TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Năm, 9 tháng 10, 2014

* ÔNG KHÁCH TỐT BỤNG - Truyện của Thư Hương



- Cô ơi! Mua hoa vạn thọ giùm cháu đi cô!
- Bác ơi! Mua hoa vạn thọ về chưng Tết đi bác!
            Thằng bé luôn miệng rao mời, nhưng khách đi ngang vẫn cứ đi! Có người dợm dừng chân, nhìn đám vạn thọ trên chục giỏ thấp bé bị lấn lướt bởi đám hồng rực rỡ kế bên, rồi cũng lắc đầu bước đi luôn... Thằng bé buồn hiu.
         Ông Tư rỗi rảnh chiều nào cũng đi dạo chợ hoa Tết. Nhìn hoài quen mắt, ông gần nằm lòng đám hoa nào kế bên đám nào. Thế nhưng, không hiểu tại sao cứ đến chỗ thằng bé với đám vạn thọ khiêm tốn của nó, tự nhiên ông lại chùn chân. Hết nhìn mấy giỏ hoa, ông nhìn nó. Thằng bé trạc trên mười tuổi, da dẻ đen nhẽm toát lên nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống, nhưng không giấu được nét khôi ngô tiềm ẩn trong đôi mắt sáng hồn nhiên, chiếc mũi thanh tú, cái miệng luôn thốt lời lễ độ với mọi người xung quanh. Ông Tư không dằn được lòng trắc ẩn khi nhìn nó với bộ đồ mặc trên người, cái quần bạc thếch tuy còn khá tốt đối với áo sơ mi quá cũ nên còn mỏng tang như chực rách bất cứ lúc nào. Đã mấy ngày qua, ông Tư đều dừng chân trước chỗ thằng bé, âm thầm ngẫm nghĩ rồi lại bước đi với những bước chân nặng nề.
Thằng bé sống với bà ngoại nó ở cuối kinh Tư, trong căn chòi mục nát thiếu thốn mọi bề. Nguồn sóng của hai bà cháu là đám rau cạnh nhà hằng ngày nó chăm bón cũng như chăm sóc người bà chẳng may không còn ánh sáng của đôi mắt của cuộc đời.
            Thằng An thương ngoại lắm vì nó chẳng còn ai là người thân trên cõi đời nầy ngoài bà. Cuộc sống chắt chiu của hai bà cháu chỉ đủ cơm rau ngày hai bữa. Mỗi sáng tinh sương, những đêm mưa gió, nhìn ngoại co ro trong lớp áo phong phanh chạnh lòng ước sao ngoại có được chiếc áo ấm. Hoàn cảnh khốn khó đã hun đúc nó trở thành đứa trẻ rắn rỏi già dặn trước tuổi, biết suy nghĩ và rất chăm làm.
            Thấy bác Tám ở gần nhà năm nào cũng ươm hoa bán Tết, An vụt nảy ý tưởng bắt chước học theo bác để có tiền mua áo cho ngoại.
            Vợ chồng bác Tám rất quí mến bà cháu thằng An, luôn quan tâm giúp đỡ hai bà cháu neo đơn. Nghe thằng An bộc bạch ước muốn, bác Tám sẵn lòng như lâu nay bác vẫn sẵn lòng với nó. Bác ân cần chỉ dạy nó từ khâu chọn giống, chọn phân, cho đến mấy cái giỏ ươm hoa bác cũng lo cho nó hết.
            Rồi thì cùng lúc hai bác cháu cặm cụi lúi húi gieo trồng chăm bón trong mấy tháng trời, cho đến những ngày giáp Tết, trong khi đám hồng của bác Tám vững vàng khoe nụ, thì thằng An cũng được hơn chục giỏ vạn thọ vừa trổ hoa bum búp, nhưng vì mới học làm chưa trải nghiệm nên hoa của nó còn chưa như ý.
            Hôm nay nữa là ba ngày rồi, ba ngày thằng An gởi bà ngoại cho bác Tám gái để theo bác trai ra bán chợ hoa. Nó rất biết bác gái luôn ân cần chăm sóc bà ngoại, nhưng trong lòng vẫn bất an khi không ở bên ngoại ngần ấy thời gian.
            Hôm nay là ba mươi Tết, ngày cuối của năm cũng là ngày cuối của chợ hoa. Nếu không bán được chỗ hoa nầy, coi như bao nhiêu công sức, bao nhiêu hy vọng của thằng An trở thành bỏ sông bỏ biển.
            Lướt mắt nhìn khắp chợ hoa đã bắt đầu trống vắng, cả hoa của bác Tám kế bên rất nhiều cũng đã bán hết chỉ còn lẹt đẹt vài chậu, làm cho đám vạn thọ của nó lộ ra nổi bật giữa khoảng không vương vãi lá cành. Thằng An sốt ruột vô cùng, đứng ngồi không yên, không sao dằn được nỗi lo nỗi buồn ngổn ngang xâm chiếm trong lòng.
            Trong lúc đang thấp thỏm lo âu, nó không hay có một ông khách vừa xuất hiện trước mắt. Không đợi thằng An lên tiếng, ông Tư đon đả: “Ông muốn mua cho cháu hết chỗ vạn thọ nầy!”.
            An sợ mình nghe lầm, lắp bắp định hỏi lại, ông Tư biết ý, ông cố nói rõ ràng hơn: “Ông định mua hết chỗ vạn thọ nầy cho cháu!”.
            Thằng An vui mừng không sao tả hết, như nắng hạn gặp mưa. Rõ ràng trời còn thương cho nó gặp được ông Bụt giữa đời thường. Ông Tư không nói gì thêm, lặng lẽ dúi vào tay nó mấy tờ polimer mệnh giá 50 ngàn rồi cùng anh xe lôi lui cui bê hết đám vạn thọ chất lên xe trở về nhà.
            Cầm mấy tờ tiền trên tay thằng An muốn khóc, không nghĩ ngợi gì thêm, An chỉ muốn thực hiện cho bằng được ước mơ từ lâu của nó, nó vội vã hỏi đường rồi đi mau ra chợ, chỉ sợ không kịp mua áo cho ngoại, sợ cửa hàng đóng cửa sớm ngày cuối năm.
            Ông Tư trở lại tìm không gặp thằng An, ông hơi buồn một chút, đành gởi bác Tám gói quà nhờ bác trao lại cho nó.
            Nhìn ngoại hai tay vuốt vuốt lớp áo An vừa mặc thử cho. Mũi hít hít lấy mùi len mới, miệng cười móm mém, mắt vẫn nhìn trân trối vào khoảng không, thằng An ôm chằm lấy ngoại mà rưng rưng nước mắt.
            Đúng lúc nầy, bác Tám qua trao cho An gói quà của ông Tư gởi. Quá bất ngờ, thằng An xúc động ngẩn ngơ... Không dằn lòng được, An nôn nao mở gói quà. Sau lớp giấy gói là hai bộ đồ con trai kích cỡ của nó còn thơm mùi vải mới. An cầm lên tay ướm thử vào người, vừa vui mừng vừa cảm động nghẹn ngào, lòng thầm biết ơn ông khách giàu lòng nhân ái.
            Năm nay bà cháu thằng An ăn Tết lớn, món quà của bà ngoại là ước mơ của An trở thành hiện thực, còn món quà của ông Tư dành cho nó là ngoài mơ ước, thật đáng trân quý làm sao, chỉ tiếc thằng An mãi vội vã lo cho ngoại mà không kịp nói tiếng cảm ơn với ông khách tốt bụng ngày cuối năm.
Còn ông Tư, sau khi cúng kiến giao thừa, chốc chốc ông lại bước ra hành lang, nhà ông năm nay không có hoa hồng, hoa cúc, chỉ có đám vạn thọ được xếp dọc theo lan can, nhìn mấy chậu vạn thọ tuy có hơi thấp bé vẫn chen chúc nở hoa đều đặn, làm sáng rỡ khung cảnh trước nhà trong tiết xuân đang về, trong lòng ông phấn chấn như được chúc mừng “sống lâu trăm tuổi”, ông còn rất vui khi nhớ đến thằng bé, có lẽ giờ nầy nó đã nhận được quà.

THƯ HƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét