TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

* NHAN SẮC - truyện của Đỗ Phu



Trầm ngâm bên ly cà phê đậm, Trung vẫn chưa tìm ra nét vẽ cho bức họa của mình để dự treo tranh của câu lạc bộ mỹ thuật. Khói mờ mờ từ ly nước nóng vẽ lên không một chút mông lung, mờ ảo. từng giọt cà phê rỏ xuống đáy ly nghe tăng tăng. Trung mở nhạc nhè nhẹ, dòng nhạc trữ tình bay bổng trong căn phòng trống hóat, với một chiếc giường không nệm, không chăn, một bàn cây để đủ thứ linh tinh nào ấm, nào bình, nào chai, nào cọ vẽ, giấy, khung…chúng có vẻ ngổn ngang và lung tung nhưng có chủ ý sắp đặt của tác giả là chủ nhân phòng trọ này, cứ để chúng chồng lên nhau, móc ngóeo nhau, chen hích vào nhau dữ tợn mà có góc, có cạnh, có sắc, có màu…trông cũng vui mắt. Chúng không đủ chỗ chen nữa thì a la hấp.. ra đống rác bên cạnh mà nằm để than cho số phận hẩm hiu!
      Trung suy gẫm mãi đề tài minh thể hiện, phong cảnh?, chân dung?, trừu tượng hay hiện thực. Có khi hiện thực hóa đời sống mà thấy tái tê lòng, anh quét rác, chị đẩy hàng bán dạo, em bán vé số, anh chạy xe ôm . Còn một số nhân vật thức thời ăn nên làm ra…còn như nghệ sĩ như tụi mình gọi là…người ngòai thế giới thực, tức là thế giới ảo, mà thế giới ảo thì lắm điều, vô cùng tận, không định lượng được, không nắm được, không bắt được, nên  cứ mờ mờ ảo ảo…mà có khi nó hiện thực thì người ta vẫn cho nó là ảo!
       Trung hớp một chút cà phê không đường, vị đắng đắng bò và thấm vào cổ  rồi xuống thực quản rồi vào tuốt trong dạ dày, tan ra…như là một đọan phim khoa học về giải phẩu học, màu đen cà phê sẽ chuyển nhóa thành màu đỏ, cũng hay, cuộc đời có đen có đỏ như dãy màu parabol, nếu có lực thì đen ra đỏ, lực yếu thì đỏ thành đen, thời đại kỹ thuật cao, cứ vẽ như là máy vẽ, rồi bóc, rồi cắt, rồi dán, rồi tô…tranh sẽ ra… nhanh không cần sức đầu tư, suy gẫm…
       Nhạc  chuyển sang một đỏan khúc buồn, lê thê như mưa tháng bảy, nó nheo nhéo vào tim, rởn vào xương sống lành lạnh,  “mưa ơi sao mưa hòai, rỉ rả, rỉ rả, hãy cho tôi chút nắng, hạt nắng cũng được, tôi sẽ thắp lên màu đỏ của lửa, màu máu của trái tim nồng nàn cháy bỏng, màu má của em phơn phốt hồng, hay màu tím chiều chuyển mưa, màu xanh lún phún của cỏ non…tôi sẽ cho vào tranh, trộn lên, phết vào giấy…nó sẽ là tranh của tôi và của em, của chúng ta”.
          Trung hớp một ngụm trà, châm thêm chút nước sôi. Khói bốc lên ngoằn ngòeo như hình con gái đang đứng trước gương soi ,chải mái tóc dài đến chân. Ừ, con gái, hiện thực hay siêu thực, hay siêu siêu thực? lại châm thêm một chút nước sôi, cô gái lại hiện ra, nụ cười nửa môi, bí hiểm và khinh khỉnh. Cô muốn trêu chọc tôi chăng? Trung chợt nghĩ có ai đó đang cười mình, mình đang ở thế giới thực chớ phải mơ đâu!
          Trung lại hớp một ngụm trà, châm một chút nước sôi, khói bay lên ngoằn ngòeo, ẻo lả, cô gái đang múa apsara hay múa bụng nhỉ? Chiếc áo trên người mỏng lắm, mong manh lắm, thật tội nghiệp cho em tôi, em múa nữa, mờ mờ ảo ảo…Nhìn không rõ nữa, Trung đeo cặp kính làn vào, nhướng nhướng mắt, em đâu rồi? Trung ghét  việc phải mang kính, nó nặng  hai sóng mũi có khi làm nhức đầu, hoa cả mắt. Vì vậy Trung phải nhướng mắt lên để xem vật trước mắt cho rõ, đôi khi ba chớp ba xáng  “trông gà hóa cuốc” nhìn thằng bạn thấy nó ốm hơn, than một tiếng: “ Sao hôm nay mày xanh xao vậy?- Trời tao mập phì ra thì có ốm xanh hồi nào, mày trù tao bị bệnh Aids chắc!-“ Xin lỗi, tao thấy thường thường mấy thằng hay nhậu có lúc cũng ốm xanh xao lắm!”. “ Thôi đi ông già non, nhớ mà mang cái kính vào để nhìn cho rõ, may là tao thật thà với mày, nếu con bồ của mày mà nghe mày chê một tiếng như vậy là nó “bái bai” mày luôn! ”. “ Ừ, tao nhớ rồi”. Nói mà nói cho bạn bè vui, rồi Trung cũng bỏ cái kinh ra, nó dễ chịu hơn nhiều!. Có lần chạy xe đạp ra phố mua rau cải về nấu ăn, anh tránh một chiếc xe máy chạy ngược chiều, đổ xầm vào một chị  đang đi trên  chiếc xe đạp. Chị ta mắng xối xả: “  Bộ đui sao hả, đường trống trơn hỏng chạy, lại chạy lên lề?. “ Xin lỗi chị, tui lo nhìn…”. “ Nhìn cái gì mấy đứa con gái tóc vàng, tóc nâu , môi đỏ chót hả…tui né được , hong thì có nước đi nhà thương, đàn ông gì vô ý vô tứ!”. Sau lần đó, Trung chạy xe cẩn thận hơn, hỏng dám ngó ngang ngó dọc, ngó xiên gì cả.
         Trung chăm chú vào làn khói phai dần, phai dần. À, ta sẽ vẽ chân dung một người đẹp, ai nhỉ ? Người đẹp trong dáng điệu thanh thóat, mặc áo dài thiên thanh hoặc màu cỏ, tóc nàng dài chấm ngang vai, gương mặt nàng tròn tròn, mắt nàng to to, long lanh giọt sương, môi nàng mỏng mảnh  và đo đỏ, má nàng phơn phớt hồng, mũi không cao không xẹp, miệng cười duyên…Coi nào, người đẹp này hao hao như…cô gái  hàng xóm! Được chứ?         
         Trung phát họa lên giá vẽ một cô gái xinh ơi là xinh, có thể là cô gái trong trí tưởng tượng được hóa thân với hình hài như thật sẽ làm cho những chàng trai ngơ ngẩn. Nhưng rồi, ngắm tới ngắm lui Trung thấy chân dung cô ta không ổn, giống như con gái nhà giàu, qúy phái, một nửa giống như con gái từng trải, kiêu sa, một chút gì hóm hỉnh, khinh khỉnh…
          Trung không hài lòng với bức tranh cũng như không hài lòng chính mình, sao lại tròn trịa qúa, ở đời đâu có gì hòan thiện đâu?. Cái đẹp trong mắt anh có thể không đẹp đối với người khác, đôi khi còn bị bĩm môi chê chán! Trung lại ngồi bên ly cà phê nghiền ngẫm, và ngắm nghía làn khói bay từ ly trà đậm. À, Trung chợt bắt được một kiểu dáng cô gái như người mẫu, nhẹ nhàng thư thả, mắt đen, môi đỏ, mũi dọc dừa, má phúng phính, nụ cười kín đáo…Nhưng, đêm xuống, một mình ngồi ngắm tranh Trung thấy cô người mẫu sao giống búp bê quá, làm sao cái mũi cao, mắt long lanh, răng trắng, môi đỏ, má hồng như “ người đẹp  dao kéo”. Ừ nhỉ, “ người đẹp dao kéo” này sẽ đẹp đến “ lạnh mình” hay chỉ phất phơ vài năm rồi “ xẹp” như cái bong bóng thằng cu Tèo kế nhà thường chơi? Các nhà thẩm mỹ thế giới đang nghiên cứu và thí nghiệm trên gương mặt các cô gái muốn đẹp “ vĩnh viễn” bằng nhiều lọai hóa chất như thoa kem, chỉnh sửa, bơm thuốc, chạy điện, thay tế bào…Suy cho cùng, khuôn mặt không được đẹp mà tạo hóa ban cho có thể biến hóa nhờ công nghệ thẩm mỹ. Chuyện đó còn xa lắm! Bởi Trung để ý tới một cô gái ( gọi là đẹp có hạng) ở chung dãy phố, tháng nào cũng đi thẩm mỹ viện để tiếp tục duy trì “ chân dung” được nắn nót của các bàn tay thợ thẩm mỹ, có lần, con mắt mơ mộng bỗng trở chứng sưng “ chùm bụp” làm cô ta “ở ẩn” trong nhà cả tuần không ló mặt ra ngòai khoe nhan sắc nữa, thật tội nghiệp, rồi cái môi cong cong đỏ chót cũng biến dạng như trái ớt sừng trâu. Rồi không biết ngày nào “ quả đồi” sẽ nổ tung! Trung chỉ nghĩ vậy thôi, các cô đừng buồn mà xa lánh Trung!        
          Tìm hòai chân dung thật của người mẫu chẳng “ tăm hơi”. Trung thôi vẽ cả tuần. Một đêm thức giấc vì tiếng còi xe nhí nhố của đám trẻ đi chơi đêm về, Trung bật dậy, chạy tìm cọ và chấm lên trên nền vải một nét vẽ rất dịu, rất lạ: Một làn khói mờ mờ, một đôi mắt long lanh, một gương mặt xinh xinh chẳng son phấn. Chỉ một nét vẽ thôi là đủ. À, cô gái từ làn khói tách trà hôm nào, phải vậy chớ, cô trốn lâu lắm rồi mới hiện ra. Rồi, cô đã in lên tranh rồi không bao giờ tan biến nữa. Cô sẽ vĩnh viễn ở đó, vĩnh viễn cho mọi người chiêm ngưỡng, vĩnh viễn cho mọi người tìm kiếm để ngưỡng mộ. Trước hết, hãy tung hê chàng họa sĩ này, “một phút bất ngờ thành danh họa, thơm mãi muôn đời tên tuổi anh”.
          Những tưởng bức tranh thành tác phẩm bất hủ, được trang trọng trong phòng tranh triển lãm với bao lời ngọt ngào như mật ca ngợi nhan sắc nàng, ca ngợi người nghệ sĩ tài hoa, báo chí đưa tin, trên mạng cũng được truy cập nhiều nhất để xem bức tranh độc đáo. Ngày triển lãm, Trung cũng lót tót mang tranh đến phòng triển lãm, khệ nệ chở trên chiếc xe đạp của mình, lại không mang kính, cố gắng lách qua dòng xe dày đặc buổi sáng, đến khúc ngã tư, thay vì rẽ phải, Trung lại rẻ trái nên đâm vào chiếc xe chở hàng ngược chiều. may mà xe thắng kịp, Trung chỉ bị trầy xuớc ở tay, nhưng bức tranh thì “ tàn tật suốt đời” nó bị đè bẹp dưới bánh xe đen đúa,gồ ghề và xấu xí. Ôi thôi, người đẹp còn đâu ! Mắt nàng đã xếch, môi nàng vảnh lên, má nàng bạnh ra, trán trầy trụa và nhăn nhúm như cụ già chín mươi. Mặt Trung cũng dán đầy vết tích mặt đường, không ai dám nhìn!
          Trung và mọi người nhặt nhạnh lại khung tranh đã hỏng và chiếc xe đạp gãy sườn đề trung đem về sửa chữa. Còn người đẹp thì  phơ phất đâu đây, uốn lượn và sẽ tan biến theo gió, theo hương. Từ đó, Trung không vẽ chân dung người đẹp nữa. Bởi vì không có bức tranh nào đẹp như bức tranh cũ, cũng như nhan sắc của em cũng có một thời, đừng tưởng nó vĩnh hằng mà mơ, mà ảo vọng. Thôi thì, sáng sáng ngồi uống cà phê rồi châm trà rồi nhìn khói tỏa cho đời hiện thực hơn, dễ thương hơn.

       ĐỖ  PHU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét