TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

* TIẾNG VỌNG - Truyện của Đỗ Phu




   Cơn mưa chiều rưng rức. Lá cây khô lăn lóc trước sân, bên hàng hiên sương bắt đầu buông xuống. Vài tiếng côn trùng réo rắt thót vào tim Thuật. Mái hiên này, những ngày trước là nơi tựa đầu nhau, những sợi tóc thơm bay vào mặt Thuật khi cơn gió vờn qua Thuật vui vô cùng sau những ngày lên lớp khan cổ, hai người thủ thỉ chuyện gia đình tương lai rất tâm đắc.
    Hai đứa mãi bàn chuyện nên quên buổi cơm chiều mẹ nấu cho, cá rô kho nồi đất, một tô canh chua bông súng cá đồng, ngon quá mẹ ơi. Mẹ giục Thuật và Hằng hai đưa vào ăn cơm đi rồi nói chyện tiếp. Mẹ rất thương Thuật và Hằng, Thuật là đứa con độc nhất trong gia đình, kể từ ngày ba Thuật mất cách nay gần chục năm, bà cặm cụi nuôi Thuật, cho đi học suốt đến khi ra trường về dạy học ở một trường cấp huyện. Thuật cũng chịu khó về nhà khi hết buổi dạy để chăm sóc mẹ và mảnh vườn cây ăn trái, mẹ Thuật là người nội trợ rất giỏi. Ngày xưa bà được nhiều chàng trai làng ngắm nghía và xin dạm hỏi. Ông ngoại chỉ chịu gả cho ba của Thuật vì thấy tính tình anh dù cục mịch nhưng lam lũ, cần cù, ít tham gia tụ tập quậy phá xóm làng. Ông ngoại còn cho ba mẹ Thuật năm công ruộng để ra riêng.
   Cuộc sống nông thôn đã gắn bó nhau trong suốt quãng đời gia đình Thuật. Thuật lớn lên trong mái ấm tình thương của ba mẹ, của ông bà nội, ngoại. Được chăm chút việc ăn uống, học hành, và cũng tham gia việc cày cấy ruộng rẫy, Thuật cũng biết ít nhiều về trồng trọt chăn nuôi. Vì vậy Thuật làm nghề gì đi nữa cũng không quên những việc đồng áng của gia đình.
   Hồi còn học Đại học, Thuật quen Hằng cô bạn cùng lớp, Hằng thông minh, nhanh nhạy, liếng thoắt. Hằng giúp Thuật nhiều lần khi Thuật bận chuyện nhà, không chép bài học. Những lần đi dã ngoại, Hằng biết làm bánh, cắm hoa, Thuật tham gia đội văn nghệ của trường hát cũng hay, họ gần nhau nhiều, có cảm tình và rất thân nhau. Thỉnh thoảng Hằng theo Thuật về quê chơi, ra vườn hái trái, hay đi câu cá, chăm sóc rẫy... Hằng không ngại cuộc sống bình lặng ở vùng quê xa thành phố. Gia đình cô sống ở đô thị quen cảnh náo nhiệt, tiện nghi vật chất đầy đủ, chỉ thiếu sự gần gũi thân thiết như nông thôn. Vì vậy khi quen Thuật, cô rất thích sự cần mẫn vươn lên của Thuật và sự “chân tình đáng yêu” của chàng trai chân chất thật thà.
   Tưởng rằng hai người bạn sẽ gắn bó mãi bên nhau. Rồi một hôm, Hằng gặp Thuật kể cho Thuật nghe một chuyện đau lòng, ba mẹ Hằng sẽ đi định cư ở nước ngoài theo sự sắp xếp của chú Hằng, hiện đang là giám đốc một công ty lớn về hàng điện tử, cần một thư ký giỏi như Hằng và ông đã chấm Hằng, mặt khác ông cũng muốn Hằng có cuộc sống sung sướng, hạnh phúc ở nước ngoài với một chàng trai kỹ sư điện máy của một công ty cũng khá nổi tiếng. Hằng đi hay không đi, việc này đã làm cô ray rức và khóc suốt mấy đêm... Việc đã chuẩn bị sẵn sàng, Thuật đã hiểu hoàn cảnh gia đình của mình và  thấy rõ sự chênh lệch với một gia đình đại gia. Thuật chấp nhận chia tay và mong muốn Hằng được hạnh phúc...


   Nỗi đau này dằn dặt Thuật suốt thời gian dài, mẹ Thuật rất lo lắng sợ sự mềm lòng sẽ thay đổi tính tình của Thuật. Thuật nhận ra điều đó và rất thương mẹ. Thuật cố quên đi chuyện tình yêu như chiếc lá bay xa theo cơn gió hút, giờ đây anh còn mẹ là sự ấm áp của hơi thở gia đình.
   Cơn mưa chiều nay dai dẳng, làm se lạnh trái tim cứng rắn của Thuật. Mẹ Thuật nhắc Thuật bật đèn vì thấy Thuật vẫn còn ngồi trầm ngâm ngắm mưa. Mẹ bảo: “Thôi, đừng buồn nữa con à, mẹ sẽ nhờ các cậu của con lựa chỗ quen biết, mấy cô giáo cũng được lắm để tính tới chuyện lo gia đình cho con...”. Thuật thưa: “Dạ, tùy mẹ”. “Thiệt hong?”. “Dạ”. Thuật ừ hử cho mẹ vui chớ chuyện tình cảm đã gắn bó nay rứt ra là một chuyện khó, nỗi đau sao chóng quên được.
   Thuật lấy giáo án ra xem lại chuẩn bị cho ngày mai lên lớp, gió hiu hiu phả vào những trang giấy, Thuật nhớ lại những dòng chữ quen thuộc, nghịch ngợm mà dễ thương của Hằng còn ẩn hiện lên tập giáo án. Có tiếng ca ai đó vọng vào cơn gió như ru Thuật vào giấc ngủ: “Hoa mua ai bán mà mua... ư... ư...”. Thuật lẩm bẩm: “Có một bài mà ca hoài... lo ế hỏng lo ở đó còn chảnh chọe, hỏng ai mua đâu!”.
   Thuật hỏi mẹ cô nào hay ca vọng cổ ở bên bờ kinh bên kia vậy, mẹ nói: “Con Thương đó mà, hồi con vào Đại học nó lên thành phố học cấp ba, rồi hỏng biết nó làm sao hỏng thi Đại học lại đi học may, dìa nhà mở tiệm may dạy lại cho mấy đứa con gái hàng xóm, nhà nó cũng nghèo, ba má nó lớn tuổi rồi, mọi việc nó lo hết, kể ra cũng tội nghiệp, ba bốn đám tới hỏi cưới, nó đều từ chối, nó nói: Phận nghèo đâu dám trèo cao, làm dâu hỏng xứng như đeo gông cùm. Con có muốn làm quen hong, ngày mai con mang sấp vải nhờ nó cắt may cho cái áo sơ mi đi, áo con thấy cũ rồi, nhân tiện cho biết mặt luôn”. Thuật cười nói: “Bấy nhiêu chàng trai trẻ nhà giàu cô ấy còn chê huống chi con chỉ là nhà giáo quèn này hả mẹ!”. “Biết đâu, nó thay đổi, nó thích có chồng nhà quê hơn”. “Ít lắm mẹ ơi, các cô ngó lên chớ có ngó ngang ngó xuống?”. “Ừ, thì cũng tùy con à”.
   Thuật cũng chẳng để ý làm gì cô gái thợ may hay ca cẩm bài “Hoa mua”. Nhân dịp Tết Nhà giáo sắp tới, nhà trường có kế hoạch tổ chức buổi lễ long trọng, các thầy cô phải chuẩn bị trang phục mới để tiếp phụ huynh và học trò cũ về thăm. Thuật nghĩ mình quên việc may cái áo sơ mi mới, nay phải nhờ cô thợ may bên kia con kinh rồi. Thuật mang sấp vải sang nhà Thương, chào hỏi ba má Thương, hai ông bà tỏ vẻ rất quý thầy giáo nên mời nước rất ân cần. Hai ông bà còn níu kéo Thuật ở lại lâu hơn để hỏi thăm chuyện gia đình của Thuật, trước kia ông và ba Thuật cùng học Tiểu học ở trường làng, lớn lên ông nghỉ học lo làm ruộng, cưới vợ và bằng lòng với cuộc sống nông thôn không thích bon chen ra đô thị. Ông cũng muốn Thương có nghề nghiệp ổn định rồi gả chồng với điều kiện phải là chàng trai ở nông thôn biết làm ăn, thương vợ thương con.Vì vậy ông từ chối nhiều đám dạm hỏi mặc dù họ giàu, có của ăn của để có đám có danh vị trong làng nữa. Họ bảo ông già nghèo mà bày đặt làm eo, cho con  gái ông “ế” luôn.
   Khi tiếp chuyện với ba má Thương, Thuật thấy Thương cặm cụi bên cái máy may với một đống quần áo đã may, thỉnh thoảng ngước nhìn Thuật rồi cúi xuống sắp xếp những cái áo vào móc cẩn thận không nói gì với người khách tuy lạ mà quen đến nhà mình.
Mấy hôm sau, Thương mang cái áo sơ mi tới nhà Thuật gởi, trong lúc Thuật đi dạy chưa về, mẹ Thuật nhận và trả tiền công, cô ấy từ chối bảo rằng: “Ba con dặn may tặng thầy giáo một cái áo làm quen, tiền công hỏng có bao nhiêu, hồi đó, bác trai giúp gia đình ba mẹ con nhiều lắm”. Khi đi dạy về, mẹ mang cái áo cho Thuật xem bảo mặc có vừa hong, Thuật mặc vào thấy vừa vặn, mẹ khen cô ấy may khéo, nói năng từ tốn. Thuật nói: “Mẹ khen cô thợ may rồi phải không?”. Mẹ hỏi: “Còn con thấy thế nào? Cô ấy có dễ thương hong?”. “Dễ thương mà thương hỏng dễ mẹ ơi, mẹ hỏng thấy cô ấy từ chối nhiều chàng trai đến làm quen rồi đó sao?”. “Ừa, biết đâu con thì khác đó!”. Thuật cười cho mẹ vui: “Dạ, để con tìm hiểu thêm nghe mẹ?”. Mẹ gật đầu: “Ừ, mau mau nghe con, kẻo có ai rước đi thì buồn lắm”. Mẹ không muốn khơi lại chuyện tình cảm làm cho Thuật buồn, mẹ vội vào bếp hâm nồi cơm lại, lo cho Thuật bữa cơm đơn sơ mà mặn mòi. Thuật ăn rất ngon vì thấy mẹ vui.
Tối đêm đó, Thuật giăng cái võng đưa kẽo cà kẽo kẹt bên hiên nhà, ngắm trời chiều dần vào tối, chờ nghe bài vọng cổ quen thuộc, đậm đà tình cảm thân thương.Tiếng ca lại cất lên, êm êm như gió, mơn man vào giấc mơ, một giấc mơ thật hiền hòa không chập chờn trong cơn giông như những lần trước.
   Thương thường xuyên tới thăm mẹ Thuật nhiều hơn, có khi mang một mớ trái cây, vài con cá ba má Thương bắt được sang biếu mẹ Thuật, cô ấy còn may cho mẹ Thuật bộ đồ mới để có khi dự đám tiệc ở làng. Mọi chuyện bà đều kể cho Thuật nghe khi Thuật về nhà, Thuật không nói gì nhưng lòng thì thấy có cảm giác vui hơn.
Một ngày chủ nhật được nghỉ ở nhà, Thuật loay hoay với mảnh vườn cho mẹ, có anh bạn ở đầu xóm tới chơi kể nhiều chuyện làng chuyện xã, nào làng mình sẽ bắc cây cầu qua kinh cho bà con hai bên qua lại dễ dàng, xây mới trường học, kéo điện tới tận nhà, bà con tha hồ xem cải lương, tụi con trai thì thỏa thích theo dõi những trận bóng đá... và còn chuyện quan trọng cho Thuật, hồi sáng có đám ở thành phố tới coi mắt Thương, nghe nói ông bà già cũng chịu nhưng chờ ý của Thương nữa thôi... Nghe vậy, Thuật chỉ ngạc nhiên: “Vậy sao?”. Anh bạn cũng tự nhiên: “Cô ta hết ế rồi nghe!”. “Ừ, hoa mua có người mua rồi!”.
   Tối hôm đó, mẹ hay tin, mẹ buồn lắm, mẹ không ăn cơm, Thuật hỏi mẹ không trả lời, chỉ thở dài, mẹ lầm bầm: “Phải chi... con qua nhà cô ta nói một tiếng, ba má nó đâu có nhận lời người ta... ôi, mẹ vô phước quá!”. “Sao vậy mẹ, biết cô ta có chịu gia đình mình hong?”. “Thì... con biết rồi đó, có khi nào một người con gái tới nhà người khác hỏi thăm bà già còn mang cho cái này cái nọ...”. “Dạ, con biết rồi, mẹ đừng buồn”.
   Nghe lời mẹ, hôm sau Thuật lân la tới nhờ Thương may cho bộ đồ nữa, Thuật hỏi han thêm về việc giúp các cô gái trong làng học may, Thuật còn dặn cô nào muốn học thêm nâng cao trình độ để đi làm ở mấy công ty Thuật sẽ giúp cho, Thương từ tốn trả lời, còn chuyện có người ở thành phố tới xem mắt, Thương không nói được mà do ba má tính. Ông Hai Tình có tên gọi là ông Hai “Móc” tính vui vẻ, thường kể chuyện cho bọn bầy trẻ nghe, kết chuyện “móc” một câu chuyện đời ai nghe cũng cười. Ông thấy hai đứa có vẻ thân mật nên xen vào “móc” một câu: “Bữa nay hỏng đi dạy hả thầy, thầy tính mở lớp bình dân học vụ hay xóa mù chữ cho đám con gái trong làng vậy thầy?”. Thuật trả lời: “Dạ, bữa nay cháu hỏng có giờ dạy nên chạy qua nhờ cô Thương may cho bộ đồ chuẩn bị ăn cưới”. Ông cười: “Vậy hả thầy, đám cưới của thầy hả?”. “Dạ, đám cưới thằng bạn cùng dạy ở trường”. Hỏi vậy chớ ông biết hết ruột gan của Thuật rồi, muốn làm quen con gái ông hả, được nhưng phải chân tình, phải biết thương hoa tiếc ngọc và không chê gia đình ông nghèo. Tánh ông cũng bộc trực nên thích nói thẳng: “Thôi, thầy có tấm lòng chiếu cố tới gia đình tui, tui biết rồi thầy không chê con gái quê mùa, ít học, nhà cửa chẳng bằng ai... ngày mai nói chị Tư, mẹ thầy, sang chơi nghe, chuyện nào tới được cho tới luôn”. Được dịp, Thuật vui trong bụng, anh vội vã quay về thưa chuyện cho mẹ biết và chuẩn bị tinh thần nói chuyện trọng đại với Thương.
   Chiều đó, Thuật đong đưa trên võng, lòng rộn ràng một cảm giác mới thì có tiếng ca vọng sang: “Hoa mua ai bán mà mua... ơ... ơ”. Thuật cười thầm trong bụng, sẽ đáp trả: “Hoa mua có người bán thì... tui mua”.
   Sau bữa cơm thân mật, hai gia đình bàn chuyện tương lai cho hai đứa, mẹ Thuật nói cười rất vui vẻ. Đến phần lo chuyện cưới xin, lễ vật cưới hỏi, ông Tư mở lời: “Hai nhà đều nghèo, tui không thích bày vẽ chi, tôi cho miễn đám hỏi chỉ lo đám cưới thôi, còn việc nhà trai mang lễ vật tặng cô dâu ngày cưới thì chị chỉ sắm đôi bông tai, hai nhà cùng mời bà con tới uống chung rượu, ăn bữa cơm đơn sơ là được rồi”. Ông còn nói thêm làm mẹ và Thuật thấy bất ngờ: “Nói thiệt, tui đã chuẩn bị hết rồi, thấy chuyện đời ham giàu chê nghèo tôi ức lắm, rồi chuyện bọn trẻ không thiệt thương nhau, cưới vài năm rồi bỏ nhau thấy mà đau lòng, tôi chịu người thiệt thà chân chất, tôi thấy thầy đây chấp nhận con Thương, hỏng chê gia đình tôi thì tôi bằng lòng cho chúng nó làm đám cưới. Hỏng dấu gì chị, mấy năm trời tui chắt chiu cũng có mớ vốn cho chúng nó làm ăn như cho chúng nó cất cái nhà đàng hoàng, cho thằng Thuật mua cái xe Honda thay chiếc xe cà tàng, mua thêm dàn máy may cho con Thương mở lớp dạy may... đại khái là vậy, chị thấy sao?”. Mẹ Thuật nói: “Dạ, anh chị thương mới nói vậy, tui cám ơn, tui hỏng mong gì hơn”. Ông Tư còn nói: “Chị đừng ngại, thấy thầy Thuật, mà thôi kêu con cho thân mật, thấy thằng Thuật có hiếu tôi thương, thương mẹ ở góa nuôi con ăn học thành tài, nó không bày chuyện ăn chơi, rượu chè bê bết... tôi tin sau này nó cũng thương vợ nó lắm phải hong chị!”. Mẹ Thuật đáp: “Dạ, tui cũng nghĩ vậy, hồi xưa tới giờ ít khi nó làm tui buồn”.
   Đám cưới giản dị được tổ chức ở làng. Bà con hàng xóm cũng được mời tới chia vui. Chuyện ông Tư “Móc” nói cũng thành hiện thực. Mọi người mới “ngớ” ra chuyện ông từ chối nhiều đám tới hỏi cưới Thương vì họ không thiệt tình, họ còn có vẻ “khinh” gia đình của ông nghèo, nay mới biết ông cũng “khá” hơn bà con nhiều. Căn nhà hạnh phúc được xây lên bên tiếng trẻ thơ bập bẹ tiếng ba tiếng mẹ và giọng ca ngọt ngào thuở nào vẫn vọng ra bên cái võng ru con: “Hoa mua ai bán mà mua...”
ĐỖ PHU

 


           



                                  


1 nhận xét:

  1. Chuyện rất hay, cảm ơn nhiều.
    ...........................................................................................
    Ms Bình - Chuyên chụp hình cưới tại studio JERRY KHANG.
    Keyword: Dịch vụ chụp hình cưới tại Studio JerryKhang

    Trả lờiXóa