TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014

* KHINH BẠC - Truyện của Đỗ Phu





    Hồi còn đi học ở trường trung học, tôi rất ngán ngại môn sinh ngữ. Tôi học kém, nói tệ, thi dưới điểm trung bình. Ngày nào gặp môn này, tôi như mắc nghẹn tận cổ. Đâm ra tôi mặc cảm với môn học và thiếu cảm tình với thầy cô - thầy Vinh.
    Thầy Vinh đã đứng tuổi, có nhiều học trò, có trò đã thành danh, thường lui tới thăm thầy. Tôi lại thiếu thiện cảm với những người này. Không lẽ trong một trường này, một huyện này, thầy Vinh là giỏi hơn sao ?
    - Ráng học đi em, cố lên chút nữa, kẻo thi kỳ này ở lại lớp đó!
     Nghe thầy nhắc nhở, tôi chịu nghe mà cũng hồi hộp, thầy phê học bạ là ăn đòn.
      Tôi năn nỉ từng đứa bảo ban cho, phụ đạo cho. Quà cáp cho tụi nó để thi học kỳ hai vượt lên khỏi cái chướng ngại, chỉ số trung bình là dạt yêu cầu rồi.
         Vậy mà thầy Vinh vẫn chú ý đến tôi. Thường tình, học trò giỏi dễ cho mọi người biết đến như Hùng, Tâm, Minh, Thu, Thảo cả học trò dở như tôi, cũng làm các thầy cô để ý nhắc nhở. Các môn học khác tôi học cũng được, nhất là môn văn. Tôi lại thích đọc tiểu thuyết, truyện tình cảm xã hội nên tôi có cái vốn để làm bài, cô Thúy cũng khen. Lâu lâu, tôi làm thơ gửi bạn bè. Tụi nó chịu lắm! Nhưng chưa dám gửi báo, sợ bạn nó cười cho.
      Tôi cũng ráng học, bớt đi đá banh, đánh tiến lên. Ba, mẹ tôi phần nào cũng đỡ lo toan, răn dạy. Cuối cấp, thầy Vinh “ấn” cho tôi hơn một trăm bài tập, luyện câu, làm các bài mẫu. Không có thời giờ đi chơi. Tôi bù đầu.
      - Sao rồi? không làm hết bài tập, coi chừng mai mốt về nhà chăn trâu nha trò!
       Mỗi lời thầy Vinh nhắc nhở tôi, tôi nghe như hàng chục cây kim nhọn đâm vào tim óc tôi. Nhờ vậy, tôi vượt qua cổng phổ thông. Môn sinh ngữ vẫn điểm thấp lè tè.
       Chờ thi đại học, tôi long nhong. Mấy đứa em hàng xóm này xin tôi dạy cho nó môn ngoại ngữ! Bùi Kiệm lại dạy Trịnh Hâm ư? Tụi nó ngày nào cũng đến năn nỉ. Chúng nó tưởng là tôi cừ khôi lắm khi đã tốt nghiệp phổ thông, ráng mà lên mặt!
      Tôi lại nhớ tới thầy Vinh. Thầy ít nhận học trò, chắc thầy giữ tiếng. Có lần thầy nói với bọn tôi: “thầy giỏi mà học trò dở thì khó hiểu nhau”.
     Không đứa nào dám xin thầy cho học thêm. Đứa nào được thầy dạy là nó có phước ba đời. Bởi ai cũng nên danh, nên phận, có địa vị xã hội.
     Nghe tôi tính mở lớp dạy đàn em, thầy tró mắt, ngạc nhiên:
      - Trò dạy học hả? Thôi ngưng đi. Đừng có chuốc họa vào thân.
        - Thưa thầy, em chỉ phụ đạo thôi.
       - Một chữ sai cũng đi ngàn dậm. Sai một đứa hại trăm đứa. Mai mốt trò ra làm việc, sẽ tai hại cho mọi người biết bao nhiêu !
        Tôi không dám cãi lời thầy. Đám trẻ nài nỉ hoài. Tôi viện cớ “Hổm rày anh bị nhức đầu quá, không dạy các em được. Chừng nào anh khỏe rồi sẽ tính”.
        Thế rồi tôi không dám mộng làm thầy nữa.
       Thầy Vinh đã hơn ba chục năm tuổi nghề, dạy bao lớp học trò rồi mà nhà vẫn đạm bạc, đơn sơ, các con của thầy cũng giản dị giống cha. Đâu có điều kiện để đua đòi theo chúng bạn !
      Thời gian sau, tôi ghé thăm thầy. Căn nhà lá đơn sơ bên một con rạch, trước sân có vài chậu kiểng, dưới một giàn bầu mướp. Thầy hay ngồi dưới giàn mướp uống trà trong những buổi tối.
         - Thầy Vinh đã bán nhà về thị trấn rồi !
         Bà Sáu, người mua nhà, cho tôi hay tin như vậy.
        Tôi lại tìm chỗ ở mới của thầy. Cũng một căn nhà đơn sơ, may mà được lợp tôn dù đã cũ.
       - Em ngồi uống trà. Công việc làm ăn có khá không?
      Thầy đẩy cho tôi ly trà đặc quánh. Tôi kể lể nỗi gian truân đi tìm việc, cậy người xin vào cơ quan hành chính.
     - Xã hội ta cần nhân tài mà ai thấy được người tài kia chứ! Trò có gắng đi, không có mai một đâu.
     Thầy an uỉ tôi. Tôi hỏi thầy việc chuyển chỗ ở. Thầy không nói. Thầy chỉ lên vách, cây đàn violon đã cũ lên màu nâu bóng.
      - Thầy còn đi dạy không. Thưa thầy?
      - Nghỉ rồi.
    - Thầy xin nghỉ ? Tiếc quá. Đám em sau này không học được thầy.
    - Học chi nữa, có thầy khác giỏi hơn thầy. Đến lúc thầy phải nghỉ ở nhà trông nôm nhà cửa. Tội nghiệp cô của em, vất vả một đời người.
       Tôi biết, cô vất vả với thầy, với con. Với quan niệm sống của thầy, thầy muốn “làm cây thông đứng giữa trời...”.
    - Ổng dọn nhà đi, vì sao hả? Trời ơi, anh hổng hiểu gì cả. Nè ổng với thầy Châu lúc trước thân nhau lắm, nhà kế nhà mà! Hai ông cùng thích đàn violon. Càng về già, thầy càng khó hay sao ấy! Thầy nghỉ dạy về nhà buồn lắm, thường ngồi uống trà ngoài sân. Một buổi tối nghe tiếng đàn violon của thầy Châu dạy học trò lạc phím, sai nhịp, thầy lắc đầy đi tới đi lui. Sáng ra, thầy kêu bán nhà dọn đi. Thế thôi! Hùng, con thầy Vinh gặp tôi kể lại như vậy.
       Hai năm sau tôi về thăm thầy. Thầy ngồi kia. Vẻ nghiêm khắc nhưng độ lượng. Thầy lấy cái tâm ở đời, cái nghĩa với mọi người. thầy yêu mến học trò, nhưng không muốn ai cũng giống thầy. Thầy ghét điều giả dối, ghét sự đẩy đưa, ghét cả sự giàu sang mờ tối...
      Tôi cảm nhận như vậy. Mong thầy được yên nghỉ. Tôi đốt một nén nhang mà lòng nghẹn ngào.

ĐỖ  PHU

2 nhận xét:

  1. Kết thúc một cuộc đời nhà giáo trong sáng, mẫu mực sao....bi thiết quá ! Hy vọng xã hội ta ngày càng quý trọng nhân phẩm người thầy hơn nữa....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. - Cám ơn Nhà thơ Lê Văn Thật có những chia sẻ với Nhà văn Đỗ Phu.
      Chúc 2 bạn vui khỏe và có nhiều sáng tác mới. Thân tình.
      ( Trúc Thanh Tâm )

      Xóa