TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

* NGƯỜI KHỞI NGHIỆP CÔNG NGHỆ TẰM TƠ XỨ TÂN CHÂU - CHÂU ĐỐC XƯA - biên khảo của Huỳnh Phú Hữu



Nhìn lại lịch sử địa phương: Sau khi chiếm được An Giang và kết thúc giai đoạn bình định (1867 – 1900), chính quyền thực dân Pháp chính thức lập tỉnh Châu Đốc có các quận hạt Tịnh Biên, Tri Tôn, Tân Châu (gồm một phần Phú Tân, một phần Hồng Ngự Đồng Tháp) (1903 – 1919). Sau đó, có thêm quận Châu Phú (gồm Châu Đốc, An Phú, một phần Phú Tân) (1929).
Bên cạnh việc chú trọng khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích trồng lúa, thực dân Pháp quan tâm khai thác nghề trồng dâu, nuôi tằm.
Trong bối cảnh đó, tháng 7-1908, Viện Tằm tơ được thành lập tại quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc để xây dựng, khuếch trương nghề thủ công nghiệp khai thác, cung cấp nguồn tằm tơ khắp cả Nam kỳ, sang Campuchia và tận Pháp quốc.
         Về sau, Viện Tằm tơ được đổi tên thành Sở Tằm tang Tân Châu (1963).
Nghề tằm tang có mối quan hệ “Cộng đồng tương tác lẫn nhau của nhiều nghề” với nhiều công đoạn: Trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, trồng mặc nưa, nhuộm…
Tân Châu là vùng đất cù lao, có thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp cho việc trồng dâu, nuôi tằm, năng suất dâu trồng và chất lượng tằm tơ rất tốt. Từ đó gia công thành mặt hàng lụa “Độc nhất vô nhị” – Lãnh Mỹ A với đặc trưng: Màu đen huyền, bóng loáng của nhựa mặc nưa thấm vào sợi tơ mềm mại, xốp; không phai màu, không co giản, không hút ẩm; mùa hè mặc thoáng mát, mùa đông mặc ấm áp – Nổi tiếng nhất Nam kỳ, Campuchia, Thái Lan vào thế kỷ XX.
Trước khi có Viện Tằm tơ một năm, cuối tháng 5-1907, quan Đốc phủ tỉnh Châu Đốc Nguyễn Trung Thu đã tổ chức một đoàn công tác đến Hà Nội để tìm hiểu, học hỏi nghề trồng dâu, nuôi tằm.
Tờ “Đăng cổ tùng báo” số 806, ra ngày 27-5-1907, mục “Việc vặt các tỉnh” có đăng một bản tin ngắn thú vị:
“Quan Đốc phủ tỉnh Châu Đốc, Nguyễn Trung Thu cùng với bốn người kỳ mục Nam kỳ và hai người Chà Và, vừa ra Bắc kỳ ta để xét việc nuôi tằm.
Các ông ấy ra đây được mươi hôm lại về Nam kỳ rồi.
Bản báo chúc các ông ấy ra đây xem xét việc tơ tằm được lợi và khi về Nam kỳ sẽ đặt thêm được nghề ấy để làm giàu cho dân.
Quan Đốc phủ Thu vừa rồi đã đi đấu – xảo bên thành Maarseille về. Ngài là người thông minh và chuyên tâm về các công nghệ lắm”.
Tuy chỉ qua một bản tin “văn phong viết cũng như nói” về một sự kiện đời sống xã hội, chưa hẳn là sự kiện lịch sử. Song, “Đăng cổ tùng báo” “có sao nói vậy”, đã góp phần phản ánh hiện thực “Điểm đến” của “Hành trình” quan Đốc phủ Châu Đốc Nguyễn Trung Thu ra Bắc tìm tòi, học hỏi công nghệ tằm tơ.
Nếu chúng ta không cầu toàn đặt nặng vấn đề (nhân thân, sự nghiệp chính trị của vị Đốc phủ) làm việc cho thực dân Pháp, công tâm, công bằng mà xét, chúng ta thấy:
Thứ nhất, Nguyễn Trung Thu có tư chất thông minh, có cái tâm chuyên cần về công nghệ, đã từng đích thân sang Pháp dự “Hội chợ triển lãm” và dẫn đoàn tùy tùng ra đất Bắc khảo sát thực tế, học hỏi việc tằm tơ, để chuẩn bị cho sự ra đời của Viện Tằm tơ ở Tân Châu, Châu Đốc.
Thứ hai, từ Viện Tằm tơ Tân Châu, tơ tằm được chăm sóc, tuyển chọn giống tốt cho năng suất, chất lượng cao, vừa để tiến hành nhân giống, vừa để phổ biến kỹ thuật đến người dân toàn vùng. Thời hoàng kim của nghề tằm tơ Tân Châu có khoảng 120 lò ươm, 60 xưởng dệt, tiêu thụ từ 4.000 đến 6.000 tấn tơ sợi.
Thứ ba, Đốc phủ Nguyễn Trung Thu – Người đứng đầu chính quyền sở tại còn chủ trương thực hiện chính sách hỗ trợ miễn thuế đất cho diện tích trồng dâu trong tỉnh (200 – 300 mẫu), chiếm hơn một nửa diện tích dâu trồng của toàn Nam kỳ.
Thứ tư, cho đến nay chưa thấy công bố tài liệu, tư liệu, thông tin nào phản ánh mặt “Không tích cực” của Đốc phủ Nguyễn Trung Thu.
Thứ năm, trong khi người có chức vụ Đốc phủ quan trọng trong chính quyền thực dân Pháp thì nhiều, nhưng “hiếm” ai quan tâm “Xét đặt được việc tằm tơ” để “Làm giàu cho dân”như Nguyễn Trung Thu.
Từ sự kiện thực tế của quá khứ và những điều phân tích, chúng ta có thể nói: Cùng các cộng sự, Nguyễn Trung Thu là người khởi nghiệp công nghệ tằm tơ ở xứ Tân Châu, Châu Đốc.
Nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Tân Châu cực thịnh nhất vào giai đoạn 1935 – 1965. Bà ngoại của tôi người bổn xứ Tân Châu, kể: “Hồi trẻ mỗi lần đi Nam Vang thăm dì dượng Út thường mang lãnh Mỹ A, lụa Tân Châu sang làm quà tặng bà con. Về sau, tôi thấy bà ngoại thường cắt may quần áo bằng lụa Tân Châu cho con cháu mặc. Từ năm 1976 về sau, nghề trồng dâu nuôi tằm chỉ còn rải rác ở một số nơi, sản phẩm làm ra chi phí cao, không cạnh tranh được với hàng vải ngoại nhập giá rẻ tràn ngập thị trường. Các hộ trồng dâu, nuôi tằm dần dần chuyển sang làm những nghề khác.
Giờ đây, nghề trồng dâu, nuôi tằm, giăng tơ dệt lụa truyền thống Tân Châu đã bị mai một nhiều, con đường Đốc Phủ Thu ở thị xã Châu Đốc cũng đã đổi tên thành đường Đống Đa… Song, những gì đã qua được ghi lại và vẫn mãi mãi còn lưu lại trong tâm trí chúng ta.
“Trai nào thanh bằng trai hai huyện (Tây Xuyên – Châu Đốc, Đông Xuyên – Long Xuyên)
Gái nào thảo bằng gái Tân Châu
Tháng ngày dệt lụa trồng dâu
Thờ cha, nuôi mẹ quản đâu nhọc nhằn”.
(Ca dao Nam bộ)
Hay:
“Tháng ba, tháng tư dân còn lòng ống
Kẻ lo kiếm giống, người lại mua nòi
Mua khắp nơi nơi, mua cùng khắp xứ
Kẻ góc tư, người góc tám”.
(Vè tằm tơ Vĩnh Hòa)
Nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa đã mang lại nguồn kinh tế sinh nhai cho hàng vạn con người Tân Châu, Châu Đốc qua hơn 100 năm. Mấy ai có thể phủ nhận được công lao của người đi trước và những thành tựu về nghề trồng dâu, nuôi tằm, thể hiện nét đặc thù của địa danh, phong cách độc đáo của cư dân quê lụa Tân Châu “Lụa Tân Châu, trầu Long Sơn”.
Ngày nay, có không ít những vấn đề (lịch sử, tin tức, ca dao, hò, vè) của quá khứ cần các nhà chuyên môn tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá rõ ràng hơn, bài viết nghiệp dư này chỉ để nhớ về truyền thống và giới thiệu người khởi nghiệp công nghệ tằm tơ xứ Tân Châu, Châu Đốc lúc bấy giờ.

HUỲNH PHÚ HỮU

* Nguồn: Đăng cổ tùng báo; Báo An Giang số 3131 ngày 19-01-2010; Môn học về An Giang – Trường Chính trị Tôn Đức Thắng.

( Theo - Đỗ Phu )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét