Chủ nhật rồi tôi về thăm quê, lòng nôn
nao trước bao thay đổi, bến phà đã dời chốn cũ, hàng quán thưa hơn nhưng con
đường dẫn đến bãi xe khách lại dài hơn đi mỏi cả chân, nắng chấp chới rát cả
mặt, tìm được xe khách thấy tôi nói địa chỉ rất quen thuộc – đường Lộ Lở – có
một cậu xăng xái nắm tay tôi và bị đựng quần áo đẩy lên xe Honda, cậu như mừng
rỡ: “Chú Hai hả, chú nhớ con hông? Con là Hai Than nè”. Nhìn kỹ một lát tôi
thấy gương mặt quen quen, mắt sâu, mặt xương, da đen, cười hở cả hàm răng vàng
ám khói thuốc lá. Hồi đó, xóm của tôi thường kêu tên anh là “Than Đen”. Anh
Than bảo tôi kềm chặt bị đồ cậu sẽ lái xe nhanh cho kịp “tài” kế, trong ngày mà
có ba, bốn “tài” là có kha khá tiền, tôi hỏi ba cậu giờ này làm gì, cậu nói,
cũng làm ruộng, làm rẫy, thỉnh thoảng đi miệt Thứ (Cà Mau) mua lúa về cân lại
nhà máy xay xát xuất khẩu kiếm chút lời, cũng sống được và nuôi gia đình bốn
người cũng tàm tạm.
Xe chạy qua cây cầu mới nâng cấp đủ tải
trọng cho xe buýt lưu thông, bà con đi về tỉnh cũng tiện, chạy một đoạn cũng
gần mé sông, tôi nhìn sang bờ bên kia, bè cá nuôi trải dài chắn tầm nhìn sang
hàng cây xa xa là cù lao Hòa. Đất cồn đã bồi kín cả con lạch mà trước đây tôi
hay bơi xuồng sang thăm nhà ngoại.
Mùa hè năm cuối cấp ba, bạn bè sắp chia
tay để ôn thi tốt nghiệp và rèn môn thi vào trường đại học đã chọn. Có bạn nói
nếu không đậu vào đại học thì “về quê cắm câu”, nói vậy để cùng cố gắng hết
mình cho việc thi cử dù ốm xanh xương cũng quyết chí “trau giồi đèn sách đạt
cái bằng tú tài” để xóm làng không cười chê. Đám bạn rủ nhau kéo sang nhà tôi
để làm buổi tiệc chia tay. Tôi đồng ý, về quê cây trái đầy, cá mắm cũng không
thiếu nên bữa họp mặt cũng tươm tất, khát nước thì có dừa tươi lủng lẳng mời
gọi giữa trưa hè. Coi lại cả bọn không ai biết leo dừa, tôi nhớ anh Than người
cùng tuổi ở xóm tới giúp. Anh cắt dây chuối đánh một cái vòng máng vào đôi chân
làm điểm tựa, thoăn thoắt leo lên cây dừa sai quả, anh ném từng trái xuống ao,
tụi bạn đến vớt lên chẻ ra hứng nước vào ca, có đứa bưng luôn cả trái nốc một
hơi hết trọn nước trái dừa rồi chép miệng khen ngọt quá, mát quá. Chừng quá
nhiều trái, đám bạn mới cho anh leo xuống. Anh tuột một cái vèo xuống mặt đất,
lấy tay áo ướt đẫm quết vệt mồ hôi trên trán cười mũm mĩm. Thúy, Hằng đưa anh
trái dừa đã gọt nắp bảo anh uống, anh nói hiền khô: “Thôi, mấy cô uống đi, tui
uống hoài hè, bữa nay chú Hai đãi mấy cô mà”.
Nằm dưới bóng mát hàng cây me trên chiếc
đệm bằng lá bàng và giăng mấy cái võng đong đưa, gió hây hẩy, đám bạn cùng nhau
trò chuyện, châm chọc nhau, kết đôi nhau thật vui. Có đứa đề nghị ra sông tắm.
Bọn con trai thì hồ hởi, còn bọn con gái thì ngại. Nhìn giữa sông có bờ của cái
cồn nổi cát vàng chấp chới dưới ánh nắng, nước sông lăn tăn mời gọi bọn này.
Bất chợt anh Than tới hỏi tôi muốn ra cồn tắm hong, nước ngoài đó mát lắm. Anh
vội về nhà đẩy cái xuồng be xuống bờ sông và đưa lần lượt các bạn ra cồn tắm,
anh còn thận trọng mang hai cái khăn rằn làm khăn choàng tắm cho Thúy và Hằng.
Bọn con trai hè nhau cởi áo cho mát, bơi tung tăng vì nước trên cồn rất cạn.
Chừng một tiếng đồng hồ nghịch cát, tung
nước, rượt nhau, đá banh mũ cũng khá mệt thì nước sông dâng lên. Bọn con gái
hớt hải đòi vào bờ, bọn con trai đứa nào biết lội thì còn đùa với sóng, đứa nào
không biết lội thì bắt đầu lo. Nước ngày càng lên cao, cái cồn to, cát vàng mịn
bấy giờ chỉ còn một lõm đủ cả bọn quay quần chờ xuồng của anh Than ra chở vào,
nước đã lé đé tới mắt cá, rồi đầu gối, con gái thì xoăn quần lên, con trai thì
vắt cả quần lên cổ. Xuồng anh Than vẫn chưa ra. Nước lớn lên cao hơn tới bụng,
tới ngực rồi. Nhìn vào bờ khá xa, không ai có can đảm lội vào, còn các cô gái
thì sao? Cả bọn tìm mọi cách để làm tín hiệu cho người ở bờ biết để ra giúp.
Cồn đã thành sông, nước bao hết không còn
chỗ nào tựa, bọn con trai phải nắm tay làm võng cho các cô gái ngồi lên khỏi
mặt nước, các bạn đành ngâm mình dưới nước. Có đứa lấy cái áo quơ quơ lên làm
tín hiệu SOS mà cũng chẳng thấy ai ra cứu hộ. Sóng đánh vào mặt các bạn, các
bạn sặc nước ho khọt khẹt và mệt lữ. Giây phút nghiêm trọng đã giúp cho các bạn
có nhiều sáng kiến, hoặc nắm tay nhau cùng bơi được đoạn nào hay đoạn nấy sẽ có
người thấy mà ra cứu, nam sẽ kè nữ, hoặc là... Rồi tia hy vọng cuối cùng cũng
đã đến, chiếc xuồng bơi thoăn thoắt, tay bơi không nghỉ đẩy xuồng xé nước hướng
về đám bạn đang lộp ngộp với sóng và gió, mặt ai cũng tái xanh vì lạnh và vì
sợ.
Anh Than hì hục kéo các cô gái lên, tóc
tai ướt sũng, còn lại tôi và ba bạn nữa, anh không biết giải quyết làm sao, anh
đưa ra ý kiến là tôi biết bơi xuồng thì đưa các cô gái vào trước rồi quay lại
chở tiếp ba bạn trai. Tôi nhanh chóng
đưa các bạn gái vào bờ. Đến bờ ai cũng thở phào, vào trại thay đồ và hối tôi
bơi xuống nhanh ra chở các bạn trai vào và anh Than, lúc này, anh Than đang
“bắt thang” đứng lặn hụp trong sóng nước để các bạn trai đứng lên vai, lên đầu
tránh sóng nước táp vào. Anh Than chịu đựng với sóng với gió và lịm đi khi tôi
vừa tới và tha từng đứa lên xuồng.
Thằng Quýt con anh Than nhóm ngay một
đống lửa cho cả bọn sưởi, đám con gái hong khô tóc và nhặt nhạnh những áo quần
các bạn trai bị ướt vào bị, không thấy anh Than đâu, tôi hỏi thằng Quýt ba đâu,
ba khỏe chưa, nó nói ba hết mệt rồi nhưng uống nước một bụng bữa nay nghỉ ăn
cơm luôn.
Thời gian sau gặp anh tôi hỏi sao anh để
chúng tôi sắp “chìm” vì nước sông lên, anh bảo có người hàng xóm bị bệnh nặng
cần đưa tới trạm xá gấp, anh cố hết sức để bơi xuồng về rước đám bạn nhưng
không kịp con nước lên. Để các bạn bị đắm trong nước anh quá buồn và cố hết sức
để cứu các anh. Anh mắc cỡ nên lánh mặt khi các bạn chia tay trở về tỉnh.
Nhưng có điều anh sẽ nhớ hoài là Hằng và
Thúy trước khi lên xe về tỉnh đã gói trả lại hai cái khăn rằn và kèm thêm hai
cái khăn tay thơm mùi hương chanh hương bưởi. Anh giữ hoài hai cái khăn làm kỷ
niệm. Mỗi lần thấy tôi về quê anh sang nhà
trò chuyện vui vẻ và không quên hỏi Thúy, Hằng bây giờ ra sao, còn giận
anh hong, có gia đình chưa, làm nghề gỉ? Có dịp mời các cô về quê chơi, anh sẽ
có thuyền máy đưa đón đàng hoàng, đãi những món ăn ở quê như cá lóc nướng trui,
cá rô kho tộ, canh chua bông điên điển và nước trái dừa tươi mát.
Anh Than tới nhà tôi với gương mặt tươi
hẳn. Tôi hỏi anh: “Có chuyện vui phải không?”. Anh cười nhẹ, bắt cái ghế ngồi
cạnh tôi, vuốt cái nón đã bạc, anh hỏi tôi: “Anh cho ý kiến giùm tôi, tôi định
lên vườn sinh thái mấy công đất của ông bà để lại, dạo này khách tham quan xứ
mình đông lắm anh! Họ thích hái trái cây, câu cá, ngủ lại nhà dân, bà con mần
ăn được lắm!”. Suy nghĩ một chút, tôi bảo anh: “Ừ, anh tính chuyện này hay
nghe, có mấy công đất năm nào trồng lúa nhiều lắm là đủ ăn, có khi nào anh nói
là dư dả đâu, cải tạo thành vườn, đào con mương cho nước vào rồi thả cá, phía
trên bờ mình dựng mấy cái lều, chung quanh các bờ đê anh trồng ổi, bưởi, xoài,
đu đủ… vừa thu hoạch bán ra chợ, vừa cho khách thưởng thức, lâu lâu anh mời
nhóm đờn ca tài tử về ca hát phục vụ khách tham quan, lúc đó vườn cây trái của
anh phất lên cho coi”. Anh gật gật đầu nhưng ra chiều đắn đo: “Nhưng vốn lớn
lắm anh à!”. “Anh làm từng bước, đào ao trước, trồng cây mau ăn trái, cất vài
cái lều, rồi rủ bạn bè tới tham quan để anh em giới thiệu ra xa hơn. Còn vốn thì
anh liên hệ Hội Nông dân xã nhờ hỗ trợ vay, lãi suất ưu đãi mà”. Một lát sau,
tôi thấy mắt anh lonh lanh như tìm ra điều gì thú vị. Anh nói: “Có rồi, tôi nhớ
ra mình còn mấy thằng bạn ở thành phố LX có gọi điện hỏi thăm tôi, họ làm ăn
khá lắm, nhớ tình bạn bè, mấy anh hứa cho mượn vốn cải tạo đất, tôi ngại nên
chưa trả lời, nay có anh nhắc tôi mới nhớ ra, tôi sẽ gặp các anh nhờ một phen.Ở
làng mình có đội đờn ca tài tử, từ ngày đờn ca tài tử được công nhận là phi vật
thể thế giới tụi nó mừng rơn, tập dợt ráo riết để tham dự hội thi văn nghệ cấp
huyện, sẵn có vườn cây trái tụi nó sẽ tập hợp đội tới vừa tập vừa phục vụ khách
luôn tiện cả đôi bờ”. Tôi cười: “Còn các giọng ca mùi chắc không quên anh Than
có giọng ca ngọt lịm đã từng làm cho mấy cô gái láng giềng thầm thương trộm
nhớ”. Anh Than lắc đầu: “Anh nói quá rồi, tui mà ca ngọt sao bằng anh, mà thôi,
chừng nào đội đờn ca tài tử tới, tôi điện thoại cho anh hay anh dìa tham gia
nghe. Thôi tui dìa, tôi sẽ bắt tay sớm cái dự tính này, chừng nào anh dìa tui kêu
tụi nhỏ gởi anh ít trái cây đem dìa ăn lấy thảo, đó là quà của quê mình”.
Anh Than thoăn thoắt đi với niềm vui nhen
nhóm. Nhìn ra con sông thân quen, con nước vẫn lững lờ trôi xa xa về phía cánh
đồng. Bãi cồn năm nào giờ thành một xóm nghề cá trù phú, rộn rịp. Tôi mong dự
tính của anh Than sẽ trở thành hiện thực cũng như bà con ở quê ngày một sung
túc hơn. Cái tên “Than Đen” sẽ trở thành
cái tên “Than Hồng”.
Đ.P
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét