Thời hoàng kim của sân khấu cải lương, người soạn giả
được xem là “linh hồn của đoàn hát”, được giới nghệ sỹ kính trọng. Có lẽ do
biết được điều này, nên soạn giả Nguyễn Phương – vốn xuất thân là một nhân viên
của Bưu điện Sài Gòn, ông đã tự ý bỏ nhiệm sở để dấn thân vào cái nghiệp… “gạo
chợ nước sông”, chẳng khác gì như kiếp lục bình trôi theo con nước lớn ròng!
Tương tự như soạn giả Nguyễn Phương, soạn giả Quy Sắc
là một nhà giáo. Ông đã từng dạy kèm cho cố nữ nghệ sĩ Thanh Nga. Sau này, ông
bỏ hẳn nghề dạy học, theo nghề soạn giả. Vì sao? Vì người soạn giả ngày xưa
được các bầu gánh hát rất mực ưu đãi và trân trọng. Bởi lẽ, với “tầm nhìn” của
nghề nghiệp, các ông bầu bà bầu gánh hát thừa biết rằng, soạn giả là “linh hồn
của đoàn hát”. Một vở tuồng cải lương được đoàn chọn biểu diễn chiếm tỷ lệ 50%
sự thành công của đêm diễn, phần còn lại là ở các nghệ sỹ cũng như các yếu tố
phụ thuộc khác như: Cảnh trí, y trang (bây giờ gọi là phục trang), ánh sáng, âm
thanh. Lại còn thêm một điều, một vở tuồng hay tạo nên tên tuổi cho người nghệ
sỹ, chớ không phải người nghệ sỹ hay tạo nên một vở tuồng hay! Chắc chắn là như
thế! Và, điều này cũng đã khẳng định vai trò của người soạn giả ngày xưa!
Cách đây hơn ba tháng, thị xã Dĩ An kỷ niệm “Dĩ An 15
năm thành lập” có nhờ tôi quy tụ soạn giả ở thành phố để thực hiện một CD vọng
cổ với chủ đề “Hát về Dĩ An”, Tôi mời soạn giả Phi Hùng, soạn giả Đức Hiền viết
bài vọng cổ cho Dĩ An. Lúc uống cà phê sáng, tôi hỏi soạn giả Đức Hiền: “Tôi có
nghe anh ca bài Tân cổ giao duyên Em
sắp về chưa với nữ nghệ sỹ Hà Mỹ Hạnh,
giọng ca của anh chân phương, không ẻo lã nên tôi rất thích. Vậy thì… nguyên
nhân nào từ một người diễn viên (tôi né hai từ “kép hát” vì sợ anh buồn!) để
anh trở thành một soạn giả?”. Soạn giả Đức Hiền trả lời tôi bằng cả sự chân
tình: “Tôi rất mang ơn anh Hoa Phượng, hồi sinh thời anh Hoa Phượng có nói với
tôi. Anh thấy mày (tức soạn giả Đức Hiền) viết được đó, nên viết đi. Mày làm
một soạn giả thì người ta gọi mày là “Thầy”. Còn làm một kép hát, cho dù mày có
nổi tiếng đến đâu, người ta vẫn gọi mày là… “Thằng kép” (gần nguyên văn).
Tôi chân thành xin lỗi các nghệ sỹ khi phải trích dẫn
những lời rất thật này! Không ngoài việc, để làm sáng tỏ hơn vai trò của người
soạn giả ngày xưa!
Có lẽ, cảm nhận được lời khuyên chí tình của một soạn
giả đàn anh, nên “anh kép” Đức Hiền “chuyển hệ” làm soạn giả. Anh kể: “Những
ngày đầu chuyển qua viết tuồng hết sức gian nan, khi cho ra mắt vở tuồng đầu
tiên, một anh kép chánh của đoàn hát Trung ban nọ (vì lý do tế nhị xin được
giấu tên. NV) nói lời dè bĩu, mỉa mai, cho anh là… “soạn giả lớn” thế nọ, thế
kia! Đây cũng là một tính xấu của đào kép cải lương ngày xưa, thường hay ganh
ghét, đố kỵ nhau!”. Và, anh kép chánh nọ tuyên bố dứt khoát không hát tuồng của
soạn giả Đức Hiền!
Và rồi hiện tại, soạn giả Đức Hiền được đông đảo khán
giả cải lương biết đến qua các vở mà ông viết như: Bàn thờ tổ của cô đào (chuyển thể
từ truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng), Cho rừng lại xanh… v.v…
Soạn giả ngày xưa khi đến với “nghề”, mỗi người có
một hoàn cảnh khác nhau. Duy có điều… họ có “trụ” được với nghề hay không lại
là chuyện khác. Cũng bởi vì… có những soạn giả chỉ cho trình làng một vở tuồng
duy nhất, rồi sau đó không còn thấy xuất hiện nữa! Một bằng chứng điển hình sau
30-4-1975, soạn giả Trần Văn Nhất viết vở tuồng “Chung bóng trăng thề” – còn có tên
gọi khác là Hoa Thiên Lý (đây cũng là tên của nhân vật trong tuồng. NV) được
trình diễn trên sân khấu Trùng Dương vào những năm đầu hồi đất nước mới giải
phóng. Khán giả lúc bây giờ rất thích nhân vật “Tony-Đôn” do nam nghệ sỹ Tiến
Dũng đóng. Có thể nói, đây là một vở tuồng rất “ăn khách” trên sân khấu Trùng
Dương hồi bấy giờ. Bên cạnh đó, còn có các vở
khác như: “Người đẹp trong
tranh” của cố soạn giả Huy Trường. Có thể
nói, đây cũng là hai vở tuồng “chủ lực” của đoàn cải lương Trùng Dương. Sau này
có thêm vở “Tình hận thâm cung” của cố soạn giả Thành Phát (chuyển thể từ vở chèo Nàng Son
của cố nhà thơ Nguyễn Bính) cũng đã một thời làm mưa, làm gió trên sân khấu
này. Nhưng rồi sau đó, soạn giả Trần Văn Nhất – người viết tuồng “Chung bóng trăng thề” – tức Hoa
Thiên Lý không còn thấy viết nữa! Trong
giới soạn giả hiện nay, cũng hoàn toàn không biết ông hiện đang sống ở đâu, còn
sống hay đã mất? Điều này… tương tự như soạn giả Trần Phán, ông chỉ viết duy
nhất một bài Tân cổ giao duyên “Chiếc
nón bài thơ” – do hai nghệ sĩ Minh Vương và
Thanh Kim Huệ (lúc này chưa được vinh danh. NV) ca trên đài thành phố. Nhưng
rồi sau đó, thính giả nghe đài không còn nghe tác phẩm nào mới của ông . Phải
chăng, đây là “cái duyên” của người cầm viết đến mức phải dừng?
Như vậy cũng đủ để thấy… người soạn giả ngày xưa mà
“trụ” được với nghề hoàn toàn không hề dễ một chút nào! Một vở tuồng viết ra
phải chịu cực khổ cả tháng trời mới hoàn thành, nếu như không được các đoàn hát
sử dụng thì kể như là… công cốc!
Vì vậy có thể nêu ra một nhận định. Sự thành công của
nghề viết vốn đã khó, bám trụ được với nghề lại càng khó gấp vạn lần hơn. Cái
“duyên” của người soạn giả cay nghiệt đến như vậy. Phải chăng vì thế, mà người
ta mới gọi nghề viết là… “nghiệp” chăng? Có thể là như thế lắm!
A LÝ PHƯỢNG TUYỀN
( theo Đ P)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét