Tôi không có điều kiện tìm hiểu nhiều và phân tích cái hay
cái dở như các nhà nghiên cứu âm nhạc, nhưng với tấm lòng của một người yêu
nhạc tôi thấy cũng cần có đôi lời bộc bạch với các nhạc sĩ trẻ.
* NHỮNG “ĐỨA CON” ĐƯỢC NHÂN BẢN VÔ TÍNH KHÔNG HỒN :
Khi nghe một số chương trình nhạc trẻ, tôi hiểu tâm trạng
của những người có thái độ lên án, phê phán khá quyết liệt, gần như cực đoan
khi họ dùng nhiều từ “đao to, búa lớn” dành cho nhạc trẻ. Quả thật, nghe nhiều
ca khúc tôi có cảm nhận không ít tác giả trẻ bây giờ vội vàng đẻ non những đứa
con tinh thần của mình vì quá dễ dãi; phần nhạc và lời không hòa quyện với nhau
để tôn lên cái hay, cái đẹp của ca khúc. Tôi không khắc khe đòi hỏi tác phẩm
phải có đầy đủ giá trị tư tưởng, nhân văn, thẩm mỹ... Nhưng khi nghe những ca
từ hát ngang ngang như hát nhạc nước ngoài dịch sang lời Việt, cưỡng âm một
cách sống sượng mà tôi thấy âm nhạc bị xúc phạm. Và, tôi buồn hơn khi nghe
những ca từ quá ư thô thiển, như ngôn từ đối thoại mà nhiều người gay gắt cho
là lời lẽ vĩa hè, tục tỉu.
Rõ ràng, không phải tất cả các sáng tác của các nhạc sĩ trẻ
đều là những thứ nhạc rác, mà trong đó cũng có biết bao tác phẩm thể hiện sự
tìm tòi, cách tân và nhất là thể hiện một khát khao cháy bỏng muốn đổi mới,
muốn đóng góp sức mình cho nền âm nhạc nước nhà; một số ca khúc của các nhạc sĩ
trẻ có ý thức nghiêm túc với những tác phẩm của mình đã thành công và được đánh
giá cao trong các cuộc thi âm nhạc. Các tác giả trẻ này tôi tin sẽ còn tiến xa
trên con đường nghệ thuật nếu biết kiên trì học hỏi, tự rèn luyện mình để nâng
cao nhận thức và tự nghiêm khắc với bản thân mình trong từng nốt nhạc, trong
từng ca từ.
Các bạn trẻ ngày nay có một thuận lợi hơn các thế hệ
nhạc sĩ đi trước là phần lớn các bạn có công cụ, phương tiện để dễ dàng và
nhanh chóng hoàn thành một ca khúc trong quá trình sáng tác và cũng rất dễ dàng
công bố tác phẩm của mình dưới nhiều hình thức. Bây giờ, một đêm các nhạc sĩ
trẻ có thể dùng phần mềm sáng tác nhạc để làm ra cả chục ca khúc, không như
những nhạc sĩ thế hệ trước phải chắt chiu, chọn lọc cẩn thận từng nốt nhạc,
từng ca từ, từng giai điệu sao cho phù hợp với cảm xúc, với nội dung mình muốn
thể hiện, có khi cả tuần, cả tháng mới xong một tác phẩm. Và, có lẽ cũng chính
vì thế mà không ít bạn trẻ lạm dụng công nghệ hiện đại, vội vàng cho ra đời
hàng loạt ca khúc không hay, và những ca khúc rác này hòa cùng với dòng
nhạc hiện tại tạo nên mớ hổ lốn đến mức gây dị ứng làm người nghe có thành kiến
với cả dòng nhạc trẻ. Các nhạc sĩ trẻ có thể biện hộ cho mình, thời buổi này
công chúng không có thời gian nghĩ ngợi nhiều để cảm nhận giai điệu, ca từ...
miễn sao họ nghe để xả tress là đủ. Nói vậy là các bạn trẻ đã tự hạ thấp vai
trò âm nhạc và thiên chức cao cả của một tác giả; đó cũng là lý do mà ít có tác
phẩm thọ lâu trong tâm hồn người nghe.
* NGHE TỰA THẤY ỚN :
Tôi cảm thấy buồn khi nghe giới thiệu những tựa ca khúc như:
Bản lĩnh đàn ông thời nay, Người đàn ông tham lam, Giọt nước mắt đàn ông, Người
yêu tôi ông cũng không chừa, Người ấy và con cha phải chọn, Người đàn ông không
được quên hết tình nghĩa, Người đàn bà ích kỷ, Người đàn bà tự tin, Kiếp đàn bà
thân xác đàn ông...
Còn chuyện tình yêu trai gái vốn rất tế nhị, thánh thiện
mang sắc thái bay bổng, đầy thơ mộng và lãng mạn thì được các tác giả đề cập
tới bằng cái tựa nghe sao ghê ghê như: Tình một đêm, Không còn gì để mất, Bên
nhau dù không còn cảm giác, Yêu một người sống bên người khác, Anh chấp nhận là
người tình thứ ba, Một lần nữa tôi bị lừa, Yêu một người là dại, Lắm mối tối
nằm không, Sao em ép anh phải yêu em, Làm người ai làm thế, Nói rồi không
chịu nghe, Trời cho trò chơi, Ăn bánh trả tiền...Ok, như vậy đi...
* CA TỪ CÒN KINH KHỦNG HƠN :
Tựa ca khúc chẳng ra gì, nói chi ca từ trong bài hát nghe
sao chói tai bởi thiếu chọn lọc, trau chuốt, như những ngôn ngữ đối thoại, thậm
chí thô thiển và... Xin lỗi, dù cố gắng tìm chút đồng cảm với tác giả, nhưng
tôi càng nghe càng buồn thay cho tiếng Việt mình và thất vọng nhiều khi có tác
giả ca tụng về tình yêu mà như bôi nhọ tình yêu khi dùng các ca từ: "Anh
là thế, thế gian cũng giống như anh, đàn ông ai chẳng tham lam hỡi người. Yêu
một lúc đến hai ba bốn năm cô, là cho yêu như vậy là mới yêu! Người đàn ông
tham lam mãi là anh, một bàn tay năm ngón anh chẳng biết chọn ai…",
"Tôi tưởng em chỉ yêu thêm một người… Nào ngờ đâu ngoài tôi em còn
ba người nữa(?!).. Cuộc tình tay ba đã khổ đau, giờ tay bốn làm sao… Em yêu một
lúc bốn người sao?", “Mất đi người yêu anh thì sao. Mất đi người yêu thì
với anh cũng thế thôi. Người yêu anh trên thế gian còn rất nhiều. Người yêu anh
đâu chỉ có riêng mình em.”, "Anh có một sở thích kỳ lạ là ăn thịt thỏ...
Nhưng mà anh chưa có cơ hội bỏ em vào nồi... Là tại vì anh đã lỡ yêu em mất
rồi."...
Có những ca từ nửa Tây, nửa Ta nghe rất khó chịu như: “Nhìn
nhau rất lâu, anh đã đặt vào làn môi. Oh first kiss, you make me happy. Chẳng
nói lên được tiếng chi chỉ nghe nhịp trái tim. Oh first kiss, you make me
carzy.”
Và không thể tưởng nổi những từ sau đây lại được đưa vào ca
khúc: “Nói nghe nè, là ngày hôm qua đó tôi nằm mơ thấy con cầy cắn tui, chó nhỏ
11 chiều nay nó sẽ ra, bạn hãy đánh bao lô 11 đi, ôi thôi rồi 11 ra ngay chóc.
Nhưng đài phụ không phải đài chánh rồi” ...
MAI BỬU MINH
( Văn nghệ An Giang )
( Theo - TTT )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét