Đến kỳ Châu Đốc nhận tiếp các đoàn nhiếp ảnh các đơn vị bạn đến giao lưu ảnh nghệ thuật nhân lễ hội Vía Bà chúa xứ Núi Sam. Tôi cùng Ban chủ nhiệm câu lạc bộ nhiếp ảnh họp bàn việc chọn điểm để các đơn vị bạn đến chụp ảnh, có anh chọn Núi Sam đang vào cao điểm lễ hội, có anh bàn hay là qua Châu Giang chụp ảnh sinh hoạt người Chăm, hoặc vào Tri Tôn chụp ảnh điệu múa Dìkê của người Khmer. Cuối cùng chúng tôi thống nhất chọn hai điểm là chụp ảnh người Chăm Khánh Hòa- huyện Châu Phú và rước đoàn múa Dì kê Tri Tôn đến Núi Sam.
Đến ngày giao lưu các đơn vị, sau khi tổ chức xong lễ khai mạc triển lãm ảnh nghệ thuật giao lưu của bốn đơn vị, chúng tôi hướng dẫn các đoàn bạn đi chụp ảnh tại hai gia đình đã chọn. Vì số lượng các nhà nhiếp ảnh khá đông (gần 50 người) chúng tôi phải chia ra làm hai nhóm một đến nhà Sarizah, một đến nhà anh tổ trưởng. Tôi cũng tháp tùng đến nhà Sarizah, có gần hai chục tay máy đang sẵn sang ghi những bức ảnh của cô gái Chăm rất đẹp, rất hiền là thành viên trong đội văn nghệ của ấp của xã. Các anh em nôn nóng chờ cô trang điểm, ai cũng vui và hồi hộp…
Tôi nhớ lại mấy tháng trước đây, nhân dịp Lễ hội người Chăm An Giang tổ chức tại Khánh Hòa, có nhiều đội ca múa người Chăm đến tham gia biểu diễn phục vụ bà con, trong đó có Sarizah, cô mặc áo choàng đen, quàng khăn thêu rất lộng lẫy và sáng sân khấu, tôi cố đưa ống kính để chụp thì gió lùa tới, cơn mưa bất chợt ào tới các đoàn phải tạm nghỉ, thật tiếc, không ghi hình được cô gái Chăm xinh xắn mà có lẽ giọng ca trầm ấm, ngọt ngào sẽ làm run động khán giả. Một lát sau, trời tạnh, các tiết mục tiếp tục lên sân khấu, tôi hồi hộp theo bám hình ảnh cô gái chăm xinh xinh kia.
Sau tiết mục biểu diễn, tôi lân la hỏi chuyện SariZah:" Em diễn đẹp, hát hay, em có tham gia đi diễn ở tỉnh không?". Cô ấy bẻn lẽn nhìn tôi mang máy chụp hình, chân máy lỉnh kỉnh, chắc cũng biết đang đi săn ảnh đây, cô cười nói nhỏ nhẹ:"Dạ, em có tham gia cùng đội văn nghệ của xã đi thi văn nghệ quần chúng trong hội diễn văn nghệ khóm ấp văn hóa"." Em có đạt gỉaỉ không?"." Dạ, đơn vị của em đạt giải nhì toàn đoàn, còn em thì...". Nhìn em cười chúm chím, đôi má như hồng lên không phải do lớp son phấn trang điểm mà nó biểu hiện sự phấn khích khi nhắc tới việc vui mừng."Dạ, em được giải A đơn ca". " Hay quá, chúc mừng em nha". " Dạ, cảm ơn anh". Trả lời chỉ thế rồi em loay quay bước lên sân khấu giới thiệu tiết mục tiếp theo của điệu múa" Tiếng trống Baranưng" của đội văn nghệ của xã biểu diễn.
Chúng tôi treo một tấm phông phía sau màu đen làm nền cho việc chụp chân dung. SaRiZah bước từ từ ra, hàng chục cặp mắt đổ vào, xinh quá, đẹp quá, có nét lắm, các tay nhiếp ảnh xì xào rồi cũng im lặng chuẩn bị thu ảnh. SaRiZal ngồi xuống sàn nhà, ánh sáng nhè nhẹ từ cửa đủ soi vào khuôn mặt xinh xinh có chút phấn hồng, đôi môi đỏ nhạt, cặp mắt long lanh, chiếc áo tím nổi lên phông màu đen làm rực thêm khuôn mặt và ánh mắt.
- Xoay qua phải một tí đi em, các chị nhiếp ảnh xoay xoay vai em rồi sửa đầu hơi nghiêng, gạt vài sợi tóc xòa trên trán…
- Đổi thế ngồi đi em, xoay ra cửa nhà một chút nhé! Đến phiên các anh nhiếp ảnh chỉnh sửa người mẫu. Em cũng vui làm theo sự sắp xếp của các anh, các chị.
Tôi nhìn vào ống kính chuẩn bị chụp thêm vài bôi ảnh, tôi bổng thấy lòng bồn chồn, vài giọt mồ hôi rỉ trên trán, có giọt lăn tăn chảy xuống má. Cả tiếng đồng hồ rồi, ngồi thẳng, ngồi nghiêng, quay qua trái, quay qua phải, ngước lên, nhìn thẳng, nhìn xiêng…em đã mệt lắm nhưng phải cố gắng.
Như phát hiện những giọt mồ hôi, một chị lên tiếng cho Sarizah tạm nghỉ để trang điểm lại. Tôi thở phào, mình cũng cần nghỉ, uống chút nước huống hồ em phải ngồi quá lâu…
Em lại tiếp tục ngồi để các anh chị ghi hình. Tôi thấy em mũm mĩm khi có chị nhắc em ngước lên một chút, mắt liếc sang trái, kéo chiếc khăn xuống vai…Em làm theo, mọi người bấm máy lách tách, có anh nằm cả trên sàn hất ống kính lên, có anh bắt ghế cao lên ở trên chụp xuống, có chị quét ngang vai…Tôi cũng tiếp tục bấm một vài kiểu rồi đậy ống kính máy, có điều tôi thấy ray rức vì khi tôi ngắm thẳng vào khuôn mặt dễ thương, tôi bắt gặp ánh mắt lung linh và cả quyết, ánh mắt bám vào ống kính máy của tôi, tôi không thể bấm máy được. Một ánh mắt như những tia sáng ngoài cửa hắt vào mỏng manh, dìu dịu mà sâu thẳm.
Tôi nhớ lại những câu chuyện kể của Tâm anh bạn đồng nghiệpvề những ràng buộc của người Chăm khi các cô gái mới lớn, được mẹ chăm sóc kỹ lưỡng và quanh quẩn trong nhà học nấu ăn dệt vải không được tiếp xúc với ngưới lạ nhất là nam, tối đến mới ra bờ sông tắm giặt. Có chàng trai người Kinh vì quá ngưỡng mộ sắc đẹp của cô gái nên bặm gan lặn xuống nước đến gần cô gái đề nhìn cho rõ hơn. Có chàng bị bắt gặp phải đến nhà cô gái xin lỗi và có người tình nguyện ở lại làm rể nhà gái theo phong tục quy định.
Nghe vậy, tôi hỏi Tâm:" Ông kể chuyện như thật, có phải ông chứng kiến hay không?" Tâm cười nhẹ:" Chuyện của tui nè ông ơi, mấy ông hay nghi quá!". Lần nọ, tôi mời Tâm đi nhâm nhi để nghe Tâm kể về câu chuyện quen với cô gái Chăm khá thú vị, Tâm từ chối bảo hôm qua tiếp khách của cơ quan nên mệt, thôi vào quán cà phê "trầm" một lát được rồi. Tâm và tôi vào cái quán ven đường có cây kiểng xanh tươi, gió sông phơ phất, hai đứa nhâm nhi cà phê đá nghe mát cả người. Tâm bảo: " Tôi dặn ông chuyện này nghe, không được kể lại cho ai biết nhé,". Tôi hứa: "Ừ, mình là bạn chí cốt tôi hỏng có " thày lay" đâu". Tâm nói:" Cách đây hơn 5 năm, mình về thăm nhà ông chú họ, nhà cất quay mặt qua con kinh thần nông, bên kinh không xa lắm là dãy nhà cửa cũng nhá nhem, đang lội bì bỏm, nhìn sang bên kia bờ kinh, thấy có ba bốn cô gái Chăm chuẩn bị xuống tắm, có mấy bà mẹ ngồi trên bờ trông chừng. Nhìn những gương mặt trắng trẻo, xinh xinh, dưới lớp khăn choàng trễ xuống vai ôi đẹp làm sao! Tôi hình dung những nét đẹp hút hồn này cũng có thể sánh với những nữ minh tinh màn bạc Ấn Độ mà tôi rất thích, nhất là những điệu múa nhịp nhàng quyến rũ
Tôi quên lời dặn của ông chú:" Tắm sông không được bơi ra xa, coi chừng bị dọp bẻ hay bị mấy con" ma da"( loài bạch tuộc) kéo chân là chết nghe.".Tôi giả đò bơi ngửa " thả bè " ra giữ kinh. Thấy tôi thì thụp trên mặt nước, các cô ngại tắm, định lên bờ, có cô gọi lại : " Thôi kệ anh chàng khùng đó đi, tắm không lo tắm cứ " thả bè" làm như mới biết lội sông". Các cô cười đua với nhau nhưng không quên kéo cái khăn choàng che hết nửa khuôn mặt. Thật tiếc quá, bơi hơn nửa kinh, tiếp cận được các cô mà lại bị " che khuất tầm nhìn " thì uổng công rồi.
Có tiếng gọi của các bà mẹ trên bờ, lần lượt các cô gọi nhau lên, có cô còn ngoáy nhìn lại coi tôi có bị" chết chìm " không? Tôi bắt gặp một ánh mắt thật dịu dàng, thật sâu thẳm, thật lưu luyến nhìn về phía tôi. Tôi lội lên bờ khi các cô lẩn khuất dưới mái nhà sàn. Thật tội nghiệp, tôi" bị chết chìm" do nét duyên bí ẩn của các cô chớ có chìm xuống sông đâu, tôi biết lội mà.
Khi đã lên bờ, thay quần áo, chú tôi kêu tôi ngồi nói chuyện, chú hỏi thăm chuyện học hành, cuộc sống của tôi, chuyện tình cảm của tôi, tôi thưa với chú tôi đã đi làm hơn hai năm rồi, chú rất vui, rồi chú khuyên tôi chân tình chuyện làm quen mấy cô gái Chăm, nhiều câu chuyện trước đây mà chú nghe được là khó có sự kết thân với nhau được, bởi lẽ hai dân tộc có phong tục, tập quán khác nhau, sự đồng cảm chưa mặn mà. Nếu chấp nhận cưới xin thì cháu phải ở rể đấy, học tiếng nói của dân tộc Chăm rồi tuân thủ theo nghi lễ người Chăm..., trước giờ hiếm có cặp hôn nhân giữa người Việt và người Chăm". Tôi gật đầu, dạ cháu hiểu.
Đêm đó, trằn trọc mãi ngủ không được, ánh mắt, khuôn mặt cô gái Chăm luôn ám ảnh tôi. Bên bờ kinh xa xa có tiếng trống chùa người Chăm tiếng gió thì thào thân thương phả vào mặt tôi và dội vào không gian... không hiểu trái tim tôi bị run động điều gì, mà đi đâu cũng nhớ, rồi tiếc thương.
Mấy hôm sau, khi trên đường về thăm chú lần nữa tôi bắt gặp ba bốn cô gái Chăm đi chợ về mua một số hàng và mỹ phẩm, tôi bặm gan chạy đón đầu các cô í ới lách xe đạp tránh ra. Tôi dừng xe và xin lỗi quấy rầy các cô. Trong nhóm có một cô chừng quen quen, bỗng một ánh mắt nhìn tôi như thân thiết...phải rồi, ánh mắt cô gái Chăm chiều nào lo lắng cho tôi, ngại cho tôi không biết lội mà xuống tắm sông !
Tôi bạo dạn mời các cô vào quán cà phê nghỉ chân một chút, các cô từ chối, bảo nhà đang chờ, còn phải về dệt khung vải làm khăn nữa để kịp giao cho khách hàng. Tôi bắt chợt một ánh mắt nhìn tôi trìu mến như hứa sẽ có " cái hẹn". Các cô đạp xe đi và còn ngoái lại : " chiều nay đừng tắm sông nữa nghe, có" ma da" đó. Nó rút chân xuống là" chết chìm", uổng cuộc đời chàng thanh niên đẹp trai, các cô gái sẽ hối tiếc lắm...".Các cô đi rồi, tôi vẫn nhìn theo mãi.
Một hôm khi đi trên phố, chuẩn bị về nhà, thấy có bóng dáng hai cô gái Chăm đi về phía bến đò, tôi chạy theo,vì không quen đường bạn gái đạp xe hơi loạng choạng và ngược chiều nên va vào chiếc xe lôi đạp chở hàng, bị anh đạp xe lôi cằn nhằn đòi bồi thường vành xe bị cong. Tôi trờ tới đỡ xe lên ngay ngắn và nói nhỏ với anh" Thôi bỏ qua đi anh, các cô không rành đường nên va vào xe, để tôi dẫn tới chỗ sửa xe sửa lại cái vành nghe" " Anh ta bớt gay gắt khi nghe tôi nói vậy, cùng tôi dắt chiếc xe vào chỗ sửa xe bên lề. Anh còn nói như chưa hết giận:" Con gái gì không ý tứ, chạy xe không dòm trước dòm sau". Nhìn thấy hai cô biết lỗi, hai cô kéo khăn thấm những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, biết hai cô gái Chăm ít khi chạy xe ra phố nên anh thông cảm không nói " nặng nhẹ" gì nữa. Làm xong việc sửa chữa xe của anh xe lôi đạp và cái thắng xe đạp của hai cô gái Chăm. Tôi mời hai cô vào quán nước gần đó. Sau một chút chần chừ, hai cô mới chịu theo vào ngồi trong quán nhưng rất ngượng ngạo. Một cô giới thiệu hai cô ở ấp Khánh Tân, mương kinh đào, một cô tên Rô Phi Ah, một cô tên Si Ti Ma Ri Yan. Nhìn khung cảnh quán một lát, Rô Phi Ah nhìn tôi, tôi bàng hoàng thấy ánh mắt quá quen, hỏi ra mới biết hai cô là những cố gái có lần tôi gặp trong buổi chiều xuống tắm sông, hai cô nói cám ơn tôi nhiều việc tôi giúp các cô không bị phạt vì chạy xe ngược đường và va quẹt vào xe lôi các cô nói chuyện nhỏ nhẹ và như thân thiện với tôi. Tôi mãi nhìn Rô Phi Ah nên không để ý hai cô xin phép về, gương mặt cô gái xinh làm sao, má tròn, mắt đen lánh, môi đỏ chúm chím... Tôi ậm ừ tiếc cho buổi gặp mặt quá ngắn, đứng dậy tiễn hai cô xuống bến đò về nhà. Hôm đó, tôi bỗng thấy vui lạ lùng, lần đầu tiên được nói chuyện với các cô gái Chăm.
Rồi những tuần sau đó,cuối tuần là tôi tranh thủ về thăm chú, lúc đầu chú mừng, bắt mấy đứa em lo những món ngon cho tôi cùng ăn cơm. Chiều lại tắm sông, đợi cho các cô xuống cầu ván bắt ra kinh giặt vội thau đồ, tôi " thả bè" sang, ngày càng gần hơn, có thể nói chuyện nghe được, tôi hỏi Rô Phi Ah có khỏe không, cô không trả lời chỉ cưởi mĩm. Một lát sau các cô lần lượt lên bờ. Tôi hỏi với theo:" sao tắm nhanh vậy, giặt đồ chưa sạch đâu!". Rô Phi Ah nói khẻ:" Mạ kêu lên bờ không cho...nói chuyện... với người lạ...". " Người quen mà...". " Hỏng quen, tạy mor ai...( em ghét anh), nhưng ai...nặm...tạy ( anh thương em). Cô ta ngoáy nhìn rồi bỏ lên bờ chẳng nói câu nào nữa. Tôi hỏi Tâm: " Cậu nói tiếng Chăm được hả?". Tâm bảo: " chút ít, do thằng cháu con chú dạy, bập bẹ mấy câu thôi hà, đại khái là để làm quen với mấy cô gái đẹp kia."
Tôi muốn biết chuyện làm quen của Tâm đi tới đâu, nên giục Tâm: " Anh nói tiếp đi, hai người có dịp nào gần nhau nữa không?". Tâm lắc đầu: " Khó lắm anh bạn à, chúng tôi gặp nhau qua ánh mắt, quen nhau qua ánh mắt, nhớ nhau qua ánh mắt , và cũng chia tay qua ánh mắt...". " sao ạ?". " Lần cuối, gặp nhau bên đầu cầu gỗ bắc qua kinh, bên xóm Chăm chuẩn bị vào tết Royal phik Trok trong tháng ăn chay Ramadan, cô Si Ti Ma Ri Yan gặp tôi mời sang dự buổi cơm với người Chăm , cô còn nói Rô Phi Ah sẽ thiết đãi tôi món cơm nị, cà ri, cà púa và món tung lò mò ( lạp xưởng) cô ấy nấu nướng khéo lắm! Hôm đó, tôi tìm mãi không thấy Rô Phi Ah đâu chỉ thấy các cô trong trang phục đi lễ, khăn che mặt theo dòng người đến nhà thờ người Chăm. Sau đó, tôi phải đi dự lớp bồi dưỡng môn ngữ văn ba tháng ở tỉnh nên không về thăm chú và đi tắm sông như mọi khi. Hai tháng sau, thằng Hùng em người chú điện cho tôi hay là sắp đám cưới của Rô Phi Ah rồi,chú rể là người cùng làng Chăm. Tôi buồn rã rượi, không ôn tập nên lần kiểm tra bài bị dưới trung bình phải thi lại. Tôi dấu bạn bè, cả phòng trọ tưởng tôi bị bệnh nên hỏi han an ủi, trong đó có cô bạn gái thân mà sau này là người yêu của tôi.
Tôi gằn giọng:" Chỉ có thế thôi, mà bạn lâm bệnh cả tháng hả?". " Chuyện tình cảm khó nói lắm bạn ơi, rồi bạn sẽ biết thôi... đến bây giờ tôi vẫn còn phảng phất dáng đi, tiếng nói, ánh mắt cô ấy, giá mà...". " Giá mà bạn chịu làm rể nhà cô ta thì bây giờ khác rồi phải không? ". " Biết đâu....".
Tôi trở lại nhà của Sarizah, mọi người đang dàn dựng để chụp chân dung của người mẫu, tôi cũng chuẩn bị máy, nhìn vào máy, lia qua nét mặt Sarizah tôi chùn lại, Ánh mắt của cô nhìn thằng vào tôi, mỉm cười, tôi tưởng chừng ánh mắt này là của Rô Phi Ah nhìn vào mắt của bạn Tâm ngày nào. Tôi không chụp nữa, tôi mang ánh mắt này vào tim của tôi rồi nên không cần phải " rửa ảnh" trưng bày nữa. Tôi biết, khi cuộc sống mới được chấp nhận ở cộng đồng người Chăm, các cô mới xuất hiện ở trong các đội văn nghệ của người Chăm phục vụ những ngày lễ và hội hè hình ảnh các cô cũng được phép phổ biến rộng hơn. Có những tấm ảnh được giải chân dung người Chăm trong cuộc thi ảnh toàn quốc, và một số ảnh được đưa ra nước ngoài cũng được giải. Còn việc có ai nhớ tới các cô gái người mẫu đâu, mà ngưới ta chỉ biết tác giả của tác phẩm thôi, tác giả thì nổi tiếng, mà cuộc sống của người mẫu như xưa!
Tôi đưa các anh chị nhiếp ảnh chụp say mê chân dung của các cô gái người Chăm... mình thì không dám chụp nhiều dù có mệt, ánh mắt đã thu hút cả hàng chục ống kính. Ánh mắt có sức lôi cuốn kỳ lạ với tôi. Tôi sẽ không quên được ánh mắt của em, sẽ nhớ nó và không đi xa hơn nữa, để ánh mắt đó thôi thúc tôi trên con đường làm nghệ thuật, cho mọi người thưởng thức cái đẹp, xin cảm ơn các cô gái Chăm .
ĐỖ PHU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét