TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

* CON ĐƯỜNG TÂN LỘ KIỀU LƯƠNG - Tản văn của Trịnh Bửu Hoài





     Con đường Tân Lộ Kiều Lương hiện nay dài bốn cây số, nối liền đường Nguyễn Văn Thoại (xưa là Bảo Hộ Thoại) từ trung tâm thành phố Châu Đốc vào núi Sam, được nâng cao, mở rộng chiều ngang 55 mét với sáu làn xe ô tô, hai làn xe gắn máy, ba dãy phân cách và hai vỉa hè rộng mỗi bên 6 mét; đang ráo riết hoàn thành để đáp ứng sự đi lại của mọi người, nhất là du khách vào mùa lễ hội Vía Bà Chúa Xứ, hàng triệu triệu lượt người phải qua con đường nầy để đến núi Sam.

     Con đường đã được tu sửa, mở rộng nhiều lần, nhưng sớm lạc hậu bởi sự tăng triển quá nhanh của cư dân địa phương cũng như số lượng khách hành hương từ các nơi đổ về bằng đủ loại phương tiện đến chiêm bái, du ngoạn cảnh đẹp ở núi Sam và quần thể di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia: Chùa Tây An, miếu Bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang (Phước Điền tự).
Đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ hai mươi, con đường nầy rất hẹp, chỉ đủ hai chiếc xe hơi qua lọt và rất hoang vắng. Từ Châu Đốc vào khỏi ngã ba đường Cử Trị một chút là nhà thưa dần rồi trống hẳn. Hai bên đường là hàng cây me nước trơ vơ trong nắng gió. Đến gần ngã ba Đầu Bờ mới có nhà rải rác và vòng qua chân đồi Bạch Vân là khu nghĩa địa vắng vẻ, tới chợ Bến Đá và khu hành chánh xã cũ, mới có nhà cửa đông đúc. Vào những ngày cao điểm Vía Bà, khách hành hương dày đặc trên suốt đoạn đường dài năm cây số từ bến xe Châu Đốc (bên cạnh Bồ Đề đạo tràng) tới miếu Bà, có lúc bị kẹt xe đứng chết một chỗ suốt mấy tiếng đồng hồ. Khách bộ hành nhiều khi phải lội xuống ruộng mở đường mà đi.
   

     Xa xưa, Châu Đốc là vùng biên thùy hoang vu, rừng rậm và nhiều thú dữ. Đầu thế kỷ mười tám, một số lưu dân người Việt đã đến đây khai khẩn đất hoang để trồng trọt. Năm 1757, nhà Nguyễn thành lập đạo Châu Đốc và hình thành thôn xóm, phát triển sản xuất, bảo vệ lưu dân an cư lạc nghiệp. Gần một thế kỷ sau, Thoại Ngọc Hầu đến trấn nhậm vùng nầy. Ông tiếp tục chiêu mộ lưu dân, lập làng quanh vùng núi Sam, Châu Đốc và mở mang đồng ruộng, đào kinh dẫn thủy nhập điền, giúp cuộc sống người dân ngày càng ổn định. Ngoài những con kinh để đời như Thoại Hà, Vĩnh Tế; Thoại Ngọc Hầu còn cho đắp đường, cất cầu nối những vùng dân cư để thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển và giao thương. 
     Cuối năm 1826, ông cho khởi công đắp con lộ Châu Đốc – Núi Sam dài hơn bốn cây số từ dinh đồn Châu Đốc tới Đầu Bờ núi Sam, huy động gần 4.500 lượt nhân công. Khoảng giữa năm 1827 lộ hoàn thành. Giao thông được nối liền giữa hai khu dân cư đông nhất vùng biên cương nầy là núi Sam và chợ Châu Đốc đã làm thay đổi hẳn sự sinh hoạt của người dân nơi đây. Ban đầu, con lộ đắp bằng đất, có bốn cây cầu lót ván qua các kinh rạch. Năm 1828, ông cho dựng bia Tân Lộ Kiều Lương Ký ở đầu đường dưới chân núi Sam. Tiếc rằng, qua nhiều năm vật đổi sao đời, không ai chú ý giữ gìn, bia Tân Lộ Kiều Lương bị hư hỏng và lạc mất. Nhà biên khảo Nguyễn Văn Hầu khi viết cuốn Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang đã cất công tìm kiếm, nhưng năm 1961 ông chỉ tìm thấy một góc nhỏ và chữ không còn đọc được. Đến năm 1970, sau một thời gian cho người đào bới những chỗ khả nghi ông phát hiện thêm một góc bia nữa. Góc bia nầy là phần đầu bên trái, còn hiện rõ bốn chữ tựa rất to: Châu Đốc Tân Lộ… Ông Nguyễn Văn Hầu và một số nhà nghiên cứu sau nầy truy tìm quyết liệt nội dung tấm văn bia, nhưng cũng dừng lại ở phần đoạn cuối do ông Ngạc Xuyên dịch trong bài Nguyễn Văn Thoại với sự đào Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế đăng trên tạp chí Đại Việt số 28 ngày 1 tháng 12 năm 1943. Bản dịch ra Việt ngữ của ông Ngạc Xuyên như sau:
“Nhớ tích ông Tô Đông Pha lúc trấn nhậm Hàng Châu gom góp rau phong đắp thành bờ đê suốt từ Hàng Châu tới Tây Hồ. Hiện nay vẫn còn. Huống chi nay chỉ có khoảng hẹp đầm sâu, nỡ ngồi yên để trở ngại nẻo giao thông? Tôi liền dâng sớ tâu tự sự. Lịnh trên phê chuẩn. Tôi khởi công đắp lộ, từ chơn núi Vĩnh Tế, phóng ngang qua đầm nước, đi thẳng tới dinh đồn. Lộ dài 2.700 tầm tới bến sông, cao 8 thước rộng 4 tầm, lấy đất dưới chơn núi đắp thành.
Sở phí nhờ các quan viên lấy bổng lộc quyên giúp, phụ với của nhà, tôi nhờ dân sự giúp nhân công và xe cộ chở chuyên. Từ năm Bính Tuất (1826), ngày 28 tháng Chạp khởi sự, dùng 3.400 nhơn công, tới năm Đinh Hợi (1827) rằm tháng tư, lộ đắp thành.
Năm nay lại bồi bổ thêm, mộ nhân công 1.000 người, kể từ ngày 18 tháng Giêng, tới rằm tháng tư xong công việc. Nhơn công người Thổ, mỗi tháng phát: Tiền một quan, gạo một vuông.
Đường lộ có nước thông qua bốn đoạn, thảy đều có bắc cầu ván. Trên mỗi cây cầu thả ván to dài 6 tấm, dầy 5 tấc, muốn thật chắc chắn, tiện cho nhơn dân đi lại gánh vác dễ dàng, xe cộ qua lại yên ổn.
     Ngày nay: Mé nước cỏ xanh khỏi lên tiếng kêu đò inh ỏi, bên đường bóng mát, chẳng ra công chèo chống nhọc nhằn. Trái lại:
Vầng dương mai in rõ vết chơn,
Bóng trăng tối lồng theo tận gót.
Xét ra thật là một lối tiện lợi nhất. Làm việc ấy chính đã tỏ chút lòng thù đáp của kẻ chăn dân”.



     Qua văn bia, ta hình dung ra được công cuộc đắp đường Tân Lộ Kiều Lương. Từ vận động chi phí cho tới chiêu mộ nhân công, từ ngày tháng khởi công cho đến lúc hoàn thành, từ qui cách con lộ cho tới nguyên nhân xây dựng… đều được ông kể ra một cách chân thành và khiêm tốn, nói lên được tấm lòng của ông đối với cuộc sống của muôn dân. Mặc dầu đây là đoạn trích, là phần cuối của văn bia, nhưng đọc qua ta hiểu hết quá trình đắp lộ, không sót một chi tiết nào. Mở đầu bia ký ông nói nguyên nhân đắp đường, phần giữa bài là quá trình thi công, phần cuối ông nói lên sự tiện ích và tấm lòng của mình. Thật đầy đủ và cô đọng. Đây là phần cuối, nhưng là nội dung chính của tấm văn bia. Còn phần đầu viết gì? Có thể phần đầu bia ký nói lên thời điểm, địa điểm và ý nghĩa sự dựng bia, không liên quan lắm đến việc đắp đường nên ông Ngạc Xuyên thấy không cần thiết phải dịch và đưa vào bài viết của mình. 
     Theo thời gian, vùng đất biên thùy Châu Đốc ngày càng trù phú, dân cư ngày càng đông đúc; sản xuất, giao thương, du lịch ngày càng phát triển, Tân Lộ Kiều Lương được nâng cao, mở rộng, trở thành lộ đá, rồi tráng nhựa; bốn cây cầu ván ngày xưa chỉ còn hai cây cầu sắt, rồi trở thành cầu đúc, bây giờ đã xây cống và xóa cầu. Mặt lộ chật hẹp được mở rộng ra bốn làn xe với một dãy phân cách ở giữa, bây giờ thì trở thành đại lộ với tám làn xe và ba dãy phân cách. Thuở khai sinh mang tên Tân Lộ Kiều Lương, có bia ký cắm ở đầu đường phía núi Sam, rồi sau đó trở thành Liên tỉnh Lộ 10, Quốc lộ 91, Đường Núi… và bây giờ được trả về với tên ban đầu thật ý nghĩa. Tuy chiều dài con đường ngắn hơn ngày xưa gần một cây số, chỉ từ Đầu Bờ đến ngã tư Đường Núi, từ ngã tư ra đến bờ sông Hậu đã mang tên ông: Nguyễn Văn Thoại. Tấm bia Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương chỉ tìm được hai mảnh nhỏ của góc trên và góc dưới bên phải cùng với một phần chân bia, hiện nay vẫn còn lưu giữ trong lăng Thoại Ngọc Hầu. Qua những phần còn lại, ta có thể phỏng tính bia cao khoảng 1 mét 50, ngang 1 mét, dầy 15 phân; chân bia cao 3 tấc, ngang 1 mét 10, dầy 20 phân.
     Khi Tân Lộ Kiều Lương hoàn thành, chắc chắn đây là một con đường đẹp, và sẽ đẹp hơn, ý nghĩa hơn khi bia Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương Ký được phục chế và cắm ở đầu con đường hoành tráng nầy. Điều kiện phục chế bia cũng thuận lợi khi còn giữ được hai mảnh bia với đường viềng hoa văn khá rõ nét. Phần văn bia với bản dịch đoạn cuối của ông Ngạc Xuyên trích dẫn ở trên cũng đủ nói lên công trạng và tấm lòng của người xưa trong thời khẩn hoang lập ấp mở rộng giao thông. Bia phục chế theo nguyên bản phải là chữ Hán, nhưng cũng cần giữ phần chữ Quốc ngữ để người đời nay có thể đọc và hiểu được. Làm bia hai mặt (một mặt chữ Hán, một mặt Quốc ngữ) sẽ bất tiện vì mặt lưng phải quay vào dãy phân cách. Nếu người xưa chỉ cắm bia ở đầu đường Núi Sam vì cuối đường là nơi giáp với bờ sông; bây giờ đầu đường khởi từ ngã tư Đường Núi, cuối đường là giáp chân núi Sam tại ngã ba Đầu Bờ; bia ký có thể nhân bản đặt cả hai đầu để du khách thuận tiện chiêm ngưỡng, tốt nhất là bia chữ Hán cắm ở vị trí cũ là ngã ba Đầu Bờ, bia Việt ngữ cắm ở đầu ngã tư Đường Núi. 

Châu Đốc 12-5-2015
TRỊNH BỬU HOÀI



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét