Xin vui lòng gởi bài theo địa chỉ mail: * Văn: phudo1956@yahoo.com.vn * Thơ: tructhanhtaam@yahoo.com
Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015
* NHỮNG NÉT XUÂN QUÊ - Tùy bút của Đào Chí Phú
Chạm khẽ nỗi nhớ ngày hôm qua, chợt ta thấy xuân về bên ô cửa nhỏ. Bao nhiêu vất vả lo toan cũng chỉ để xuân về thêm rộn rã. Ai rồi cũng sẽ lớn. Ai rồi cũng sẽ khác. Nhưng mỗi khi xuân về là dịp để những người thân ngồi lại bên nhau để hàn huyên tâm sự. Họ ngồi kể cho nhau nghe những gì của năm cũ. Để cùng nhau đón chào một năm mới với bao điều kỳ vọng.
Ngày cuối cùng của năm cũ – cái khoảnh khắc thiêng liêng ấy cứ chộn rộn trong lòng người. Sáng sớm, tôi đã thấy các mẹ, các chị lật đật trang hoàng nhà cửa, gian bếp nhỏ lại đỏ lửa nồng nàn. Làn khói từ những mái nhà bốc lên, chúng nằm gối đầu lên nên vẽ những vòng thật kỳ dị. Chốc chốc lại có tiếng đằng sau vọng lại: “Thằng Út đâu, bây bẻ cho má mấy trái dừa đặng kho thịt coi” hay có khi má lại bâng quơ: “Sấp nhỏ đâu rồi, bây chạy ù ra ngõ mua cho tao mớ đường phèn coi”. Không khí tất bật làm cho ai nấy đều hớn hở trước thời khắc đón chào năm mới. Những chiếc bánh xinh xắn, thơm lừng khiến bọn trẻ không thể cưỡng lại, cứ vào ra mấy bận để… ăn vụng.
Ba với mấy anh lại tranh thủ dọn dẹp bàn thờ tổ tiên. Nơi mà ba vẫn thường nhắc nhở: “Dù có đi đâu xa cũng phải biết nguồn biết cuội, tổ tiên ông bà”. Ba vẫn thường kể cho chúng tôi ngày về những câu chuyện ngày xưa xa lắc. Với từng bài học của ông cha, từng trận đánh và cả những nơi các cô các chú đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường xưa. Bộ lư hương được ba lau chùi cẩn thận như thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với những người đã khuất. Mâm ngũ quả được các anh bày biện đẹp mắt từ những cây trái quanh vườn. Giản dị mà đầm ấm. Dân dã mà đậm tình. Đôi khi giữa bao bộn bề của cuộc sống ta luôn cần những giây phút bình yên như thế.
Khi mọi thứ đã đâu vào đấy. Ba và mấy chú lại ngồi quanh bộ cờ tướng bên tách trà thơm và những chiếc bánh thơm lừng của má. Tụi trẻ chúng tôi chẳng hiểu gì với “gặp thời mốt chốt cũng thành công” rồi cả “ngựa vô cung là bí vô cùng”. Mà chỉ thấy tiếng cười của ba và các chú làm cho nắng xuân thêm hồng trước ngõ. Ba và chú bỏ lại những vụ mùa phía sau, để tặng hưởng cái không khí xuân về khắp xóm và cũng để chuẩn bị cho những mùa vụ sau. Những tràng cười mỗi lúc một giòn tan. Nhạc xuân từ nhà của bác Bảy vang lên làm cho cái không khí xuân thêm rộn rã. Cánh mai vàng trước nhà cũng lúng liếng theo làn gió mơn man từ mé sông thổi qua. Những tia nắng vàng cũng nhảy múa vờn quanh như miết từng thân cây ngọn cỏ…
Và trong câu chuyện của bọn trẻ chiều nay lại có thêm những bộ quần áo mới, những chuyến đi xa và có cả những chiếc bánh được để dành từ tận hôm qua. Chúng thi nhau kể, những câu chuyện tưởng chừng như chưa bao giờ dứt, cái hồn nhiên vô tư ấy, đôi lúc lại khiến người lớn như chúng tôi ghen tỵ. Giá như niềm vui năm mới của người lớn cũng giản đơn như thế. Và những cuộc vui là những giây phút đầm ấm bên gia đình. Chẳng có những chiếc phong bì, chẳng có quà cáp rình rang…
Chiều cuối năm ở một miền quê nhỏ, tôi nghe từng dư vị quê hương vẫn còn đọng lại trên đầu lưỡi, cái cảm giác thanh bình, cái tình làng nghĩa xóm và cả những ước mơ bình dị của lũ trẻ nghèo là chốn dừng chân bình yên nhất. Tôi yêu những nét xuân quê như thế; yêu cái chân chất hiền hòa như củ khoai, cọng lúa quê mình. Cuộc sống luôn thay đổi. Nhưng có những giá trị không thể lu mờ trong tâm hồn của những người con đất Việt, giá trị của sự đoàn viên và của tình thân. Những chiều cuối năm cứ âm ỉ mãi trong tôi. Mỗi chiều cuối năm qua, quanh đi quẩn lại cũng đã quá nửa đời người. Nhưng tôi vẫn chờ những buổi chiều cuối năm trôi qua, cái khoảnh khắc giao mùa thiêng liêng ấy cứ in hằn theo năm tháng…
ĐÁO CHÍ PHÚ
( Theo ĐP)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét