Mùa
nước nổi, một nét đặc trưng mà thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất Tây Nam bộ, An Giang. Mỗi năm, đến hẹn lại lên từ
tháng 7 đến tháng 9 âm lịch, An Giang lại chào đón mùa nước nổi. Biết bao nguồn
lợi thủy sản dâng tặng con người: Những loài cá từ thượng nguồn xuôi dòng Cửu
Long du lịch khắp nơi và không quên ghé thăm đồng ruộng, kênh rạch; ốc bươu
không chịu thua kém, lênh đênh bồng bềnh trên các cánh đồng, tắm mát, nhún nhảy
trong dòng nước ngọt mát lạnh, mênh mông. Cây lá gặp lại cố nhân đua nhau làm
duyên, khoe sắc, trổ bông, vươn dài: Điên điển vàng rực trên cây soi mình trong
nước làm duyên; bông súng mỉm cười khoe cánh; rau muống dang những cánh tay dài
mơn mởn vẫy chào…
Sau
thời gian giao duyên chung sống, mùa nước nổi lưu luyến chia tay để lại ân tình
cho đồng ruộng: Lớp phù sa màu mỡ, phì nhiêu. Những vụ mùa bội thu hứa hẹn trên
những cánh đồng sau ba tháng gần gũi, quấn quít giữa đất và nước. Và chắc hẳn
ai gắn bó với đồng ruộng không khỏi náo nức, hân hoan, tri ân nghĩa tình của
nước.
Làm
sao kể xiết những đặc ân mà mùa nước nổi mang đến cho con người An Giang. Thế
nhưng, cuộc đời thường không ít nghịch lý, tham vọng con người không đáy “được voi đòi tiên”. Người ta sẵn sàng
khai thác một cách không thương tiếc, làm cạn kiệt những nguồn tài nguyên phong
phú. Sự bội bạc ân tình đương nhiên phải nếm mùi cay đắng. Hãy tưởng tượng mùa
nước nổi không còn nữa thì điều gì xảy ra? Cuộc sống sẽ không ít khó khăn, nhất
là những gia đình ở nông thôn. Những thu nhập từ nguồn lợi thủy sản vơi đi,
những ngành nghề gắn liền với sông nước không thuận lợi, đất đai đồng ruộng khô
cằn, thiếu sinh khí…
Khó
khăn nhiều không kể hết. Vậy tại sao chúng ta không trân trọng, nâng niu kho
báu mà thiên nhiên trao tặng? Sự can thiệp của con người quá mức cũng khiến
dòng chảy không tự nhiên và sinh ra sự xói mòn gây lở đất nhiều nơi. Đắp đê
ngăn lũ là công trình có ý nghĩa nhưng cũng có lúc thiên nhiên giận dữ trước
hành vi xâm phạm thô bạo gây cản trở nguồn nước và cơn thịnh nộ đó gây ra hậu
quả khôn lường. Ấy cũng là điều cơ quan chưc năng cần nghiên cứu, có giải pháp
phù hợp.
Biết
rằng “đất chật người đông”, cần có những cải cách, cải tạo:
“Nghiêng đồng đổ nước ra sông
Vắt đất ra nước thay trời làm mưa”.
Nhưng
cũng nên ở một giới hạn cho phép. Từ xưa ông cha ta đã “sống chung với lũ”
và lũ đã “không phụ lòng người”, cho
chúng ta biết bao sản vật. Gần đây, nguồn nước sông Cửu Long bị các quốc gia
láng giềng tranh chấp, chia phần, mỗi nước một kiểu.Chúng ta cần có sự tranh
đấu để nước được xuôi dòng. Những công trình thủy lợi đắp đê ngăn lũ của các kỹ
sư, chuyên gia cũng nên nghĩ đến sự lưu thông tự nhiên của nước: Phải cho đất,
nước gặp gỡ. Người dân khi hưởng sản vật mùa nước nổi phải biết quý trọng, giữ
gìn, tránh tàn phá đến cạn kiệt.
Sinh
ra, lớn lên nơi quê hương An Giang thuận hòa, hiền lành hơn nửa thế kỷ. Trải
qua biết bao mùa nước nổi đội cặp, xách dép, xoắn quần, quấn áo lội nước đến
trường, tôi hiểu được phần nào những khó khăn khi nước về và cũng cảm nhận được
những bổng lộc mà mùa nước nổi mang đến. Lợi và hại luôn song hành, đó là quy
luật. Biết hân hoan đón nhận cái lợi và khước từ khắc phục cái hại, ấy mới là
cách sống khôn ngoan!
HUỲNH THỊ BẠCH MAI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét