TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

* ÔNG THẦY THUỐC RẮN - truyện của Đỗ Văn Ngôn



        ( Kính dâng hương hồn thân phụ Đỗ Văn Nhành )
Ngày xưa, vùng nông thôn rắn hổ mang rất nhiều. Người bị rắn cắn chết cũng không ít. Trong lòng mọi người, bị chết vì rắn cắn là nỗi ám ảnh sợ hãi kinh hoàng! Đến một hôm, sát bờ sông Hậu, ngay vàm xép Katambong, bỗng xuất hiện ông thầy thuốc rắn cho thuốc miễn phí, ông Ba Nhành! Ông Ba tướng người phốp pháp mạnh mẽ, thường mặc bộ đồ lãnh đen, tóc búi gọn. Có thể ví hình ảnh ông tiêu biểu cho nông dân Nam bộ.
Thêm chú thích

Những cây thuốc quý ông trồng sẵn trong vườn, cùng chiếc áo tay dài, chiếc nón lá…là những thứ mà ông đã chuẩn bị sẵn, để lúc gấp gáp đi cứu người ở xa, chỉ cần nghe tiếng kêu hớt hải, ông vội vói tay lấy vài thứ cần thiết là đi ngay. Vì nếu chậm trễ một phút, thì đâu đó một mạng người sẽ bị chết oan. Thế nên, ông Ba Nhành sẵn sàng tự nguyện đến với nạn nhân. Và chỉ cần ông cho thuốc vào miệng và đắp lên vết thương, trong chốc lát nạn nhân sẽ qua cơn nguy kịch và khỏi hẳn. Ông quay về, mà không nhận của ai một xu nào.  

   Trong các loài rắn, rắn hổ mang là loài độc nhất. Bị rắn hổ cắn, có thể chết trong vài giờ, hoặc trong một đôi ngày. Sau những lần cứu người, có ai đó đem câu hỏi trên hỏi ông Ba, ông liền giải thích như sau:
-Nếu con rắn nhịn đói lâu ngày, nọc độc còn nguyên, người bị cắn sẽ chết ngay! Còn như rắn vừa mới bắt mồi, nọc sang bớt cho con mồi thì người bị cắn sẽ kéo dài được đôi ngày.
Thật ra, loài rắn hổ rất hiền và chậm chạp, nếu không chọc ghẹo, chẳng bao giờ chúng rượt đuổi con người. Tuy nhiên nếu làm đau, hoặc gặp lúc nguy hiểm, chúng rất hung dữ và nhanh nhẹn như chớp. Chúng phun nọc vào mắt người, cách 2 mét có thể làm mù mắt. Do đó, những nạn nhân bị rắn cắn, đa số ban đêm đạp nhầm chúng.
Ngày thường, thỉnh thoảng  có một thanh niên theo ông Ba ra đồng bắt rắn. Ông chỉ cần nhìn sơ là biết hang nào có rắn hổ. Quả không sai, khi con chó cò vừa chúi mũi vào hang, khịt khịt mấy cái, vội nhảy ngược trở ra, rồi sủa inh ỏi. Sau đó, nghe tiếng khù khù rền vang trong lòng đất. Ông dừng tay, cẩn thận ém chặt mấy cái ngách. Đào tiếp một lúc thì đến nùi rọ, bầy rắn hổ khoanh tròn lộn vòng liên tục. Người thanh niên đếm liền 3 cái đuôi. Ông Ba bảo:
-         Đừng dại, mà nắm đuôi chúng, cái đầu nằm dưới đấy!
Ông lấy chĩa khều đuôi ra , rõ là cái đầu con rắn hổ nằm ngay phía dưới. Ông chỉ cách bắt rắn làm sao cho an toàn. Mũi chĩa khều nhẹ trên mình, con rắn hổ từ từ thò đầu bò ra khỏi hang. Chiếc len cắm đứng chờ sẵn, rồi chặn ngay cổ, ông Ba vói tay nắm đầu con rắn kéo ra. Con rắn quá lớn, gần bằng cườm tay, dài thườn thượt, thật khủng khiếp! Người thanh niên lực lưỡng vậy mà xem thấy con rắn to dài cũng bắt rùn mình. Ông Ba Nhành chỉ cho thấy hai chiếc răng nọc ở hàm trên, căn dặn phải quay đầu con rắn ra phía ngoài, kẻo nọc nó phun vào mắt. Ông liền lấy mũi mác vạch nứu, hai chiếc răng nọc lòi ra, bén như hai cây kim, rồi đột nhiên nọc của nó bắn  phún ra hai vòi nước đục ngừ. Ông bảo, đấy là nọc độc chết người. Nói xong, ông Ba lấy cọng dây chì lẹo miệng con rắn cẩn thận, rồi bỏ vào giỏ. Người thanh niên còn thắc mắc, vậy hồi nảy, mấy con rắn trong hang biến  đâu rồi?
Ông Ba cười, giải thích:
-Đâu còn con nào nữa! Rắn hổ khôn lắm, nó lăn lộn để giấu đầu, lòi đuôi. Khi đếm, thấy đuôi nhiều, chớ thật ra chỉ có một con mà thôi!
Người thanh niên trố mắt ,ngạc nhiên, bèn kêu lên:
- Ồ!... thật lạ !...
Thời ấy, người bị rắn cắn chết rất nhiều, dân chúng không biết thế nào mà tránh. Bỗng dưng, rắn hổ chui vào giường, chui vào kẹt tủ, chúng nằm đâu đó dưới cầu thang, hay ban đêm nghêu ngao trên đường làng kiếm ăn. Nếu ai rủi đạp nhầm, chúng quay lai cắn, cái chết như thế thật oan uổng. Từ khi ông Ba Nhành về sống trong làng, dân chúng quanh vùng thật sự yên ổn. Bởi hằng trăm người bị rắn cắn, kịp đến ông Ba cho thuốc, từ đó không còn ai chết nữa. Thực tế, có tận mắt nhìn ông Ba cứu người, mới ngạc nhiên và công nhận phương thuốc của ông là mầu nhiệm. Người bị rắn cắn đau nhức vật vã, kéo đàm nghẹt thở, cái chết chỉ trong gang tấc. Vậy mà thật kỳ diệu, chỉ cần ông đổ thuốc vào miệng trong giây lát, tức thì đàm hạ xuống, vết đau giảm hẳn, nạn nhân vì quá đuối sức, vội nằm lăn ra ngủ một giấc, sau đó đứng dậy ra về.
Trong nghề làm phước cứu người, nạn nhân chẳng mang ơn thì thôi, không ít lần còn buông lời mĩa mai, chế giễu. Bởi rắn độc cắn luôn có hai dấu răng, bầm xanh hay bầm đen. Còn như rít cắn cũng có hai dấu, nhưng sưng đỏ. Một bữa nọ, người trong xóm bị rắn cắn, ông Ba cho thuốc nhanh chóng hết bệnh. Họ chẳng mang ơn, trái lại khi thấy ông từ xa đi đến, cố tình nói với nhau để cho ông nghe:
-Cái thứ rít cắn sơ sài mà làm giọng quan trọng, bảo là rắn cắn!
Nghe xong, ông Ba Nhành buồn héo ruột. Ông nghĩ lung lắm. Hằng trăm người được ông cứu sống, chắc cũng chỉ là đồ vong ơn bội nghĩa mà thôi!?... Chẳng lẽ công sức ông bỏ ra để cứu người mấy mươi năm nay như muối bỏ biển sao? Người ta bảo: “Cứu vật vật trả ơn, cứu nhơn nhơn trả oán” cũng có phần đúng. Suốt buổi, ông Ba Nhành bần thần trong mình, ăn uống không ngon, ra vào như người mất của. Đúng là đáng giận! Ông quyết định không cứu người nữa, đi thẳng ra vườn thuốc, nhổ bỏ hết số thuốc quý. Nhưng, trời cao còn đức hiếu sinh, nên khi ông Ba cuí xuống nhổ số thuốc thì trời đột nhiên đổ mưa. Ông chạy vào nhà, mình mẫy ướt nhem. Cơn mưa lạnh làm đầu óc ông tỉnh táo. Trong một lúc nông nỗi, chỉ giận một người mà ông phải làm cho bao nhiêu người khác chết oan hay sao? Mang ơn hay không thì lâu nay ông có đòi hỏi gì đâu? Việc ông làm ông biết, mặc cho thói đời trắng đen, gièm siểm... Nghĩ đã thông, ông Ba Nhành thấy sảng khoái trở lại. Ông không còn bận tâm với những lời vô ơn bạc nghĩa ấy nữa. Nó đã bay thoảng qua trong gió mất rồi…
Nhớ lại người thầy đã truyền môn thuốc rắn cho ông, cũng là một nhân duyên kỳ ngộ. Đó là, vào một buổi hoàng hôn, làng xóm xôn xao, đèn đuốc sáng choang. Mọi người cập rập đang cưa bộ ván ngựa, để làm chiếc hòm lịm người chết. Có một ông lão lạ mặt, không phải người trong làng đi ngang qua, ghé vào hỏi thăm. Dân làng cho biết, có người bị rắn cắn chết, chuẩn bị lịm vào hòm. Nghe thế, ông lão bảo chủ nhà khoan lịm, chờ một chút, để ông xem bệnh. Nếu cứu được, ông sẽ cứu giúp. Số thuốc đã sẵn trong người, ông lão nhờ cạy miệng đổ thuốc cho người chết. Thật là kỳ diệu, hồi lâu người chết từ từ tỉnh lại. Được mọi người kể rõ đầu đuôi, người vừa được cứu sống ngồi dậy, lạy ông lão luôn mấy lạy. Dân làng nức lòng mừng rở, thì thầm với nhau: “Chủ nhà chắc có tích lũy nhiều phước đức, nên trời kia khiến cho gặp được kỳ nhân, cứu mạng!” Chuyện người bị rắn cắn chết, bất ngờ được cứu sống, về sau đã lan truyền qua mấy xã. Riêng người chủ nhà lẩm bẩm: “Từ khi tim ngừng đập, không còn cử động được, biết mình đã chết, nhưng lạ lùng, vợ, con, ai khóc, ai nói gì ông cũng nghe. Biết người ta sắp lịm mình vào hòm, nhưng lỗ tai còn nghe rõ người thầy bảo cho mình uống thuốc…mãi cho đến lúc tỉnh lại”. Người chủ nhà vừa kể, vừa chảy nước mắt.
Lúc ấy, ông Ba Nhành đứng đó chứng kiến từ đầu đến cuối, sự việc xảy ra như giấc mơ. Mọi người thật sự xúc động. Chuyện sinh tử ly biệt bỗng chốc được hóa giải. Gia đình nạn nhân rối rít cảm ơn ông thầy. Cho đến lúc nỗi mừng vui đã lắng dịu, ông Ba Nhành thưa chuyện với ông thầy, xin theo học thuốc rắn. Người thầy lẳng lặng nhìn ông từ đầu tới chân ba lần, rồi nói:
-Học thuốc để cứu người, tâm phải sáng, lòng phải trong và không được lấy tiền, nhà ngươi có chịu không?...
Ông Ba Nhành đồng ý!
Sau khi ông lão đi rồi, ba hôm sau theo lời chỉ dẫn, ông Ba Nhành phải leo qua một ngọn núi, một nhánh sông, băng qua một cánh đồng, đến một ngôi nhà lá nằm biệt lập trên gò đất cao. Vợ chồng ông thầy sống ở đó, không có con cái gì. Ông Ba Nhành mang theo chút ít lễ vật, một con gà mái tơ, một lít rượu đế, một nãi chuối xiêm. Thầy trò nhận nhau trước bàn thờ tổ rắn, đèn đuốc sáng choang, khói nhang tươm tất…
 Sau đó, ông thầy dẫn Ba Nhành đi sâu vào cánh đồng hoang để tìm bắt rắn. Ông dừng lại nhìn bốn hướng rồi chỉ tay vào vùng đất cao, cây cối rậm rạp. Trước  hang, ông thầy lầm thầm đọc thần chú, vẽ vẽ mấy vòng rồi vỗ nhẹ vào miệng hang, tức thì chú rắn hổ mang to kềnh trong hang từ từ bò ra, ông thò tay lượm bỏ vào giỏ. Đi thêm một hồi, trong giỏ được những ba bốn con, thầy  trò lại quay về.
      Về gần nửa đường, ai đó làm chiếc băng ghế bằng gổ, đặt bên lề, dưới gốc cây, để khách qua đường nghỉ chân, thầy trò bèn ngồi nghỉ. Ông thầy bắt ra từng con rắn hổ mang rồi lầm thầm đọc thần chú, bầy rắn nằm im, đầu mọp sát đất. Chuyện nầy làm cho ông Ba Nhành kinh ngạc, không dám tin vào mắt mình. Nhưng sự thật, loài rắn hổ gắn liền với huyền bí ma thuật. Chuyện xảy ra ở Ấn Độ, người ta thổi sáo kêu rắn bò lại nhảy múa là chuyện thường. Ông thầy giảng cho ông Ba Nhành nghe ma thuật và thần chú. Điều nầy khó có thể lý giải, dường như là huyền thoại, nhưng lại có thật! Duy có điều lúc về già, thần chú không còn hiệu nghiệm, người thầy sẽ bị rắn hại. Nếu như con học thuốc để cứu người, nó sẽ công dụng mãi mãi. Thầy nhắc con nhớ một điều, đây là loài vật linh, chúng có hiểu biết và có tình nghĩa, chẳng nên sát hại chúng vô lý, chỉ được bắt ăn thịt chút đỉnh, không được bắt đem bán. Nói xong, ông thầy vẽ vòng tròn trên đầu bầy rắn, nảy giờ đang nằm im dưới đất, rồi ra lịnh:
-         Chúng mầy hãy đi đi!...
Lập tức, bầy rắn cất cao đầu, tất cả bò lẹ như bay vào bụi rậm, rồi biến mất.
Ngày đó, ông thầy truyền hết thuốc cho ông Ba Nhành, tận tình chỉ rõ cách khám dấu cắn và phương cách trị liệu. Ông Ba Nhành mang phương thuốc gia truyền của thầy mình đi về phương khác, âm thầm lưu giữ cây thuốc quý, cứu mạng vô số người bị rắn cắn. Người thầy ở lại vẫn sống biệt lập trên gò đất cao, không có con cháu, với căn nhà lá lẻ loi giữa đồng, nơi tụ tập rắn hổ về sinh sống trong mùa lũ. Chúng sanh đẻ càng lúc càng nhiều và ông rất thương chúng. Mỗi lần có người mon men vào gò đất nơi ông ở, với ý đồ bắt rắn, thì ông khuyên không nên giết chúng vô cớ. Trước nhà ông, lúc nào cũng có sẵn vài đôi guốc, để khách tới chơi mang vào, không giẩm phải rắn đang nằm ẩn khuất đâu đó. Còn ban đêm rắn bò ra đi kiếm ăn, trước khi xuống giường phải rọi đèn và mang guốc. Người đến nhà ông không quen, mỗi lần nghe tiếng thổi khù khù  rền vang trong lòng đất, cũng đủ ớn lạnh tới xương sống. Ông thầy cười trấn an: “Không sao đâu, chúng hiền lắm!” Thật thế, từ khi chúng về ở với ông gần chục năm sau, không thấy cắn ai bao giờ!
Một hôm thầy lâm bệnh nặng, ông Ba Nhành trở lại viếng thăm, ngùi ngùi nhìn thầy như ngọn đèn sắp lụi tàn. Một linh hồn sắp bước qua thế giới khác. Một kiếp người sanh ra làm công việc gì đó còn dỡ dang, vội ra đi, nhưng tình cảm còn đọng lại, kỷ niệm xung quanh còn sâu nặng. Ông Ba Nhành nhìn về cõi xa xăm nhớ về thầy mình trong những ngày đầu mới gặp, nhớ tình nghĩa sư phụ mà trong túi không có tiền để đền ơn nhau bằng những buổi tiệc, mâm cao cổ đầy, thịt ngon rượu quý. Chẳng qua, vì ý thầy trong sáng, cao cả, chỉ tìm thuốc cứu người không cần trả ơn, không cần tạ lễ. Bởi thế thầy nghèo, trò cũng nghèo. Tuy nhiên, ngày thầy mất, cũng còn những người có lòng, ấy là những người được thầy cứu mạng năm xưa đến đưa thầy ra huyệt. Nhưng, có một việc mà xưa nay chưa từng thấy. Trước khi khởi động di quan, bầy rắn đột ngột từ mọi hang hốc dưới nền nhà tự động bò ra, không ngại khách khứa đông đảo, chúng vẹt mọi người ra hai bên, nối đuôi nhau thứ tự lớp lang đàng hoàng, con lớn dẫn đầu bò trước, con nhỏ bò sau. Mọi người kinh ngạc, hồi nào tới giờ chỉ biết nhà ông thầy có nhiều rắn, nhưng chẳng biết thật hư là bao nhiêu. Ngày nay tận mắt chứng kiến, mới thấy bầy rắn đông đảo nhiều hơn sức tưởng tượng. Rắn lớn nằm trước, rắn vừa nằm kế, rắn nhỏ nằm sau chót. Chúng sắp xếp có trật tự trước linh cửu của ông thầy. Bầy rắn sống với gia đình rất lâu, được ông thầy bảo vệ, chúng sanh  con đẻ cháu, giờ thì lớn nhỏ có trên hai trăm. Loài vật thế mà cũng có nghĩa! Chúng không nói được, nhưng chắc có vui buồn. Hôm nay, ngày ông thầy tạ thế, chúng thể hiện bằng tấm lòng, nghĩa cử. Người ta trố mắt nhìn, há hốc miệng, từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác. Bầy rắn cùng cất cao đầu, rồi mọp xuống ba lần như thế. Mọi người chỉ tay xì xào: “Chúng lạy từ biệt ông thầy đấy!...” Không gian bỗng nhiên im bặt, thật cảm động. Bóng chiều xuống chậm, ánh nắng hanh vàng hiu hắt trên đọt tre buồn rũ ngọn. Xung quanh, mọi người lặng yên theo đuổi suy nghĩ riêng mình. Không ngờ, loài vật cũng có tình cảm liên quan đến con người. Bầy rắn cuí đầu ba lần rồi nằm nép qua một bên. Lúc quan tài di chuyển ra huyệt, mọi người đi trước, bầy rắn bò theo sau. Đợi lúc chôn cất ông thầy xong, mọi người ra về, chúng lặng lẽ bò tứ tán đi mất, không quay trở lại ngôi nhà cũ nữa.
Ấy là chuyện xảy ra lâu rồi, mà bây giờ kể lại ly kỳ như chuyện huyền thoại. Sau đó, ông Ba Nhành tiếp tục cứu người, vẫn nhớ lời thầy mình, không nhận tiền bạc của ai, luôn giữ lòng thanh bạch. Bởi cứu được một mạng người còn hơn cất mười ngôi chùa. Tuy sống trong cảnh thanh bần, nhưng ông Ba Nhành vẫn tích lũy phước đức nuôi con học hành. Nay, ông Ba đã chết từ lâu, loài rắn hổ mang gần như tuyệt chủng, những cây thuốc quý không còn ai biết dùng cũng tàn lụi theo thời gian. Về sau, hậu duệ của ông Ba Nhành có người cũng không rõ ông bà mình đã một thời làm việc có ích cho đời. Thời gian lặng lẽ trôi đi, mọi việc rơi vào quên lãng. Tất cả mọi người có quyền quên, không cần phải nhớ, không cần phải biết. Nhưng riêng tôi có bổn phận phải giữ gìn, bởi ông Ba Nhành chính là người cha ruột của tôi! Và người thanh niên năm xưa thường theo ông bắt rắn, chính là tôi! Cha tôi tuy là nông dân ít học, nhưng lòng ông trong sáng, biết coi việc cứu người nặng hơn tiền tài. Người thầy thuốc quê mùa chân chất như thế, ở nông thôn, nơi nào cũng thấy. Họ không biết câu chữ cao xa, chỉ biết giúp người là cái nghĩa, cái tình và mỗi ngày, đó là một công việc bình thường!...

ĐỖ VĂN NGÔN 

( Theo - Đỗ Phu )













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét