TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

* CHỜ NẮNG LÊN - truyện của Nguyễn Thanh Thảo


Tôi chẳng đi đâu được cả, đó là sự thật hiển nhiên rồi. Tôi tin lời mẹ, mẹ nói con người ta sinh ra đã có số, có làm gì đi nữa thì đều trong số kiếp cả thôi, nhưng hãy cố gắng làm cho cuộc sống của mình tươi tỉnh dù trong hoàn cảnh nào, cả khi tôi phải đối diện với sự ra đi của mẹ. Mẹ già nua, người ta tiễn mẹ về với đất, bảo tôi cũng đừng khóc làm chi, mẹ đi hết vòng tuần hoàn rồi sẽ tái sinh thôi, chỉ mong kiếp sau ta lại làm người thân của nhau nữa. Đó, vậy là mẹ tôi đi, để lại cho tôi sự tiếc nuối chưa ước chừng được và những bài học mà cần có thời gian tôi mới hiểu hết.
         Cuộc sống của tôi giờ nhìn chung cũng tạm ổn, một khoảng đất nho nhỏ được vun xới đều đặn đủ cho tôi sống trong vòng bảy, tám năm đảo lại. Ngày trước nhà tôi nhỏ bằng tàn lá, sống chen chúc lụp xụp ở khu tập thể cạnh bờ sông, hằng ngày tôi được tắm mình trong những câu chuyện dài do hơi biển đưa về và ấm áp ẩn mình dưới vòm lá của mẹ. Rồi mẹ đi, người ta hạ xuống nói là bảo vệ vẻ đẹp đô thị gì đó, tôi khóc, khi tức tưởi, chẳng lẽ khi thế giới này không có một người dịu dàng, tràn đầy tình yêu như mẹ thì thế giới này sẽ tốt, sẽ đẹp hơn sao? Mẹ mỉm cười hạnh phúc còn tôi thì khóc bù lu bù loa. Đã ba năm rồi, tôi được người ta đưa đến một nơi khá hơn, nói là để đền ơn mẹ. Có phải tôi đang sống tiếp cuộc đời của mẹ?
Tôi ngày một khỏe mạnh, tôi cảm nhận được một luồng dưỡng khí đang chạy khắp mình mẩy tôi mỗi độ ánh mặt trời hung đốt. Tôi ưỡn mình, những thớ thịt cuồn cuộn cứ tranh nhau giành chỗ, tóc tôi mỗi ngày một dài, dày và xanh. Bác Năm tự hào về tôi lắm, cứ tấm tắc khen với mấy anh trong tổ. Bác kê chỗ tôi một băng ghế, nhờ vậy mà tôi có nhiều bạn.
Có một cô tên Vân, hay tìm đến chỗ tôi vào những ngày không nhất định. Mẹ nói tôi con gái nhưng lại cực bướng bỉnh, thích những thứ mà mẹ không ngờ tới. Tôi để ý đến Vân vì những điều là lạ không cố định ấy. Có khi là sáng chủ nhật, chiều thứ năm hay trưa trưa tan tầm của ngày thứ sáu, có khi là lúc tôi đang chờ, cũng có lúc tôi đang mơn trớn theo một câu chuyện khác, Vân đều có thể đến. Có khi đến để ăn qua quýt một bữa trưa, có khi loay hoay tính toán nhưng thường nhất là ngồi yên, quay lưng lại với con lộ và nhìn ra bờ sông. Vân trông cũng được người, ăn mặc giống nhân viên văn phòng. Tôi lờ mờ hình dung, có thể Vân là một cô gái biết tự lo cho mình, vừa đi làm tự ổn định cuộc sống, cũng giống như biết bao con người đang hối hả lao về thành phố này tìm việc. Vân có vẻ dễ chịu lắm khi ngồi cạnh tôi, cô hay ngả người ra sau rồi nhắm mắt thật sâu. Những lúc như thế tôi hay đung đưa tàn lá. Vân chẳng nói gì, chẳng buồn đem câu chuyện của mình gán vào cuộc sống của tôi, vì vậy mà tôi càng muốn nghe và càng háo hức chờ đợi mỗi khi Vân úp mở định nói. Nhưng chẳng có gì cả. Sự im lặng ấy mặc nhiên cho tôi quyền được nghĩ Vân là bạn của tôi. Chúng tôi dần làm quen. Bữa đó tự dưng cô mở mắt tròn xoe rồi nói ước được như tôi, rồi lại lặng thinh mặc cho tôi đoán già đoán non. Sao vậy chứ? Sao Vân lại ước được như tôi? Tôi có được đi đâu nhiều cho cam, nó chỉ đơn giản gói gọn trong bốn phía cố định mà tôi nhìn thấy. Hằng ngày, nhìn mọi việc cứ trôi chảy qua mắt của mình, muốn khác đi cũng chẳng được. Tôi chỉ có thể đứng đây, lắng nghe những câu chuyện dài của sông nước và biển người, như thế này thì chán lắm, tôi tha thiết được làm con thuyền kia, hằng ngày lang thang khắp chốn, lướt thướt qua đủ sông hồ, được vùng vẫy cùng sóng nước, được té nước nghịch ngợm vào lũ thuyền từ sông hồ ra, hay được làm cánh chim trời cũng thích chán, hàng ngày được ca hát cùng bầu trời đến khàn cả giọng mới thôi, như tôi đây, chán lắm. Chẳng lẽ đời vạn việc bất biến này lại là cuộc sống mà Vân mơ ước? Tôi không hiểu ý Vân muốn nói gì. Chỉ có thể nhìn Vân, trông kìa, nhìn cô bé xinh đáo để, ngồi bắt chéo chân, chiếc váy xinh ôm nhẹ, còn cái áo khoác thì bồng bềnh mặc cho đôi mắt đung đưa nhảy múa theo nhịp một bài hát vui tươi. Những lúc như thế nhìn Vân yêu đời lắm, Vân trẻ lắm, trẻ làm cho khối người ganh tị, tôi thích lắm!
Có một người phụ nữ khác. Hình như bà ấy không thích cô nhân viên mới vào. Tôi quan tâm đến bà ấy vì bà ấy khác Vân. Hình như bà ta tên là Hoan, những người đi thể dục chung hay gọi là chị Hoan. Thôi thì tôi cũng gọi như thế cho dễ nói chuyện. Chị Hoan đứng tuổi rồi, khoảng bốn mươi ngoài, đang làm ở  xí nghiệp tư nhân mà tôi không tiện nói tên. Chị Hoan người béo tròn, trông khỏe ra phết nhưng dạo này bỗng phát tướng, phải đi thể dục để lấy lại phom thời ngoài ba mươi. Thoạt nghe tôi bỗng bật cười, khen cho ý chí con người ta, sao lại hi vọng để rồi tự nhận lấy thất vọng trong tầm dự đoán chi vậy ta? Nhưng tuyệt tôi không dám nói với bác đèn đường hay chị tượng đá ở gần đó. Lỡ ai mách lại, chị cho tôi vài nhát dao vào gốc là tôi sẽ đột ngột về tái ngộ với mẹ liền. Ai chứ chị Hoan chị làm thật đấy! Bạn biết không chị nói chuyện của người ta nhiều ơi là nhiều nhưng ai dám nói chuyện của chị thì chị ghét dữ lắm. Nhìn phản ứng của chị ngày cô nhân viên mới vào thì biết ngay ấy mà.
 Cô nhân viên tên là Loan. Mới vào nên Loan trình làng với cả tổ, lễ tiết cũng chu đáo nên chị không phàn nàn gì. Tai hại cho Loan đi quá giới hạn khi nói chuyện phiếm với mấy cô trong tổ, nói xí nghiệp mình dạo này tăng trọng lượng quá. Đó, chị Hoan đi ngang, nghe thấy giận hùng hục, nhỏ này hay ta, ngang nhiên “phạm thượng”.
Chị Hoan vừa kể, vừa đập tay nhau chan chát y rang mấy bà bạn hàng cá, câu chuyện của chị lúc nào cũng hấp dẫn…
Còn Vân, vẫn lặng lẽ đi bên tôi. Vân chẳng nói gì cả nhưng tôi cho đó là những phút đồng điệu nhất của chúng tôi. Dạo này nhìn Vân xuống sắc lắm. Hay là cô ấy đang có điều khó xử? Đôi mắt Vân bữa chiều hôm ấy không đong đưa nhảy múa. Cô ngồi bất thần, con lộ phía sau lưng vẫn đều đều tiếng xe của những đôi tình nhân bên nhau dọc theo những con phố vắng, và trước mặt Vân ạ, vẫn là tiếng ghe máy đang thả rì rì về bến. Tất cả đang chuyển động, chỉ có Vân bất động trước sự ồn ào. Hay là lòng Vân đang có những cơn bão? Tiếng nhạc chuông nhỏ xíu từ chiếc máy di động, Vân nói chuyện một chút rồi thôi. Tôi bỗng trở thành kẻ bất lịch sự khi tò mò muốn nghe tiếng của em. Nghe đâu Vân nói với ba, nói Vân làm được mà, vẫn ổn cả, ba đừng lo gì hết. Có lẽ Vân không hài lòng trong công việc, những phán đoán lờ mờ và đơn lẻ…
Tôi giật cả mình khi nghe giọng chị Hoan lại lanh lảnh, chị bảo không thể chịu được. Loan nhất định đang nhắm vào chị mà nói đây mà. Mới họp bữa trước, chị báo cáo xí nghiệp tăng doanh thu, giờ nó cũng nói y chang như vậy, nó thừa  biết là chị đang bị lên cân kia mà. Chị xì xuỵt, có vẻ bí mật với chị Xuân cùng cơ quan, chị phải để con bé này biết tay, nó qua cầu rút ván, nó quên vì đâu nó làm được ở cái thành phố này, lần này bà cho mi về quê cắm câu…
Tôi đã nói mà, tôi sợ chị thiệt. Giờ tôi mới biết vì sao mẹ tôi nói thích tôi sống ở khu tập thể cạnh bờ sông rồi. Mẹ nói tôi là con gái, chỉ hạnh phúc khi con sống một cuộc đời bình thường nhưng đừng tầm thường, con sẽ khác đi khi con có quyền tạo ra một cuộc sống khác cho một người khác. Chị Hoan, không biết đã làm gì Loan, nhưng tiếng cười khanh khách đắc ý làm tôi thấy bồn chồn quá. Có phải những ngày sắp tới đây, biển lại chở thêm giọt nước mắt của những cô gái tên Vân cúi đầu khóc rưng rức?
Nhưng người khóc lại là chị Hoan. Dạo này chị không đi thể dục nữa thì phải. Tôi không muốn biết bà ta khóc vì chuyện gì, nhưng vì chuyện gì cũng đáng. Tự trong thâm tâm tôi muốn nhìn thấy người đàn bà ấy đổ nước mắt lắm. Để làm gì nhỉ? Tôi đang nghĩ đến Vân. Tôi mặc nhiên kết nối câu chuyện của chị ta với ánh mắt buồn ám ảnh lòng người của Vân buổi chiều hôm ấy. Tôi ngờ ngợ Vân bé nhỏ cũng đang bị dồn ép bởi một con người trịch thượng nhưng chẳng thể làm gì. Tôi bức rức, bực bội, muốn đem cả sức khỏe đương độ chín thế này cho Vân, để Vân vượt qua. Nhưng Vân đâu cần sức mạnh cơ bắp. Nghe bà ấy khóc, tôi chắc chắn rằng đây là thứ Vân cần. Tôi muốn nắm tay Vân để nói với cô ấy rằng đời có vay có trả, người ta lấy của Vân cơ hội và lòng tin thì sẽ trả lại cho Vân nghị lực, có phải Vân đang sống rất mạnh mẽ nhờ những người như thế này không. Rồi cũng có lúc họ nếm trải nỗi đau như đã từng đem đến cho em, đừng nghĩ ngợi gì lung tung Vân ạ, công bằng lắm! Đó, tôi muốn nói với Vân bằng tất cả gan ruột của mình.
Nhưng tôi không thấy người phụ nữ ấy. Cũng nghe mấy cô mấy thím nói lại, dạo này chị Hoan sụt cân rồi. Nghe đâu vì lo lắng quá độ, nghe đâu chồng chị có vợ bé… Tôi lại thẫn  thờ người. Trời ơi! Chị Hoan…
Tôi không biết mình đang đứng ở đâu trong khoảng không vũ trụ này nữa, sao mọi thứ cứ rối bời cả lên, ai lại cười khanh khách đầy ác ý khi nhìn thấy những cọng rơm khô mà lũ chim tha về xây tổ ấm đang bị rơi lả tả giữa trời chiều. Tôi từng nguýt dài khi chị nói ngày xưa chị đẹp lắm, hoa khôi của lớp nữ văn công. Công việc, thời gian làm chị già nua đi. Nhìn mấy cô mới vào xuân phơi phới chị thấy nhớ về mình. Nhưng tôi cho rằng chị đang ganh tị mới đúng. Chuyện của Loan đúng là bé xé ra to. Câu nói vu vơ đến thế có đáng làm cho chị giận không nào? Có đáng để chị điều công tác của người ta không nào? Vậy mà chị vẫn làm, dửng dưng, lạnh lùng mặc cho Loan năn nỉ hết lời. Chị đóng sập cửa phòng, cười hả hê. Chị đã hả cơn giận rồi, đã trừng trị thích đáng kẻ dám ngang nhiên cười vào thân hình quá khổ của chị rồi, từ đây không ai dám hé răng nói nữa, thích thật, kẻ có quyền luôn luôn khác. Nhưng quay vào tường, chị nghe lòng đau đớn lắm. Nỗi đau rất tế nhị của người phụ nữ. Sao chị trơ trẽn quá. Chị không muốn thế này đâu, chị muốn mình đẹp, mình xinh bằng đâu một chút ngày xưa cũng được để chồng nhìn chị trìu mến, để anh ở nhà, để chiều chiều mâm cơm có đủ người, và tôi tối, vợ chồng con cái đi chơi… Chứ đừng như bây giờ. Nhưng ai hiểu chị chứ? Chẳng ai cả, bọn chúng ấy à, chỉ vâng vâng dạ dạ cho đẹp mặt chứ chẳng đứa nào đẹp lòng, tất cả đều cười vào chị… Nghe nói chị khóc, tôi muốn đến bên chị nhưng không thể, chưa khi nào tôi lại chờ quay quắt một người đến thế này…
Vậy đó tôi mới thấy không phải chỉ có chỗ tôi đứng mới bị lệch, có nhiều thứ rõ ràng rất hợp vậy mà cứ lệch. Vân đến, cùng với một người nam. Hình như cuộc sống tôi đang bị xé manh mún ra, cả người bạn này tôi cũng phải chia. Vân tâm sự bằng lời, chứ không phải bằng những cái ngúng nguẩy của tiếng hát hay sự lặng im của đôi mắt. Vân nói Vân sẽ tiếp tục làm, không đi đâu cả. Anh bạn có vẻ đã khuyên rất nhiều lần nhưng bất lực. Như thế càng làm tôi thấy đau lòng, họ đã có một thời gian gắn bó và hiểu nhau thì phải. Tôi xem Vân như một nửa cuộc sống của mình. Còn Vân, Vân đặt tôi ở vị trí nào trong thế giới của Vân? Tôi phát hiện ra mình ích kỉ, tôi muốn thế giới của Vân cũng là của mình, suy nghĩ của Vân cũng chỉ được chia sẻ với tôi thôi. Sao người ta lại tàn nhẫn đem thêm một người nữa vào suy nghĩ của tôi để lòng tôi lẫn lộn? Nhưng đau đớn nhất là tôi nhận ra mình đã vô tình bị quăng ra ngoài vỉa hè của cuộc đời, chẳng phải khi sinh ra tôi đã cố hữu đứng trên vỉa hè đó hay sao, vậy mà tôi không nhận ra.
Thấy tôi buồn thất tha thất thểu, chị loa phát thanh cố ý đọc to giọng cho tôi nghe một vài bài thơ xưa, chị đọc tôi nghe bài thơ “Đôi dép”. Tôi cười mếu máo, không chị ạ, em là nữ cơ mà, em với Vân đâu phải là tình cảm nam nữ gì cho cam. Chị ngừng, nói bây để tao đọc hết cho bây nghe. Tôi lặng im nghe chị đọc, có một thời tôi cũng ao ước như thế mà nhưng kiếp độc hành này làm gì có quyền mơ ước đến thứ hạnh phúc ngọt ngào ấy của con người. Tôi chỉ có thể có tri âm, chứ không thể có được tri kỉ. Còn gì đau đớn hơn khi tôi nhận ra những hạn định cố hữu của số kiếp mình. Tối, khi cả con phố đã lặng im cả, chị mới hỏi tôi, chị hỏi tôi nghĩ gì khi bác Năm đặc biệt chăm sóc tôi, tôi nghĩ gì khi con lộ được tân trang, khi dưới chân tôi được kê những băng ghế đá. Có phải tất cả đã chuẩn bị cho ngày hôm nay không, rằng vạn vật trên đời đều có ý nghĩa tồn tại của nó, đáng trách nhất khi con người ta không nhận ra mình. Tôi lặng im nghe sự trở mình của biển, đó là một đêm dài ơi là dài…
Trong khi tôi vẫn còn mệt nhoài người vì một đêm dài mất ngủ thì tôi đã nghe dưới chân mình một làn nước mát rượi quen thuộc. Nhưng sao hôm nay lại ấm áp đến thế này, tôi giật mình giữa cơn mộng mị, chỉ có mẹ thôi, mẹ về, mẹ vẫn chuẩn bị cho mình những buổi ăn sáng khi mình hãy còn ngây ngủ. Tôi choàng mình dậy, cảm giác mẹ đã đi đâu rất lâu nay về làm tôi cứ kêu quýnh quáng lên, kêu liên tục… Nhưng chẳng có ai cả, bác Năm vẫn đứng đấy, cười cười hỏi tôi có phải đã nhớ mẹ quá hay không…Tôi để mặc bác chăm chút, miên man theo dòng suy nghĩ. Chị loa phát thanh nói đúng, vạn vật quanh tôi vẫn đang chuyển động, vẫn đang từng ngày từng giờ thực hiện nhiệm vụ tồn tại của mình. Vậy thì hà cớ gì tôi lại không thấy sự hiện hữu của mình chứ. Tôi là loài sinh ra vốn để đứng ở vỉa hè nhưng không phải nhờ đó mà tôi lắng nghe được câu chuyện con người hay sao, loài thực vật nhưng đã mang được kiếp con người như tôi lẽ ra tôi phải biết trân trọng bản thân mình mới đúng chứ. Một chút trăn trở của tôi cũng có nghĩa gì đâu so với nỗi thất vọng âm ỉ của chị Hoan hay những ngày dài nỗ lực của Vân. Tôi nghĩ thế và thấy nhẹ nhõm hẳn trong người, tôi vươn mình trở dậy để đón ánh nắng sớm để tôi lại thấy tôi tràn trề nhựa sống, tôi phải khỏe để chờ chị Hoan, để biết được sự thật về Vân, tôi chấp nhận cả. Ừ nhỉ, tôi đang sống tiếp cuộc đời  của mẹ mà!

    NGUYỄN THANH THẢO

( Theo  Đỗ Phu )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét