TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

* NHỚ NÚI - Tùy bút của Lý Văn Nhiên



     Ngoại tôi quê làng Vĩnh Tế. Nơi ấy có pho tượng cổ quý ngự trên đỉnh núi Sam từ rất lâu đời. Theo các bô lão, ở giữa đồng bằng được ngọn núi to thì chính là bảo sơn. Hỏi ngoại núi có tự bao giờ, ngoại chỉ cười. Hỏi núi bao nhiêu tuổi, ngoại đáp tuổi núi lớn hơn tuổi ông Bành tổ. Hướng về Thất Sơn hùng vĩ ngoại trầm ngâm… “Trăng bao nhiêu tuổi trăng già, núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non”.
Từ ngày thỉnh tượng Bà xuống núi. Núi nổi tiếng thiêng với danh Chúa Xứ núi Sam. Những ai có chuyện đôi co, cứ dắt nhau đến chánh điện thề thốt sẽ thấy linh ứng. Thời kỳ bốn mươi lăm (1945), sau khi Việt Minh rút về căn cứ, bọn giáo phái lập đồn trấn giữ núi Sam. Một hôm có viên chức cùng nhóm binh lính gom dân đến miễu Bà. Chờ mọi người đông đủ, họ tuyên bố từ nay dân làng không được theo Việt Minh mà phải vào đạo… Ai không tuân lệnh sẽ bị trừng trị. Mọi người im phăng phắt. Bỗng có bà chị bước ra dõng dạc nói to: “Chúng tôi theo bà Chúa. Không theo Việt Minh, cũng không theo ai hết. Nếu ai ép chúng tôi xin Bà vặn họng họ”. Đám đông rộ lên đồng tình. Như bị tạt nước lạnh, viên chức sắc tái mặt, lấy chiếc xe đạp chạy một mạch về chợ Châu Đốc.
     Vào đầu thế kỷ trước, núi Sam vẫn phủ màu xanh. Sáng sớm ra đồng xem mây trắng bay la đà áp núi. Người trong vùng biết ngày ấy sẽ có mưa. Núi lành chim đậu, nhờ đó ta nghe rõ tiếng chim muôn gọi đàn và tiếng suối reo róc rách. Ban trưa nắng gắt, người lớn dắt trẻ con tắm suối mát lạnh. Sau cơn mưa to. Trời sáng. Nhưng nước của trời từ các sườn núi cao đổ xuống ào ạt tràn đường, khoét sâu những rãnh lổ chổ rất khó đi. Dân làng lại ra công dặm vá. Người trong vùng lên núi mở đất trồng sắn, khoai lang, khoai mì, mãng cầu ta. Những loại nầy rất chịu đất núi. Người ta còn trồng cây lâu năm như me chua, tre gai và nhiều cây khác nhưng vẫn dưỡng cây tạp để giữ núi xanh, làm chỗ dựa cho thú rừng trú ngụ nhứt là khỉ sống bầy đàn. Đêm sang canh năm, tiếng gà gáy rộ. Đấy là lúc bà thức dậy chuẩn bị cơm mo cau, vài con mắm sặc để ông kịp xuống đồng. Nuôi heo không cần làm chuồng. Heo con mới mua về chỉ cần buột sợi dây nhỏ để heo quen chỗ. Đến lớn thả cho đi rong. Đói bụng heo về ục ịch đòi ăn. Heo động dục tự tìm bạn tình. Heo chuyển bụng tự tìm lùm bụi vầy ổ đẻ. Chờ con đủ lớn, mẹ con dắt nhau một bầy về nhà chủ. Tình người kiên cường mà chân chất. Ở xóm trên nhà ngoại có ông tư đánh xe thổ mộ. Hằng ngày ông chở bạn hàng ra chợ đến trưa thì rước về. Một hôm trời nắng chang chang  bỗng xe đột ngột dừng. Ông Tư nhảy xuống khom người, hai tay ông nâng một con cua đồng vừa bị xe lướt qua. Ông ngồi bệt, khóc ra tiếng, xin cua tha thứ vì ông vô tình. Con ngựa chờ lâu hí vang, chân ngựa dặm lên đường “lốp cốp” như thúc xe chạy.
     Mùa Vía Bà cuối tháng tư âm lịch. Đây là lúc lúa sạ đã xuống giống. Nhờ mưa nhiều, lúa lên xanh đồng. Là thời điểm phù hợp để dân làng cúng lễ cầu cho mưa thuận gió hòa. Tháng tư mùa phượng nở. Đứng ở góc núi nhìn lên những nơi phượng đỏ trổ bông, người ta biết đấy là chùa am của các vị ẩn tu. Tai vẳng nghe tiếng chuông mõ trầm buồn.
     Tôi thích theo mẹ đi Vía Bà. Trước ngày đi đêm trằn trọc khó ngủ. Về ngoại được xe ngựa kéo. Đặc biệt thích ngồi gần người khiển xe để vói gỡ những trái ké đầu ngựa còn rối kẹt ở lông đuôi ngựa. Cố lấy được vài trái bỏ túi về khoe bạn bè. Đến chợ Đầu Bờ xe dừng, còn phải lội bộ vài cây số nữa mới tới nhà ngoại. Nhưng đến nhà không vội chạy vào. Cứ đứng lặng nhìn lên núi xanh. Núi bao trùm như ôm ấp tôi. Bất chợt cảm giác mình bé bỏng vô cùng. Ngày Vía dân làng vui như ba ngày Tết. Theo lệ rằm tháng tư, các bà mẹ đến miếu giúp việc cắt may áo lụa để kịp thay mới trong lễ Tắm Bà. Sau lễ Thỉnh sắc thần vào chiều hai mươi lăm tháng tư, cảnh nhộn nhịp rộn vui hẳn lên. Ngày thường người thưa, sân miếu rộng được nện bằng đất núi khá phẳng thế mà hôm ấy chật ních người. Tiếng trống thúc giục đùng đùng như nhắc mọi người phải nhanh chân đến miếu. Sau lễ Xây chầu dân làng được xem hát bội. Còn một thứ âm thanh khác nữa là nhạc ngũ âm của dân tộc Khơmer. Tiếng nhạc gõ hòa nhịp trống “bùm bưng”, điệp khúc ấy cứ dai dẳng ngày và đêm gợi nhớ cõi xa xăm. Bọn trẻ con như tôi thích âm thanh nầy hơn đứng xem hát bội vì hát nói chữ tôi chẳng hiểu được gì. Đấy là lý do xin xin mẹ đi chỗ khác chơi. Thả bộ lên sơn lăng xem các ngôi mộ xưa có dáng trâu nằm lạ lẫm. Đến chùa Tây An được xem nhiều tượng Phật. Dung mạo mỗi tượng mỗi khác nhứt là mười tám vị La Hán. Nhưng oai và đẹp hơn phải nói là tượng Thiên Vương. Xem mãn nhản trong chùa, tôi dần ra phía sau xem mộ Phật Thầy Tây An, khói hương nghi ngút, tấp nập người cúng vái. Lại đến miễu Ngũ Hành nghe bống rổi, xem múa khạp, múa mâm vàng. Cái gì cũng thích. Đói bụng lấy vài đồng bạc cắc để ăn xôi nếp, uống nước đá bào nhưng không quên mua gói trái châm có rắc muối ớt, cay ngon tê tím lưỡi. Sau ngày hai mươi bảy tháng tư, sơn thôn trở nên yên ả. Chỉ còn lác đác một ít bà cụ cao tuổi cùng các cháu nhỏ tranh thủ đến cúng Bà muộn.
     Thời gian trôi qua, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam vẫn giữ được lệ xưa. Có chăng là số lượng người đi cúng trước chỉ gói gọn trong làng rồi dần ra trong địa hạt Châu Đốc. Còn nay lên hơn bốn triệu lượt người khắp nơi đổ về. Trước đây kẹt xe từ cầu Số 2 đến chùa Tây An do người tập trung về dự lễ Tắm Bà, thì nay đã qua hang chục năm không còn cảnh ấy. Có chăng là tắc đường ở nơi khác chứ không phải tuyến Châu Đốc – Núi Sam. Vía Bà ba ngày nhưng nay cúng Bà quanh năm. Đông nhứt là lễ, Tết, thứ bảy, chủ nhật. Vào những ngày ấy, phố núi đêm nhộn nhịp gấp bội phần so với trung tâm thành phố.
     Kỷ niệm bốn mươi năm ngày toàn thắng. Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của tiếng súng, tiếng nổ phá đá và việc chặt phá cây rừng đã làm cho núi Sam không còn thú rừng. Mất cây xanh cũng đồng nghĩa với mất nguồn nước mạch. Thiếu cây chủ, cỏ không thể chịu được sức nóng của lớp đất mặt mỗi khi vào hạn. Chỉ còn bộ phận cây trồng theo cụm và một ít phượng vĩ trổ bông để gọi hè về. Địa phương đã cố công khôi phục cho núi xanh nhưng kết quả chưa như mong đợi so với các hạng mục công trình khác. Có phải chăng chúng ta đã làm những gì mình có chứ chưa đáp ứng những gì núi đang cần. Thử nhẩm tính thời gian. Sau ngày giải phóng miền Nam, núi còn bị khai thác trên mười năm. Nhờ ngưng phá núi, đường vòng quanh núi Sam mới có điều kiện nâng cấp láng nhựa và làm hệ thống chống nước tràn (1990). Vào năm 2000, địa phương xây dựng đền tưởng niệm liệt sỹ tọa lạc tại chân núi thuộc khóm Vĩnh Đông, xã Vĩnh Tế anh hùng. Năm 2001, lễ hội Vía Bà được công nhận là một trong mười lăm lễ hội cấp Quốc gia. Năm 2002, tổ chức tái hiện ngày hội dân làng đi rước tượng Bà. Huy động mời 29 đoàn nghệ thuật bốn dân tộc: Kinh – Hoa – Chăm – Khơmer cùng hang chục đoàn Lân Sư Rồng từ các tỉnh thành về dự. Núi như ngủ đã bừng bừng tỉnh giấc. Năm 2003, cũng tại núi Sam, hội trại Điêu khắc Quốc tế lần thứ tư Việt Nam, người ta không khỏi ngạc nhiên vừa vui mừng vùng biên cương nầy cờ Tổ quốc lộng bay theo gió cùng với cờ mười sáu quốc gia trên bốn Châu lục có nhà điêu khắc tham gia hội trại mang “Dấu ấn An Giang”. Rồi tiếp theo năm 2004, Ban Quản trị lăng miếu núi Sam lập dự án điêu khắc tượng Phật trên núi. Chủ đích là làm cho khu văn hóa tâm linh núi Sam ngày càng góp phần tích cực cho kinh tế xã hội phát triển. Nhưng phải mất mười một năm sau (2004 – 2015) tượng Phật Thích Ca mâu ni cao 81m mới chính thức làm lễ khởi công. Tương lai, Núi Sam – Châu Đốc – An Giang – Việt Nam sẽ là địa chỉ không thể thiếu trong cẩm nang du lịch thế giới tâm linh. Mừng thành phố trẻ sau bốn mươi năm ngày toàn thắng.

LÝ VĂN NHIÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét