VỊ ĐẮNG NGỌT NGÀO
1. Buổi
sáng
Buổi sáng chớm đông se lạnh, tiếng chuông cửa reo
vang, Hạnh nhanh chóng rời phòng đi mở cửa để đón bé Loan như đã hẹn, hôm nay
ba Nghiêm đi công tác nên mang con sang gửi cô giáo sớm, dù đã chuẩn bị nhưng
Hạnh cũng bất ngờ cám cảnh khi thấy Nghiêm đang ôm con bé còn ngủ say trên vai,
nhẹ nhàng đi vào nhà.
- Xin lỗi, cha
con tôi lại làm phiền cô.
- Không có gì, anh vào nhà đi, Hạnh vừa nói vừa gài
chốt cổng.
- Anh đưa cháu cho tôi, Hạnh đưa hai tay đón bé Loan
khi vừa vào nhà.
- Cháu ngủ ngon quá, cô xem, tôi không dám đánh thức,
cô định cho cháu ngủ ở đâu để tôi đưa vào luôn.
- Ở phòng tôi, Hạnh lúng túng dừng lại ở phòng khách, như ngại việc Nghiêm vào phòng riêng của mình.
- Ở phòng tôi, Hạnh lúng túng dừng lại ở phòng khách, như ngại việc Nghiêm vào phòng riêng của mình.
- À, vậy thôi cô bế cháu giúp tôi, Nghiêm ý tứ lên tiếng.
- Thôi tội con bé phải thức giấc, anh theo tôi, Hạnh đi
trước dẫn đường, trong nhà ánh sáng nhờ nhờ, Hạnh không muốn mở đèn sáng vì
nàng đang mặc đồ ngủ.
- Đây, anh cho cháu vào giường, Hạnh đẩy cửa phòng bước
vào khoát sẵn mùng.
Căn phòng màu
hồng, đèn ngủ mờ dịu. Nghiêm cẩn thận ngả người đặt Loan xuống gối mà Hạnh kê
sẵn, không khí mát lạnh từ nệm gối sa tinh toàn màu hồng, mùi hương thoang
thoảng rất riêng tư làm Nghiêm có cảm giác ngây ngất, khi lùi lại vô tình anh
chạm vào Hạnh vẫn còn với tay vén mùng.
- Xin lỗi Hạnh, tôi vô ý quá, Nghiêm xoa tay bối rối.
- Không sao, Hạnh ngượng nghịu, lí nhí tấn lại mí mùng.
Lần đầu tiên được vào chốn riêng tư của người phụ nữ
mà anh cảm mến, Nghiêm đảo mắt quan sát, ngăn nắp ấm cúng, nhìn con gái vẫn ngủ
say, anh chủ động đi ra phòng khách, Hạnh bước theo vừa hỏi:
- Anh đi lúc mấy giờ, hành lý đã chuẩn bị đầy đủ chưa?
- Bảy giờ tôi phải ra phi trường, làm phiền Hạnh sớm
thế nầy ngại quá.
- Không sao đâu, bình thường năm giờ tôi đã thức, vậy
là còn kịp tôi mời anh cà phê.
- Ồ thích quá, cũng định kiếm cà phê trên đường về.
- Anh đợi một chút, Hạnh đứng lên định bật công tắc
đèn.
- Đừng bật đèn, tôi thích ánh sáng dìu dịu thế nầy hơn.
Nghiêm thích thú nhìn Hạnh đang vươn tay búi lại mái
tóc dài, chiếc trâm cài rơi xuống đất, anh nhanh nhẹn nhặt lấy, để gọn chiếc
trâm trong lòng bàn tay rồi trả lại bằng cách áp tay mình vào tay Hạnh, nghe
hương tóc còn vương, Nghiêm buột miệng:
- Hạnh đẹp quá!
Hạnh nhận chiếc trâm, vừa cài tóc vừa ngước nhìn
Nghiêm, vẻ thẹn thùng khi nghe lời khen và đi nhanh vào trong.
Nghiêm thả người xuống sa-lông, nhắm mắt gối đầu lên
thành ghế cảm giác lâng lâng, hình ảnh Hạnh xúng xính trong chiếc áo ngủ hồng
thật quyến rũ, không còn vẻ đạo mạo của cô giáo mà anh thường xuyên tiếp xúc
hơn hai năm qua. Giá mà anh có một gia đình như thế nầy để làm chốn đi về; cầu
mong đây là duyên phận, con bé Loan quyến luyến cô giáo lớp một của nó rất đặc
biệt, một buổi học ở lớp, nó rất thích được về nhà cô Hạnh, những lúc anh bận
đột xuất không rước con kịp giờ mà không báo trước Hạnh đưa con bé về nhà nuôi
cơm, rồi nhận dạy thêm một buổi ở nhà. Loan được chăm sóc chu đáo từ lúc có
Hạnh.
- Anh chờ lâu không, Hạnh đặt chiếc khay lên bàn, bật
đèn sáng, mời anh dùng thử cà phê Ban Mê vườn nhà nhỏ bạn tặng, nó bảo là nhà
làm nên cà phê tinh khiết không có phụ gia. Hạnh lên tiếng kéo Nghiêm ra khỏi
sự mơ màng.
Nghiêm thẳng người đối diện Hạnh, cô đã kịp thay bộ
đồ hồng nhạt điểm nhiều bông hoa nhỏ xinh trước ngực, tóc búi cao trông cô thật
dịu dàng phúc hậu.
- Ồ thơm quá, chính hiệu cà phê Ban Mê Thuột rồi, cảm
ơn Hạnh.
- Anh tùy thích cho đường vào, Hạnh chưa biết ý anh,
cũng không sành uống cà phê nên cách pha chưa chuẩn, Hạnh khua ly sữa của mình
nghe lanh canh.
Nghiêm nhấc ly cà phê ngắm nghía màu cánh gián, hít
một hơi dài khen thật thơm rồi cho một ít đường, nhấp một ngụm.
- Ngon tuyệt vời, anh xuýt xoa.
- Thật không hay là khen lấy lòng người ta.
- Thật mà, được uống cà phê do chính tay Hạnh pha trong
khung cảnh gia đình tuyệt vời của buổi sáng nầy, cảm ơn em nhiều lắm vì anh
đang uống hạnh phúc. Nghiêm nhẹ giọng và xưng anh em đầy dụng ý.
- Anh cũng khéo ví von, tiếc là Hạnh không uống được cà
phê để cùng anh thưởng thức xem đắng thế nào mà gọi là ngon.
- Được mà, chỉ cần em chịu chia sẻ.
- Bằng cách nào, Hạnh tròn mắt cong môi vẻ ngạc nhiên
hỏi.
- Cho anh mượn ly sữa của em, Nghiêm với lấy và múc mấy
muỗng cà phê cho vào quấy đều rồi đưa lại cho Hạnh.
- Đây, mời em thưởng thức.
Hạnh tiếp ly sữa chưa vội uống, nhìn Nghiêm đằm thắm,
hai ánh mắt giao nhau không lẫn tránh đầy ngụ ý. Nghiêm nhẹ nhàng đến bên Hạnh
nâng nhẹ ly sữa đưa vào môi Hạnh, Hạnh nhắm mắt hớp một ngụm nhỏ, tay nàng đã
nằm trong bàn tay Nghiêm ấm áp, Hạnh không rụt tay về mà ngả đầu vào vai
Nghiêm.
- Hạnh, em có nghe trong vị ngọt ngào của sữa có một
chút cà phê đăng đắng, đó là hương vị hạnh phúc, em bằng lòng nhé, hãy chia sẻ
cùng anh những ngọt ngào cay đắng trong cuộc sống, cho anh và bé Loan một tổ ấm
gia đình, hãy từ bỏ nỗi quạnh hiu lặng lẽ của em, chúng ta cần có nhau trong
cuộc đời nầy. Áp vào mái tóc Hạnh giọng Nghiêm tha thiết.
Hạnh gật đầu nhè nhẹ thay cho lời đáp, Nghiêm sung
sướng siết chặt tay Hạnh và nương nhẹ, cả hai đứng lên, đối mặt nhau, anh hơi
cúi xuống tì vào trán Hạnh, cọ cọ mũi, anh nói trong hơi thở:
- Anh hạnh phúc quá, em thật dễ thương, hãy nhìn vào
mắt anh để anh biết đây là hiện thực, Hạnh làm theo vừa nép sát và ôm Nghiêm
chặt hơn, Nghiêm âu yếm: “Anh yêu em”, Hạnh kiễng chân chạm môi vào má chàng
thay cho lời đáp.
Nghiêm muốn ngoạm lấy đôi môi mời gọi ấy để bày tỏ
tình yêu dồn nén bấy lâu nay, nhưng anh không dám, ở Hạnh vẫn có một sự trân
trọng mà anh luôn gìn giữ. Anh nâng mặt Hạnh, hôn nhẹ vào trán nàng.
Nghiêm vẫn áp
mặt vào mái tóc của Hạnh, mùi hương này sẽ gần gũi, sẽ thành tơ vương níu chân
anh suốt cả đời, Nghiêm còn mơ màng, Hạnh chỉnh lại tư thế, nói:
- Anh uống hết cà phê rồi còn về kẻo trễ giờ. Nghiêm
ngẩn lên ngơ ngác.
- Bây giờ anh hết muốn đi đâu nữa rồi, giọng anh chùng
xuống.
- Gần sáu giờ rồi, về bên ấy còn chuẩn bị kẻo trễ.
- Xin tuân lệnh, đây là ly cà phê ngon nhất đời anh,
nhất định không để rơi một giọt nào. Nghiêm uống hết ly cà phê, dốc ngược ly
lắc lắc pha trò. Còn em cũng uống hết ly sữa cà phê của em nữa kìa.
- Thì em cũng cạn vị đắng ngọt ngào của anh nè, Hạnh
cũng nói vui.
- Anh sẽ thu xếp công việc nhanh chóng nhất để về với
em và con, cho anh vào hôn từ biệt bà mai bé nhỏ của chúng mình, Nghiêm nắm tay
Hạnh vào phòng, vào đến cửa anh choàng vai Hạnh hôn phớt lên má.
- Coi chừng con bé thức giấc, Hạnh nũng nịu đẩy Nghiêm
về phía giường. Bé Loan vẫn ngủ ngon lành, Nghiêm khoát mùng hôn con, Hạnh lùi
lại ngồi trước bàn trang điểm. Nghiêm bước khẽ khàng, từ phía sau cúi xuống
chiếc gáy thanh thoát và không thể kiềm chế, anh tìm môi Hạnh. Nụ hôn dài. Bằng
bặc…
****
2. Nhật ký
của Hạnh
Ngày…tháng…năm…
Thế là sáng nay mình đã chấp nhận sự có mặt cha con
anh ấy trong cuộc đời. Những tưởng mình đã khép chặt mọi rung cảm tâm hồn sau
cuộc chia tay với Vinh, bảy năm rồi mình sống thầm lặng cùng lũ học trò, mang
nỗi đau của người bị phụ tình, rồi thêm cái tang mất mẹ, chị gái đi lấy chồng,
cô đơn trống vắng đã thành nếp sống.
Bây giờ thì phải thay đổi thôi, mình đã mở lòng đón
nhận tình yêu của Nghiêm. Không đột ngột vì đã hơn hai năm nay mình biết rằng
nó sẽ phải đến, Nghiêm đã có nhiều kiểu bày tỏ, nhưng mình muốn tự hỏi lại
chính mình, muốn có thời gian nhận ra đó không phải là sự cám cảnh theo thiên
chức phụ nữ mủi lòng cảnh gà trống nuôi con của cha con anh ấy.
Ban đầu thì thấy thương con bé vắng mẹ cứ quyến luyến
mình, mỗi lần Nghiêm bận công tác, những lúc bé Loan bệnh, mình thành chỗ dựa
của hai cha con, cho nên mình cũng cần tỉnh táo xem có phải là anh ta đang cần
một vú em.
Nhớ ngày đầu Nghiêm đưa con tới lớp, bộ vó đỉnh đạc
mực thước như là một nhà khoa học hay anh công chức khó tính, nhưng anh ta là
dân làm kinh tế ở một công ty đang ăn nên làm ra.
Bé Loan luôn kể chuyện nhà với Hạnh, mới hay anh đang
nuôi con một mình, mẹ bé đi theo ngoại ra nước ngoài, bà nội mất năm trước, hai
cha con đi ăn cơm tiệm, có hôm chờ ba đói lả, sợ bé Loan mất sức mình chủ động
nhận nuôi cơm và dạy kèm một buổi. Nhớ hôm đó khi nghe Hạnh phê bình về trách
nhiệm làm cha và thông cảm hoàn cảnh nên chủ động đề nghị, Nghiêm đã rất cảm
động và cảm ơn rối rít, bày tỏ là muốn như vậy nhưng không dám mở lời, anh còn
xa gần xin cô nuôi giúp luôn ba nó, vì cũng hay bị thiếu cơm, mình đã sửa lưng
vì anh đùa như vậy mình không thích, anh xin lỗi rối rít và xin chuộc lỗi, mời
đãi cô cháu một bữa nhà hàng ra trò. Khi Nghiêm đi công tác xa Loan ngủ luôn
với mình, khi con bé lên lớp hai cũng vậy, thời gian Loan ở với mình nhiều hơn
ở với ba, mình đã quen với việc đi đâu mình cũng có một cái đuôi. Nhiều lúc
mình tự giật mình vì sự tự nguyện trở thành vú em lúc nào không hay. Đồng
nghiệp cứ hay xui Loan kêu mình bằng mẹ Hạnh, chọc mình nuôi luôn bố của Loan
đi. Có lần Loan hỏi mình: “Cô có người yêu không mà con không thấy tới nhà mình
chơi”. Ngờ là Nghiêm dạy nó, bị mình truy nó ngây thơ nói là tại ba Nghiêm hỏi
con mà con không biết trả lời làm sao. Thế là mình càng thận trọng hơn trong
giao tiếp với Nghiêm; mình có một chút tự ti vì biết Nghiêm đang ở độ tuổi sung
mãn của người đàn ông thành đạt đủ chín chắn mà chưa già. Bốn mươi hai mà trông
lại trẻ hơn tuổi, môi trường kinh doanh đối ngoại giao thiệp rộng, chung quanh
bao nhiêu cô gái trẻ nhắm vào, lối sống của Nghiêm mình cho là khá phóng khoáng
nên khó hợp với với nề nếp tĩnh lặng của cô giáo tiểu học, lại nữa mình qua
tuổi ba mươi bị cho là phụ nữ quá lứa lỡ thì, nhất định không phải đối tượng mà
anh ta tìm kiếm, chẳng qua vì bé Loan thôi, suy nghĩ nầy làm mình tự ái, nên
càng cố tạo vỏ bọc hờ hững giữ khoảng cách trong giao tiếp với anh. Mình cảm
nhận được sự chân thành của anh tiến triển theo ngày tháng, có khi thấy mình vô
duyên tự trọng quá đáng. Thế nhưng không biết tự hồi nào mình đã có tâm trạng
mong chờ khi anh ấy đi xa, xao xuyến khi được anh chăm sóc, ấm cúng với bữa cơm
cùng cha con anh ấy, và nhiều lần ôm bé Loan ngủ trong vòng tay mình ao ước
được làm mẹ.
Lần nầy theo dự định anh ấy đi dài ngày, chiều qua
anh đưa cô cháu đi chơi ngoại ô, ăn nhà hàng lý do là để cảm ơn cô giáo giữ
trẻ, nhưng mình bắt gặp ý đồ nhằm ngỏ lời qua thái độ sượng sùng mất tự nhiên,
mình thì cứ dựa vào bé Loan để tảng lờ, con bé vô tư liếng thoắng cứ tíu tít ba
ơi cô à nên anh tiu nghĩu thấy thương. Đêm qua, lệ thường cứ ba đi công tác thì
Loan ngủ lại cùng mình nhưng về tới nhà nó cứ nằng nặc đòi ngủ với ba vì ba đi
cả tháng ba sẽ nhớ con lắm, thuyết phục thế nào cũng không được, Nghiêm trừng
mắt nó khóc òa hỏi bộ ba không thương con sao? Mình đành lên tiếng để Nghiêm
đưa nó về hẹn đón vào sáng sớm. Gần như cả đêm mình cân nhắc và tự vấn lòng,
mình cần có một mái ấm. Đã đến lúc.
Sáng nay mình lại nếm hương vị tình yêu, vị đắng ngọt
ngào, không mới mẻ, nhưng thật tuyệt
vời.
Ngày…
tháng… năm…
Nghiêm đi đã một tuần, Loan cứ nhắc ba mãi làm mình
càng nhớ cảm giác nồng nàn trong vòng tay của Nghiêm, nhớ… mình chợt bật cười
khi trong đầu xuất hiện câu hát “… ôi nhớ gì hơn nhớ người yêu…”.
Thật là đúng người ta nói tình yêu không có tuổi, vì
mình, cô giáo băm bốn đang có tâm trạng như cô thiếu nữ mới biết yêu.
Ngày… tháng… năm…
Hôm nay mình nhận thư của Vinh, lá thư thứ hai kể từ
lúc Vinh rời Việt Nam .
Thư đầu Vinh viết khi vừa được định cư ở Mỹ, kể lể về
nỗi gian nguy của chuyến đi, về sự hân hoan khi anh đã tới được vùng đất hứa
cộng với sự nhớ mong tiếc nuối cho cuộc tình dang dở. Lúc đó mình đã khóc rất
nhiều vì nỗi đau còn nóng hổi khi kết thúc mối tình những tưởng là sâu nặng là
mãi mãi.
Trong thư nầy anh hẹn sẽ về để nối lại tình xưa với
mình, vì anh đã không còn ràng buộc hôn nhân.
Vinh vẫn thế, vẫn quyết đoán, rạch ròi thực tế trong
mọi chuyện, tình yêu của Vinh cũng nồng nàn say đắm mình đã từng nếm trải suốt
tám năm yêu nhau. Hồi đó, anh cũng đã tính toán cân đo để bàn với mình thẳng
thắn rằng, anh phải đạt được mục tiêu lập nghiệp ở xứ người nên phải tạm xa
nhau. Còn mình thì không muốn đánh đổi tình yêu bằng bất cứ thứ gì, cũng không
có nhu cầu thay đổi cuộc sống nên cả hai chấp nhận xa nhau, anh ra đi cùng gia
đình của Ngọc, sau đó lấy Ngọc để trả nghĩa.
Thư anh viết hoàn toàn tự mãn vì anh đã thực hiện
được những gì anh sắp đặt, kể cả ông trời cũng tiếp tay, và bây giờ anh muốn
thực hiện nốt phần còn lại, cái mà anh đã tạm thời dẹp qua một bên: Tình yêu
với mình.
Mình đọc thư Vinh và tự hỏi mình có còn yêu Vinh
không? Nỗi đau mất người yêu đã không còn, nỗi nhớ cũng không, tất cả đã thành
quá khứ, quá khứ buồn nên không muốn nhớ.
Trong mắt Vinh bây giờ mình vẫn là cô bé tội nghiệp của ngày nào cứ lẻo
đẻo làm theo những gì anh bảo, nghĩ rằng mình từ chối lấy chồng vì còn đang chờ
đợi anh, cũng là chờ một cuộc đổi đời mà
anh ban phát.
Lá thư càng giúp cho mình quyết định mà không cần so
sánh lựa chọn nào nữa, tim mình đang lên tiếng và phán rằng: Nghiêm, một mái ấm
gia đình bình dị mà mình mong muốn. Sẽ phải viết thư cho Vinh.
Ngày… tháng… năm…
Mình ngạc nhiên vì nhận được thư Nghiêm, mặc dù không
ngày nào dưới hai cuộc điện thoại anh gọi về, thì ra anh cũng đủ lãng mạn đó
chứ. Con bé Loan cứ đòi đọc thư của ba, đành phải chiều nó, đọc xong nó ôm mình
và reo lên, ôi sướng quá con được gọi cô bằng mẹ, mình nói với nó ba chỉ đùa
thôi, nó cãi là ba nói thiệt đó, ba làm theo lời con đó, con xin ba cho con kêu
cô là mẹ lâu rồi nhưng ba nói cô không chịu, bây giờ cô chịu rồi, cô móc ngoéo
với con đi. Mình ứa nước mắt, con bé rất cần được yêu thương.
****
Đỗ Quang Nghiêm
Tiếng loa thông báo phi cơ đang ở độ cao ổn định,
Nghiêm tháo dây an toàn, vươn vai giãn người ngả thành ghế ở độ dễ chịu nhất,
anh nhắm mắt muốn tìm giấc ngủ, nhưng cảm giác lâng lâng, anh đang nhớ lại
chuyện sáng nay, nghe như còn dư vị cà phê, hương tóc và nụ hôn dài, anh đã
định hình được tình cảm của Hạnh là một người yêu quá đỗi dịu dàng, không còn
là cô giáo khó tính hàng ngày.
Đã năm năm anh trở thành người độc thân sau khi ly
hôn với vợ, cuộc chia tay không có ai phản bội ai, chỉ là do lối sống không hợp
nhau, Lệ quyết định theo gia đình định cư ở Mỹ, lý do hoàn toàn chính đáng, cả
nhà vợ đều thuyết phục anh cùng đi nhưng anh không muốn, Lệ thì khóc lóc van
xin, dọa tự tử, đòi ly dị, điều khó xử nhất là bé Loan khi đó mới hai tuổi đang
rất cần mẹ, nhưng vì thực tế con bé không được bú mẹ Lệ thà chịu đau đớn nặn bỏ
bầu sữa căng đầy để bảo vệ vòng một, từ khi ra đời Loan gắn bó với bà nội và
chị vú nuôi nhiều hơn với Lệ, ngay khi có mang Lệ đã thẳng thắn bày tỏ là không
muốn có con, cô sợ vướng bận, sợ bị xấu, mẹ và anh phải vỗ về là bà sẽ giúp
nuôi cháu. Cho nên việc anh yêu cầu nuôi con là điều kiện duy nhất khi ly hôn
được Lệ chấp nhận khá dễ dàng. Lệ trẻ trung vô tư đến hời hợt, anh cưới vội và
yêu chiều Lệ vì vẻ đẹp ngây thơ trong sáng và chấp nhận cá tính của nàng, người
phụ nữ của đám đông…
Nghiêm đã không nuối tiếc gì cuộc hôn nhân đổ vở, bởi
vì đối với Lệ nghĩa vợ chồng, tình mẫu tử không đủ sức để đánh đổi cái ước mơ
tiện nghi vật chất từ cuộc sống mới. Xa anh và con Lệ cũng buồn nhưng rồi sẽ
quên nhanh thôi, mà đúng vậy, năm đầu tiên thi thoảng Lệ cũng điện thăm hỏi xin
hình con gái kêu nhớ con, nhưng rồi thì vắng dần, có khi như vậy lại thành ra
may mắn cho bé Loan vì bé còn quá nhỏ để cảm nhận xa mẹ là mất mát. Anh an tâm
khi con gái sống với bà nội rất tốt, nhưng thật bất hạnh cho anh và con bé,
được ba năm, sau cơn đột quỵ mẹ anh qua đời, anh như mất phương hướng, anh
chuyển về thành phố nhờ có mẫu giáo bán trú và dịch vụ trông trẻ nên anh cũng
thu xếp được cảnh làm gà trống nuôi con.
Khi Loan vào lớp một không có lớp bán trú, anh lúng
túng tìm người giúp việc, đổi mấy người mà cũng chưa ổn, có khi phải đưa Loan
vào cơ quan, dẫn theo đi họp, bạn bè cám cảnh giới thiệu nhiều cô, có lúc anh
cũng thấy phải kiếm ngay một người vợ, may mà sau hai tháng học với cô Hạnh, cứ
thường xuyên rước con trễ, cô dẫn bé Loan về nhà cho ăn cho ngủ, phê bình anh
làm cha hơi bị tệ, khi biết nhà chỉ có hai cha con mà công việc kinh doanh của
anh giờ giấc không ổn định, Hạnh thương bé Loan vất vả nên nhận nuôi dạy bé một
buổi, Nghiêm mừng như bắt được vàng, bé Loan khoe cô Hạnh cưng con lắm, về nhà
toàn kể chuyện cô Hạnh của con. Hết lớp một, lúc nghỉ hè, Nghiêm lại công tác
liên miên, Nghiêm lại nhờ Hạnh giúp, Hạnh dẫn Loan theo về quê chơi, gửi học
lớp hai của bạn mình, vẫn được học và ở nhà của Hạnh, cô trò càng gắn bó, mấy
lần bé Loan bệnh Hạnh giữ hẳn cháu ở nhà mình để tiện chăm sóc chu đáo như một
người mẹ, kể cả khi anh bệnh, anh say rượu, cũng được lưu lại chăm sóc, chén
cháo, khăn chườm hạ sốt, ly nước chanh… ân cần như một người vợ, thân thiết như
một người bạn, mà lại đúng mực như một cô giáo, Nghiêm cảm kích lắm, nhưng việc
thù lao cô giáo tính rất sòng phẳng rõ ràng, quà tặng chỉ nhận các món
thông thường, có lần anh đi Đài Loan về
tặng cô chuỗi vòng cổ hạt trai khá đắt, cô từ chối thẳng thừng; về sau Nghiêm
không dám trái ý.
Với gạch nối là bé Loan thi thoảng Nghiêm được ăn cơm
nhà Hạnh, cùng đi chơi công viên, đi du lịch, sự thân thiết gần hơn lên. Nhớ
lại hồi lúc đầu anh đã dị ứng với cung cách đối xử của cô giáo Hạnh mà anh cho
là: Nhan sắc vóc dáng thì cũng có hạng, nhưng
phụ nữ gì mà khô như ngói, hèn chi mà ế, còn làm cao, nhưng dần dần anh
lại quan tâm và thích thú khám phá những chiều sâu nội tâm, nết na ý tứ của
Hạnh rất dung dị mà sâu sắc, hình như anh đã bị thuần phục, không nhớ từ bao
giờ, Nghiêm đã tự tiết chế các cuộc vui bạn bè, giao tế không cần thiết, tới
rước con gái sớm hơn nhưng kỳ thực là được ở lại nhà Hạnh lâu hơn, giữ ý hơn về
những mối quan hệ với phụ nữ, trong môi trường của mình, Nghiêm đã gặp bao
nhiêu là phụ nữ, đủ hạng, một số không giấu giếm ý định chinh phục anh, làm vợ
anh, còn anh sau đổ vỡ hôn nhân anh đã muốn thể hiện cái giá của người đàn ông
tự do đào hoa nên khá phóng khoáng trong sinh hoạt, nhưng luôn có sự tỉnh táo
của một người từng trải.
Còn từ hôm nay, anh xác định mình đã là người có nơi
chốn đi về, dư vị hạnh phúc vẫn còn rất ngọt ngào… Anh chìm vào giấc ngủ, chuyến
bay còn dài.
****
4. Những lá
thư
Thư
của Phạm Khắc Vinh.
Hạnh
thân yêu,
Chắc
em ngạc nhiên lắm vì nhận được thư anh, anh vẫn nhớ và đã làm theo yêu cầu
trong lá thư duy nhất em gửi cho anh từ bảy năm trước, chấm dứt mọi liên lạc
với em, anh biết dù hoàn cảnh nào anh cũng là người có lỗi, nên cho dù rất nhớ
em, dù luôn nắm thông tin về cuộc sống của em nhưng anh đành giữ trong lòng.
Hôm
nay anh thư cho em vì anh đã trở thành người không còn ràng buộc, vợ con anh đã
mất trong một tai nạn xe hơn một năm nay rồi, nơi xứ người sự cô đơn buồn bã
càng làm anh nhớ quê hương, nhớ nhà và nhớ kỷ niệm chúng mình. Mọi thú vui ở
đây đều không thể bù đắp cho nỗi trống vắng tâm hồn, nhớ em bởi em là tình yêu
không có gì thay thế được.
Đừng
trách, đừng giận anh nữa, vì rất thật lòng anh không yêu Ngọc, Ngọc biết điều
đó và chấp nhận chỗ đứng của em trong lòng anh, Ngọc yếu đuối đáng thương, yêu
anh chỉ cần có anh, anh lại là người chịu ơn gia đình Ngọc, trong cuộc vượt
biển bão tố khủng khiếp ấy, sống chết không có ranh giới, phía trước mịt mù,
cái nghĩa đã gắn bó anh với Ngọc, đó là số mệnh, anh nghĩ đó cũng là thử thách
chúng mình, em thấy có phải không? Anh thường tự nhũ, trong đời anh nếu có điều
đáng tiếc nhất đó là anh đánh mất em và tình yêu của chúng mình, càng nghĩ anh
càng thương em, bao nhiêu năm vò võ với kỷ niệm cũ trong khung cảnh quen thuộc,
thật buồn.
Hạnh
yêu dấu,
Bây
giờ đã đến lúc chúng ta được sống cho chính mình, mẹ em đã qua đời, chị Duyên
cũng đã theo chồng đi định cư, em không còn có trách nhiệm gia đình níu giữ
nữa. Anh thì vừa cúng giỗ xả tang mẹ con Ngọc tuần trước, xem như trả nghĩa đã
xong.
Cứ
nghĩ tới chuyện đón em sang đây để anh có cơ hội chuộc lỗi, chăm sóc em, anh đã
có sự nghiệp ổn định để lo cho em và con chúng ta một cuộc sống an nhàn sung
sướng, em không phải đi dạy vất vả như ở nhà nữa.
Anh
đăng ký về Việt Nam trong tháng tới, gặp nhau chúng mình bàn cụ thể kế hoạch
cưới, muốn tổ chức ở đâu, bao nhiêu người, lễ lộc theo phong cách nào…, tùy em
quyết định hết, anh đủ sức đáp ứng mọi yêu cầu của em.
Khi
nào có chuyến bay anh sẽ báo cho em, hẹn gặp lại.
Yêu em.
Phạm Khắc Vinh.
****
Thư của Đỗ Quang Nghiêm.
Hạnh
yêu,
Cho
phép anh gọi như thế nhé cô giáo, anh vừa về đến khách sạn, tin nhắn khi trưa
anh báo cáo để em yên tâm anh đã đến nơi an toàn, đêm nay còn rảnh, anh muốn
viết thư cho em như một lưu dấu chứng tích ngày hạnh phúc nầy, hình như gần hai
mươi năm rồi anh mới ngồi viết thư tay như vầy… đừng cười anh nghe. Ngày mai
thì phải lao vào công việc.
Đã
biết bao lần đi xa, nhưng có lẽ chưa bao giờ anh mang tâm trạng như bây giờ,
suốt chuyến bay anh cứ lâng lâng cảm xúc của sáng nay, cứ mơ màng hình ảnh của
em. Giá mà không có chuyến công tác này, anh sẽ… nhưng mà nếu không có kỳ đi
dài ngày và chuyến bay sớm, không có chuyện bé Loan nhõng nhẻo đòi ngủ với anh
đêm qua thì chúng ta đã không có buổi sáng nay, không có cơ hội để chia nhau vị
đắng ngọt ngào, anh cũng chưa xác định được tình cảm của em.
Em
đáng yêu quá đi, cứ rất gần mà lại rất xa, làm anh vừa hy vọng vừa phải tự kiềm
chế, thấy như em yêu anh rồi lại thấy như không phải, giờ đây anh đã có định
hướng chắc chắn để vun đắp. Em biết không, hồi đêm anh cũng đã toan tính, sáng
nầy sẽ đặt thẳng vấn đề với em cho nhẹ lòng dứt khoát. Vậy mà chuyện xảy ra cứ
như có ông tơ sắp đặt hơn cả mong đợi, em tuyệt vời như cô tiên trong cổ tích,
còn bé Loan là thiên thần tình yêu của chúng mình, phải không em?
Anh
đang mong ngày mai gặp đối tác suông sẻ để rút ngắn chuyến đi, cứ nghĩ tới khi vào
công việc gần tháng trời anh nôn nao quá. Không hiểu sao anh cứ như người mới
biết yêu. Đừng cười anh.
Chuyến
đi rất mệt, nhưng chưa viết cho em, anh sẽ không thể ngủ, hôn con giùm anh,
được gọi em là mẹ Loan mừng lắm, nó cứ hỏi anh chừng nào hoài. Sẽ có quà Tết
đặc biệt cho em và con, em thích màu hồng, anh biết rồi. Anh sẽ cố gắng về sớm,
gia đình nhỏ của chúng mình sẽ có mùa xuân hạnh phúc.
Yêu em.
Đỗ Quang
Nghiêm.
****
Thư của Đào thị Mỹ Hạnh.
Thành
phố… ngày… tháng … năm…
Anh
Vinh,
Đã
nhận được thư anh, Hạnh xin chia buồn vì sự ra đi của chị và cháu, chia sẻ sự
mất mát lớn lao mà anh phải chịu đựng. Cảm ơn anh về những ưu ái mà anh dành
cho Hạnh. Vâng, Hạnh vẫn còn nhớ anh, Vinh của những ngày xưa thân ái, của một
thời đã qua, là tình yêu đầu đời, nhưng bây giờ tất cả chỉ còn là kỷ niệm, kỷ
niệm ấy làm cho cuộc sống của chúng ta thêm phong phú, cũng giúp cho Hạnh biết
thế nào là tình yêu, là tình đời, là cuộc sống.
Hạnh vốn dĩ đã quen sinh hoạt bình dị, gắn bó
và yêu thích cái nghề gõ đầu trẻ, có lẽ nhờ như thế mà Hạnh vẫn bình yên trải
qua bao mất mát lao đao, cho nên Hạnh chưa có ý định rời bỏ nó. Hạnh quê mùa cũ
kỹ quá hả anh. Bấy lâu nay những điều anh nghe và biết hoàn cảnh sống của em
đều đúng. Hạnh vẫn một mình, đang tìm kiếm tình yêu đích thực của mình, chứ
không chờ đợi dịp may, nhất là sự may mắn có từ rủi ro của người khác như là
một thành phần dự bị, mà dự bị trong tình yêu thì chua xót quá. Anh nghĩ xem có
phải vậy không, anh Vinh.
Ngay
từ lúc anh quyết định ra đi, Hạnh đã không một lời cầm giữ, Hạnh từ chối đi
cùng anh vì không thích xa quê chứ không chỉ vì trách nhiệm gia đình, chúng ta
đã nói hết với nhau bằng cái đầu tỉnh táo, bắt trái tim ngoan ngoãn nghe lời,
tình yêu của mình dù có lâu, có sâu đậm đến đâu mà không đủ sức hy sinh cho
nhau thì chia tay là tất nhiên, nên Hạnh không hề ân hận về quyết định của mình
và anh cũng không phải là người có lỗi, vì anh có bỏ Hạnh đâu, mình chia tay vì
không cùng đi chung một lối, thế thôi. Anh đi rồi Hạnh buồn lắm vì tám năm yêu
nhau lận mà, nhưng chưa bao giờ Hạnh hối tiếc nên không hề mong đợi sự tái hợp.
Chính anh ngày trước đã chẳng khuyên Hạnh nên chấp nhận hoàn cảnh thực tế, anh
Vinh quên rồi sao? Hạnh thì nhờ vậy mà tỉnh ra đó.
Chuyện
của mình đã không còn gì để nói nữa đâu anh, từ hồi đó, Hạnh hiểu rằng xa nhau
là vĩnh biệt, xa nhau là mất nhau. Hạnh biết anh là người luôn làm chủ ý muốn
của mình nên rất thật lòng Hạnh viết thư nầy để anh đừng cảm thấy áy náy về Hạnh nữa. Hạnh đã có
bến đỗ rồi, anh an tâm nhé.
Nếu
như anh vẫn giữ ý định về thăm quê thì Hạnh sẽ đón, sẽ giới thiệu với anh người
yêu sắp cưới của Hạnh.
Chúc
anh luôn thành đạt sớm có gia đình hạnh phúc.
Mỹ Hạnh.
CA GIAO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét