TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

* ĂN BÔNG ĐIÊN ĐIỂN, NGHIÊNG MÌNH NHỚ ĐẤT QUÊ - Tùy bút của Phạm Văn Rớt



1- Châu Đốc quê tôi ở đầu nguồn châu thổ. Hằng năm, cứ mỗi độ “Tết Đoan Ngọ”, “mồng Năm tháng Năm” về, người dân xứ tôi chứng kiến cảnh “nước dậy”. Dòng sông phù sa trở ngọn nước, xoay chiều. “Nước dậy” đục phù sa. Nước từ từ dâng lên.

2- Nước dâng đến đâu, cây cỏ, thủy sản cá… sinh sôi nảy nở đến đó. Trong đó, có bông điên điển, mọc theo bờ kinh bắt đầu sinh sôi nảy nở, phát triển làm vàng rực cánh đồng. Bông điên điển cho hương vị rất đặc biệt, giòn, thơm, bùi, béo lại nồng đượm hương, mang lại nguồn thực phẩm đa dạng phong phú, trở thành món đặc sản không bao giờ phai trong tâm hồn người dân bản xứ, dân miền Tây…
3- Quê ngoại tôi ở làng Cầu Ba Nhịp, xã Vĩnh Tế, Châu Đốc, An Giang, nằm trải dài theo bờ kinh Vĩnh Tế. Cuộc sống gia đình và bà con ở đây đều gắn bó với mùa nước nổi hằng năm.
Mùa nước nổi, bông điên điển nở rộ trên cánh đồng lúa sạ quê tôi. Những buổi sáng tinh mơ, dì Út tôi cầm lái chèo xuồng, tôi ngồi trước mũi, đội nón lá. Xuồng bơi thẳng vào những cánh đồng bông điên điển mọc tràn lan trên ruộng, trên sông rạch. Hai dì cháu dùng tay “tước” những bông điên điển vàng tươi rơi ào ào xuống khoang xuồng, nhắm chừng đủ ăn, dì Út tôi cho lui xuồng, bơi chậm rãi về nhà.
4- Bông điên điển hái về nhà, với bàn tay khéo léo của dì Út và thói quen chế biến của làng quê tôi, thường có các món như: Canh chua bông điên điển với cá linh, bông điên điển xào tép; khi nhà có tiệc thì đổ bánh xèo bông điên điển…
2 món ngon từ cá linh mùa nước nổi miền Tây





Cá linh và hoa điên điển là đặc sản của mùa nước nổi ở miền Tây Nam bộ.
5- Mùa nước nổi, cùng với bông điên điển nở rộ, cá linh cũng đua nhau sinh sôi nảy nở, làm phong phú hơn nguồn thực phẩm thiên nhiên ở miền Tây.
Ca dao có câu: “Nước không chân sao kêu nước đứng/ Cá không thờ sao gọi cá linh”. Theo dân gian, tên cá linh do vua Gia Long Nguyễn Ánh đặt cho để cảm kích về loài cá đã báo tin cho Người khi đi trên sông nước. Tương truyền, lúc Nguyễn Ánh bôn tẩu vùng này, một lần cá linh từ đâu phóng ào ào vào thuyền, ông cho là điềm gỡ nên không đi theo hướng đã định và thoát nạn. Từ đó, có tên gọi cá linh.
Cá linh thuộc loài cá vảy trắng. Một mùa lũ, cá linh có hai thời kỳ. Khi mưa rả rích trên đồng, lũ bắt đầu dâng, cá từ thượng nguồn sông Mê-Kông xuôi về, lên đồng để đẻ, bắt đầu mùa cá linh vào cuối tháng bảy âm lịch.
Cá linh lúc này nhỏ chỉ bằng đầu đũa, gọi là cá linh non đầu mùa, đã trở thành món đặc sản có một không hai. Là thời điểm cá ngon nhất của năm. Bởi cá chưa quá lớn nên xương chưa cứng, bụng cá lại có mỡ nên ăn thịt ngọt béo, hầu như không có xương, đậm hương vị. Người ăn không nên bỏ xương, nhẩn nha nhai để thấy ngấm cái vị ngọt lừ, beo béo không lẫn vào đâu được. Còn từ cuối tháng mười âm lịch, lũ rút, con cá linh lớn cỡ ngón tay, vảy cứng, thân nhiều xương và đầu lại có sạn. Cá linh đã già (nhiều người gọi là cá linh rìa), lúc này thịt vẫn ngọt nhưng xương hơi nhiều, ăn được nguyên con, không cần đánh vảy. Bạn chỉ cần cắt ngang rốn cá một đoạn nhỏ rồi nặn hết ruột bên trong ra cho sạch. Cắt đuôi, sau đó rửa sạch, làm món chiên giòn hoặc nướng là lý tưởng.
Vào thời điểm này, bắt đầu hết mùa nước nổi, khi ấy trên bờ, bông điên điển cũng kết trái, tàn một mùa hoa.
Trong các món chế biến bông điên điển vừa nêu, tôi nhớ và khoái khẩu nhất là bông điên điển nấu canh chua cá linh: “Canh chua điên điển cá linh/ Ăn chỉ một mình, nên chẳng biết ngon” và bông điên điển đổ bánh xèo. Hai món này, ngoài giá trị dinh dưỡng thực phẩm đặc sản mùa nước nổi, còn có trị dược học theo quan điểm y học hiện đại.
Theo dược sĩ Bùi Kim Tùng, cựu giảng viên các trường Y Dược thì món ăn canh chua – bông – điên – điển – cá – linh trị di hoạt tinh, đau lưng, mỏi gối… Ông giải phương như sau: Đông y gọi cá linh là “Trùng thần ngư”, tên khoa học là Hemibarbus labeo, tính bình, trị đau lưng, mỏi gối, nhức nhối trong xương. Còn dược tính của bông điên điển, dược sĩ Trần Văn Hưng cho rằng: Dược học dân gian tại nhiều quốc gia Phi châu và Á châu dùng điên điển để trị một số bệnh như: Tại Decca (Bangladesh), nước cốt ép từ lá dùng trị giun sán. Hạt dùng trị tiêu chảy, rong kinh và sưng lá lách. Nước ép từ thân cây cũng dùng trị bệnh ngoài da. Rễ giã nát, đắp trị vết thương do bọ cạp chích. Dược học Ayurvedic (Ấn Độ) dùng điên điển để trị nhiều bệnh khác nhau: Hoa dùng trị xuất tinh sớm, quáng gà, ho cảm. Lá trị ho, lọc máu, nhức đầu, động kinh. Tại Việt Nam: Đọt non điên điển được giã nát với muối hột dùng đắp để trị bệnh “giời” ăn. Hoa điên điển, bỏ cuống, hấp với đường phèn làm thuốc bổ tim.
Tác dụng trị liệu của đọt non điên điển đối với bệnh “giời” ăn quả thật hiệu quả kỳ diệu! Bản thân tôi và gia đình từng bị bệnh này, dùng thuốc Tây y xức uống dài ngày, tốn kém vô cùng, nhưng không hết. Dân gian cho rằng nếu để “giời” ăn giáp vòng nối liền nhau, sẽ tử vong! Trong cơn đau hốt hoảng như thế, chợt nhớ lại thuở sinh tiền, má tôi thường chỉ cho người bị bệnh “giời” ăn, dùng đọt non điên điển tươi (phải dùng đọt tươi vừa hái trên cây xuống liền, vì còn chất nhựa; tác dụng trị liệu mới hiệu quả) giã nát với muối hột đắp lên vết “giời” ăn thì hết bệnh. Tôi liền đi hái đọt non điên điển áp dụng thì mụn bọc “giời” ăn vỡ ra, sau đó dùng nghệ bôi lên; không để lại vết sẹo. Sau này, Hàn Quốc có đưa vào Việt Nam loại thuốc trị bệnh “giời” ăn, điều trị xong, để lại vết sẹo, ra nắng bị sạm đen suốt đời! Xin ghi chép lại đây phương thuốc đơn giản rẻ tiền, hiệu quả của cha ông chúng ta trên con đường chống chọi bệnh tật.
Ngoài tác dụng trị liệu của bông điên điển nêu trên, dược tính trị liệu của bánh xèo bông điên điển cũng được dược sĩ Bùi Kim Tùng giải phương như sau, trong đó ông chú trọng đến nghệ vàng được pha chế trong bột làm bánh xèo: Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Hiệp Hội Chống Ung thư Hoa Kỳ… lấy làm ngạc nhiên khi thống kê thấy rằng tỷ lệ ung thư ở Ấn Độ thấp hơn các quốc gia khác trên thế giới, mặc dù có dân số cao. Qua khảo sát, các tổ chức này thấy rằng dân Ấn Độ có món ăn quốc hồn quốc túy là Càry, trong đó nghệ vàng chiếm tỷ lệ cao. Họ mang nghệ vàng ra phân chất, thử nghiệm… nhiều năm tháng; cuối cùng thống nhất kết luận rằng trong nghệ có chất Curcumin có tác dụng chống ung thư hữu hiệu. Hiện các công ty dược phẩm Hoa Kỳ tung ra thị trường sản phẩm chống ung thư chiết xuất từ nghệ. Việt Nam cũng vậy. Nhưng theo dược sĩ Bùi Kim Tùng thì dùng nghệ làm thức ăn mỗi ngày hữu hiệu hơn là uống thuốc bào chế từ nghệ!
6- Đêm về, trong không gian êm ả của mùa nước nổi năm nay, nghe bài ca: “… Ăn bông mà điên điển/ Nghiêng mình nhớ đất quê/ Chồng xa em khó mà về” lòng tôi bùi ngùi, thương cảm những cô gái đi lấy chồng xa. Càng da diết thương mến công chúa Huyền Trân, đã vì đất nước, mà chịu cảnh “… Chồng xa em khó mà về”.
Huyền Trân công chúa (Đinh Hợi 1287 – 1340) là công chúa duy nhất của vua Trần Nhân Tông và Khâm Từ hoàng hậu, là em gái của vua Trần Anh Tông. Hơn 700 năm trước, vào mùa hạ năm Bính Ngọ (1306), Huyền Trân thuận theo ý phụ vương là thái thượng hoàng Trần Nhân Tông về làm hoàng hậu, mỹ hiệu là Baranecvari của vua Chế Mân nước Chiêm Thành. Mục đích cuộc hôn nhân là góp phần thắt chặt tình bang giao giữa hai nước, tạo mối thâm tình để chống kẻ thù chung là giặc Nguyên – Mông. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, hai nước đã từng liên kết với nhau. Vua Chiêm đã từng mang quân ra tận Nghệ An giúp Trần Nhân Tông. Vua Trần Nhân Tông đã từng cử hàng nghìn binh mã, hàng trăm chiến thuyền ứng viện giúp vua Chế Mân đánh thắng Toa Đô, khi Toa Đô hùng hổ đưa 5.000 quân, 100 hải thuyền, 250 chiến thuyền tấn công Chiêm Thành (năm 1282 –  1285). Và đặc biệt là việc dâng châu Ô, châu Lý của vua Chế Mân để cầu hôn nàng (Đất hai châu Ô, Lý kể từ Nam sông Hiếu, tỉnh Quảng Trị vào Bắc sông Thu Bồn, Quảng Nam) đã giúp nước ta mở rộng bờ cõi về phía Nam.
Sự  thật Huyền Trân công chúa tư thông với Trần Khắc Chung
Công chúa Huyền Trân được gả sang nước Chiêm Thành. (Ảnh minh họa)
Một năm sau, vua Chế Mân qua đời, theo tục lệ của đất nước Chiêm Thành, hoàng hậu sẽ phải lên giàn hỏa thiêu để tuẫn tang theo chồng. Vua Trần Anh Tông biết được, sai Hành khiển Trần Khắc Chung và Đặng Vân sang Chăm điếu tang và đưa Huyền Trân về nước. Tháng 8 năm Mậu Thân (1308), sau khi về đến đất Thăng Long, vua Anh Tông cho Huyền Trân về lập ấp ở đất Thái Đường – Lưu Xá, thuộc phủ Hương Long (nay là huyện Hương Hà, tỉnh Thái Bình), nơi có lăng mộ các vua Trần Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông. Tại đây, Huyền Trân dạy dân trồng dâu dệt vải, dạy múa các điệu cung đình Chăm. Khi ngoài 30 tuổi, Huyền Trân quyết định chia hết điền sản ruộng vườn của mình cho nông nô và giải phóng cho họ, rồi xuống tóc quy y cửa Phật, có pháp danh là Hương Tràng. Huyền Trân quy tiên năm 1340; tại huyện Hưng Hà – Thái Bình, nhân dân đã lập đền thờ và tôn là Mẫu, hàng năm có cúng tế. Hậu thế xem Huyền Trân như là người đã khai canh ra vùng đất Thuận Hóa. Hiện ở vùng Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam nhiều nơi vẫn còn lập miếu thờ Huyền Trân .

PHẠM VĂN RỚT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét