“Cu
kêu ba tiếng cu kêu, trông mau đến Tết, dựng nêu ăn chè”. Đó là là câu thơ gắn mãi trong
ký ức của tôi từ tuổi ấu thơ.
Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài trong khoảng
bảy ngày đầu năm mới. Điều này đã là người Việt thì ai cũng biết. Thời gian vùn
vụt trôi đi, xin ghi nhớ lại ba ngày Tết còn lắng đọng tâm tư của quê tôi, miền
đất “đầu nguồn châu thổ”; với tâm nguyện: “Lời quê góp nhặt dông dài,
mua vui cũng đặng một vài trống canh” – Nguyễn Du.
Dọn dẹp nhà cửa trước Tết: Người ViệtNam quan niệm rằng ngày Tết thì tất
cả mọi thứ đều phải thật sớm và mới. Do đó trước ngày Tết khoảng hơn hai tuần,
gia đình tôi – cũng như bao gia đình khác –
bận rộn lo quét dọn, trang trí nhà cửa, mua hoa, sắm thức ăn... thật chu
đáo cho ngày Tết. Bên cạnh đó, không quên lo mồ mã người quá cố, thường khoảng
25 tháng Chạp ÂL, gia đình tôi tổ chức con cháu đi “Rẩy mã” tổ tiên, ông bà ở
khu nghĩa trang thuộc đồi Bạch Vân, núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.
Dọn dẹp nhà cửa trước Tết: Người Việt
Hoa Mai: Giống
như nhiều gia đình ở miền Nam ,
ba tôi chịu khó chăm sóc các chậu mai vàng hằng ngày: Vô phân hữu cơ, tưới
nước… Ông chỉ tôi kỹ thuật hái lá mai vào thời điểm nào, để hoa mai nở đúng vào
lúc đón giao thừa hay nở vào sáng sớm ngày mùng một Tết thì điều đó có nghĩa là
sự may mắn, thịnh vượng, và hạnh phúc sẽ đến với cả gia đình trong năm đó. Màu
vàng hoa mai tượng trưng cho sự cao thượng vinh hiển cao sang, còn tượng trưng
cho vua (thời phong kiến). Màu vàng thuộc hành Thổ trong Ngũ
hành.Thổ nằm ở vị trí trung tâm và màu vàng được tượng trưng cho sự phát
triển nòi giống.
Thuở tôi còn nhỏ, thì bộ lư đồng ba lau chùi. Lớn lên
thì tôi lĩnh trách nhiệm chà rửa, đánh bóng bộ “lư đồng mắt tre” này. Vất vả
công phu lắm. Do tục kiêng cữ quét nhà trong ngày Tết, mọi ngõ ngách nhà cửa
đều được quét dọn sạch sẽ. Những vật dụng không cần thiết hoặc bị cho là đem
lại điềm gở cũng bị vứt bỏ. Dịp này, người kinh doanh mua bán ve chai sắt vụn
là vô vụ. Nhà nào cũng kêu réo họ đến thu mua vật phế thải.
Mua và xin câu đối trước Tết: Trước cửa nhà, hai bên hàng cột ba tôi chỉ huy anh em
chúng tôi dán cặp câu đối hay hoặc một vài chữ Nho nền đỏ chữ vàng mang ý nghĩa
cầu an, cầu tài lộc cho năm mới. Màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh, màu vàng là
lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân.
Tranh Tết: Từ lâu đã trở thành một tập quán, một thú chơi tao nhã của người dân
quê tôi và là một cách giáo dục con cháu trực quan sinh động. Tết năm nào cũng
treo các bộ tranh Tết lên. Tôi còn nhớ mãi những bức tranh ghi đậm hình ảnh
người con tả xung hữu đột, cõng mẹ phá vòng vây hãm (Lâm Sanh, Xuân Nương), người vợ
hiền chung thủy chống trả cường hào ác bá, một mực chung thủy với chồng đi xa (Thoại Khanh, Châu Tuấn), người chồng chung thủy với vợ (Phạm Công, Cúc Hoa)…
Trả nợ cũ: Đối với nhiều người Việt, dịp tất niên là dịp trả nợ cũ, xóa bỏ xích mích của năm cũ, để hướng tới năm mới
vui vẻ hòa thuận hơn. Người ta sợ “nợ hai năm”, nên cuối năm tất bật lo thanh
toán dứt điểm. Đầu năm bắt đầu mua bán làm ăn lại.
Áo quần mới: Nhớ mãi, thích mãi là theo má đi chợ Tết. Chợ Tết thường nhóm họp vào
trước Tết từ 25 tháng Chạp cho đến 30 tháng Chạp. Chợ mua bán ngày giáp Tết
đông đúc, người chen nhau không lọt. Có năm thì ba dẫn, có năm thì má dẫn tôi
đến sạp quần áo mới trong nhà lồng chợ lựa chọn mua bộ đồ áo mới. Đây là ngày
nôn nao trông đợi, để được ba má sắm quần áo mới, ba ngày Tết đi khoe xóm làng…
Lớn lên mới hiểu rằng theo quan niệm dân gian cần rũ bỏ những cái cũ, cái không
may mắn đi theo quần áo cũ và đón một năm mới với nhiều hy vọng và niềm vui mới
từ bộ quần áo mới đó.
Sắm Tết: Sau đó, theo má mua các mặt hàng phục vụ cho Tết, như
lá chuối,
nếp để gói bánh tét, bánh ú hoặc nấu xôi, gà trống,
các loại trái cây
dùng mâm ngũ quả để cúng tổ tiên.
Từ chợ Tết ra về, mồ hôi mồ kê nhuể nhoại, lại thêm
tay xách tay mang lỉnh kỉnh đủ thứ hàng hóa: Ngoài mai vàng có ở nhà, mua thêm
bông hoa Tết (hoa vạn thọ, cúc, lay ơn,
hoa huệ...),
những loại trái cây, đặc biệt là dưa
hấu. Dưa hấu được chưng cúng nơi bàn thờ tổ tiên, bên cạnh các loại mứt,
mâm ngũ quả, bánh kẹo..., và nhiều quả dưa còn được gắn thêm chữ Phước – Lộc – Thọ. Sáng mồng một Tết, người nhà cử
người xẻ quả dưa để bói cầu may và lấy hên xui.
Chợ Tết chấm dứt vào trước giờ Tý giao
thừa. Vào những ngày này, các chợ sẽ bán suốt cả đêm, và đi chợ Tết đêm là
một trong những cái thú đặc biệt. Trước giờ Tý giao thừa, những bông hoa bày
bán còn lại, được “bán đổ bán tháo”, để các ghe hàng bông hoa kịp lui thuyền về
quê cúng giao thừa.
Gói bánh tét: Chợ Tết về, gia đình cùng quây quần nhau gói bánh tét. Người thì nạo
dừa, người rọc lá chuối, ướp thịt… Thường thì gói hai loại bánh tét: Bánh tét
nhân thịt, bánh tét nhân chuối… Bánh tét gói xong, cho vào nồi nấu là nhiệm vụ
lũ trẻ chúng tôi. Những khúc củi to nhiều gút mắc, những đoạn tre già… tập
trung lổn ngổn bên bếp lửa, sẵn sàng cho chúng tôi đưa vào lò chụm… Quanh bếp
lửa hồng, má ngồi ôn lại những mẩu chuyện gia đình cho chúng tôi nghe… Má
thường nói, hết đời má, không hiểu các cô gái sau này còn giữ nếp gói bánh tét
không! “Ăn theo thuở, ở theo thì” má ơi!
Giờ thời buổi công nghiệp, đầu tắt mặt tối lo kiếm sống, có thời giờ đâu mà
ngồi gói. Năm hết Tết đến ra chợ mua vội vài đòn bánh tét về cúng cho có lễ
vật. Ôi, thời thơ ấu quý báu đó, nay còn đâu!!!
Các lu chứa gạo, chứa nước…: Chiều ba mươi quét dọn lau chùi xong, má kêu tôi phụ
tiếp xách nước đổ vào các lu, hũ chứa
nước đầy đủ. Còn lu hũ chưa gạo, nước mắm… lương thực thì khỏi phải nói, là
phải tràn trề rồi đó.
Tất niên: Có
thể là ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu
là năm thiếu). Đây là ngày gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất
niên. Buổi trưa ngày này, gia đình tôi
làm lễ cúng tất niên.
Sắp dọn bàn thờ, có một bàn thờ tổ tiên, ông bà (hay
còn gọi ông Vải). Hai cây đèn hai bên tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng và
nhang là tinh tú. Bộ lư đồng mắt tre để chính giữa là trục “vũ trụ”. Phía sau
hai cây đèn thường có hai cành hoa cúc giấy với nhiều bông nhỏ bao quanh bông
lớn. Có nhà cũng cắm “cành vàng lá ngọc” (một thứ hàng mã) với sự cầu mong làm
ăn được quả vàng, quả bạc và buôn bán lãi gấp nhiều lần năm trước. Đặt xen hai
cái đĩa giữa đèn và nhang để đặt hoa quả lễ gọi là mâm ngũ quả: Cầu, sung, dừa,
đủ, xoài.
Thấy Tết năm nào trên bàn thờ cũng chưng có bấy nhiêu
loại trái cây, tôi tò mò hỏi, má giải thích: “Ngụ ý cầu sung vừa đủ xài; chọn năm thứ quả theo quan niệm người xưa là ngũ
hành ứng với mệnh của con người. Chọn số lẻ tượng trưng cho sự phát triển,
sinh sôi. Ngoài ra, má còn dặn dò kiêng kỵ chưng trái có tên mang ý nghĩa xấu
(kể cả khi đọc trại) như chuối – chúi nhủi,
cam – cam
chịu, lê – lê lết, sầu
riêng, bom (táo), lựu – lựu đạn... và không chọn trái có vị đắng, cay.
Cúng giao thừa: Là lễ cúng mời tổ tiên về ăn Tết cùng với con cháu. Mâm lễ bao gồm các
món ăn mặn ngày Tết được chế biến tinh khiết với phong cách trang nghiêm.
Khi cúng giao thừa trong nhà, các thành viên trong
gia đình đứng trang nghiêm trước bàn thờ (không cần tất cả, chỉ cần gia chủ và
vài ba người nữa), cầu xin tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình gặp những điều
tốt lành, an khang thịnh vượng, sức khỏe tốt trong năm mới, bỏ hết đi những
điều xấu của năm cũ đã qua. Trong thời khắc giao thừa, mọi người trong gia đình
thường dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Dịp này, người ta thường đốt
pháo chào mừng năm mới.
Đốt
pháo: Thuở đó, ngoài đốt pháo ba
ngày Tết (chưa cấm), xứ tôi còn có lệ đốt pháo bằng “ống lói”. Nổ bùm bùm như
pháo lệnh. Trước ngày đưa ông Táo về trời, ba dẫn tôi ra bụi tre sau nhà, lựa
tìm cây tre già có đốt “nhặt”. Chặt một đoạn dài như nòng pháo, chừa hai nhánh
tre non làm chân pháo. Cưa đục một lỗ châm ngòi pháo. Phơi khô để đó. Mua chuẩn
bị vài ký “khí đá” (Carbua Calci=CaC2) để trong hộp kín. Nhà nào cũng làm sẵn
một bộ nòng pháo như thế, để trước cửa. Vào thời khắc giao thừa đến, sau khi
làm lễ cúng rước ông bà xong, người ta đổ “khí đá” vụn + nước vào lỗ châm-ngòi-
pháo; đợi hỗn hợp sủi bọt bốc khí, lẹ tay đậy kín cho nén khí, rồi lẹ tay dùng
cây mồi lửa châm vào. Bùm! Bùm!. Các nhà thi nhau châm hỏa đốt pháo. Nhà nào có
tiếng pháo nổ to dòn, xem như nhà đó thắng cuộc. Năm đó làm ăn phát đạt, tấn
tài tấn lộc tấn bình an. Có nhà châm phát pháo đầu tiên đã nổ banh ống tre; do
thiếu kỹ thuật chọn ống tre, có lẽ tre còn non!
Tục cân nước: Do quê tôi ở “Đầu nguồn châu thổ”, hằng năm phải chóng chỏi cơn lũ lụt
từ sông Mêkông đổ xuống, “cái khó ló cái khôn” người dân nơi đây phải tìm tòi
suy nghĩ những phương cách sống với mùa nước lũ này. Trong đó, có tục cân nước.
Tôi nhớ như in rằng, thời ông nội tôi còn sống, chiều ba mươi Tết, ông bơi
xuồng ra giữa dòng sông gần nhà (sông Vĩnh Tế) múc đầy một chai nước sông, đậy
nút cẩn thận, mang về nhà để lên bàn cân, ghi cẩn thận trọng lượng chai nước
xong, để đó. Đến đúng thời khắc giao thừa, sau khi hoàn tất thủ tục cúng rước
tổ tiên ông bà, để mọi người lo phần còn lại. Ông một mình bơi xuồng ra giữa
dòng sông Vĩnh Tế, đúng vị trí múc nước chiều ba mươi Tết, múc một chai nước
khác, mang về cũng cân trọng lượng bao nhiêu. Nhìn số con cháu tò mò bu quanh
xem, ông nội cười cười hỏi: “Đố ai biết ông nội làm gì?Ai nói trúng ông lì xì
hai bao thơ!”. Lũ trẻ chúng tôi nhìn nhau ngơ ngác. Chẳng hiểu cái gì. Ông nội
từ tốn giải thích: “Đây là cách dự đoán nước lũ hằng năm ở xứ mình lớn hay nhỏ.
Chai nước đêm giao thừa có trọng lượng lớn hơn chai nước đêm ba mươi thì cơn
nước năm đó lớn hơn năm cũ. Cứ thế mà suy ra”.
Tôi không hiểu cách tính này chính xác bao nhiêu phần
trăm. Nhưng xin ghi ra đây, để nhớ về một cách sinh tồn ở vùng đất phương Nam .
Đến đời ba tôi thì không thấy duy trì. Nghe nói đâu nhà văn Sơn Nam có
ghi lại trong tạp chí Hương Quê, không rõ số mấy.
Ba ngày Tân niên:
* “Ngày mồng Một” là ngày Tân niên đầu tiên và được coi là ngày quan
trọng nhất trong toàn bộ dịp Tết. Sáng mùng Một Tết, cả nhà dậy sớm, thay quần
áo mới để làm lễ gia tiên. Con cháu tụ
họp ở nhà tộc trưởng làm lễ tổ tiên, ăn tiệc và chúc Tết ông bà, các bậc huynh
trưởng. Theo quan niệm, cứ năm mới tới, mỗi người tăng lên một tuổi, bởi vậy
ngày mồng Một Tết là ngày con cháu “chúc thọ” ông bà và các bậc cao niên. Theo
tục: “Mồng Một Tết cha”.
Đây cũng là ngày nôn nao chờ đợi nhất của trẻ thơ
chúng tôi. Suốt đêm giao thừa nằm trằn trọc mong trời mau sáng để được người
lớn “lì xì”. Trẻ thơ chúng tôi nghe tiếng lì xì là thích vì được người lớn cho
tiền tiêu xài, nhưng không hiểu ý nghĩa lì xì là gì. Lớn lên, tìm hiểu mới
biết. Xin chép lại đây hầu quý vị nhân dịp đầu xuân, không hiểu có thừa không.
- “Lì xì
(phát âm: ya sui qian): Người lớn
thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, hay “hồng bao”, gọi là “lì
xì” với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn. Theo cổ tích thì trong “hồng bao”
có tám đồng tiền (là Bát Tiên hóa thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi
quỷ đến quấy nhiễu, vì ma sẽ sợ giấy màu đỏ.Theo truyền thuyết: Ngày xưa có một con yêu
quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa khiến trẻ con giật mình khóc thét lên.
Hôm sau đứa trẻ nhức đầu, sốt cao, làm cho bố mẹ không dám ngủ, phải thức canh
phòng yêu quái. Có một cặp vợ chồng nọ mới sinh được một mụn con trai kháu
khỉnh. Tết năm đó, có tám vị tiên dạo qua, biết trước cậu bé sẽ gặp nạn liền
hóa thành tám đồng tiền ngày đêm túc trực bên cậu bé. Sau khi cậu bé ngủ say,
hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại và đặt lên gối con rồi
ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện định làm hại đứa trẻ thì từ chiếc gối lóe
lên những tia vàng sáng rực, khiến nó khiếp vía bỏ chạy.
Tiền mừng tuổi nhận được trong ngày Tết gọi là “Tiền
mở hàng”. Xưa còn có lệ cho tiền phong bao với số tiền lẻ (chứ không phải là
tiền chẳn), ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều.
- Xông đất (hay đạp đất, mở
hàng): Ngay sau thời khắc giao thừa,
bất cứ người nào bước từ ngoài vào nhà với lời chúc năm mới được coi là đã xông
đất cho gia chủ. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà
quan trọng. Cho nên cứ cuối năm, mọi người tìm xem những người trong bà con hay
láng giềng có “hạp tuổi”, có đạo đức và thành công để nhờ sang thăm. Người đến
xông đất thường chỉ đến thăm, chúc Tết chừng 5 đến 10 phút chứ không ở lại lâu,
cầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt.
Trước đây, có một thời tôi được mời đi xông đất, có
niềm vui vì đã làm được việc phước, người được xông đất cũng sung sướng vì tin
tưởng gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới. Bẳng đi thời gian, không thấy mời xông đất, hỏi ra mới biết. Từ
khi chuyển công tác qua ngành bảo vệ pháp luật, bạn bè ngán ngại “Pháp luật”
đến đầu năm. Nên không mời nữa! Ôi thôi, thế thì ba ngày xuân ở nhà đọc sách
vậy!
- Khai ấn và Khai bút: Đầu xuân, chọn ngày tốt, giờ tốt, ba tôi kêu chúng
tôi đến ngồi ngay ngắn trên bàn học, khai bút đầu năm. Mỗi đứa viết bài hoặc
một đoạn văn, một câu thơ... đầu tiên trong năm...
- Khai trương, làm lấy ngày: Dù có mải vui cũng chọn ngày để khai trương, làm lấy
ngày. Nhân dịp Tết Ất Mùi 2015, xin hầu quý vị ngày lành tháng tốt theo lịch
phương Đông, tùy nghi hành sử: “Có trời mà cũng có ta. Xưa nay nhân định
thắng thiên cũng nhiều” – ND.
- Đi lễ chùa và xin xăm: Tết đến, nhất
thiết phải qua chùa thắp nén hương, dâng tiền giọt dầu hoặc tiền công đức cho
chùa. Vào ngày đầu năm, tại chốn linh thiêng, người ta tin rằng điều cầu khấn
của mình có nhiều khả năng thành hiện thực.
Trong những ngày đầu năm âm lịch thì rất nhiều người
thích đi lễ ở các lăng tẩm, đền chùa để cúng bái và xin xăm nhất là vào buổi
sáng mồng Một, phong tục này thường được tiến hành chung với tục lệ chọn hướng
xuất hành và hái lộc.
* “Ngày mồng Hai” là ngày có những hoạt động cúng lễ tại gia vào sáng sớm. Sau đó, người
ta chúc Tết các bà mẹ theo tục “Mồng
Hai Tết mẹ”. Riêng đàn ông chuẩn bị lập
gia đình còn phải đến nhà cha mẹ vợ tương lai (nhạc gia) để chúc Tết.
* “Ngày mồng Ba” là ngày sau khi cúng cơm tại gia theo lệ cúng ít nhất đủ ba ngày Tết,
các học trò thường đến chúc Tết thầy dạy học theo tục “Mồng Ba Tết thầy”. Trong những ngày này người ta thường đi thăm viếng,
hỏi thăm nhau những điều đã làm trong năm cũ và những điều sẽ làm trong năm
mới. Mồng Ba thì ba tôi thường cúng một con gà khai trương. Đôi chân gà được
treo cùng chỗ bùa nêu trước nhà; sau khi ba tôi xem bói chân gà cẩn thận. Đến
đời tôi thì không được thụ đắc về tục xem chân gà này.
Trò
chơi ba ngày Tết: Trước đây, Châu Đốc là
tỉnh lỵ. Tết đến, dân chúng từ các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đeo xe lambretta…
An Phú, Tân Châu đi “tắc ráng”… nô nức kéo về rạp Tân Việt xem hát cải lương của các đoàn nổi tiếng như: Thanh Minh
– Thanh Nga, Kim Chưởng, Hương Mùa Thu…với các bậc danh ca Út Trà Ôn, Hữu
Phước, Út Bạch Lan… Tôi “mê” giọng ca mùi mẫn của những danh ca này, cười nức
nẻ với hề Minh, Văn Hường… nên ba ngày Tết, trừ mồng Một ở nhà chúc Tết, kiếm
tiền “lì xì”. Còn lại ngày nào cũng túc trực 24/24 ở rạp hát Tân Việt “coi” cải
lương.
Một số thì chơi “ đá gà”…
Cờ bạc:
Ngày thường, gia đình cấm đoán con cháu không được cờ bạc rượu chè nhưng trong
dịp Tết thì ba tôi cho phép “chơi” ba ngày Tết... ai thích trò nào chơi trò ấy.
Đến lễ hạ nêu thì trở lại thường ngày lo làm ăn.
Khai hạ:
* Cúng đưa và Hạ nêu: Trong những ngày Tết, người Việt quan niệm rằng có sự
hiện diện của ông bà tổ tiên nên bàn thờ luôn được thắp hương và cúng cơm mỗi
ngày.
Ngày mồng Bốn tháng giêng theo lịch phương Đông là
ngày con nước. Chiều mồng Bốn hay mồng Năm cúng tiễn đưa ông bà: Gia đình làm
cơm, đốt giấy tờ vàng bạc (vàng mã) gửi người thân khuất bóng, với lời cầu nguyện phù hộ độ trì cho con cháu gặp
nhiều may mắn, làm ăn phát đạt trong năm mới. Vào ngày mồng Bốn và mồng Năm
tháng giêng, người ta kiêng xuất hành vì đây là ngày không tốt: “Mồng
Năm, mười bốn, hai mươi ba. Đi chơi cũng thiệt, lựa là đi buôn”.
Chiều mồng Bảy
cúng Hạ nêu. Ngày mồng Bảy tháng giêng (cũng có thể là mồng Sáu
tháng giêng) là ngày cuối cùng của chuỗi lễ hội Tết. Trong ngày này, người Việt
làm lễ hạ cây nêu, gọi là lễ Khai hạ, kết thúc dịp Tết
Nguyên đán và bắt đầu bước vào việc làm ăn trong năm mới từ ngày mồng tám hoặc
mồng chín tháng giêng.
Dòng họ Nguyễn của tôi có lẽ xuất phát từ miền Trung,
theo phò Chúa Nguyễn vào miền Nam
lập nghiệp. Nên hằng năm có lệ cúng “Vật lề” ngày mồng Bảy Tết. Lễ vật gồm có
cá lóc nấu “cháo ám”, để trong chiếc thuyền kết bằng bè chuối, cúng xong, đưa
thuyền này xuống sông để thuận buồm lướt gió về miền Trung.
Theo sự giải thích của nhà văn Sơn Nam ,
người miền Nam
không có tục lệ viết gia phả. Vì phải chịu đựng chiến tranh, loạn lạc liên
miên, nếu chẳng may viết gia phả lọt vào tay kẻ địch sẽ bị truy sát “tru di tam
tộc”. Nên đặt ra lệ cúng “vật lề” để làm tín hiệu nhận nhau cùng họ tộc. Chẳng
hạn, cùng họ Nguyễn, cúng “vật lề ” cùng ngày, cùng lễ vật như nhau thì là cùng
họ tộc. Cùng họ Nguyễn, mà ngày cúng, lễ vật khác nhau thì không phải là cùng
họ tộc.
PHẠM VĂN RỚT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét