TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

* NHAN SẮC MỚI CHO THƠ TRÚC THANH TÂM - Du Tử Lê



  
Bài viết: Nhà thơ DU TỬ LÊ

NHAN SẮC MỚI
CHO THƠ TRÚC THANH TÂM

      Nơi chốn hay địa danh, tự thân sẽ không có một giá trị vật chất hay tinh thần nào, nếu không có sự can dự, tiếp xúc của con người. Ngược lại thì, nơi chốn, địa danh mặc nhiên có được cho nó một sự sống, một linh hồn. Nó có thể trở thành một thứ “bảo tàng thiên nhiên” - - Nơi lưu giữ tình cảm, kỷ niệm cho con người dù, những con người đến với nó đã đi xa, không trở lại hoặc, không còn hiện hữu nữa.
     Vì thế, trong lịch sử thi ca thời xa xưa của chúng ta, có rất nhiều thắng cảnh, nơi chốn được đề cập tới, dưới dạng ngâm vịnh hay đề thơ…giá trị.
     Nhưng, khi bộ môn nhiếp ảnh phát triển ngày một thêm sung mãn thì, mảng ngâm vịnh hay đề thơ cho một nơi chốn, với thời gian, đã đi dần tới chỗ “tuyệt chủng”.

    Tôi nghĩ sự kiện này, cũng dễ hiểu! Vì, một bài thơ của một tài thơ lớn đến đâu, viết về một nơi chốn, cũng không thể sinh động bằng những bức ảnh nghệ thuật ghi lại từng góc độ, từng chi tiết một danh lam, thắng cảnh hay một nơi chốn ẩn hiện, chảy, trôi qua bốn mùa. Một tài thơ lớn đến đâu cũng không thể ghi được các game màu huyễn hoặc biến đổi từ bình minh tới hoàng hôn, đêm tối của một vòng quay trái đất…
     Gần đây, tôi nhận được hàng loạt những bài thơ nói về địa danh, nơi chốn dọc theo cảnh thổ quê hương, đất nước vốn trong máu, trong ký ức hay trong tâm tưởng của chúng ta. Người mang lại cho tôi, loạt thơ nồng nàn, đằm thắm hay se thắt những địa danh đất nước đó là Trúc Thanh Tâm.
     Khi viết những dòng chữ này, tôi không biết một chút gì về nhân thân Trúc Thanh Tâm. Tôi không biết tên thật của ông là gì? Làm thơ từ bao giờ? Đã có tác phẩm nào xuất bản? Chỉ biết ông hiện cư ngụ tại Châu Đốc (căn cứ theo ghi chú cuối bài thơ). Chỉ nhớ cuối năm 2014, khi được đọc những bài thơ đầu tiên, Trúc Thanh Tâm gửi tới thì, đó là những bài thơ cũng viết về quê hương, một cách chung chung, mờ nhạt, không cá tính, như:

“Những nhánh sông chở phù sa tăm tắp
Lúa đồng xa, hoa trái nhởn nhơ cười
Em, thôn nữ vẫn làm duyên e ấp
Anh, trai làng mơ mộng tuổi đôi mươi! 


“Trưa nắng nóng, uống nước dừa ngọt lịm
Cơm trắng đậm đà sau buổi vần công
Cá lóc nướng trui chấm cùng muối ớt
Kèm rau đắng đồng vị ngọt lâng lâng! 


“Điệu nhạc quê hương gió hòa sóng lúa
Tiếng hót của chim thanh thoát lòng người
Ai gọi ai giữa chiều quê êm ả
Hay tiếng đời rớt khẽ với riêng tôi!”

     (Trích Trúc Thanh Tâm “Gió trời nam” – Nguồn dutule.com)
 
     Nhưng, với hàng loạt thơ mới sau này, Trúc Thanh Tâm, cho thấy đã ra khỏi ghi nhận, mô tả chung chung, mờ nhạt kể trên. Ông mở được một chân trời khác cho thơ mình. Những nơi chốn đậm nét trong ký ức ông, với những địa danh riêng của từng nơi chốn ông đã sống với(?) đã đi qua (?). Thí dụ:

 

1. LONG AN

Chén tình một thuở cong môi
Ta vời vợi phố, em chơi vơi hồn
Thủ Thừa, Cầu Ván mưa suông
Tầm Vu còn đọng nỗi buồn quắt quay!

 

2. TIỀN GIANG

Tạ từ buổi sáng Gò Công
Em xa Chợ Gạo, lấy chồng Mỹ Tho
Trung Lương mắt đợi, môi chờ
Cái Bè, Cai Lậy biết giờ gặp nhau!

 

3. BẾN TRE

 
Lăn tăn con sóng Hàm Luông
Mõ Cày nói hộ Giồng Trôm nỗi lòng
Lục bình tím giữa mênh mông
Mưa chiều, đêm xuống thức cùng Bến Tre!

 

4. TRÀ VINH

Biển chiều ghẹo gió mùa sang
Tân Thành rượu nghĩa, Cầu Ngang cạn tình
Một lần tạ lỗi Trà Vinh
Cá kèo, hương bún vô tình nhớ nhau!

 

5. VĨNH LONG

Nhánh bần gie phía Trà Ôn
Long Hồ ta nhớ Trường An, rượu mời
Qua cầu Mỹ Thuận, nắng chơi
Xa dòng Măng Thít đầy vơi nỗi niềm!

 

6. ĐỒNG THÁP

Lũ về điên điển vàng bông
Tình ta với bậu cầm bằng ngược xuôi
Làng hoa Sa Đéc tuyệt vời
Đêm nằm Cao Lãnh, nhớ người Nha Mân!

 

7. CẦN THƠ

Em về nón lá che nghiêng
Áo bà ba vẫn thơm hương miệt vườn
Cái Răng, Bình Thủy, Phong Điền
Cầu Cần Thơ, mạch máu miền cực Nam!

 

8. HẬU GIANG

Vị Thanh mưa tới Kinh Cùng
Thương Long Mỹ, nội về vùng đất sâu
Em từ xa chợ Nàng Mau
Tháng ngày Ngã Bảy nặng sầu nghiêng vai!

 

9. SÓC TRĂNG

Mây sà xuống nóc Chùa Dơi
Theo đèn gió thả cuộc đời quá giang
Chiều nghiêng Lịch Hội Thượng, buồn
Sóc Trăng, sao cứ bồn chồn trong ta!

 

10. BẠC LIÊU

Lưu truyền công tử Bạc Liêu
Hòa Bình nắng sớm, mưa chiều Vĩnh Châu
Nghe bài dạ cổ đã lâu
Nhớ về quê mẹ, buồn đau điếng lòng!

 

11. CÀ MAU

Bồi hồi chuyện bác Ba Phi
Cây tràm, cây đước nói gì với nhau
Gởi tình Đất Mũi, Cà Mau
Mai về thăm lại qua cầu cố nhân!

 

12. KIÊN GIANG

Đêm hòn Phụ Tử trăng mơ
Chiêu Anh Các, những vần thơ thăng trầm
Người con gái Vĩnh Thanh Vân
Tặng ta nỗi nhớ bâng khuâng một thời!

 

13. AN GIANG

Núi Sam, mùa phượng hẹn hò
Qua vàm Ông Hổ, nhớ đò Ô Môi
Thất Sơn huyền thoại đất trời
Ta về Châu Đốc thắp đời lửa hương!

                  (Trích Trúc Thanh Tâm “Nhật ký đồng bằng”)
 
     Trong những bài thơ thường chỉ có 4 câu lục bát, với những từ ngữ bình thường, đơn giản, không cầu kỳ; nhưng nhờ thế mà hồn tính Việt Nam qua các địa danh gấm vóc của tổ quốc, được khi, khắc đậm nét. Khiến những ai chưa từng sống / ở tại các nơi chốn đó, cũng thấy gần gũi, cũng thấy như mình đã hòa nhập được phần nào với hồn tính từng địa danh.
     Lại nữa, ngay ở bài thơ thứ nhất bài “Long An”, chỉ với 28 chữ thôi, Trúc Thanh Tâm đã đề cập tới 3 địa danh riêng của Long An là: “Thủ Thừa, Cầu Ván” và “Tầm Vu” - - Trong khi muốn làm được công việc tương tự, nhiếp ảnh gia sẽ phải cần ít nhất 3 tấm ảnh khác nhau… Và, sau đó còn phải chú thích (bằng chữ viết), để người xem ảnh có thể hiểu đó là những nơi chốn nào?!?
     Cũng vậy, trong loạt thơ mới nhất “Miền tình yêu dấu” từng địa danh của quê hương, đất nước được Trúc Thanh Tâm ghi lại như “tự họa” mối chân tình của một người yêu, dành cho một người yêu:

 

4 - QUẢNG TRỊ ƠI

 
Trôi cùng Thạch Hãn mênh mông
Phượng hồng thắp lửa giữa lòng phố hoa
Cổ thành vững với phong ba
Áo em rợp trắng hồn ta, Nguyễn Hoàng!

 

5 - CÀ PHÊ BIỂN

 
Tháp buồn nhốt gió Nha Trang
Qua cầu Xóm Bóng, Ba Làng, chiều nghiêng
Cà phê từng giọt không tên
Mười lăm ngày đủ nhớ quên, một đời!

 

7 - VỀ BÌNH HÒA

 
Đường về, trải nắng lưa thưa
Mặc Cần Dưng, những cơn mưa đâu rồi
Châu Thành, thương nhớ đầy vơi
Lòng ta còn đọng chút bồi hồi xưa!

 

8 - GIÓ CHUYỂN MÙA

 
Đêm Bà Rịa, gió chuyển mùa
Thời gian đếm lại còn thừa xót xa
Phước Tuy, tình dẫu phôi pha
Mắt em cứ níu hồn ta đến giờ!

 

9 - TÌNH VŨNG TÀU

 
Nắng vàng trải thảm Dinh Cô
Ta qua Núi Lớn, lên Hồ Mây xinh
Tiếng em khe khẽ gọi mình
Hương đêm Ô Cấp, men tình thắm môi!

 

11 - CÙ LAO DUNG

 
Vườn em rụng trắng hoa cau
Ta treo trăng giữa Cù Lao Dung buồn
Sóc Trăng ba ngã sông thương
Người dưng khác họ, ai còn nhớ ai!

 

12 - HOA SIM TÍM

 
Tây Ninh mưa, tháng mười hai
Màu hoa sim tím, tóc dài bay nghiêng
Trảng Bàng rồi lại Tân Uyên
Ta xin giữ lại chút duyên ban đầu!

 

15 - TÂN ĐỊNH MƯA

 
Nhà Bè sông rẽ nhớ mong
Qua Dinh Độc Lập nắng lồng áo bay
Đường về Tân Định chiều phai
Bên em ta muốn mưa hoài cả đêm!

 

17 - BIỂN VĨNH CHÂU

 
Từ xa phố nhỏ Hộ Phòng
Bạc Liêu bão rớt mặn lòng Vĩnh Châu
Cá kèo kho mẳn, canh rau
Ta thương cô gái Tiều Châu, để lòng!

 

18 - HƯƠNG CON GÁI

 
Em xa Mộc Hóa theo chồng
Bỏ sông Vàm Cỏ đôi dòng ngược xuôi
Gò Đen, hun hút bóng đời
Mà hương con gái chưa rời thơ ta!... 

                     (Trúc Thanh Tâm, trích “Miền tình yêu dấu”)

     Với loạt thơ mới, như trích dẫn ở trên, tôi nghĩ, cuối cùng, Trúc Thanh Tâm đã có được cho thơ mình, một nhan sắc khác. Một nhan sắc không chìm lẫn. Nhan sắc làm thành thẻ nhận dạng thơ Trúc Thanh Tâm hôm nay, trên phông, nền địa danh quê hương gấm vóc. 

Nhà thơ DU TỬ LÊ
 (Garden Grove, May 2015)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét