TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Hai, 12 tháng 1, 2015

* CHƠI LÂN - Tạp bút của Lý Văn Nhiên



Năm hết Tết đến. Thuở còn bé thơ cứ sau Tết Trung thu mong mau đến Tết. Vì có Tết mới được ăn ngon mặc đẹp và nhất là được coi múa lân suốt ngày không chán.

 
Lân là một trong tứ linh: Long – lân – qui – phụng mang đều tốt lành đầu năm mới. Châu Đốc xưa không biết chơi lân có từ lúc nào. Riêng tôi chỉ biết từ thập niên bốn mươi của thế kỷ trước. Đó là lân Tam Sơn ở Châu Long 6 Vĩnh Mỹ. Ngày nay múa lân được xem là bộ môn nghệ thuật được ngành thể dục thể thao quản lý. Ở thành phố Hồ Chí Minh, một vài đoàn lân lớn đã đạt giải huy chương vàng bạc cấp châu Á trong những liên hoan lân quốc tế  – múa lân trên Mai hoa thung. Để trở thành múa giỏi phải đầu tư từ xa. Được luyện tập từ tuổi bảy, tám và xuyên suốt bốn đến năm năm để xem năng khiếu chen niềm đau mê nhứt là không sợ độ cao. Cứ vài mươi em sẽ chọn được một vài diễn được Mai hoa thung. Số còn lại chuyển sang múa tầm thấp, múa địa, nhịp gõ hoặc săn sóc viên theo đoàn. Đánh trống cũng đòi hỏi năng khiếu. Cứ vài ba chục sẽ có được vài người. Trống đánh phải giòn, phân nhịp đúng, hiểu biết các kiểu múa. Địa múa kèm với lân, hướng dẫn để lân sinh động phù hợp với trống. Vì vậy giữa địa – lân và trống phải ăn rơ nhau. Đôi khi lân quậy không nghe trống thì tiếng gõ vành “rốc rốc” sẽ làm lân chú ý. Trên bảo dưới nghe. Từ xa nghe tiếng trống. Đến gần xem lân múa. Có thể thưởng thức trình độ của mỗi đoàn thông qua biểu diễn lân leo cây xoay người trên độ cao chỉ còn một điểm tựa ở phần bụng.
Màu sắc đầu lân tùy vào cung mệnh năm âm lịch. Ví dụ năm mệnh Thủy màu chủ đạo là đen. Năm mệnh Thổ màu vàng, mệnh Hỏa màu đỏ v.v… Ngày Tết nếu không phải lân quen, người ta sẽ chọn màu sắc lân phù hợp để rước vào chúc xuân. Ngày trước cứ đầu tháng mười, người ta lên Sài Gòn – Chợ Lớn đặt đầu lân. Và nhận lân vào rằm tháng chạp để làm lễ khai quang điểm nhãn trước khi lễ đưa Táo về trời. Khai quang điểm nhãn vào đêm hai ba hoặc hai bốn. Đầu lân phân biệt được con đực hoặc cái thông qua chiếc cù màu đen ở đỉnh đầu. Lân cái cù hơi thuôn dẹp, vòng xoắn ốc lơi. Lân đực chột cù mập, vòng xoắn ốc nhặt. Nhìn lân biết xuất xứ của miễu Ông hay miễu Bà. Ngày nay rất ít người quan tâm đặc điểm nầy. Lễ khai quang điểm nhãn cho lân là nghi thức quan trọng. Đến ngày, đầu và đuôi được ráp buộc kỹ đặt trang trọng trước sân chính điện. Người múa đầu và đuôi sẽ chui sẵn vào làm động tác như lân đang nằm ngủ. Hai mắt nhắm híp, miệng ngậm. Đúng giờ, chủ lễ thắp nhang khấn nguyện, mong cầu năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng làm ăn phát đạt yên vui… Một đĩa tam sên, một tộ muối gạo và dĩa trái cây được đặt phía trước. Người chủ lấy muối gạo rải xuống nền chính điện. Dùng bông vạn thọ nhúng nước lạnh rải nhẹ lên đầu lân. Tay cầm đèn cầy cháy đỏ xem một lượt từ đầu đến đuôi lân, đoạn dùng nhang vẽ chữ bóng vào trán, mắt trái, mắt phải xong ra lệnh tháo hai miếng giấy vàng bạc dán trước mi lân, lân chớp chớp mắt, miệng mở, vùng dậy như đang ngủ mê bị đánh thức và múa. Địa cũng múa theo lân. Theo lệnh của trống, lân ăn và giỡn với địa rồi lạy trước chính điện. Lễ khai quang kết thúc. Sau đó đầu lân được bọc lại để chờ múa Tết. Trưởng đoàn sẽ thông báo lịch chúc xuân và hẹn ngày giờ để tập luyện như lên vai, leo cây cao 10m, ăn trái cây, uống nước và các kiểu cách múa khéo. Riêng tập leo đầu tiên ở bến sông có nước trên bụng, khi thuần thục mới lên sân tập. Râu lên tượng trưng cho tuổi. Thông thường mới chơi để râu xanh, đen hoặc nâu. Khi có uy tín mới để râu bạc. Theo quy ước, hai lân gặp nhau trên đường thì lân râu đen chào trước lân râu bạc. Lân râu bạc sẽ cất cao đầu chào đáp lễ. Các thành viên khác vẫy tay chào nhau. Nếu khiếm nhã sẽ dễ sinh bất hòa.
Có thời gian đầy đủ xem múa lân sẽ cảm nhận hết tính phong phú của nó. Lân hay dở tùy thuộc người múa. Cách ăn, uống, giỡn v.v… mỗi người đều có nét riêng nhứt là chơi pháo nổ. Lân thiếu pháo như cờ không gió. Tiếng pháo nổ giòn, trống nhịp thúc làm lân phấn khích gấp bội phần. Thời trước pháo “Điện Quang” trăm viên không lép một, xen pháo tiểu là pháo đại nổ rất to. Kế đến là pháo “kinh bê” cũng nổ tốt. Bọn trẻ con vừa xem lân vừa bụm cả hai tai. Riêng các hãng pháo khác thì nổ không đều, hay bị xì lép nhưng các em rất thích, cứ chen nhau lượm bỏ đầy túi áo. Ngày xưa lân múa leo và chơi pháo có thể phân đẳng cấp. Ngày nay căn cứ vào múa trên Mai hoa thung. Do tùy thuộc năng khiếu nên trong đoàn chỉ được một vài anh múa pháo đẹp. Đối với họ dù pháo tiểu pháo đại không có nghĩa gì cả. Gặp pháo trận họ sẽ vào thay, mặc cho pháo nổ rốp chát, nhiều viên nổ bắn văng trúng người, rách cả áo quần nhưng vẫn tỉnh bơ nhào nhảy. Bấy giờ lân trở thành con thú thật sinh động đang giỡn pháo. Nhiều gia chủ phấn khích tuôn hết số pháo dự phòng ra đốt đến phông pháo cuối cùng.
Ngày nay lân không còn chơi pháo và hạn chế được rủi ro do pháo gây ra. Riêng ở một vài đoàn tự chế nhịp gõ nghe thốn tai không nên dùng vì không phải âm thanh rộn ràng của bộ môn nghệ thuật truyền thống tạo hưng phấn cho ngày xuân.
LÝ VĂN NHIÊN
_

(theo ĐP)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét