao. Lần đầu tiên nó được nếm trải cảm giác oai vệ của một ông chận bò đúng nghĩa, phải lứa bằng vai cùng lũ bạn có bò lai thường ngày vẫn ta đây làm chảnh! Giờ hết phách lối nhé; ta có Ròm rồi…
   Nó cúi xuống thầm thì, chia sẻ với Ròm. Con Ròm lắc lắc đầu, vẩy vẩy tai như không tán thành ý ấy. Thì vẫn! Ròm luôn thể hiện là một chàng trai trẻ (tuy phong độ có thừa nhưng) chững chạc và khiêm tốn. Kệ cho ông chủ uốn éo, lắc lư, dở đủ trò thể hiện ta đây trên lưng, nó cứ đường bệ, thủng thỉnh từng bước chân thậm thịch, vững đinh. Cũng phải thôi; sức vóc một con đực tơ lừng lững như Ròm – mấy mống bò lai to xác hàng xóm còn lem lép nhường đường không dám ho he – thì thêm ông chủ vài chục ký trên lưng có thấm gì…


3.
Tết.
Năm nay nghịch trời, tháng tám bão sớm. Lúa mới trổ cườm bị bão quật tơi, mất trắng mùa lúa. Thêm một vụ màu cuối năm dính lụt, thất bát. Xóm làng xác xơ. Nhà nhà lo mất Tết vàng mắt!
Nhà nó càng khốn. Lớn nhỏ bảy miệng ăn, gạo cơm trông cả vào năm hai vụ lúa. Tết nhất trông vào vụ màu. Giờ lúa mất mà màu cũng chẳng còn. Ba mẹ gầy tọp, hõm mắt. Đêm nghe mẹ trở mình trằn trọc, chốc chốc thở dài…
   Bán con Ròm thôi, mẹ thở hắt. Nó nghe, sững một giây, rồi mếu máo: Không! Con không cho bán con Ròm. Con không… Mẹ quắc mắt: “Không bán nó, bán… mầy chắc? Không bán – tiền đâu ăn Tết? Gạo đâu ăn ra giêng? Còn tiền trường, tiền sách vở cho chị em bây…”. Nó xụi lơ, như trái bóng lủng. Ăn Tết ư, nó nhịn được; nhưng còn… đi học? Không; không thể! Nó không muốn nghỉ học; chắc chắn rồi…
   Biết vậy; nhưng mà… đau lòng! Nhất là khi nó vừa mở mặt mở mày với đám “chiến hữu” chưa được bao lâu. Nhất là khi nó với Ròm ngày càng thân; thân đến mức như… anh em! Ai nói “ngu như bò”? Giờ có ai dại dột văng câu thành ngữ (dở hơi!) ấy ra nó nhất định cãi; cãi tới chết! Hiền, ngoan, nhưng rất khôn, ấy là Ròm. Từ ngày Ròm lớn khôn, chuyện chận bò với nó hết còn là chuyện “khổ sai”. Bắt ve, rận mỗi bữa. Dắt ra sông tắm chiều chiều (tắm cả bầy luôn; nhưng Ròm được “biệt đãi” nhất). Đương nhiên, Ròm cũng không phụ công người anh em. Ngoài chuyện “vô tư” vắt vẻo trên lưng, Ròm còn thay nó “tổng quản” bầy bò cái nhà đâu ra đó. Vô núi cứ thoải mái chơi bời; đã có Ròm lo. Tổng quản Ròm nghiêm túc lắm; không khi nào ăn lẻ hoặc chạy rông bậy! Chiều, mặt trời gác núi là tổng quản đại nhân hếch mũi, nghểnh cổ rống ò. Nghe lệnh, cả bầy tự động tập trung nối đuôi, cung cúc theo đại nhân xuống núi. Còn nó, chỉ việc phốc lên lưng, hầy hầy thúc đít đại nhân rảo bước về nhà…       
Vậy mà giờ biểu nó chia tay con Ròm? Thà nói… trời sập nó nghe còn dễ chịu hơn! Kệ mẹ cùng ba thầm thì bàn chuyện bán mua, nó cứ đứng sững, chôn chân hóa đá, nước mắt chảy dài…
   4.
   Tiễn con Ròm, không chỉ mình nó khóc.
   Ba khóc. Rồi chị Hai. Rồi anh Năm. Khóc sắp lượt. Cứng cựa như mẹ mà tới phút cuối mắt cũng đỏ! Giờ mới té ra: Không nói; nhưng ai cũng thương, cũng quý con Ròm.
   Chưa hết; tới lượt Ròm khóc!
   Không ai tin nổi; nhưng đó là sự thực. Đầu tiên là cưỡng lại, không chịu ra khỏi chuồng, khỏi ngõ. Xưa giờ, chưa khi nào thấy con Ròm bướng bỉnh dường ấy. Mẹ giận, hết quát nạt lại bậm môi quất mấy roi lằn mông. Nó vẫn ì ra; rồi đột ngột… chảy nước mắt!
Ba giật roi, không cho mẹ đánh tiếp. Ba lại gần, bảo nhỏ: “Dỗ nó đi con…”. Nó quệt nước mắt, tiến lại ôm cổ Ròm vuốt ve, gãi gãi mũi, thầm thì vào tai, rồi đột ngột phóc lên lưng người anh em: “Đi nào, Ròm…”. Con Ròm ngửa cổ rống ò, miễn cưỡng từng bước ra ngõ. Vừa đi nó vừa ngoái nhìn chuồng. Và vẫn chảy nước mắt…

5.
“Ông Hai ơi! Ông Hai có nhà??”. “Ơi! Ai kêu gì? Trời, anh Tư, chi mà hoảng??”. “Con Ròm…”. “Sao, con Ròm sao?”. “Nó… bứt dây sổng mất rồi! Tui lên anh coi nó có về chuồng??”. “Chết cha, hông thấy. Để tui kêu thằng An. Ủa, mà thằng An chận bò từ sớm bên sông…”.
Chuồng bò trống trơn. Ba mươi Tết. Nhà nhà, người người đang lui hui tối mắt cùng những chuyện cuối cùng trong năm. Suốt sáng, ông Tư thất thểu chạy sang làng trên xóm dưới. Ba nó cũng thất thểu không kém. Còn hỏi: “Bò mới bán, lại chỗ quen. Tìm không ra, mình cầm tiền nuốt sao trôi???”.
Trưa. Rồi chiều. Mọi nỗ lực đều vô vọng cho dù nó đã đích thân ra tay sục sạo. Con Ròm khôn lắm; trốn đâu nghe tiếng nó thể nào cũng ra. Vậy mà không tăm hơi. Ông Tư gần khóc. Còn mẹ; mẹ thắp hương vái đủ bốn phương tám hướng. Lên nhà trên vái ông bà. Xuống bếp vái cả ông Táo. Nghe tiếng mẹ khấn, đứt quãng, lầm rầm: “Lạy các đấng linh thiêng phù hộ cho con Ròm bình an… Thôi, Ròm; tao không bán mày nữa; đâu thì về đi con…”.
6.
 Mẹ vái thiêng. Ròm về thật.
Nửa đêm; ba ra bỏ rơm nghe tiếng lịch kịch, phì phò. Cái bóng đen lừng lững ngoài chuồng đang lén chúi đầu vào máng rơm ngoạm lấy ngoạm để. Con Ròm!
Nghe tiếng ba kêu, cả nhà nhất loạt đổ ra. Đúng con Ròm thật rồi. Thêm lần cả nhà chảy nước mắt! Nó ôm cổ Ròm mà vuốt ve, hôn hít. Ba mở róng; cả bầy bò cái xô đến bên Ròm. Khịt mũi, cọ đầu, sừng khua lộc cộc thấy thương! Mẹ bảo, thôi, mai đem tiền trả ông Tư, Tết này mình… nghỉ ăn, ra giêng tính sau. Nói năng với “các đấng” không thể đùa... Ba cười, không sao, quà Tết cho đồng bào bị thiên tai tui mới nhận kìa; ăn tiết kiệm chút. Ra giêng mình tính cách vay ngân hàng chính sách. Để con Ròm nuôi lo việc cày kéo, cho mấy con bò cái đẻ con… Mẹ gật. Cả nhà cùng gật theo cung cách nhất trí cao. Mừng!
… Có một chi tiết phụ bên lề cuộc “đào tẩu” của con Ròm mãi sau này nó mới hay: Con Ròm đã nấp cả ngày nơi bụi tre rậm gò Quéo, cách nhà chỉ độ trăm thước; nhưng ai kêu nó cũng nhất định không ló mặt; chờ tối mới mò về! Biết vậy; nhưng nó chẳng dại gì kể với mẹ. Cứ để mẹ tin con Ròm về được nhà là nhờ “các đấng”, có khi lại hay…
Y NGUYÊN
__
(1) Lao: Bị suy nhược (phương ngữ Phú Yên).
(2) Chận: Chăn (phương ngữ Phú Yên).
(3) (Mưa) chăng: (Mưa) rải đều và chừng mực (phương ngữ Phú Yên).

(Theo ĐP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét