TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

* CÁI ĐÈN DẦU - Tùy bút của Kim Phủ



Ở mọi vùng nông thôn cùng các chợ xã trước và sau năm 1975 của thế kỷ trước đa phần là xài đèn dầu trong sinh hoạt về đêm.
Quên làm sao được những loại đèn thông dụng ấy. Nào là đèn chong tròng ống khói hột vịt, đèn cóc, đèn bão… tỏa ánh sáng lung lay yếu ớt. Sáng hơn có đèn tây, đèn tọa đăng (thường gọi là đèn A, B, C). Khi trong nhà có đám tiệc thì đốt đèn bơm (đèn măng xông), đèn khí đá… tỏa sáng một vùng quê nghèo.
Thuở nhỏ, cứ chiều chiều là cha tôi bảo châm dầu lửa (dầu hôi) các đèn cho đầy. Chùi ống khói. Khượi bỏ muội tim (mồ hóng đèn) đóng cục. Thổi sạch bồ hong bu rớt. Kéo tim ngay thẳng, tránh co tim đùn tim khi vặn thông cốt, để thắp lên sáng sủa nhà cửa. Phải để các loại đèn đúng vị trí cần tìm, đừng đụng đâu để đó.
Cái đèn “măng xông” đứng đầu bảng, chỉ có những nhà khá giả hoặc có nhu cầu thiết yếu lắm mới mua sắm. Giá cả lúc đó đâu khoảng “tám, chín trăm đồng” một cái đèn. Đèn được nhập từ Đức từng đợt với các hiệu: “Pétromax”, “Solar”, “Aiđa”… Được các anh mua sắm treo ngoài đồng lúc ba, bốn giờ sáng để bứng lúa đêm (bứng lúa giâm, cấy sang lúa mùa). Hoặc trời tối đội đèn ra đồng quất chim, cúm núm (gà nước)… Hễ trong xóm nhà ai có nhu cầu thì mượn qua mượn lại trông nó sang trọng lắm.
Vui nhất là nhà có đám giỗ, đám cưới bà con tụ hội. Chỉ phải châm dầu lửa đầy bình, cái măng xông mới cột vào rồi bơm đốt thoải mái. Mình nôn nao chờ đợi suốt cả chiều, đến trời chạng vạng liền xách xuống bơm hơi đến vạch kim đỏ, rồi bật nút châm lửa mồi. Nghe tiếng khò… khò… rộn rã vui tai, chừng vài phút để đốt nóng cây cốt và chín dầu… Rồi vặn nút từ từ cho qua lửa tỏa xuống măng xông, đèn được treo lên giữa căn nhà sáng hực sinh động.
Quanh chiếc đèn tây, đèn tọa đăng tỏa sáng trong cảnh gia đình quây quần vui vẻ. Mọi người ngồi nhâm nhi chung trà bàn công việc làm ăn ngày hôm sau. Dưới ánh đèn đêm trẻ em ê a đọc bài cùng thưởng thức dĩa khoai rổ bắp luộc thơm nóng, hay bên mâm cơm chiều muộn, gợi nét sinh hoạt văn hóa trong căn nhà Việt.
Rồi đến trời sa mưa đầu mùa, cái đèn măng xông ấy cũng nổi trội trên ruộng đồng, cộng với đèn khí đá, đèn mo… để soi cá, bắt ếch. Cái đèn bão, đèn chai, đèn hộp rất tiện ích. Là người bạn thân thiết trong đêm trường dành cho chú bác ngồi câu tôm trên xuồng hay thả câu giăng lưới. Dưới hàng bần gie rậm tàn lung linh ánh sáng chớp tắt dưới bụng của bầy đom đóm đậu vui mắt…
Thuở còn thuộc Pháp, dầu lửa rất hiếm, đắt. Có ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu mù u chập chờn lắm khói. Trái mù u lượm về, đập vỏ lấy hột xắt lát phơi khô, (cách chế biến ấy mau lẹ) xỏ xâu lại để đốt. Lúc lượm nhiều bà con tự nấu, ép lấy dầu đựng vào chai cả lít để đốt dần. Các bà lão đi lượm riết rồi thành danh, có câu: “Bà già đi lượm mù u. Bỏ quên ống ngoáy chõng khu la làng”. Các bà, các chị đi lượm hàng ngày mòn gốc mòn đường.
Nhớ làm sao cái đèn cóc, đèn chong của mẹ. Mẹ ngồi chong đèn trong những đêm hôm khuya khoắc để têm trầu ngoáy trầu… Mẹ ngồi trên bộ ván ngựa bỏm bẻm nhai trầu, hương trầu cau tỏa ra trong đêm ấm áp. Rồi lọ mọ khâu vá đồ rách. Sàng, sảy gạo lượm thóc; Canh cửa nẻo ngăn bọn trộm bắt gà, cắp vặt… Chiếc đèn cóc ấy theo mẹ đến chợ để soi đếm mặt hàng. Bày bán lẻ các thứ trái cây hái từ vườn nhà.
Nhộn nhịp nhất là quang cảnh họp chợ đêm. Các cửa tiệm hắt đầy ánh sáng trắng chói chang của đèn măng xông ra đường. Dãy thớt thịt, sạp, quán treo đèn khí đá lủng lẳng. Các bạn hàng thì xách đèn bão, đèn cóc tới lui lựa hàng trả giá. Tiếng cười nói ồn ào làm cho không khí hết tĩnh mịch. Phố chợ được ăn nên làm ra, duy trì được cuộc sống của bà con trong việc bán, mua hàng hóa, có phần lớn của cái đèn dầu ấy mà sung túc sinh tồn…
Đêm về, thiếu gì thì thiếu chớ không để thiếu dầu. Khi dầu sắp hết là mua về cả thùng thiếc “con sò” hai chục lít, kéo ra chai để xài dần. Nhất là nhà có đám tiệc, hay vào vụ mùa cộ lúa đạp lúa, xay lúa giã gạo phải chuẩn bị trước. Cứ đêm về là mùi dầu, mùi khói bám quyện hơi thở của mình, gợi nhớ một thời!...
Rồi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước cảnh thanh bình hiện trên quê hương ghi dấu ấn lịch sử tươi đẹp nhất. Cứ chiều chiều trong các cuộc họp xóm, ấp. Hay đi xem hát cải lương, chiếu bóng là bà con trong xóm tranh thủ xách đèn theo để đi. Hoặc thường đêm dự lớp học Bổ túc văn hóa ai cũng hăng hái hưởng ứng cầu tiến.
Nói chung, cái đèn dầu ấy nó không mang tiện ích nhiều như bóng đèn điện, nhưng bền chặt theo thời gian vào tâm hồn nhiều thế hệ. Vào thơ, văn, nhạc, họa kéo dài hàng bao thế kỷ, từ thuở các thời kỳ đấu tranh dựng nước!
***
Giờ đây, cái đèn dầu không còn thông dụng như xưa nữa. Ban đêm có ánh sáng của đèn điện chan hòa xóa cảnh tối tăm. Bao tiện ích về điện góp phần lớn trong công cuộc dựng xây đổi mới… Trải qua bao thăng trầm, mình còn giữ cái đèn dầu để thời phụng. Thường châm dầu, thay tim, ống khói như nét quen để đốt đèn nhang cúng kiến thường nhật mỗi sáng mỗi chiều. Hầu giữ lại nếp xưa hồn cũ của tổ tiên!...
KIM PHỦ
_
( theo ĐP)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét