Nắng tháng hai
đổ lửa, không một chút gió. Rạ lúa mùa dầy gần hai tấc, giòn như bánh tráng.
Huyện Châu Phú bắt đầu mùa đốt đồng, nông dân dọn sạch ruộng chờ cơn mưa đầu
mùa tháng ba cày đất. Buổi hoàng hôn nhìn về Bảy Núi màu ráng đỏ quạch, cùng
lửa rực chân trời, khói lam bay mù mù.
Thuở trước,
nông dân làm lúa mùa một năm một vụ. Người có ruộng nhiều hằng năm thu hoạch
năm bảy trăm giạ, dư ăn dư để. Người cắt lúa mướn gom góp vài ba chục giạ để
dành ăn suốt cả năm. Dù bịnh hoạn, đám tiệc hay xài phí cũng không dám động đến
một hột. Coi ai mướn gì thì làm thêm, hay mỗi ngày ra đồng săn chuột, bắt rắn,
xom rùa, câu lươn… Hôm nào được nhiều thì đem ra chợ bán.
Gia đình tôi
nằm trong số dân nghèo đó. Từ hôm đìa bàu người ta tát hết, cá trên đồng sót
lại không còn mấy con, ba và tôi (lúc đó tôi được mười lăm tuổi) tính việc đi
xom rùa, câu lươn, bắt cúm núm, bắt quạ…
Sáng ra, trên
cánh đồng mênh mông chỉ toàn tro đen nhẻm, nóng hổi. Cha con tôi chuẩn bị dở
cơm trong bẹ chuối, ém chặt với gói muối ớt. Xong, ba tôi quảy cây xuổng máng
theo chiếc gọng, cùng vài thứ đồ nghề như cây bù kẹp sắt, cây mác vót, vài lưỡi
câu… Còn phần tôi, chỉ vác cây xom rùa ba mũi, cây chĩa lươn và bịt cơm muối.
Cha con tôi cứ
nhắm hướng Bảy Núi đi sâu vào cánh đồng lâm. Trên đường đi, tôi bỗng lượm được
con rùa chết cháy. Chắc tại hôm qua đốt đồng nên nó bị nướng trong đám cỏ. Thế
là buổi cơm trưa nầy cha con tôi được ăn thịt rùa nướng với cơm muối ớt mang
theo. Ngon tuyệt! Thịt rùa bủn bủn thơm thơm ngọt lịm. Đâu phải ai có tiền cũng
mua được món ăn dân dã nầy?
Đi hơn một giờ
thì tới mé đất lâm, dấu cháy nham nhở, cỏ đế, nghễ, rau muống từng chòm còn
tươi xanh. Loài trăn, rùa thoát chết chạy trốn dưới đám cỏ ấy. Ba tôi đi cặp
theo mé lâm vừa đi vừa xom. Cây chĩa xom ba mũi bằng ngón tay út nối liền với
cái cán cong cong như cán dù, xom đi xom lại dưới lớp rau muống dầy bốn năm
tấc, khi mà đầu chĩa nghe tiếng “cộp”, tức trúng lưng con rùa thì bươi cỏ ra
bắt. Hoặc khi cây chĩa bị gồng lên vặn vẹo thì biết trúng trăn hay rắn, lúc đó
phải chặt cỏ cho rộng vì sợ rắn độc… Hôm nay, cha con tôi xom qua nhiều chòm cỏ
cao mà chưa tìm được con nào. Nắng chiếu vào lưng nóng hầm hập, mồ hôi rịn
chảy. Con mồi thì lẫn trốn, con người thì đi tìm. Cả cánh đồng hoang vu giờ nầy
mà tìm bắt được một con rùa quả là khó. Nếu có bắt được đem ra chợ bán cũng chỉ
chừng một giạ lúa, so với công cán của cha con tôi cũng là cực khổ.
Kiên nhẫn đi
qua nhiều chòm cỏ cao khác. Bỗng, một con cúm núm vụt bay lên, nó sợ hãi để lại
cái tổ ba trứng tròn lẳng. Ba sai tôi xuống lung hái một lá sen đem lên bọc
trứng, rồi đặt lên trên cái bù kẹp sắt gài sẵn phía dưới, cách xa một khoảng,
ba gút cái ngù làm dấu rồi bỏ đi. Hồi lâu, con cúm núm mẹ thấy không động tĩnh
gì, nhớ tổ bay về ấp trên mấy quả trứng. Lập tức, chiếc bù kẹp sắt đập rốp dính
vào hai chân. Giữa cánh đồng mênh mông không bóng người, cũng không vội, cứ để
đấy, con cúm núm không mất đi đâu mà sợ. Cha con tôi lại tiếp tục xom theo mé
lung bàu, chỗ nầy rùa hay ở, cố tìm bắt vài con. Vừa dứt lời, mũi chĩa kêu cộp
một tiếng thật lớn. Cha con tôi cùng kêu một lượt:
- Rùa!!!...
Rồi cùng nhau
vạch cỏ, một con rùa yếm vàng to chừng hai ký. Nó bị đâm trúng lưng nhưng không
thương tích gì. Tôi ôm con rùa xuống bàu nước rửa sạch rồi bỏ vào gọng.
Quay trở lại
cái bù kẹp sắt, tôi rối rít lấy dây trói chặt hai chân con cúm núm, xỏ vào cây
chĩa lươn quảy trên vai. Nắng lên cao, hai cha con tôi bắt đầu đói bụng. Ba ngó
quanh tìm chòm gáo mát mẻ để ăn cơm.
Nhìn lại đã
bắt được hai con, một rùa, một cúm núm. Buổi sáng nay không uổng công. Vào gốc
gáo ngồi nghỉ, tôi thong thả mở bịt cơm trong bẹ chuối cùng gói muối ớt mang
theo, vói tay lấy cây mác vót, lật ngửa con rùa bị chết cháy lượm được hồi
sáng, chặt mấy cái quanh yếm. Chỉ cần vài động tác thành thạo của tôi là bày ra
thịt rùa nướng thơm phức. Gió sớm đón mưa còn nóng gay gắt. Bầy quạ đen nãy giờ
thấy bóng người, từ chòm gáo bay ra loạn xạ, kêu la oang oác. Không vội ăn cơm,
ba nhìn bầy quạ rồi đưa ra quyết định: “Con ăn trước đi, để ba đi bắt vài con
quạ đen nầy”. Nói xong, ông ngắt cục cơm nắm trong tay bằng trứng vịt, đoạn
xách cây bù kẹp sắt lội xuống bưng hái một lá sen, đi xa chọn một gò đất cao
rồi gài bù kẹp bên dưới, trải lá sen và nắm cơm bên trên. Xong, quay lại ăn
cơm.
Bầy quạ đen
rất dạn dĩ, mắt thật sáng, chúng đảo vài vòng trên trời rồi là xà đáp xuống.
Tức thì, cây bù kẹp sắt đập túm lấy hai chân. Bầy quạ kinh hãi bay nhớn nhác,
con dính bẫy thì kêu la inh ỏi.
Mùi thịt rùa
nướng thơm béo ngậy. Cha con tôi vừa ăn vừa nói chuyện. Cảnh nghèo khó quê dốt
của ba, ông muốn nói cho tôi biết: “Ba dốt bởi nhà nghèo, lớp một học xa trường
năm sáu cây số, con nít thì làm sao đi học! Vì ba ham cái chữ, cố lò dò đánh
vần tự học, may lắm là biết đọc biết viết. Mình dốt quan quyền ăn hiếp, phải ngậm
miệng không biết đường trả lời. Lợi lộc bao nhiêu chúng tước đoạt hết. Thấy ức
trong bụng mà cũng phải dạ, rồi cái nghèo cái đói vây bủa biết chừng nào thoát
ra được”.
Nói tới đây,
ba chỉ tay vào vuông ruộng hai mẫu gần đó, nói tiếp: “Hai mẫu ruộng nầy là của
gia đình mình, công sức mấy năm phá lâm cực khổ. Làm mới được hai năm thì thằng
Năm Cây có chức có quyền chìa ra bằng khoán, mộc đỏ hẳn hoi, nói là đất của nó,
nó lấy lại. Mình không giấy tờ gì cãi không được, đành xuôi tay để nó cướp”.
Nghe đến đây, tôi nóng ran cả mặt, tức tối: “Tại sao nó có bằng khoán?”. “Thì
nó làm quan quyền, quen lớn với Ty Điền Địa, lên đóng thuế mười mấy giạ lúa,
xin khẩn hoang mấy trăm mẫu, chôn trụ đá bốn góc không biết tận đâu. Thế là nó
có bằng khoán và đất đó là của nó”. Tôi làm thinh ấm ức trong cổ họng. Đâu có
chuyện bất công vô lý như vậy? Phá lâm cực khổ, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt.
Quyết làm sao bắt mấy thằng quan dựa hơi thằng Pháp vào tận đây cho nó làm một
ngày, để biết được một mét vuông đất lâm là đổ bao nhiêu giọt mồ hôi.
Việc phá lâm
đầu tiên là chặt ra từng miếng rau muống vuông vức bằng chiếc đệm, dẫy cho đứt
gốc, xúm nhau lật lại phơi khô. Lớp rau muống dầy bốn năm tấc, phơi khô đâu
phải chuyện dễ, rồi phải siêng trở bề, lật ngược lật xuôi cho khô ráo đến khi
có thể châm lửa đốt được. Nếu lửa cháy lam nham thì cứ phơi tiếp. Trong nhà có
sáu lao động, mỗi năm làm việc cật lực tối đa phá được năm công đất là giỏi
rồi. Hai mẫu ruộng kia gia đình tôi phải
phá tới bốn năm mới thành đất thuộc. Vậy mà chỉ làm mới hai mùa vụ thì bị người
ta gỡ tay lấy mất. Thật tức muốn ói máu! Ngay chỗ cha con tôi ngồi đây, lâm địa
thế nầy, bỏ hoang mười năm nữa cũng chưa ai làm. Nhưng nếu nhảy xổ vào khai
phá, lập tức có người chìa bằng khoán ra giành đất. Thôi thì cứ làm mướn làm
thuê cho xong.
Ba nói tiếp:
“Nay ba muốn nói ra để nuôi con ăn học hiểu biết với người, đấu tranh đòi lại
công bằng cho người nghèo. Ba dốt, có thể ví như thế nầy thì con sẽ hiểu. Thí
dụ ba kết được chiếc bè, con lên ngồi trên đó, ba chèo chống qua sông. Sóng gió
thế nào ba cũng cố gắng. Nhưng con nhứt quyết phải đi thì ba mới hết sức làm
được. Tới bờ tương lai sáng sủa, có cái ăn cái mặc không còn cực khổ. Làm việc
trong mát có quạt gió, kẻ đưa người đón. Chớ không phải như ba đây, làm mướn
làm thuê ngoài mưa, ngoài nắng. Nhưng đòi hỏi ở con có quyết tâm hay không thì
ba sẽ đưa con qua bờ”.
Tôi không suy
nghĩ gì nhiều, trả lời một cách dứt khoát: “Con nhất quyết theo ba!”. Thế đã
rõ. Trước là tấm lòng của ba vạch ra cho con một tương lai tốt đẹp. Sau đó, tôi
phải tỏ rõ quyết tâm của mình. Hôm nay ngày chủ nhật, tôi theo ba ra đồng kiếm
miếng ăn cho cả gia đình, để tôi thấm thía ý nghĩa cuộc sống, giá trị miếng ăn
và hiểu thấu chân tướng của sự bóc lột. Thật sự quá nhẫn tâm và người nghèo dốt
cần phải có con đường thoát ra để đối phó với mọi bất công của xã hội thời bấy
giờ. Tôi sẽ cố gắng học!... Và ngay lúc nầy đây, tôi nằm nghỉ một chút rồi đi
bắt con quạ đen dính bẫy lúc nãy cùng với chuyện câu lươn dưới đáy đìa để đem
bán mua gạo, những thứ vật dụng cần thiết cho ngày mai… Con quạ la lớn trông
thật tội nghiệp. Ba tôi cảnh giác: “Nó hung lắm, coi chừng mổ trúng mắt”. Ông
liền nhổ hết lông cánh rồi thả nó ra. Tôi trố mắt ngạc nhiên. Ba liền giải
thích cho tôi hiểu: “Bắt theo, nó kêu la dữ lắm, chịu không nổi, để nó đi đâu
thì đi, xế chiều bắt lại. Giống quạ nầy khôn lắm. Rồi chính cái khôn của nó làm
cho nó không thoát được. Lúc nào quạ cũng cảnh giác, nhảy lọt thọt một chút rồi
leo lên cao, đứng trên gốc tràm gẫy, nhìn ba bề bốn phía xem có ai nhìn nó
không. Nhưng không còn đôi cánh, nghiêng qua nghiêng lại rồi té đuội xuống đất.
Cứ thế mà nó tiếp tục leo lên rồi té xuống… Khi nào muốn bắt cũng không khó
khăn gì, ngồi thấp xuống thấy nó làm xiếc
đâu đó thì bắt được ngay.
Thế là để con
quạ ở lại, cha con tôi đi qua cụm đìa lung. Nhảy xuống đìa tắm cho sảng khoái,
bụm ngụm nước lên uống chua lờ lợ đã khát. Cha con tôi mò lần theo vách đìa,
chợt tìm thấy một hang lươn láng mướt. Ba lấy đất đắp bờ chận hang, tát nước
ra. Con lươn làm thông hai hang, một hang dưới nước rút xuống chịnh, còn một
hang lên khô nằm sâu trong bờ đìa. Đắp hang xong, ba xom dồn dập dưới chịnh rồi
dần dần lên miệng hang. Con lươn bị động rút lên bờ. Cha con tôi đào theo, hồi
lâu bắt được con lươn vàng nghỉnh nặng hơn một ký.
Xong, chúng
tôi đi dọc theo hai đầu đìa. Đất bùn chuồi xuống mềm nhão. Mấy nơi nầy nếu có
lươn ở thì có “mà lươn”. “Mà lươn” thổi bùn non, vun lên như cái bánh bò. Gạt
bỏ “mà lươn” sẽ lộ ra cái hang. Lấy tay vỗ mạnh xuống đất, nếu mực nước hụp
xuống tức là dưới hang có lươn. Móc con trùn vào lưỡi câu rồi từ từ thả xuống.
Loài lươn háo ăn, gặp mồi là đớp. Khi thấy sợi nhợi câu trì nặng, ta dùn dây
lại cho con lươn nuốt sâu vào ruột. Nhưng rồi không thể nào kéo con lươn lên
được. Càng ra sức kéo, nó càng rút sâu xuống bùn. Chuyện nầy như đã quen với ba
tôi, ông đắc ý thong thả ngồi đốt thuốc. Rồi vừa kéo cho thẳng, vừa khảy đờn
vào sợi dây tửng từng tưng… Con lươn bị đau không trì lại, thế là nó từ từ cũng
bị lôi ra khỏi miệng hang.
Đi hết cụm đìa
lung, cha con tôi bắt thêm hai con lươn nữa. Tổng cộng là bốn con, với một con
rùa yếm vàng, một con cúm núm. Lát nữa quay về chỗ cũ sẽ tìm bắt con quạ.
Quả không sai,
con quạ đang dáo dác đứng trên gốc tràm mục, té lên té xuống. Đi đến bắt nó.
Một lần nữa nó kinh hãi, kêu la thất thanh. Thịt quạ không ngon, ăn hơi khét
nhưng dân nghèo cũng phải dùng nó làm bữa, tuyển lựa món ngon để đem ra chợ bán
lấy tiền mua thuốc và nuôi con học hành…
Trên đường về,
ba tính nhẩm: “Con quạ thì xào mặn, con cúm núm thì nấu canh bầu, còn mấy trứng
chim cho thằng cháu nội. Ngày hôm sau sẽ um con lươn”. Những con còn lại mẹ sẽ
đem ra chợ bán để mua thêm sách vở… Riêng tôi sải đều bước trên cánh đồng nóng
như lửa. Tôi không để ý đến cơn gió tạt ngang cuộn tròn thành con trốt, hốt tro
bay vòng vèo. Và tôi đang nghĩ, trước mặt tôi là con sông, cha con tôi cố gắng
vượt qua để đến bến bờ bên kia, tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Chỉ thế, mới làm thay
đổi cuộc sống gia đình. Đời con cháu sau nầy sẽ không còn chịu cảnh nghèo khó,
bị ức hiếp, bóc lột. Tôi cũng còn bổn phận phải tìm cách như thế nào để giúp đỡ
cho người nghèo nữa…
ĐỖ VĂN NGÔN
( Theo Đỗ Phu )
( Theo Đỗ Phu )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét