Chuyến
đi thực tế sáng tác đến Châu Đốc đợt này khơi dậy trong tôi nhiều nỗi
nhớ. Chỉ khác vào những năm 60 của thế kỷ trước tôi theo ghe thương hồ
lênh đênh trên sông nước hàng tháng trời từ Tây Ninh đến Xà-Tón để buôn
nồi đất cùng gia đình người bác; rồi mười năm sau lang thang trên chiếc
Honda dam ghé ngang Long An, đến Tiền Giang, qua bắc Mỹ Thuận trực chỉ
Cần Thơ, xuôi về Châu Đốc … Mỗi nơi trụ lại một đêm bù khú cùng bạn bè
văn nghệ, chén tạc chén thù quanh chuyện thơ văn. Những tên người Ngô
Văn Tươi, Trần Duy Cang, Trần Hòa Nhã, Trúc Thanh Tâm, Trịnh Bữu Hoài …
người còn kẻ mất. Còn chuyến này, ngồi trên xe 15 chỗ ngồi, bon bon trên
đường láng nhựa thênh thang chỉ mất nửa ngày, tên người tên đất cứ lướt
nhanh theo tốc độ xe đời mới. Do vậy, nỗi nhớ càng miên man, dồn dập
hơn và hình như cuộc sống mỗi nơi xe lướt qua cứ bình thản trôi đi theo
dòng chảy từng con sông nhưng kỷ niệm vẫn in hằn trong ký ức.
Suốt
chuyến đi trong ký ức tôi vẫn cứ là tên người, còn cảnh vật, đặc sản
vùng sông nước mãi lềnh bềnh như lục bình bông tím bình thản thả theo
con nước lớn ròng. Xe đến Cái Bè – Tiền Giang đã nghe giọng nhà thơ Trần
Duy Cang – bạn văn nghệ cũ léo nhéo trong điện thoại: Xe đến đâu rồi,
bọn mình chờ đón ở Cần Thơ. Vậy là phải ghé Cần Thơ. Điều bất ngờ là nhà
thơ Trúc Thanh Tâm tận Châu Đốc cũng bay về Cần Thơ cùng Trần Duy Cang
ra đón. Ngô Văn Tươi nghe tin cũng đến chào mừng. Thế là chén tạc chén
thù, nhắc kỷ niệm xưa. Bạn bè chí tình là thế. Và cũng vì chữ tình, đoàn
phải dừng lại Cần Thơ dù trong cuộc hành trình, Cần Thơ không phải là
nơi đến.
Châu
Đốc xưa trong ký ức tôi vẫn mang sắc thái cư dân vùng biên giới với
kiến trúc đô thị mang dáng cổ, hằn vết dấu chân cha ông thời khai phá,
nằm bên ngã ba sông thơ mộng, nhìn sang Cồn Tiên và xóm Châu Giang nổi
tiếng vườn cây ăn trái đang mùa trỉu quả. Sau lưng là dãy Thất Sơn chập
chùng ngọn cao, ngọn thấp. Chiều xuống thấp, bóng mưa, bóng nắng nhạt
nhòa lồng vào nhau trong tiết hè vẫn lạnh. Châu Đốc vẫn thế, xưa nay đều
nhiều đường phố hẹp và ngắn, nhiều đoạn lượn lờ theo năm non, bảy núi.
Theo Nhà sưu khảo Nguyễn Văn Hầu thì năm non là năm ngọn vồ trong hàng
chục ngọn vồ, hang động trên núi Cấm: vồ Bồ Hong, vồ Đầu, vồ Bà, vồ Ong
Bướm, vồ Thiên Tuế. Còn bảy núi chính là quần thể Thất Sơn. Vấn đề đặt
ra, ở Châu Đốc không chỉ có bảy núi mà đến hàng chục. Đến ngọn núi Sam
nổi tiếng, nơi có miếu Bà Chúa Xứ, lăng tẩm Thoại Ngọc Hầu hàng năm đón
hàng chục triệu lượt người đến tham quan chiêm bái lại không có tên
trong Thất Sơn. Đó là núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn),
núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), núi Dài nhỏ (Ngũ Hồ Sơn), núi Két (Anh Vũ
Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Nước (Thủy Đài Sơn). Mỗi ngọn núi
đều mang truyền thuyết và huyền thoại đậm nét dấu ấn tâm linh, thể hiện
qua các lễ hội chùa miếu quanh năm. Châu Đốc có chiều dài lịch sử gắn
liền với những sự kiện trong công cuộc mở mang đất nước nhất là sự kiện
Thoại Ngọc Hầu huy động sức dân đào kênh Vĩnh Tế.
Trong
đêm giao lưu giữa Hội VHNT TP. Châu Đốc và Phân hội Văn học thuộc Hội
VHNT Tây Ninh, nhà văn Đỗ Phu – Chủ tịch Hội đã phác họa sơ nét về tình
hình phát triễn của TP. Châu Đốc. Ngày 01.9.2007 khi còn là thị xã Châu
Đốc đã được bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại 3 trực thuộc tỉnh An
Giang. Đến ngày 19.7.2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành nghị quyết
thành lập phường Vĩnh Ngươn thuộc thị xã Châu Đốc và thành lập thành
phố Châu Đốc trực thuộc tỉnh An Giang và ngày 02.9.2013 nhân kỷ niệm
ngày Quốc khánh Thành ủy, UBND thành phố Châu Đốc đã tổ chức Lễ công bố
nghị quyết này.
Từ
đó, Châu Đốc đầu tư xây dựng dự án “Thành phố lễ hội” tại phường Vĩnh
Mỹ có tổng diện tích 100 ha đúng quy chuẩn đô thị loại I trong tương lai
gần. Hiện tại Châu Đốc đang chỉnh trang bộ mặt đô thị để hướng đến mục
tiêu nâng cấp lên đô thị loại II vào năm 2015. Nghe phác họa của nhà văn
Đỗ Phu tôi không còn ngạc nhiên, vì từ trung tâm tỉnh An Giang đến Châu
Đốc, tôi chứng kiến nhiều công trình giao thông đang khẩn trương tái
thiết mở rộng. Đặc biệt con đường chính vào thành phố hiện chỉ có 4 làn
xe sẽ nâng lên 10 làn xe.
Với
tiềm năng là một thành phố du lịch nên thương mại dịch vụ chính là
ngành mũi nhọn, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ … được lãnh
đạo thành phố quan tâm xây dựng phân bố khắp địa bàn song song với việc
hoàn thiện các lễ hội. Tuy nhiên, việc xây dựng thành phố tương lai hy
vọng sẽ không xóa dần dấu chân cha ông thời khai phá, mà nên lưu giữ
kiểu kiến trúc đô thị mang dáng dấp cổ để Châu Đốc dù xây dựng hiện đại
vẫn mang đặc thù nét cổ xưa của nền văn hóa Óc Eo. Người dân Châu Đốc từ
xa xưa đã phải chống chọi để sinh tồn theo một ý thức tự lập, đã hun
đúc nên con người xông xáo, mạo hiểm thường xuyên đứng ở đầu sóng, ngọn
gió để tồn tại. Do vậy người dân Châu Đốc rất kiên cường, sinh động, và
ngang tàng mới trụ vững nơi vùng biên giới phên dậu của đất nước, một
vùng đất được khai mở trên hai trăm năm mươi năm qua gắn liền với tên
tuổi những bậc tiền hiền: Trương Công Định, Thoại Ngọc Hầu, Mạc Cửu,
Phan Văn Trị, Trần Văn Thành, Ngô Lợi...
Chỉ
với một ngày đêm dạo quanh Châu Đốc như người dạo cảnh xem hoa không
thể ghi nhận hết quá trình xây dựng và phát triễn của vùng năm non bảy
núi này. Đã từ lâu, Châu Đốc luôn tự hào và kiêu hãnh với những địa danh
và thắng cảnh cùng những đặc sản nơi đây. Bởi Châu Đốc có nhiều di tích
lịch sử, văn hóa, danh lam. Các công trình di tích đã được Bộ Văn hóa
–Thể thao –Du lịch xếp hạng cấp quốc gia: Chùa Tây An, Lăng Thoại Ngọc
Hầu, Miếu Bà Chúa Xứ, Chùa Hang, Đình Châu Phú… và các thắng cảnh: xóm
Chăm Châu Giang, kinh Vĩnh Tế, làng Bè, núi Sam với đồi Bạch Vân, vườn
Tao Ngộ, nhà nghỉ mát Bác sĩ Nu, Pháo Đài… đặc biệt là chợ biên giới
Tịnh Biên. Còn về đặc sản rất phong phú với nhiều chủng loại đa dạng:
mắm thái, mắm trèn, mắm lóc, mắm sặc, mắm linh, đường Thốt nốt, khô cá
tra phồng, gỏi sầu đâu trộn khô cá lóc nướng… nên không ngạc nhiên khi
chiêu đãi đoàn văn nghệ sĩ Tây Ninh trong đêm giao lưu, Hội VHNT TP.
Châu Đốc bày đầy đủ các món ăn đặc sản như để gián tiếp giới thiệu. Sáng
hôm sau, nhà thơ Trúc Thanh Tâm – Chủ nhiệm CLB Văn học cũng hướng dẫn
đoàn đi tham quan nhiều thắng cảnh. Tiếc là thời gian có hạn nên không
thể đi khắp mọi nơi. Có lẽ, chợ biên giới Tịnh Biên ghi nhiều dấu ấn
nhất với đoàn, vì khi đến chợ, mọi người đều tỏa ra len lỏi đến khắp các
gian hàng trưng bày đủ loại sản phẩm tiêu dùng, đa số là hàng Thái Lan
từ quần áo đến các loại dầu xoa bóp. Khi trở ra trên tay người nào cũng
lỉnh kỉnh tay xách, tay mang. Đã vậy, khi về ngang chợ Châu Đốc ai cũng
đòi ghé để mua các loại mắm để về làm quà biếu cho người thân. Điều đáng
ghi nhận là giá cả rất phải chăng nếu không nói là rẻ so với các địa
danh du lịch khác.
Chia tay Châu Đốc – vùng sông núi mênh mang, nỗi nhớ vẫn cứ miên man và nhớ mãi câu ca:
Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
Gió nào mát bằng gió Thất Sơn
Tuy rằng mang kiếp tha phương
Thất Sơn Châu Đốc: quê hương nhớ hoài.
LA NGẠC THỤY
( Văn nghệ Tây Ninh )
( TTT - theo LNT )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét