TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

* GÓC NÚI - truyện của Ngô Thị Đồ Mi

 Mặc gù là tháng Giêng, cái nắng Nam bộ được dự báo là 30 – 34 độ, nhưng buổi sáng ở miền núi vẫn nhuốm lạnh, một chút lạnh để se sắt tâm hồn đa cảm. Tôi đứng ở hành lang nhà trọ, vươn vai hít một hơi dài làn không khí lãng đãng hơi sương, vách núi im mờ trước mặt, không gian này – một cái gì đó thật quen thân. Tôi không mường tượng được cái xóm gần cuối ấp Vĩnh Phước kia bây giờ ra sao. Nơi đón nhận kẻ xa lạ làm đứa con quê hương, để rồi khi trưởng thành, tôi rời bỏ nó vĩnh viễn, ít nhất bây giờ trở lại – với đoàn lữ hành, cũng hơn ba mươi năm sau. Tôi có về thăm chốn cũ? Khi đưa tôi ra xe, thằng con trai lớn thì thầm bên tai tôi:
- Mẹ kể chuyện hội ngộ nơi ấy nghe mẹ!
- Ừ, nhất định rồi.
        Tôi thêu dệt một chuyện tình đẹp của tôi ở miền núi này: Một cô gái con nhà trung nông thương anh chàng tá điền. Rồi chiến tranh, rồi biến động biên giới Tây Nam những năm của thập kỷ bảy mươi, sản nghiệp tiêu tan, tôi lên Sài Gòn, gặp ba tụi nhỏ bây giờ, là một thương nhân, xây dựng sự nghiệp, có được một mái ấm đến tận giờ. Vì sao tôi nói dối với con về làng núi như thế, để che dấu cái thân phận cơ cực một thời thơ ấu, để bảo rằng tụi nó cũng có một quê ngoại, và mẹ nó cũng có một mối tình đẹp như mơ?
         Đi loanh quanh với đoàn hành hương hết buổi sáng. Trưa nghỉ tự do. Khu nhà trọ vẫn ồn ào. Mới tháng Giêng mà người đi trẩy hội thật đông. Nắng hanh hao như đổ lửa xuống miền núi, gay gắt, ngột ngạt. Cái nắng của dự báo đây! Tôi thèm không gian yên tĩnh, bình lặng của xóm quê xưa. Nơi ấy, vòm cây che bớt nắng, trong tiếng gió xạc xào, tiếng ru ầu ơ, tiếng gà gáy trưa, tiếng đập đá vang vang vào vách núi, cô gái quê nghĩ tới điều gì đó không phải là thực, thật vu vơ – cô gái hay mơ!
Điện thoại reo, tôi bắt máy, con trai lớn gọi cho tôi. Trong ba đứa con, nó là đứa quan tâm tới tôi nhất, có lẽ do sớm cùng tôi lăn lộn làm ăn, lại giàu tình cảm và chịu nghe tôi kể chuyện.
- Mẹ đây, có chuyện gì không con?
- Không, hỏi thăm mẹ thôi. Mẹ đi những đâu rồi?
- Đi lễ chùa, viếng cảnh. Mấy khu di tích được trùng tu đẹp lắm con ạ!
- Mẹ à, có gặp cố nhân không?
- Không… à chưa…
- Mẹ tranh thủ đi, mấy khi được về.
Tiếng nó cười vang trong điện thoại, tôi cũng cười mắng yêu: “Cha mày”. Đặt điện thoại trở lại bàn, tôi thở dài, lòng bâng khuâng, trăn trở… Trở lại thăm người đàn ông đã xem mình như em gái, hơn một cô em gái, nhưng có nên trở lại nơi có người đàn ông khác đã dối lừa mình không? Cái tiếng “theo trai” mà miệng đời gọi, người ta có quên không, riêng mình vẫn thấy sượng sùng và đau đớn. Nếu không gặp người đàn ông tốt bụng, giỏi giang, chân chất ở đất thành phố, mình có được như ngày nay không? Còn nữa, người ta có quên cái quãng đời côi cút, cơ cực của mình không? Tôi muốn khép lại vĩnh viễn cái quá khứ tủi buồn đó. Dù sao, nơi đó cũng đón nhận tôi những bảy, tám năm trời, chấm dứt cuộc sống với người ông trên chiếc ghe nhỏ buôn bán lặt vặt, trôi hết nơi này đến nơi khác theo dòng sông, con kênh, không có quê hương, bến bờ. Chẳng biết mẹ là ai, rồi một đêm mưa gió, ông cũng chìm dưới đáy sông, đoàn người đi cắt lúa mướn ở núi Sam vớt được tôi mang đến đây, tôi theo họ mót lúa. Hết vụ mùa, họ ra đi, tôi ở lại làm thuê. Đã quen gian truân, tôi cứ sống lây lất như cây xương rồng chịu khô, chịu nắng. Rồi tôi lớn lên, không người cận kề dạy dỗ, tôi sống hời hợt, chai lì, có điều tôi mơ, mơ thật nhiều, nhất là một mái nhà của riêng mình. Đúng, dù sao cũng là nơi đùm bọc mình một thời. Điều gì đó thôi thúc, cuối cùng, tôi rời nhà trọ, đón xe Honda đò đến phố chợ, rồi thả bộ ngược vô xóm.
 Tôi ngẩn ngơ như đi lạc, hàng cây hai bên đường đã thưa thớt, mấy cây me cổ thụ cũng không còn, nhà cửa mọc san sát, khang trang. Một vài người quen mặt nhưng họ không nhìn ra tôi, còn tôi thì không muốn nhìn họ. Đa số là người không quen, họ mới lớn lên. Buổi trưa ở đây cũng có nhiều tiếng động, nhiều tiếng xe qua lại. Âm thanh xưa, không gian tĩnh lặng xưa đã trở thành thời xa vắng. Như thế cũng hay, nếp sống thành thị hóa làm họ chẳng để ý đến mình. Cuối xóm vẫn còn một chút gì quen thuộc đây, con đường nhỏ lên núi, vùng cây dại, nhà còn thưa lộ ra vách núi sừng sững. Tim tôi bỗng nhiên đập rộn ràng. Tôi ghé vào cái quán nhỏ ven đường, gọi nước uống, cô chủ quán cười vui vẻ, má lún đồng tiền, mặc bộ đồ thời trang, trông cô thật xinh. Một chút tiếc nuối, một chút ghen tị, ngày xưa mình cũng xinh nhưng có ăn vận như thế đâu, người đẹp vì lụa mà. Vài người trong quán cười đùa rôm rả, vùng đất du lịch, họ đã quá quen thuộc với khách lạ. Không như ngày xưa, một người lạ bước đến, cả xóm đều hay. Tôi mỉm cười một mình, tuổi già trong đầu chỉ có bây giờ và ngày xưa. Sau vài lời xã giao, tôi hỏi cô chủ quán:
- Ở đây cô biết ông Nhẫn không?
- Cậu Nhẫn Còi con ông Kiên Lò Rèn à?
- Không phải…
- Nhẫn còn bà Thu?
- Không…
- A, hay ông Nhẫn Thọt?
- Ờ, đúng rồi.
Cái từ “thọt” vừa thấy buồn cười vừa thấy tội nghiệp ông ấy. Người dân quê ở đây có thói quen gán một đặc điểm có liên quan với cái tên. Nhưng chân ông ấy đâu đến nỗi, chỉ hơi khiễng một chút thôi, do tai nạn bị xe bò cán lúc ông ấy còn nhỏ. Người đàn bà bước vào quán – chị Mây, cái vẻ chất phác của chị, mặc dù chị đã già, thời gian và sự lam lũ đã làm thành những nét nhăn cằn cỗi trên gương mặt, tôi cũng nhận ra chị nhưng lờ đi, còn chị thì chẳng nhận ra tôi, lụa là, trang điểm, cuộc sống sung túc đã xóa nhòa hình ảnh cô gái lọ lem, có lẽ chính xác hơn là thời gian, hơn nửa đời người rồi còn gì. Không ai nhớ và tôi không muốn nhắc. Chị Mây tò mò:
- Cô quen ông ấy à?
- Cũng lâu rồi. Ông ấy có vợ con gì không chị?
- Ôi, ổng khó thấy mồ ai mà thèm ưng. Ổng ở vậy một mình từ đó tới giờ, có thằng cháu tới lui.
Cô chủ quán chen vào:
- Coi vậy mà ổng giàu lắm đó nghe, có một căn nhà riêng, mấy công ruộng.
Một người đàn bà khác góp chuyện:
- Sao lúc đó ổng không ưng bà Tho hén, bả giỏi một cây luôn.
- Bà Tho không ưng ổng thì có.
Người ấy, người tôi thêu dệt mối tình đẹp để kể với con tôi giờ vẫn độc thân. Ông khó tính thật hay vì lý do nào khác? Tôi thoáng giật mình, có khi nào…? Thuở mới lớn, tôi là cô gái có nhan sắc. Vì đẹp nên dù nghèo xơ xác, mới biết đọc, biết viết lõm bõm do phong trào xóa mù sau giải phóng, tôi cũng được nhiều anh trai làng để ý trêu ghẹo. Hiểu được điều đó tôi chỉ thương cái anh chàng bảnh chọe như thư sinh con của ông chủ tiệm vải ở phố chợ. Chiều ấy, tôi nôn nao, bần thần, lo lắng vì phải làm một việc hệ trọng, ra đi theo tình nhân. Anh ta bảo gia đình không ưng tôi vì tôi là dân trôi sông lạc chợ, chúng tôi trốn đi một thời gian rồi về, thế nào gia đình cũng nhận vì chuyện đã rồi. Cũng chiều ấy, Nhẫn rủ tôi đi lễ hội Vía Bà, tôi nói dối:
- Em không đi được, bà chủ không cho đâu.
Nỗi thất vọng hằn lên khuôn mặt đen sạm, khắc khổ của ông. Tôi dúi vào tay ông một chiếc khăn tay, tôi đã dùng tiền đi ở ki cóp mua vải, chỉ thêu lên đó. Có lẽ tôi muốn đáp lại những tình cảm thân thiết mà ông dành cho tôi? Chỉ có ở ông, tôi mới cảm thấy được an ủi, sẻ chia, nhưng tôi không nghĩ sống cuộc đời vợ chồng với ông, một người đàn ông có thân thể không hoàn hảo, chân bị khiễng, một gia đình đông con, nghèo khổ, lam lũ. Tôi biết ưu thế của mình, tôi đẹp, và tôi đã chọn gã con trai phố chợ. Để rồi, hết số tiền ít ỏi gã mang theo, hết phần tiền dành dụm cũng ít ỏi của tôi, tôi bị bỏ bơ vơ giữa thị thành xa lạ. Cũng may, số phận còn mỉm cười với tôi đã cho tôi gặp một người đàn ông tốt bụng, mở ra cho tôi một trang đời mới. Lúc trao chiếc khăn cho Nhẫn, tôi nào nghĩ gì đâu, trước một chuyến đi xa, ngã rẽ cuộc đời, tôi muốn tỏ tấm lòng tri ân của mình thế thôi, còn ông ấy niềm vui ánh lên khuôn mặt vốn dĩ quá cằn cỗi. Đó là ấn tượng sau cùng tôi còn giữ ở ông. Tôi giả như vô tình, thản nhiên hỏi nơi ông ở, nói vài câu bâng quơ khác rồi rời quán. Đi bộ một đỗi tìm đường đến nhà ông. Xóm đã thay đổi với nhiều nhà cất mới nhưng lối mòn vẫn còn. Tôi bỗng bâng khuâng, xúc động và muốn òa khóc. Tủi buồn vì con mồ côi, mang nợ tình người nơi đã cưu mang mà không một lần quay lại, coi như không có người thân, không phải là quê hương, con người mình quá bội bạc chăng, hay vì chạy trốn một cuộc tình xấu hổ? Người tình đó, tôi đã loại ra khỏi ký ức, không cần một lời thăm hỏi, không cần biết anh ta sống ra sao. Còn ông Nhẫn, sao ông vẫn ở vậy, không tìm được ai để thương sao? Muốn gặp, rồi không muốn gặp, bước chân cứ chùng chình. Cuối cùng tôi cũng đến ngôi nhà nơi mé núi. Một căn nhà nhỏ, gọn gàng, khoảng sân rộng, giàn hoa thiên lý lunh linh trong nắng. Tim tôi đập mạnh, thảng thốt. Xưa ấy, ở nhà chủ, có lần đem cơm cho những thợ chở lúa, tôi ngồi nói chuyện bâng quơ với Nhẫn. Nhìn những cánh chim đi ăn từ đồng xa bay về núi, tôi nói:
- Em ước được một ngôi nhà.
Nhẫn nhìn tôi cười hiền. Tôi nói tiếp những hình ảnh trong mơ:
- Ngôi nhà có sân rộng để trồng nhiều hoa, nhất là hoa dạ lý, hương thơm thấy sợ.
- Rồi sẽ được thôi.
Tôi bĩu môi:
- Có mà mơ. Tiền em ở đợ kiếm cơm mấy đời cho đủ.
Nhẫn buông lời gọn khô:
- Tôi cất cho em.
Chỉ chừng ấy thôi, ông ấy nhút nhát, đỏ bừng mặt. Còn tôi về sau vẫn vô tư, vẫn coi ông là người anh thực sự, bởi ở ông mới có lúc nói chuyện đời, san sẻ những vui buồn. Thật ra nói chuyện đời là ông nói chuyện xử thế, tôi chỉ ậm ừ, đôi khi còn phá lên cười cho ông là cụ. Chẳng lẽ vì một điều ước vu vơ của tôi? Không hiểu cái nắng hầm hập đổ xuống đầu hay điều gì mình có lỗi mà tôi thấy như nóng ran ngực, khó thở, nghèn nghẹn. Gặp ông, tôi sẽ nói gì, rằng mình đang hạnh phúc, rằng sao ông không cưới vợ? Thay đổi được gì nữa không hay chỉ phá vỡ một cuộc sống bình lặng? Mà có phải tại tôi đâu, tôi có thương ông đâu, ông cũng có nói gì với tôi? Bây giờ ông không có ở nhà, cửa đóng im lìm. Thôi, đó là định mệnh. Tôi sẽ kể với con tôi rằng không có cuộc hội ngộ bởi ông đi vắng.
Tôi vội vã xuống đường đón xe về nhà trọ. Hình ảnh người đàn ông độc thân, ngôi nhà hiu quạnh nơi mé núi đã làm tôi chạnh lòng. Tôi tự trách mình vô tư, hời hợt và sự thân thiện không nên có. Trách mình rồi lại thương mình, tôi lớn lên giữa vùng núi như loài cây dại, không được lời dạy dỗ, chỉ nhận tiếng chửi mắng, thân với ông như người anh theo cảm tính, và đi theo tiếng gọi con tim để cứu vớt đời mình thì tôi có lỗi gì?
Buổi trưa đi qua trong oi ả, ngột ngạt. Chiều miền núi dìu dịu, tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Đoàn lữ hành rộn ràng chuẩn bị hành lí lên đường. Tối nay, có nơi chốn tôi về nương náu yên bình. Dù sao tôi cũng phải nói với con tôi, con người không thể lựa chọn hoàn cảnh để sinh ra, phải chấp nhận đương đầu với thực tế, chúng nó không có quê ngoại mà chỉ có quê mẹ, một thời là quê mẹ. Mẹ đúng hay sai, tình yêu của người đàn ông ấy có thực hay không, nơi góc núi vẫn có một ngôi nhà và giàn hoa thiên lý.
 NGÔ THỊ ĐỒ MI

( Theo  Đỗ Phu )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét