TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

* CÂY ĐÀN QUÊN LÃNG - Truyện của Đỗ Phu




  CÂY ĐÀN QUÊN LÃNG


             Một chiều gió heo may về làm khe khẩy những cành lá trước hiên nhà. Trời tối chập choạng, bầu trời còn rớt lại những tia sáng yếu ớt quét một vệt mỏng manh trên làn khói sương bên dãy nhà tập thể giáo viên.Những bóng người đi qua chờn vờn ngã nghiêng. Khiêm nghe lâng lâng không khí cuối năm rạo rực, bồn chồn. Trời dần lạnh. Những năm trước, lòng Khiêm phấn chấn khi có một người thân thương đến thăm và chia sẻ những lo toan trong nghề nghiệp, trong gia đình. Nay thì vắng bặt. Một hình bóng thân thương mãi mãi và mãi mãi không quay trở lại khu nhà này mặc dù bóng dáng thanh tú, dịu dàng vẫn tồn tại trên cuộc đời.
     Bên nhà đối diện có tiếng  rì rào rồi có tiếng đàn guitar rôm rả, có khi trầm lắng. Ai đó hát lên bài " Đêm đông" nghe sâu lắng làm se sắt thêm không gian vốn tĩnh lặng của khu nhà tập thể.
       Khiêm lắng nghe âm thanh tiếng đàn không điêu luyện, réo rắt như một thời Khiêm đã thể hiện trong những lần hội thi văn nghệ ngành giáo dục của thị xã. Khi công bố giải thưởng đồng đội của trường ( giải A) các thầy, cô, học sinh tràn lên sân khấu với những bó hoa sặc sở, với niềm hân hoan vô bờ... và ai đó ấn vào tay Khiêm một đóa hoa xinh xinh và giọng thỏ thẻ bên tai " chúc mừng thầy, thầy đàn hay quá!".
     Người ấy hòa vào dòng người xuống sân khấu  mất hút mà lời khen tặng  làm Khiêm bật ngật còn vương lại trên phím đàn run  rẩy.
         Người ấy cũng thường xuyên đến trường và nghe Khiêm đàn cho đội văn nghệ tập những bài hát mới để đi phục vụ các ngày lễ, người ấy chăm sóc Khiêm như một người hâm mộ  nhiệt thành với một tài năng thật sự của ngôi trường này. Cả trường cũng hãnh diện, các cô, các thầy luôn nở nụ cười thân thiết khi gặp Khiêm.
Tình cảm thân thiện được nối theo những ngày hè khi trường tổ chức đi cắm trại trên núi, bao niềm vui chồng chất niềm vui. Hai trái tim kết dính càng gần, những bông hoa thắm màu được họ trao cho nhau, những cuộc trò chuyện không  ngừng trên điện thoại hoặc những dòng nhắn tin dày đặc hàng ngày. Những bài hát thơ mộng, du dương Khiêm chọn lọc gởi cho người ấy nghe. Họ luôn thấy nhau kể cả trong giấc ngủ chờn vờn.
          Cô ấy đến nhà trọ của Khiêm với nét mặt đăm chiêu, lo lắng và hối tiếc. Hai người ngồi dưới mái hiên, sương nhẹ giăng trên chậu bông trước nhà trở nên lạnh lẽo, u u như nơi hoang vắng. Chia tay, người ấy chỉ nói một câu như chia biệt:" Thôi nhá anh, chúng ta quen nhau như vầy là đủ, anh có con đường của anh, em phải theo gia đình đến thành phố kinh doanh cho công ty, chúc anh vui trong những ngày sắp tới...". " Hãy để anh thu xếp..."." Khó lắm, không thể anh à...". Cuộc chia tay không nước mắt, không hờn trách, không tiếc nuối...Khiêm thờ thẩn vào nhà nâng cây đàn guitar ngắm thật lâu, rồi bỏ vào bao như gói kỷ niệm vào quá khứ, gói những âm thanh dịu ngọt vào  không gian mù mịt gió và bão đời. Cây đàn thân thương giờ nằm im trên gác không còn lên tiếng, thui thủi, bám bụi thời gian và tơ nhện giăng phủ mặt đờn, tiếng đàn im bặt.
         Vào một buổi chiều khi soạn xong giáo án cho tuần tới, có một anh chàng khá bảnh trai, gõ cửa phòng xin gặp anh. Anh hỏi:" Anh tìm tôi hả, tôi là Khiêm đây?". Người khách tỏ ra thân thiện, gật đầu chào:" Dạ, tôi là Minh em trai của chị Hoàng dạy cùng trường với thầy đây".
          Khiêm mở cửa cho Minh bước vào phòng, Minh nhìn quan sát những vật bày trí trong phòng, lòng ái ngại, một cái giường, một cái tủ nhỏ, ngăn kệ để chén bát, một cái bàn mê ca để chồng sách và trên vách cây đàn guitar bám bụi lủng lẳng. Minh hỏi:" Bộ lâu rồi không "dọc" cây đàn hả anh? Khiêm rót ly nước mát mời Minh rồi thư thả nói:" Lâu lắm rồi tôi như mất cảm hứng trên phím đàn, nó nhàn nhạt chẳng ra âm thanh gì, nên thôi không đàn nữa.
           Minh sợ chạm vào nỗi đau của Khiêm nên nói sang chuyện khác, chuyện đi dạy chuyện, giải trí, chuyện lập gia đình. " Giờ này anh chưa kết hôn hả?". Gương mặt Khiêm trần xuống:" Kết với ai em ơi, nhìn hoàn cảnh của tôi, các cô chán ngán lắm.". Minh nhỏ nhẹ:" Chắc anh chọn lựa chưa có người vừa ý?". " Chọn với lựa gì, đời của một giáo viên lương chỉ đủ sống, có dư đâu mà cưới vợ, rồi sinh con, xây nhà?"." Hai bác còn khỏe không anh, sống với ai vậy anh?" Khiêm buồn buồn, nhìn ra trước nhà,vài chiếc lá lăn tăn khi cơn gió lùa qua, buổi chiều thêm vắng lặng.
          Có tiếng ai rao bán khoai lang đầu ngõ làm tim Khiêm nhói lên. Khiêm nhớ như là bóng mẹ già tần tảo với gánh khoai lang buổi sáng để dành tiền cho Khiêm ăn học. Nhà Khiêm ở vùng quê xa tỉnh, không có đất làm ruộng nên ba má Khiêm sinh sống bằng nghề làm thuê, khi thì đi cắt cỏ mướn, xạ lúa, vải phân bón, nhổ cỏ, cắt lúa, gánh đất...thấy Khiêm ham học, ông bà quyết tâm không cho Khiêm nghỉ học khi hết cấp hai ở xã, ông bà gởi Khiêm cho một người anh họ ở thị xã nhờ  giúp cho Khiêm đi học cấp ba.Trong khi đó, mẹ Khiêm gánh khoai bán hằng ngày ở chợ xã, mỗi lần về thăm nhà, bà dấu không cho Khiêm biết bà đi bán khoai sợ Khiêm tự ái. Khiêm vẫn biết khi thấy đống khoai ở bếp chưa gọt rửa, anh buồn và tự trách mình để mẹ cực khổ như vậy còn mẹ lúc nào cũng vui vẻ khi Khiêm về thăm nhà, khi trở lại trường bà còn dúi tay một gói tiền mà bà đã chắt chiu với nhiều hy vọng sau này con sẽ nên người và thành đạt.
        Ôi tấm lòng của mẹ. Càng nhớ mẹ Khiêm càng cố gắng học và học xong đại học sư phạm được tuyển về trường huyện. Tuổi già lam lũ, ba mất sớm, mẹ lại ra đi, nỗi đau khôn cùng xoáy vào cuộc đời của Khiêm, Khiêm biết thế nào là cuộc sống mồ côi, thiếu sự che chở của cha, thiếu sự chăm sóc của mẹ, tự mình bươn chải trong cuộc đời đầy xa hoa vật chất. Có phải điều đó, làm cho Khiêm chùn bước khi nghỉ tới việc lập gia đình, Khiêm cũng có tình yêu, cũng có người muốn chia sẻ khó khăn nhưng những mối tình đó không trọn vẹn khi quan điểm cuộc sống không giống nhau, họ lần lượt xa Khiêm như những chuyền đò sang khách khi khách đã lên bờ.
        Minh biết hỏi nhiều chuyện sẽ chạm điều tự trọng của Khiêm nên cũng lựa lời với Khiêm." Tôi hỏi thật anh, có người muốn mua cây đàn này anh có bán không?"Khiêm ngạc nhiên:" Cây đàn này cũ rồi có đáng giá gì mà mua?"." Vậy mà có người nằn nặc nhờ tôi mua giùm" . " Bạn em ả?". " Không, một người rất quen". Khiêm tò mò:" Rất quen  là ai? mua để đàn hay mua để vụt bỏ?". " Anh đừng nghi ngờ lòng tốt của người đó, người đó sẽ mua giá cao, còn chuyện đem về nhà rồi có đàn hay không từ từ mới biết, nhưng người đó rất quý cây đàn này?"." Ai vậy". Khiêm suy nghĩ nhiều về lời đề nghị này, có người muốn mua với  dự định là sẽ dùng cây đàn này để giải trí, hoặc mua làm kỷ niệm, hay mua rồi quăng bỏ kỷ niệm..."
               Sau một lúc đắn đo, Khiêm bảo với Minh:" Em có lòng muốn giúp anh có tiền trang trải cuộc sống, anh cám ơn em ghé thăm, nhưng anh rất quý nó, nó là bầu bạn của anh trong những ngày cô đơn hay những lần buồn bực, mặc dù có lúc anh muốn từ bỏ nó, mà không thể. Thôi thì em bảo với người đó chọn mua ở cửa hàng sẽ có đàn mới, đẹp hơn."." Nhưng mà...". Thấy không lay chuyển được Khiêm, Minh từ giã ra về  mà trong lòng rất mến Khiêm, tiếc nuối cho câu chuyện hai người không được trọn vẹn.
Khiêm ngồi thừ ra, suy nghĩ mãi về việc đã xảy ra, có phải người đó là người đồng cảm với hoàn cảnh của Khiêm nhưng bản thân không quyết định được trước dòng chảy của xã hội, đâu đó còn sự so sánh giàu nghèo, đâu đó còn định kiến nghề nghiệp thì khó có thề gần nhau được.
 "Nào cùng hát lên nào...", rồi " Nối vòng tay lớn" và " Ngọn lửa trái tim" bỗng bừng lên, Khiêm nghe xao xuyến, " Hãy nhóm lên ngọn lửa trong trái tim của ta và trong trái tim bạn bè, và hãy nhóm lên ngọn lửa..." Khiêm thấy lòng mình ấm lại, trái tim đã vơi cô quạnh. Buổi chiều bỗng nồng nàn...
        Khiêm rón rén bước sang nhà đối diện , bên ấy các bạn đang say sưa hát những bài tình ca, những bài đồng ca, tiếng vỗ tay rôm rả " đông tay thì vỗ nên kêu, vỗ cho đều và cho nhịp nhàng.." tiếp theo là những bài " Thanh niên tình nguyện"," Khúc hát người đi khai hoang : " Bài ca biển đảo". Không khí hừng hực, những giọng hát hòa nhau một cách mạnh mẽ.
         Khiêm bước vào nhà, lọt thỏm giữa những cánh tay và tiếng vỗ tay. Có bạn nói lớn:" chào thầy đờn, đưa đờn cho thầy..". Những cánh tay chuyền cây đàn cho Khiêm.Tiếng đàn nhiều năm qua bỏ quên bỗng bật dậy, quấn quýt, lôi cuốn. các bạn tiếp tục bài:" Anh em ta về cùng nhau xum họp này...". Khiêm say sưa đàn như những năm nào đã từng nắn phím so dây và khẩy lên những âm thanh trầm bổng, những nhịp điệu hào hùng hoặc sâu lắng. Khiêm đàn hăng say và sẽ tiếp tục đàn chừng nào các bạn mình thôi ca hát. /.      
                                                                                                ĐỖ PHU                                                                                                    


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét