TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

* VỀ VÙNG ĐẤT TÂM LINH - Tản văn của Ca Giao

           

     Từ khi Châu Đốc trở thành thành phố thì diện mạo thay đổi rõ nét. Cơ sở hạ tầng cảnh quan đô thị được đầu tư đồng bộ, năm 2014 cả thành phố như một đại công trường, đường sá ngày càng mở rộng nhà phố phát triển hơn. Bạn bè có dịp về thăm đã ví von: “Châu Đốc đang thay da đổi thịt, phát triển phổng phao như cô gái dậy thì con nhà giàu?!”. Nghe bạn ca ngợi như vậy mình cũng phấn khởi mà rằng: “Thì người ta là thành phố trẻ măng mà lại”.    
     Có thể thấy Châu Đốc đang có những chuyển mình phát triển hợp lý đúng hướng về đầu tư hạ tầng; hệ thống xử lý nước thải hiện đại thay thế cho hệ thống cống của hàng trăm năm trước, việc thi công đồng loạt được triển khai cuốn chiếu khá khoa học, vì công trình nằm sâu trong lòng đất nên ít người cảm nhận hết tác dụng quan trọng của nó đối với môi trường, khi các tuyến đường nội ô đào xới, bụi bặm, trở ngại giao thông thì dân cằn nhằn, mà không biết công trình dân sinh đồ sộ nầy nhằm nâng chất lượng cuộc sống cho nhân dân; lại được kết hợp đồng bộ với nâng cấp mở rộng đường phố theo quy hoạch, góp phần làm cho bộ mặt thành phố Châu Đốc khang trang theo chuẩn Đô thị loại II.
     Với tôi có niềm vui rất riêng khi đoạn đường Châu Đốc – Núi Sam đã và đang được nâng cấp hoành tráng, sẽ hình thành cung đường đẹp như công viên, mà tâm đắc nhất là được phục hồi tên gọi Tân Lộ Kiều Lương lịch sử. Cứ như cầu được ước thấy cái điều mong muốn có mà “hồi đó” vì cơ chế: Đoạn đường nầy nằm trên quốc lộ do Trung ương quản lý, địa phương không được làm.
Đến việc triển khai Dự án Công viên Văn hóa núi Sam tọa lạc tại chân núi Sam với quy mô hàng trăm hecta và các hạng mục kể chuyện về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca từ ấu thơ đến khi đắc đạo cùng các thiết chế văn hóa… 
     Vốn là người đã từng gắn bó trách nhiệm với công việc tổ chức lễ và hội Vía Bà, tuy quản lý Nhà nước nhưng tôi hay suy tư về du lịch, hình như là cơ duyên, nhớ vào thời điểm ấy, có một lần tôi tiếp và hướng dẫn cô Phan Lương Cầm đi viếng miếu Bà cùng một số di tích ở núi Sam, cô rất vui, khen Châu Đốc có cung cách quản lý khoa học và hiệu quả hoạt động văn hóa tâm linh mà không mê tín, là người hoạt động khoa học, nhưng cô nói nhiều về văn hóa tâm linh, về đức tin của con người, trong lần trò chuyện đó tôi ngộ ra thế nào là tâm linh, thế nào là mê tín, riêng với cá nhân thì cô nói vui: “Em mà làm quản lý Nhà nước thì phí quá, em nên làm du lịch thì hay hơn…”, có lẽ lời cô nói tại miếu Bà ứng nghiệm hay sao mà hai tháng sau đó không theo nguyện vọng tôi chuyển công tác về tỉnh và trùng hợp là được phân công làm quản lý du lịch thiệt, cũng là cơ hội để tôi xây dựng đề án nâng cấp Quốc gia cho lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam – Châu Đốc năm 2001.
      Trong môi trường mới được đi nhiều, tiếp xúc nhiều và tìm hiểu nhiều hơn về chuyên môn ngành, càng nuôi dưỡng và chấp cánh thêm những ấp ủ ngày trước về một vùng du lịch tâm linh cho núi Sam, đó là một mô hình của khu du lịch tâm linh mang tầm vóc quốc gia vươn mình ra quốc tế; tôi đã nhiều lần lang thang quanh núi, nhìn từ dưới đất lên, rồi leo lên núi lại nhìn từ trên cao xuống bốn bề, nhìn ra ngoài chợ, rồi ngóng vào Thất Sơn, nhìn qua biên giới, tự cảm thấy Châu Đốc có cái núi mọc lên ở giữa đồng bằng thành ra là vốn quý. Chợt nhớ lại cái hồi những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều người Châu Đốc không chỉ là dân Vĩnh Tế, đã cùng nhau đấu tranh để giữ lại đá cho núi Sam, chống chuyện bắn đá núi Sam để bán làm vật liệu xây dựng. Cũng khá gay go từ xã đến Trung ương nhưng rồi cũng có kết quả, nhờ vậy núi Sam vẫn còn dù không nguyên vẹn, cứ thấy vách núi lởm chởm thương tích loang lở, mà không thể phủ xanh bằng cách trồng cây nên trong đầu tôi nãy ra ý tưởng cần có điêu khắc cái gì đó trên vách núi, mà phải làm đồng bộ các công trình tâm linh từ trên núi đến chân núi, để níu chân du khách.
     Buổi chiều trên cao nhìn xuống các khu mộ quanh chân núi cứ như các thành phố buồn trong bóng hoàng hôn mà thấy chạnh lòng; tập quán địa táng của cư dân vùng châu thổ, chọn đất cao xây mộ nên hình thành nhiều khu nghĩa địa quanh chân núi. Vào cái hồi ấy nói tới những chuyện liên quan đến tâm linh là điều tế nhị, khó nêu thành chính kiến, cho nên suy nghĩ của mình chỉ là ước mơ riêng tư, nói với bạn bè như chuyện nghe qua rồi bỏ, cộng với một chút tự ti, có lúc thấy lạc lõng bởi các ý kiến cá nhân có khi bị cho là mới quá, không giống ai…, tự yên ủi mình: “Chưa tới thời cơ, cứ nuôi mơ ước, bởi chẳng tốn kém phiền hà tới ai”.
     Vậy đó theo thời gian, mọi thứ: Quan điểm, cơ chế, tập quán xã hội cũng theo dòng chảy của thời đại mà đổi thay, kể cả trong cách nghĩ, hạnh phúc hơn là những thế hệ kế thừa đã thấy vấn đề và đang làm được, vô hình chung ước mơ riêng tư lại thành hiện thực, khi tiếp cận được Dự án Công viên Văn hóa núi Sam mình như sống lại cảm giác hồi đó, vì những điều suy nghĩ sao mà như được thực hiện trọn vẹn trong dự án, xây dựng các công trình văn hóa tâm linh cho một khu du lịch văn hóa tâm linh. Nhưng phải tới lúc được mời dự lễ khởi công nhà cốt tự thâm tâm rất bùi ngùi, vì đây là giải pháp tích cực nhất: Đáp ứng nhu cầu cho cả người sống và cả người chết. Có thể nói tôi là người trong cuộc vì gia đình có mộ ông bà nằm ở chân núi, dù thường xuyên thăm viếng nhưng mỗi lần phải đi qua nhiều khu mộ, rác thải rất bẩn, nhiều mộ hoang tàn chắc chẳng còn thân nhân… chạnh nghĩ cần phải có nơi cải táng, có một nơi lưu cốt tập trung trang trọng, văn minh sạch đẹp cho tất cả mọi người dưới mộ; liên tưởng tới mô hình của các nghĩa trang công viên. Khi nhà cốt hoàn thành, tất cả mộ phần trong phạm vi dự án được hỗ trợ cải táng, kể cả người không còn thân nhân rồi đây sẽ được mời quy tập nghiêm cẩn vào nhà cốt.
     Rồi lễ khởi công Tượng Phật Thích Ca ngồi thiền cao 81m tạc vào vách núi Sam và các hạng mục của Công viên Văn hóa núi Sam, thì càng thấm thía hài lòng. Xin cảm ơn và ghi nhận một dấu ấn nhiệm kỳ mà các đồng chí có chức trách đã thể hiện, cần lắm một sự dũng cảm và năng động trong tư duy lãnh đạo, quyết liệt trong thực hiện, dám làm, được làm và làm được; cái mà thế hệ của mình, cá nhân mình chưa thể trước sự khách quan của thời cơ, sự ràng buộc của cơ chế.
     Bây giờ thì cầu mong: Dự án sẽ nhận được nhiều sự đóng góp nguồn tài lực của xã hội.
     Đặt niềm tin tưởng rằng: Các lực lượng tham gia vào công trình Công viên Văn hóa núi Sam ở các công đoạn, các hạng mục; tất cả hãy vì sự linh thiêng của vùng đất tâm linh nầy, bằng tấm lòng và tài năng của mỗi người,  đoàn kết cùng nhau tạo thành các công trình văn hóa có chất lượng tốt nhất đẹp nhất cống hiến, lưu truyền cho hậu thế.

       CA GIAO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét