ĐUA BÒ Ở BẢY NÚI
Hằng năm, vào dịp tết Dolta của người Khmer ở An Giang, nhiều sinh hoạt văn hóa thể thao diễn ra phục vụ đồng bào vui tết, trong đó có Lễ hội đua bò Bảy Núi được hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn luân phiên tổ chức rất hào hứng, sôi nổi suốt nhiều năm qua. Thất Sơn là vùng núi đồi hiếm hoi giữa đồng bằng bao la bát ngát của tỉnh An Giang.
Gọi
là Thất Sơn, thực ra không chỉ có bảy ngọn núi theo truyền tụng là:
Thiên Cấm Sơn (núi Cấm), Ngoạ Long Sơn (núi Dài), Ngũ Hồ Sơn (núi Dài
Năm Giếng), Anh Vũ Sơn (núi Két), Liên Hoa Sơn (núi Tượng), Phụng Hoàng
Sơn (núi Cô Tô), Thuỷ Đài Sơn (núi Nước) mà còn hàng chục ngọn núi hoành
tráng khác cũng sừng sững không kém như: Trà Sư, Bà Đội Om, Tà Bạ, Nam
Di, Phú Cường… Thất Sơn nằm trải dài trên hai huyện Tịnh Biên và Tri
Tôn. Đây là vùng đất cao không bị ngập trong mùa nước nổi và có người
dân tộc Khmer sinh sống khá đông. Người dân ở đây hằng năm trồng lúa
cấy, gọi là ruộng trên, cho ra loại lúa Sóc rất thơm ngon và trở thành
đặc sản của vùng Bảy Núi. Chẳng những du khách phương xa đến Tịnh Biên,
Tri Tôn lùng mua loại gạo nầy mà ngay các huyện lân cận sống giữa đồng
lúa phì nhiêu bạt ngàn vẫn thích ăn gạo lúa Sóc của người Khmer.
Hằng
trăm năm qua, từ khi ông Phan Văn Vàng tìm được giống lúa sạ, nông dân
An Giang khẩn hoang gieo trồng tạo thành những cánh đồng lúa mênh mông
trên đất phù sa. Đặc tính của lúa sạ là theo nước rất giỏi và sống bền
bỉ. Nước nổi dâng cao đến đâu lúa sạ vươn theo đến đó. Thậm chí vào mùa
mưa bão nước lên nhanh vượt qua đầu, ít hôm sau nước đưng lại lúa sạ vẫn
phơi phới vượt lên. Khi dân số tăng cao và nông nghiệp phát triển,
người ta xẻ kinh, đấp đê bao ngăn nước để chuyển lúa sạ qua giống lúa
ngắn ngày sản xuất mỗi năm hai hoặc ba vụ với năng suất cao hơn nhiều
lần và cho sản lượng lúa lớn hơn cũng cùng một diện tích ấy. Lúa sạ dần
bị mai một nhưng ở ruộng trên của vùng Bảy Núi người dân tộc Khmer vẫn
giữ giống lúa cấy truyền thống.
Người
Khmer Bảy Núi sống theo phum sóc quanh chân núi. Có nơi sống xen kẽ với
người Kinh. Hầu hết người Khmer đều làm ruộng và bò là động vật cày kéo
nên được nuôi nấng, chăm sóc rất kỹ. Tập quán của người Khmer trong sản
xuất nông nghiệp là vần đổi công. Tới mùa vụ, những đôi bò trong xóm
tập trung cày, bừa cho đất của nhà nầy xong kéo sang đất của nhà khác
nên rất đông vui và có cảm giác công việc hoàn thành nhanh hơn. Hình ảnh
hàng chục đôi bò cùng cày trên một cánh đồng dưới chân núi đã giúp cho
những nhà sáng tác tạo nên nhiều bức ảnh nghệ thuật đặc sắc.
Trong
bối cảnh nhộn nhịp ấy, có những chiều bừa ruộng xong sớm, một số chủ bò
cao hứng rủ nhau bắt cặp đua chơi. Để chứng tỏ đôi bò của mình khoẻ, ai
cũng muốn giành chiến thắng. Nhưng khi vào đua rồi mới biết, bò khoẻ
chưa đủ, còn tài nghệ của người điều khiển sao cho đôi bò nhịp nhàng
tăng tốc. Đua chơi nhưng từ từ trở thành một môn nghệ thuật hấp dẫn và
không bao lâu sau lan rộng ra các phum sóc khác. Rồi đôi bò vô địch phum
sóc nầy không còn đối thủ, phải thi đấu với những đôi bò của phum sóc
khác. Đó là vào mùa mưa cày bừa để gieo cấy, đua trên ruộng nước xâm
xấp. Đến khi lúa chín, vào mùa gặt, dùng bò kéo xe chở lúa họ cũng rủ
đua. Đua bò kéo xe phải chạy trên đường làng. Mới đầu chỉ có vài đôi
ngẫu hứng đua chơi, dần dần phổ biến ngày càng đông nên kéo xe bánh lớn
bất tiện, người ta đổi xe bánh nhỏ chở một hai người ngồi vì đường làng
chật hẹp. Đôi bò chạy sau nếu không vượt qua được đôi bò trước thì chỉ
cần đạp lên xe của đôi bò trước là thắng cuộc. Có con lỡ đà té nhào vào
thùng xe của đôi trước làm cả hai xe bị lật xuống ruộng. Hình thức đua
nầy khá nguy hiểm nên không được duy trì. Người ta thích đua bò kéo bừa
trên ruộng nước hoặc trên đường cát, an toàn hơn.
Người
Khmer theo đạo Phật tiểu thừa và ngôi chùa là nơi thiêng liêng, sinh
hoạt tinh thần của mọi người. Hằng năm các đôi bò trong phum sóc đều kéo
nhau đến cày bừa thí công cho đất của chùa. Và sau những buổi cày bừa
các đôi bò lại rủ nhau đua. Sư Cả chùa và Tà À cha thấy vậy đứng ra tổ
chức và treo giải thưởng là những sợi dây nài khớp bạc hoặc những vòng
lục lạc đẹp mắt. Từ đó đua bò trở thành tập quán của người Khmer Bảy Núi
vào dịp tết Dolta hằng năm, khoảng cuối tháng tám đầu tháng chín âm
lịch.
Năm
1992, chính quyền hai huyện vùng Bảy Núi là Tịnh Biên và Tri Tôn nhận
thấy đua bò là một hoạt động văn hoá thể thao độc đáo của người dân tộc
Khmer đã nhiều năm góp phần phong phú, sinh động cùng với nhiều hoạt
động nghệ thuật khác trong dịp tết Dolta. Hai huyện đã đứng ra liên kết
tổ chức thành Lễ hội đua bò truyền thống hằng năm để đồng bào dân tộc
được vui chơi, thưởng ngoạn và rèn luyện thể lực, thi đua chọn bò khoẻ,
bò hay phục vụ nền sản xuất nông nghiệp năng suất cao. Lễ hội được hai
huyện luân phiên nhau tổ chức, trao giải thưởng. Các ngành chức năng của
huyện tham gia Ban tổ chức và cuộc đua có điều lệ, qui định rõ ràng.
Đến nay, Lễ hội đua bò Bảy Núi đã tổ chức được 15 lần và lần thứ 16 năm
2007 tới phiên huyện Tịnh Biên đăng cai. Mỗi huyện đã xây dựng một sân
đua cố định đúng tiêu cuẩn. Tri Tôn là sân gần chùa Tà Miệt ở xã Lương
Phi và Tịnh Biên là sân gần chùa Thơ Mít ở xã Vĩnh Trung.
Sân
đua bò là một thửa ruộng hình chữ nhật xâm xấp nước, dài từ 150 đến 160
mét, ngang từ 70 đến 80 mét, chung quanh có đê cao một mét bao bọc cũng
là nơi để khán giả đứng xem và cổ vũ. Cuối sân có một cửa trống để bò
đến đích có lối thoát ra ngoài. Tham dự Lễ hội đua bò Bảy Núi hằng năm
có trên dưới 40 đôi bò vào vòng chung kết được tuyển chọn từ các cuộc
đua vòng loại ở cấp xã, thị trấn. Trước kia huyện đăng cai được 20 đôi,
huyện còn lại 18 đôi; gần đây mở rộng cho huyện lân cận 5 đôi nữa, nâng
tổng số lên 43 đôi. Các đôi bò thi đấu từng cặp ngẫu nhiên do bốc thăm
và loại trực tiếp, cuối cùng tranh 8 giải gồm nhất, nhì, ba, tư và 4
giải khuyến khích.
Khoảng
7 giờ 30 phút sáng, các đôi bò mang bừa có gắn mã số cùng với người
điều khiển gọi là tài xế tập trung trước khán đài làm lễ khai mạc, sau
đó có 20 phút cho các đôi bò đi tác (khởi động). Tài xế tuổi từ 20 đến
50, sức khoẻ tốt và có kinh nghiệm điều khiển bò. Tài xế đóng vai trò
rất quan trọng trong việc thành bại vì luật đua qui định các đôi bò đều
chạy hai vòng hô (chạy chậm), sau đó chuyển sang vòng thả (chạy nhanh)
trên đoạn đường quyết định 100 mét (hoặc 120 mét tuỳ theo sân). Đôi nào
vượt lên về đích trước sẽ thắng cuộc với điều kiện không chạy ra khỏi
đường đua rộng 8 mét. Trường hợp vào vòng thả, cách điểm xuất phát 30
mét (có sân qui định 20 mét) trở lên nếu đôi sau đạp lên cây bừa của đôi
trước được công nhận thắng cuộc không cần phải đến đích. Vòng thả rất
sôi nổi và hào hứng, hai đôi bò vùng lên chạy quyết liệt, nước bắn tung
toé trong sự cổ vũ của khoảng 20 ngàn khán giả trên sân. Tài xế phải gan
dạ, bình tĩnh, khéo léo chích gậy cho bò chạy hết tốc độ mà không phạm
luật, tức là không lệch ra ngoài đường đua và mình vẫn đứng vững trên
thanh bừa. Nhiều trường hợp khi bò phi nước đại tài xế bị té rớt xuống
đường đua rất dễ bị đôi sau dẫm đạp lên hết sức nguy hiểm. Nhưng từ
trước đến nay chưa có tài xế nào té bị trọng thương, dường như phản xạ
của bò cũng rất nhanh, khi thấy người té là nhảy tránh ngay.
Qua
15 lần tổ chức Lễ hội đua bò Bảy Núi, có những đôi bò đoạt giải cao như
bò của ông Chau Chiu ở xã Núi Tô huyện Tri Tôn, một lần giải nhất, hai
lần giải nhì và ba lần giải ba. Đặc biệt, đôi bò của cha con ông Nguyễn
Văn Tấn, Nguyễn Văn Bi ở xã An Hảo huyện Tịnh Biên bốn lần giải nhất,
hai lần giải nhì và một lần giải ba.
Một
buổi sáng mưa vừa dứt hạt, tôi và anh Cao Quang Liêm, Phó bí thư thường
trực huyện uỷ; anh Nguyễn Văn Kinh, Trưởng đài phát thanh huyện Tịnh
Biên về ấp Tà Lọt, xã An Hảo để tìm chú Nguyễn Văn Tấn. Gặp chú ở văn
phòng ấp và thật thú vị khi biết chú hiện là Trưởng ấp Tà Lọt. Chú mê
chơi bò từ năm 20 tuổi và đến nay đã 66 tuổi vẫn chưa thôi. Ba người con
trai của chú là Nguyễn Văn Bi, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Đồng đều mê
bò như cha. Riêng anh Nguyễn Văn Bi, người con thứ ba của chú Tấn đã 38
tuổi, được cha huấn luyện từ năm 11 tuổi, nay là tài xế cự phách của
vùng Bảy Núi, điều khiển bò nhiều lần đoạt giải.
Chú
Nguyễn Văn Tấn chào đời tại xã Xuân Tô, nay phần đất nầy tách qua xã An
Phú, giáp với biên giới Kampuchia. Năm 1978, chú dời nhà về ấp Tà Lọt
xã An Hảo và được bầu làm Trưởng ấp từ năm 1999 đến nay. Ngươi không vạm
vỡ, trái lại còn hơi gầy guộc nhưng nhanh lẹ, là con nhà nông nên cuộc
đời chú gắn liền với đất và những đôi bò phục vụ cày kéo trong sản xuất.
Từ khi vùng Bảy Núi có lệ đua bò dù là tự phát, các chủ bò rủ rê nhau
đua chơi trong các mùa cày mùa gặt, chú đã cảm thấy “khoái” cái thú đua
bò và đam mê từ lúc còn trai tráng. Khi lập gia đình, chú may mắn gặp
người vợ ủng hộ chú hết mình. Có khi thấy chú cưng bò quá, như mua dừa
tươi, hột gà, nước thốt lốt tẩm bổ cho bò; dẫn bò đi tắm kỳ cọ từng chút
lấy khăn sạch lau khô, thiếm vờ trách chú cưng bò còn hơn cưng vợ! Chú
nói vui: “ Bỏ vợ thì được chớ bỏ bò không được”. Thiếm chỉ còn nước cười
trừ. Kinh nghiệm cho chú biết cách lựa bò chạy nhanh, dẻo dai là những
con mình gân, chân cao, dáng dỏng dảnh. Cách điều khiển cũng được chú
tập luyện thuần thục để giữa bò và người hiểu ý nhau lúc nào chạy chậm,
lúc nào vọt nhanh, lúc nào đạp bừa đôi trước, cách bám đường đua và nghệ
thuật chặt cua vẫn giữ tốc độ mà không bị tạt ra ngoài. Khi tuổi đã
cao, chú giao nhiệm vụ tài xế lại cho người con trai đầu là Nguyễn Văn
Bi. Sức trẻ cùng với sự đam mê và kinh nghiệm do cha truyền lại, anh Bi
là người kế thừa xứng đáng khi liên tục điều khiển bò giật giải quán
quân những năm gần đây.
Chú
Tấn cho biết tham gia đua bò vì vui là chính chớ không vì lợi nhuận.
Chăm sóc bò đua cực khổ lắm, trước khi đua một tháng phải tập dợt liên
tục. Mặc dù khi đôi bò đua thắng cuộc, từ giá năm, bảy triệu một con
liền tăng lên gấp đôi, hay như đôi bò của chú hiện nay người ta trả ba
mươi triệu nhưng chú chưa bán. Đam mê và cao thượng là đức tính của
người nông dân tham gia đua bò, đã góp phần sinh động, hứng thú cho Lễ
hội đua bò Bảy Núi và mang lại không khí tưng bừng, náo nhiệt trong ngày
tết Dolta của người dân tộc Khmer. Tuy có năm anh Nguyễn Văn Bi bị một
số chủ bò khác triệt hạ bằng cách kiếm chuyện gây gỗ sinh ra ấu đả bị
thương phải bỏ cuộc, nhưng sự cố nầy rất hiếm xảy ra. Mất tài xế hay và
quen thuộc, đôi bò không còn phát huy tác dụng và tất nhiên không đoạt
giải cao. Người điều khiển bò được gọi là tài xế vì ngày xưa người ta
đua bò kéo xe, bây giờ đua bò kéo bừa mà vẫn gọi là tài xế thì không ổn.
Nhưng gọi là gì cho đúng hơn? Xin những ai mê đua bò góp ý…
TRỊNH BỬU HOÀI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét