SÔNG VƠI
1.
Bà út Na lặng lẽ ngồi nhìn ra cánh đồng mênh mông phía sau
hè. Bà như thấy lại, ở phía đó, hồi năm nẳm (1), thầy Tình đã bưng thúng lúa
giống đi đi, lại lại, mải miết tung, ném… để sau đó, bà có một mùa lúa gặt bể
tay. Hóa ra, con người nhìn bên ngoài “nho nhã” như thầy Tình lại như một nông
dân gieo trồng giỏi giang đến vậy.
Người sạ giống mà cái nắm tay không thuần,
không biết cách buông hột giống ra, thì nắm hột vãi ra không tròn, làm sao cây
mạ lên đều được? Vậy mà, thầy Tình đã sạ giống, cây mạ lên đều rang! Xong việc,
thầy Tình đã bước lên bờ mẫu, cười tươi rói khi nghe bà khen dồi (2); rồi ông
lại buông lời tự trách mình:
- Út à! Việc gì tui cũng làm được; chỉ có một việc không làm
được là làm cho út hết khổ vì tui thôi!
Bà út Na nhớ, khi nghe thầy Tình nói câu đó, bà thấy lòng
mình đau nhói. Người gì đâu mà miệng mồm dẻo quẹo, vậy trời? Mình khổ; chỉ muốn
nhằn người ta một câu, cũng không nhằn được, vì người ta đã tự nhận rồi! Nhưng
mà nghĩ cho tận cùng, nỗi khổ này sao mà trách ai gieo, ai chuốc cho được? Bà
út Na lầu bầu: Mình chuốc mình chịu, sao trách người ta gieo?
Ấy là tại vì cơn mưa dầm hồi chiều năm xưa. Sau này, bà út
Na cứ cười thầm, khi những lần gặp nhau, thỉnh thoảng nghe thầy Tình lẩm nhẩm:
Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nghịch nhân.
Bà nghe không hiểu gì. Thầy Tình giải thích:
Mưa không xiềng xích mà giữ được khách
Sắc đẹp tuy không sóng gió mà lay động lòng người.
Bà bật cười. Bà biết mình vốn chẳng đẹp. Đàn bà, con gái như
bà ở xứ quê nghèo, ở đồng sâu heo hút trong tận Hiệp Xương này, thường xuyên
phơi nắng, dầm mưa trên đồng ruộng, tóc cháy, da nám đỏ nám đen, sao mà gọi là
có nhan sắc cho được? Có thể, bà có một chút duyên thầm, như thường nhìn người
ta cười cười mà không bật thành tiếng; cái nhìn nói nhiều hơn cái miệng; và gì
nữa, cái sự thương ai là thương đứt ruột; chẳng nề hà, oán trách gì ai, kể cả
oán trách cho số phận hẩm hiu của mình. Ngoài ra, có thể, ở bà còn phảng phất
nét u buồn, vì sự đơn côi quá lâu, sau khi chồng bà chết trẻ, để lại cho bà hai
đứa con thơ dại; còn có thể, do cái tướng tá không mấy tốt của bà mà nó vận vào
thần khí góa bụa của bà chăng? Bà đã biết bao lần tự răn đe mình: “Thôi, nha!
Ráng ở vậy mà nuôi con, nha! Đừng dây dưa tới ai nữa khiến người ta mắc lụy vì
mình, nha!”. Nhưng rồi, bà đã gặp thầy Tình. Ông cười cười, nói nói, xởi lởi và
tốt bụng; phì cười khi bà thủ thỉ với ông:
- Ông hông sợ … bà góa như tui sao? Ba sắp nhỏ …yểu lắm!
- Khùng quá! Sợ gì mà sợ! Con người ta ai cũng đều có mạng
số riêng hết trọi, quỷ thần nào vật nổi tui, mà út lo!
Chuyện bà út Na và thầy Tình qua lại với nhau, chẳng mấy
chốc, lan ra cả xóm, cả làng. Hồi nào tới giờ, chuyện gì còn có thể giấu giếm
chớ những chuyện đàn ông - đàn bà, chuyện trai - gái tình tự thì… người trong
nhà chưa hay nhưng hàng xóm, láng giềng đã tỏ. Cũng mặc kệ! Chỉ tại vì cơn mưa
chiều ấy; chỉ là do số phận dun rủi; chỉ là do nợ duyên; chỉ là do kiếp này bà
và ông phải khổ vì nhau; chỉ là do cái xứ này heo hút, đìu hiu mà đường xá bị
mưa làm cho bùn sình lầy lội mới khiến ông phải tạt vào mái hiên của nhà bà mà
trốn mưa. Năm đó, đang mùa mưa lụt; mưa dầm rỉ rả đến trời sập tối còn chưa dứt
hột. Người bước chân xuống đường đã dính đất sét nhão nhoẹt, bê bết; ước chừng,
người không nán lại, có lội bùn đất rồi dầm mưa mà đi về thì có đi đến sáng
cũng chẳng khỏi được khúc đường này; lại còn chiếc xe đạp, làm sao mà quảy nổi
đây? Mà dẫu cho mưa tạnh rồi cũng chẳng dễ gì đi lại - Cái xứ này như vậy, biết
làm sao? Bà út Na ái ngại cho người lỡ đường nên hé cửa bước ra, nói với người
khách trốn mưa:
- Ở ngoài đó mưa tạt! Vô trong nhà này mà ngồi cho đỡ lạnh,
ông ơi!
Người khách đụt mưa ngoái đầu nhìn lại. Bà út Na nhận ra
thầy Tình, thầy giáo dạy ở trường học của con mình.
- Dạ! Thầy! Thầy vô nhà ngồi uống trà, đụt mưa!
- Dạ!
Người đàn ông do dự. Ông biết đây là mẹ góa của học trò
mình. Tiện hay không tiện khi bước vào cửa nhà này? Ông dùng dằng:
- Cảm ơn…! Tui tạm ở đây được!
- Dạ!
Cánh cửa khép lại. Trời đã tối mịt. Mưa vẫn dầm dề.
Cánh cửa nhà lại hé ra. Lúc này không phải là người đàn bà
góa bụa mà là đứa bé trai khoảng chừng sáu, bảy tuổi, là học trò lớp một ở
trường mà thầy Tình đang dạy. Nó bước ra, mạnh dạn nắm lấy tay thầy giáo, kéo
thầy vào trong cửa:
- Thầy vô nhà con đụt mưa đi! Hông sao đâu. Má con hiền lắm!
Bà út Na cứ ngẫm nghĩ hoài: Nếu như hôm đó trời không mưa;
nếu như đường làng năm đó không bùn sình lầy lội; nếu như không vừa lúc, đúng
nơi thầy Tình phải tạt vào tránh mưa dưới mái hiên nhà bà; nếu như bà và ông
không nợ duyên gì cả… Sao mà bà giữ được bước chân thầy Tình trong mái nhà của
người đàn bà cô đơn, góa bụa như bà?
2.
Con sông Hậu bề bộn, như họ, với hai mùa mưa nắng.
Mùa mưa. Nước dâng từ từ; sông chưa kịp tràn bờ; đồng đã bị
ngập lút; rồi ngập đường, ngập nhà…; khi này, chẳng còn ai gieo trồng gì nữa.
Tất cả, như gom về thu lu một mối, lên sàn nhà. Đường ngập rồi, người ta ít đi
lại hơn. Ai có đi chợ thì lội bơi hoặc bơi xuồng, hoặc quá giang xuồng người
hàng xóm, hoặc gởi tiền nhờ mua vài món đơn giản như gạo, củi, mắm, muối…
Thường là người ta giăng câu được cá, đủ loại cá, chẳng phải gởi mua; rau,
người ta cũng tìm hái được, thường là rau muống, rau mát, bông súng, lục bình,
điên điển… Chỉ bọn trẻ con còn phải đến trường thì vất vả. Mấy trò học lớp lớn
vào cuối cấp một, cấp hai đã đủ sức thì tự bơi lội; quần áo sạch sẽ của học
sinh đều cởi ra gói ghém chung với sách vở; trò đội cặp sách và quần áo lên
đầu, trong mình chỉ mặc mỗi chiếc quần cụt ống để đến trường dễ lột ra thay đồ
khô vào; ngồi học xong buổi; lúc tan trường lấy đồ ướt mặc lại để lội xuống
nước, về nhà. Mấy trò nhỏ thường phải đi nhờ xuồng của cha mẹ đưa đến trường,
bằng không thì quá giang những ai thuận đường, thuận bến mà đi học.
Hai đứa con của bà út Na, vào những ngày lụt lội, nói nào
ngay, cũng nhờ có thầy Tình chú ý tới cảnh con mồ côi cha, nên những khi bơi
xuồng từ nhà đến trường dạy, thầy vẫn hay tạt ngang cửa cho hai đứa trẻ đi nhờ.
Lay lất mà qua, hết năm này sang năm khác…cho đến lúc mấy đứa trẻ dần lớn khôn.
Có khi, trong đời người, chẳng phải dễ quên những chuyện như vậy, nhất là hai
đứa trẻ. Cho nên, khi thầy Tình mất, hai đứa trẻ con bà út Na khóc thương thầy
Tình nhiều hơn ai hết ở trong đám tang; chúng khóc thầy Tình còn hơn hồi cha
ruột chúng chết, vì hồi ấy, chúng còn quá nhỏ dại chưa thắm thía tình thương cha
như tình thương của chúng đối với thầy Tình. Có những hôm, sau khi tan trường
về, còn rộng thời gian, thầy Tình buộc xuồng ở hàng hiên, trèo lên nhà sàn của
hai đứa trẻ, nơi mà chiều năm xưa thầy đã trốn mưa, ở lại dùng bữa cơm đạm bạc
của mẹ chúng nấu sẵn đợi thầy trò dạy và học về đến nhà là dọn ra ngay: Bữa cơm
nóng hổi, khi thì điên điển xào tép, khi thì mắm kho với cá vảnh, khi thì bông
súng bóp giấm ăn với cá linh kho lạt… Họ quây quần bên nhau như một gia đình,
vui vẻ, đầm ấm, xì xụp ăn, rôm rả nói chuyện trường lớp, học hành, chợ búa, mùa
màng… Lúc này, thầy Tình quên là mình còn có một mái nhà, một gia đình ở bên bờ
sông Hậu về phía đường cái với những đứa trẻ lớn hơn; chúng đã học gần xong cấp
hai, cấp ba ở trường huyện; và thầy quên, ở nhà thầy còn có một người vợ, người
mẹ đợi chồng và các con tan trường về để dọn cơm ra.
Mùa khô. Lúa ngoài đồng xanh rì; hạt giống đã gieo xuống
đang chờ phân bón, chờ thuốc trừ sâu, chờ dọn bớt cỏ dại để hồi sau cho một mùa
gặt hái với những cây lúa nặng oằn bông. Công sức của thầy Tình trên miếng
ruộng nhà bà út Na cũng không ít. Những hôm tan giờ dạy sớm, thầy Tình vẫn
thường dừng lại khá lâu ở đó, để coi… làm giùm ruộng cho nhà mẹ góa, con côi,
những việc mà thầy có thể làm. Ai người ta chẳng “lời vô, tiếng ra” trước cảnh
như vậy: “Tội nghiệp! Mẹ con của út Na có người giúp là quý; nhưng tiếc là ông
thầy đã có vợ con rồi!”. “Giúp là giúp! Can dự gì tới vợ con ở nhà?!”.
Mùa khô. Sông Hậu vơi. Đường lộ. Cầu nối. Người đi bộ cũng
dễ. Kẻ có xe cũng chạy te te từ đầu làng tới cuối xóm được. Bữa cơm nhà bà út
Na, thỉnh thoảng có mặt thầy Tình, đã như được chụp hình, truyền đi khắp làng,
khắp xóm. Sao mà không tới tai vợ của thầy Tình? Bà ấy đã lặng lẽ đi đến, lặng
lẽ quan sát và lặng lẽ ra về. Ai cũng lấy làm lạ là họ không thấy bà út Na bị
đánh ghen. Hay thật, cả ba người họ! Thầy Tình hay là đã giỏi dàn xếp hai người
đàn bà để cho mọi việc được êm thắm. Bà kia hay là đã giỏi nhịn để khỏi bêu xấu
người chồng đang là thầy giáo đứng lớp dạy dỗ học trò mà còn tằng tịu với bà
góa ở khít rịt nơi trường mình đang dạy. Bà út Na hay hơn là đã nắm cả hồn, cả
vía của thầy Tình: Cơm cũng đã ăn chung với chồng người ta mà vợ họ lại không
dám tới nói nặng nhẹ một tiếng nào. Nhưng mà… chuyện ở đời, biết đâu là hay,
đâu là dở? Ăn cơm thì… ăn cơm; có phải là chuyện gì đâu quá quắt; bởi, mới hay
Tiên - Phật cũng đó mà quỷ - ma cũng đó, sao có thể rạch ròi?
Sông Hậu mùa đầy. Sông Hậu lại vơi. Mỗi năm, sông Hậu đầy -
vơi hai lượt.
Chiều. Hình như hôm ấy là chủ nhật. Mấy đứa trẻ đều được nghỉ
học, ở nhà, đi chơi. Loang loáng khói đốt đồng. Cánh đồng vừa xong mùa gặt
trước; người ta đã hối hả gieo sạ cho vụ lúa mùa sau. Hai đứa trẻ, một đã là
thanh niên, một còn đang thiếu niên, ngồi bên nhau trên bờ ruộng, ngóng về phía
bầu trời xanh cao xa đầy mây trắng vẩn vơ; ở đó lơ lửng một cánh diều bay. Hai
đứa trẻ giống như hai anh em hoặc như hai người bạn. Chúng lặng yên ngồi. Buổi
chiều trôi qua rất nhanh, với đứa nhỏ và, có thể, là rất chậm đối với đứa lớn
hơn - bởi cái điều nó giữ trong lòng để trò chuyện với đứa em này đang là gánh
nặng, rất nặng. Lâu lắm, đứa lớn mới hỏi đứa nhỏ, mà giọng nó như thều thào:
“Em thích làm con của ba anh hả?”. “Ừ!”. “Ai nhận trước?”. “Em!”. “Làm sao em
nhận?”. “Thì em hỏi”. “Hỏi sao?”. “Em hỏi: Thầy có chịu làm ba của con không?
Thầy nói: Chịu”.
Đứa lớn lặng thinh. Nó nghĩ: Lúc đó, chẳng lẽ ba của nó lắc
đầu, nói “không”. “Rồi sao nữa?”. “Sao nữa là sao?”. “Em kêu ba anh là ba. Còn
ba em?”. “Thì cũng là ba… nhưng mà ba em chết lâu rồi; má em nói: Ba em về Trời
rồi, không trở xuống nữa! Em ước có ba, để thương, nên phải kiếm ba Tình, đặng
mà thương!”.
Đứa lớn lần chần. ý nghĩ của nó có vẻ gần với người lớn hơn,
hay là lời lẽ của má nó đã ăn sâu vào trong óc của nó rồi:
- Nhưng mà ba anh già rồi!
Đứa nhỏ có vẻ hãnh diện vì chữ “già” mà anh kia vừa nói. Nó
thấy hãnh diện vì có cha già, cha Tình của nó đã già rồi:
- Em thích có ba già, hà! Ông bà nội em hay nói “Cha mẹ già
là …là…” là gì đó anh?
Đứa lớn cũng không biết phải nối thêm phía sau câu “Cha mẹ
già…” là gì. Nó đang mải nghĩ, mà không nói ra với đứa nhỏ này được, rằng “Ba
anh già rồi, không xứng với má em đâu! Má em còn trẻ quá! Má em nhỏ hơn ba anh
tới gần hai chục tuổi, kia !” nhưng mà nó cảm thấy, lúc này, nó nói chuyện đó
với nhỏ này thì như là nước đổ xuống lá sen, đổ rồi tuột hết, chẳng dính lại
miếng nào, vì nhỏ này còn khờ quá là khờ!
3.
Hồi đó, xứ này chưa có đường đê nội đồng, chưa có cầu dây
treo, chưa có cầu bê - tông chịu trọng tải tám tấn. Hồi đó, đồng ruộng ở đây
chỉ trồng được lúa một vụ và một mùa tỉa bắp hoặc trồng dưa, trồng bầu bí, sau
khi nước lụt rút xuống, đất phơi mặt đồng. Xứ này phải bị gọi là đồng sâu, dù
cách bờ sông Hậu chưa đến hơn chục cây số. Thầy, cô giáo đến dạy ở trường tiểu
học trong xã, mà nhà cách trường vài chục cây số thôi, phải tìm chỗ ở đậu trong
nhà dân hoặc phải ở lại trong lán trại của trường, từ đầu tuần đến cuối tuần,
vì nỗi đường khó đi - lại vất vả hơn nếu như gặp hôm trời mưa đường bùn dính
chân và trơn trợt đi không được - chớ chẳng phải vì đường xa. Thầy Tình đỡ khổ hơn
các thầy, cô khác vì nhà thầy ở hơi gần trường; nên mỗi ngày, cứ coi như, thầy
băng đồng, lội ruộng, vượt kinh rạch mà hai buổi tới trường dạy học trò quê
nghèo. Học trò ở đây có thương thầy thì cũng có gì dành cho thầy đâu, ngoài
việc lo học? Xứ này nghèo nổi tiếng mà! Nếu không, sao có câu ca:
“Hiệp Xương xứ sở quê mùa
Cháu về thăm ngoại cho vùa cà na” (3).
Đó! Lâu lâu, cháu ngoại về thăm, người ta còn chẳng có gì
quý hơn để làm quà, ngoài mấy trái cà na ở cây mọc dại bên bờ ruộng, bờ kinh
rạch, sau hè nhà...!
Hai người đàn bà, một già, một trẻ, cứ nghĩ mà thương ông
lão. Ông đã lặn lội suốt mùa này sang mùa khác, suốt năm này sang năm khác, ở
một xứ cực khổ như vậy; cực khổ như vậy mà ông không hề than thở, lại còn đa
mang…ở nhà, thầy đã có một bầy ba đứa con. Tới trường, thầy lại nhận thêm hai
đứa học trò mồ côi cha làm con nuôi nữa. Con ruột hay con nuôi, thầy đều thương
và lo nuôi dạy chúng như nhau. Vất vả mấy, thầy không nệ: Thương là thương,
nuôi là nuôi! Người tốt bụng thì khen: “Mười ông thầy dạy học mà được một ông
tốt bụng với học trò như thầy Tình, cũng là hiếm có”. Kẻ ác ý lại dè bỉu: “Cha
nuôi hay cha dượng, đó? Thật là giỏi ma mị người ta!”.
Hai người đàn bà cùng thương yêu một người đàn ông, đã gặp
nhau ở đầu chợ xã, trong đó có một người cố ý trái đường. Người này nắm người
kia lại, ánh mắt đầy hờn trách: “Cô còn trẻ, không tìm được ai khác hơn ông
Tình sao? ổng già rồi, đâu có xứng với cô?”. “Tui …không muốn tìm ai! Cha con
nó tìm nhau, nhận nhau làm cha con; chắc là do nợ hồi kiếp trước. Tui, giờ …mà
tìm ai khác chen vô, sợ người ta sẽ không thương tụi nhỏ được như ổng đâu? Con
tui mồ côi! Chúng cần có cha!”. “Chớ hổng phải cô sao?”. Người đàn bà trẻ lắc
đầu. Bà kia gằn giọng: “Chắc hông? Cô thề đi! Nếu như cô với ổng “có gì” thì…
tới chừng ổng chết cô đừng bước chân tới, nhe! ổng là thầy giáo, đó! Cô nên giữ
cho ổng một chút tiếng thơm lúc đã mãn phần!”. Người đàn bà trẻ gật đầu; nếu
như bà ấy không gật thì bà kia chịu để yên sao?
4.
Ở đời, chẳng phải điều gì người ta khát khao, mong mỏi mà
đạt được là thỏa nguyện, là không đau khổ đâu! Cái gì đạt được, bà út Na đã đạt
được nhưng bà vẫn triền miên, nhấm nhẳn trong đau khổ; mà không chỉ mình bà
khổ, còn hai người kia nữa: Đó là vợ chồng thầy giáo Tình.
Cũng gần hai mươi năm rồi. Mấy đứa trẻ đều đã lớn khôn. Vợ
chồng thầy Tình đã là ông bà nội, ngoại của mấy đứa cháu. Hai đứa con của bà út
Na cũng được học hành tử tế; học xong đại học, chúng ở lại chỗ học mà xin việc
làm, lâu lâu mới về thăm mẹ ở quê. Bà út Na một mình ở một nhà, từ lâu lắm rồi;
còn buồn hơn hồi bà mới góa chồng nữa; hồi đó, bà còn có hai con nhỏ dại làm
vui và còn có thầy Tình tới lui thăm viếng; còn bây giờ, nhà cửa của bà vắng
teo. Thầy Tình đã già, đã nghỉ hưu, không còn đi dạy ngang qua xóm nhà của bà
út Na nữa; phần vì hai đứa con của bà đã lớn, chúng đã lên trường huyện học cấp
hai, cấp ba, học đại học…; chúng thỉnh thoảng qua nhà thăm cha nuôi, cách đó
chỉ hơn chục cây số; cơn cớ gì mà thầy Tình qua lại nhà của bà út Na nữa, dù
sau này, đường đê nội đồng đã nối liền các xóm làng, cầu dây cất rồi mà người
dân ở xã còn làm thêm cầu bê- tông để xe tải về chở hàng bông và gạo, nếp … đem
ra chợ búa và thành phố? ở xứ này, giờ đây, đâu còn ngập lụt theo kiểu lụt bơi
như trước đây, vì nương theo đê nội đồng, người ta đã trồng một năm ba vụ lúa -
một vài năm, ban quản lý hợp tác xã mới mở cống xả lụt vô đồng để rửa đất mà
thôi. Đó! Lúc khổ vì lụt lội, vì đường xá khó khăn, vì con nhỏ, vì khó sống… mà
“người ta” dễ đến với nhau hơn! ấy là nói chuyện của thầy Tình với bà út Na; chớ
ai mà mong cho cuộc sống người dân ở xứ này khổ cực hoài hủy. Nhưng ai mà biết
bà út Na buồn và thầy Tình cũng buồn, vì lúc này, họ không có cớ nào để đến
cùng nhau. Những lúc buồn nhớ, thầy Tình ra sau hè nhà, ở bên này bờ sông Hậu,
ngóng vô trong đồng; ở đó có ngôi trường cũ của thầy và ở đó có nhà của mẹ con
bà út Na và người đàn bà đơn chiếc. Những lúc buồn nhớ, bà út Na lại ra đứng
trước cửa nhà mình, nơi hàng hiên - chỗ thầy Tình đứng trốn mưa năm xưa - ngó
khơi ra đường, mong một dáng người quen, như hồi nẳm; ngó hoài chẳng thấy tăm
hơi ai đâu cả, lại buồn, lại thui thủi vô nhà, khép cửa, một mình ngồi khóc.
Hoàn cảnh của bà đã như vậy, có làm sao khác được hơn đây?
5.
Bà út Na đứng bên này bờ sông Hậu, ngóng về phía bờ bên kia,
mà nghe lòng đòi đoạn. Đứng ở quãng vắng của khúc sông này, bà có thể thấy suốt
đến phía sau hè nhà thầy Tình. Chẳng có gì cả. Một sự im ắng đến đáng sợ. Vậy
mà bà biết, ở nhà ông đang có đám: Đám tang của ông, thầy Tình. Có lẽ, người
nhà của ông lão đã rúc hết ra nhà trước, nơi quàn quan tài của ông. Có lẽ, hai
đứa con của bà cũng ở đó; chúng đang để tang cho cha nuôi của chúng. Còn bà,
làm sao đây? Bà út Na đứng rũ như tàu lá chuối héo. Bà nghĩ thầm: “Thà mình cứ
chết queo như ổng, cho xong! Mình sống mà khổ còn hơn chết vậy”. Bà lại nghĩ:
“Sao mà chuyện của ổng và mình lại có cái ngày hôm nay? Đau lòng rơi nước mắt
vì thương nhau, vì nhớ nhau, vì mất nhau mà không sao đến được, không lo liệu
cho nhau được, không nhìn nhau được, dù là lần cuối trong đời”. Bà không hề
muốn chịu đựng ở trong cảnh này. Bà đã hứa gì với vợ thầy Tình? - Nếu như bà
“có gì” với thầy Tình thì khi thầy Tình mất bà không được đến chỗ đám tang của
ổng. Một cái gật đầu tưởng là qua đi một cách dễ dàng nhưng mà đâu dễ. Giờ đây,
bà út Na mới thấy là thực hiện một lời hứa thật khó làm sao! Bà nhớ, bà đã từng
nói với ông, như trối trước với nhau:
- Ai cũng ham sống, ông Tình à! Nhưng tôi chỉ mong có một
ngày tôi được chết già, mà chết trước ông, kia cà!
Lúc bà nói câu đó, ông lão chẳng ừ hử gì. Có những điều, mà
tới độ tuổi nào đó, người ta chỉ vừa trông thấy sự bắt đầu là đã biết chuyện sẽ
kết thúc ra sao; cũng tuồng như, có những câu nói, người này vừa mở lời thì
người kia đã hiểu ý, hiểu tận cả ruột gan, tim óc… Vậy đó! Nếu như bà út Na
chết trước thầy Tình thì bà đâu phải đứng thầm lặng, tức tưởi khóc bên bờ sông
Hậu, trong ngày này! Lúc này, sông Hậu đang mùa vơi - nước trong lòng sông đã
cạn kiệt - nhưng từ trước tới giờ, có khi nào con sông Hậu cạn tới đáy đâu, dù
gặp năm hạn hán lớn cũng vậy! Bà út Na sốt ruột, nghĩ: Mình chẳng cần xuồng bè,
cầu kỳ gì cả, vẫn có thể lội bơi qua bờ bên kia, trong bộ dạng lóp ngóp ướt
sũng nước nôi, ùa vô nhà ổng, vừa khóc vừa kêu: “Ông Tình ơi! Ông đừng chết, bỏ
tui!”… nhưng mà bà không làm như vậy được. Ai người ta cho bà bước vô chỗ đó,
chỗ ông Tình đang nằm “yên nghỉ” đó, mà khóc? Ai là người có thể cảm thông được
tấm tình của bà và ông đã dành cho nhau từ bấy lâu nay? Đó là sự trái ngang của
cuộc đời bà. Bà phải ráng chịu! Bà út Na ơi! Dẫu mà con sông Hậu này có cạn khô
đi nữa thì bà cũng chỉ có thể đứng bên bờ này mà khóc thầy Tình thôi! Đó là số
phận của bà với mối tình ngang trái của bà.
Bà út Na vẫn đứng yên bên bờ này sông Hậu, vẫn như tàu lá
chuối héo, cho đến lúc trời chập choạng rồi tối hẳn. Bà nghĩ lan man: Có thể,
vào đêm tối như vầy, khí âm dâng lên, họa chăng vong hồn của thầy Tình sẽ dễ
vãng lai và biết được bà đang đứng bên bờ này ngóng ông, vì ông với bà vốn có
thần giao cách cảm mà; và ông sẽ đến bên bà mà an ủi, như hồi nẳm:
- Út ngóng tui làm gì? Sông Cái là sông sâu; dẫu mùa nước
cạn cũng vẫn sâu hút, té xuống là lút đầu đó! út đừng có ra bờ sông cái mà đứng
như vầy nữa nghe, lỡ trợt chân, có bề gì, chết đuối, thì sao? Tui, hễ qua thăm
út được là tui qua liền thôi!
Bà út Na lại như thấy ông lão, hồi những năm xưa. Ông lão đã
lội bơi trong mùa sông Hậu tràn bờ - đường xá ngập lụt, đồng trắng nước mênh
mông, chẳng thấy lối, chẳng thấy bờ bực đâu cả - vậy mà, ông lão đã bước vô cửa
nhà bà, vừa cười vừa nói:
- Mèn ơi! Ngập lụt gì mà ngập lụt muốn chết! Tui tính đi qua
đây hổm rày, coi mẹ con của út sống ra sao, mà có đi được đâu, nà! ... Nhưng mà
phải đi, không còn đường xá cũng đi; ngập lút đầu, lút cổ cũng đi, út à!
Bà út Na nhớ, hồi ấy, ông lão chỉ nói tới đó rồi dừng lại,
đứng cười. Nếu nói thêm, ông sẽ nói “Tui nhớ mẹ con của út, muốn chết!” nhưng
mà ông đâu cần nói như vậy, bà út Na cũng đã hiểu rồi!
Tiếng trống cúng đám tang bên kia sông vọng qua bờ bên này
khiến bà út Na càng thấy xót lòng. Bà nhớ, hồi chiều, khi hai đứa con của bà về
tạt qua nhà bà, trước khi đến đám tang thầy Tình, bà đã dặn chúng:
- Hai đứa nhớ lạy ba Tình dùm cho má một lạy, nghen!
- Má không qua bển (4) sao? Sao vậy?
- Ừ! Để coi…!
Giờ đây, bà út Na nhìn con sông Hậu trước mặt, muốn lội qua
mà không thể. Bà cằn nhằn con sông hay cằn nhằn chính mình:
- Sông đang cạn queo, kia cà!
Bà út Na không nói thêm, lặng thinh rồi lại đứng sụt sịt
khóc. Bà biết, bà chẳng cần nói thêm, vong hồn thầy Tình cũng đã hiểu rồi!
NGUYỄN LẬP EM
__
(1) Năm nẳm: Năm xưa.
(2) Khen dồi: Khen nhiều lần, khen đi khen lại.
(3) Cho vùa cà na: Vùa là vỏ trái dừa dùng làm vật đựng sau
khi đã nạo hết ruột dừa; quả cà na nhỏ nên người ta thường dùng vỏ trái dừa để
xúc, để đựng.
(4) Bển: Bên ấy.( theo - TTT )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét