TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

* KÝ ỨC TUỔI THƠ - bút ký Hướng Dương



Thời gian cứ trôi mãi, không chờ đợi ai. Nhưng ký ức thì vẫn còn ở lại trong tâm hồn mỗi con người, không bao giờ mất. Cái ký ức thuở còn thơ dại, thỉnh thoảng lại hiện về với bao buồn vui, nông nỗi của cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng lại rất khó dạy khó bảo.
    Tôi nhớ lúc nhỏ còn chín, mười tuổi. Trời trưa nắng chang chang. Người già thì mệt mỏi ngả lưng trên võng nghỉ ngơi, tay phe phẩy quạt. Nhưng đối với bọn trẻ nhỏ chúng tôi, làm gì có chuyện ngủ trưa đó? Trong khi tiếng dế còn gáy vang ngoài đồng, theo gió ùa vào tận cả trong thị xã, như thôi thúc gọi mời những anh chàng háo thắng, đang chuẩn bị tay ống lon, hộp giấy, cùng rủ nhau ra đồng, bắt dế đá.

Chân không giày, không dép, đầu trần không nón nải chi cả, đạp đất cày, sục sọi tìm mấy chú dế đực hăng máu đang gáy vang đâu đó, như để răn đe các chú dế đực khác, chớ có mà xâm phạm lãnh thổ của mình. Mồ hôi nhuể nhại mà chẳng thấy mệt bao giờ. Bắt dế xong, còn lại tính chuyện khác nữa kìa!

“Đi hớt cá bảy màu, tụi bây ơi!”. Một đứa trong bọn tôi la lên. Thế rồi, lại qua tiết mục khác.

Ngày đó, dãy nhà lầu ở cầu sắt An Biên, thường là nhà sàn. Dưới sàn, là ao tù nước đọng. Cá bảy màu, không biết ở đâu mà về đây sinh sống rất nhiều! Ôi! Những chú cá bảy màu đực sặc sỡ mới quyến rũ làm sao với những cái đuôi dài, lấp lánh màu sắc hớp hồn cả lũ trẻ. Có đứa la lên: “Nó kìa, nó kìa! Con đó quá đẹp rồi, mau chận đầu lại dùm tao, đừng cho nó thoát!”. Rồi có đứa lại reo lên: “Dính rồi! Tao hớt dính rồi!”. Miệng thì la, còn ánh mắt nó lại ngời sáng lên vì hớt được cá đẹp như ý muốn.

Đúng là những ham muốn tầm thường, nhưng đối với tôi, những đứa trẻ mới lớn, những sự ham muốn đó bỗng thật to tát, không gì sánh bằng mới lạ!

Có những chuyện vô cùng nguy hiểm như leo cây bắt tổ chim chẳng hạn, cũng không chừa. Mấy cây còng trong trường Thủ Khoa Nghĩa, cây nào cũng cao bằng cả tòa nhà hai, ba tầng, thế mà vẫn không sợ. Vẫn cố leo lên cho bằng được để bắt tìm trứng chim, bởi nghe nói, ăn trứng chim sống rất bổ (mà chưa hiểu nó bổ vào đâu?). Trong khi nút trứng chim vào miệng, vẫn thấy một vị tanh ói, mà cố nuốt vì nó... bổ!

Eo ơi! Nhớ lại bây giờ đã ba bốn chục năm trôi qua, mà tôi vẫn còn rùng mình, sởn da gà, rợn tóc gáy. Chắc cũng nhờ ông bà khuất mặt hộ độ cho con cháu ngu ngốc hay sao đó, chớ mười phần, thấy chết đã chiếm hết chín phần rồi! Chim nó rất khôn, chỉ chuyên làm tổ ở các nhánh cây ngoài rìa, rất mỏng manh. Nơi dễ gãy, và khó mà bị quấy rầy cho được. Thế mà vẫn không khỏi tay các lũ ranh con nhiều xảo kế: Nếu trèo ra không tới, thì dùng cây, móc vào là xong. Nếu cây gãy thì chắc rằng vào nghĩa địa mà an nghỉ vĩnh viễn ngàn thu, chớ mong gì sống nổi bởi độ cao cách mặt đất chỉ có hai ba chục mét.

Rồi những buổi trưa hè oi ả, chơi trốn tìm (năm, mười...), chơi đẽo on, chơi đánh đáo v.v... cứ tiếp diễn mãi. Mặc cho cha mẹ đang đầu tắt mặt tối với cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền. Chúng tôi vẫn không màng tới.

Nhớ có lần mê chơi đẽo on mà quên cả mặt trời đang lặn dần, quên cả ngày mai là một ngày quan trọng nhất: Thi vào lớp sáu, lên bậc Trung học. Mẹ tôi phải xách cây roi ra tận đầu ngõ, quất cho mấy roi đau điếng, mới chịu giật mình, chạy vào nhà ôn bài thi.

Nhớ thêm những ngày cặm cụi bên giấy màu, làm những chú diều ngộ nghĩnh, vẽ thêm mắt mũi, đôi tai đeo thêm những vòng giấy vui mắt, sẽ phất phơ trong gió làm người xem trầm trồ ngợi khen. Rồi ngắm nghía, phê bình diều này dễ thương, diều kia bay cao, bay thấp v.v... Đúng là những tháng ngày hạnh phúc, mà bây giờ đâu dễ gì tìm lại được.

Ký ức ghê sợ nhất là vụ lội qua sông mùa nước nổi. Đùa giỡn với thủy thần cũng như tử thần! Bởi đầu óc còn non nớt, cứ nghĩ là biết lội rồi, thì sợ gì sông nước.

Từ bờ sông Châu Đốc, bên đây sông Hậu, mấy đứa nhỏ thách nhau: “Ai lội qua sông đến bên bến đò Cồn Tiên, lên được bờ, tao mới phục, mới là anh hùng đó!”. Thách nhau rồi, cùng cởi áo, hùng hổ lội qua sông.

Đang mùa nước lớn, nước chảy thật xiết từ Campuchia đổ về cuồn cuộn, phù sa đỏ cả trong nước. Ban đầu mới lội còn thấy ham lắm. Mát mẻ, sức đang sung! Ngờ đâu, chưa gì đã lội ra đến nửa sông, nơi dòng nước đang chảy mạnh nhất, khiến cơ thể dần cảm thấy đuối sức, như bị chuột rút. Cả bọn bị trôi dần về phía hạ nguồn. Nhưng vì sỉ diện, cả bọn vẫn cố bơi vào bờ. Đứa nào bơi không nổi, thì thả tàu cầu may, nhưng vẫn thầm tự nhủ: “Thà bỏ mạng, chớ không bỏ cuộc!”. Cũng may là các bậc cha mẹ không hề hay biết. Nếu không, cũng sẽ lên huyết áp mà chết mất đi thôi, vì những đứa con anh hùng... rơm này?

Ký ức cuối cùng đáng buồn cười nhất, là bú vú mẹ, lúc đã đi học lớp năm, lớn bộn.

Chuyện là như vầy: Mẹ tôi đẻ em bé, cho bú sữa mẹ. Nhưng vì mẹ có sữa quá nhiều, thường căng bầu vú rất khó chịu, em bé thì bú không hết. Mẹ năn nỉ tôi bú sữa cho vú mẹ bớt căng đau. Tôi nói: “Thôi! Con không bú đâu, lớn rồi ai mà bú sữa mẹ nữa!”. Mẹ cố thuyết phục: “Bú cho mẹ đi con. Hồi nhỏ con cũng bú vú mẹ chớ có gì đâu mà mắc cỡ. Bú hết hai bên mẹ cho tiền ăn bánh liền và không cho ai biết đâu”.

Và không biết, vì thương mẹ hay thương tiền, mà tôi nghe lời mẹ ngay. Như vậy, mới là con ngoan chớ bộ!

Qua rồi những ký ức tuổi thơ. Có lúc êm đềm và có lúc cũng dữ dội khiến phải giựt mình. Nhưng dù muốn hay không, nó vẫn sống trong tôi mãi mãi.

HƯỚNG DƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét