Sau khi sưu
khảo về những đình làng quanh vùng thượng nguồn sông Cửu Long, chúng ta mới
phát hiện một điều kỳ lạ! Những ngôi đình ấy chỉ thờ duy nhất có một người, là
danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh. Đấy là đình Thới Sơn (Tịnh Biên), đình Châu Phú
(Châu Đốc), đình Đa Phước (An Phú), đình Châu Phong (Tân Châu), đình Mỹ Đức,
đình Bình Thủy (Châu Phú), đình cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới)... Những đình làng
kể trên đều cúng giỗ Nguyễn Hữu Cảnh cùng một ngày (mùng 09 tháng 5 âm lịch
hằng năm).
“Nguyễn Hữu
Cảnh sinh năm 1650 tại Huế, tên thật là Nguyễn Hữu Kính, con thứ ba của Chiêu
Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật, một dòng họ làm quan nhiều đời, tiên tổ là Ức Trai
Nguyễn Trãi. Từ nhỏ, ông rèn luyện văn võ, theo cha trấn đóng tại Quảng Bình,
lập được nhiều công lớn và giữ đến chức Chưởng cơ.
Năm 1698, vâng
lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam, chia đất Đông Phố ra làm
dinh, làm huyện; lấy Đồng Nai làm huyện Phước Long và Sài Gòn làm huyện Tân
Bình. Đặt Trấn Biên dinh (tức Biên Hòa) và Phiên Trấn dinh (tức Gia Định).
Năm 1700,
Nguyễn Hữu Cảnh đến Vĩnh Long, sau đó đánh đuổi giặc tại Nam Vang. Làm xong
công việc, ông xuôi thuyền về nước. Khi về tới cù lao Cây Sao (Chợ Mới), ông
dừng quân để khao binh trong ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 05 tháng 5 âm lịch năm
Canh Thìn – 1700). Tương truyền trong đêm ấy, Nguyễn Hữu Cảnh chiêm bao thấy có
một hung thần hình vóc vạm vỡ, vẻ mặt hung hăng quái gở, đang thẳng tay hành hạ
cư dân Việt Nam sống hai bên bờ sông Cửu Long. Lập tức, ông đứng ra bênh vực và
đánh đuổi tên hung thần ấy. Trận chiến giữa ông và tên hung thần xảy ra long
trời lở đất. Đến khi giết được tên hung thần, ông Nguyễn Hữu Cảnh cũng quá mệt,
mồ hôi vã ra đầm đìa và lúc trời cũng vừa hừng sáng. Ông thuật lại giấc mơ kỳ
lạ với binh gia tướng lãnh, sau đó thổ huyết. Bệnh ngày càng trầm trọng, ông
kéo quân đến Rạch Gầm (Mỹ Tho) và mất tại đây nhằm ngày mùng 09 tháng 5 năm
Canh Thìn (1700), hưởng thọ 51 tuổi”.
“Sau khi mất,
ông Nguyễn Hữu Cảnh được nhiều sắc phong thần của các triều vua: Gia Long
(1810), Minh Mạng (1831), Tự Đức (1852) với các tước vị: Đô Thống Chế Dinh Thần
Cơ, Thượng Đẳng Thần, Khai Quốc Công Thần, Lễ Thành Hầu, Chưởng Binh Lễ, Thượng
Đẳng Lễ...”.
Từ lúc ông
Nguyễn Hữu Cảnh về đóng quân ở cù lao Cây Sao (Chợ Mới), thì từ đó, cù lao Cây
Sao đổi tên thành cù lao Ông Chưởng. Chữ Chưởng đây là chức vụ của ông Nguyễn
Hữu Cảnh, là Chưởng cơ hay Chưởng binh Lễ Thành Hầu. Về sau, có câu ca dao
rằng:
“Chiều chiều
quạ nói với diều,
Cù lao Ông
Chưởng có nhiều cá tôm”.
Trước năm
1700, cách nay trên 308 năm, người Việt đã có định cư bên hai bờ sông Tiền và
sông Hậu. Lúc bấy giờ, không thể nói lưu dân sống ở đây là nhiều được. Vì phía
Nam Vang gọi là Lục Chân Lạp, còn phía châu thổ sông Cửu Long gọi là Thủy Chân
Lạp, hay đất Tầm Phong Long. Một vùng đất trũng, nước đọng quanh năm, rừng
thiêng nước độc. Con người sống chung với thú dữ. Việc canh tác trồng trọt chỉ
khoét lỏm bỏm những giồng đất cao cặp theo hai bên bờ sông. Ngoài ra, còn gặp
không ít chim chuột, thú rừng đến phá hoại mùa màng. Duy chỉ có cá tôm là vô
số. Dân chúng không thể chết đói, có thể lấy tôm cá thay cơm. Vùng đất mới với
điều kiện khắc nghiệt, cư dân thưa thớt, cuộc sống luôn bị đe dọa:
“Chèo ghe sợ
sấu cắn chưn
Xuống bưng sợ
đĩa, lên rừng sợ ma”.
Nỗi lo âu khắc
khoải luôn canh cánh bên lòng:
“Đến đâu xứ sở
lạ lùng,
Con chim kêu
cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”.
Ngoài cảnh
vắng vẻ âm u, người dân luôn đối mặt với bệnh tật, giá rét, đói lạnh... Hơn
nữa, cư dân còn nơm nớp lo sợ bọn giặc Chân Lạp, chúng chờ đến mùa thu hoạch
thì tràn xuống cướp lúa, lùa trâu, hãm hiếp phụ nữ, giết chóc nhân dân.
Cho đến khi
ông Nguyễn Hữu Cảnh tảo trừ được giặc Chân Lạp và đuổi chúng về tận Nam Vang
thì dân chúng sinh sống quanh vùng mới được yên ổn.
Nguyễn Hữu
Cảnh là vị thần hộ mệnh của lưu dân:
Lúc bấy giờ
(1700), vùng đất Hà Tiên có Mạc Cửu chiếm cứ, cặp theo bờ biển Hà Tiên đến Cà
Mau. Phía Đông chúa Nguyễn quản lý đến Biên Hòa, Gia Định. Vậy, vùng đất châu
thổ sông Tiền và sông Hậu chưa nội thuộc chủ quyền của người Việt. Tuy nhiên,
lúc đó cặp hai bên bờ sông Cửu Long đã có người Việt ở rải rác từ lúc nào. Trên
đường đuổi giặc Chân Lạp trở về, ông Nguyễn Hữu Cảnh cho dừng quân lại thăm
hỏi, vỗ về ủy lạo lưu dân sống hai bên bờ sông. Dân Việt nô nức vui mừng. Chúng
ta có thể hiểu được tâm trạng người Việt lưu lạc, sống nơi hoang vu hẻo lánh,
nơi cùng trời cuối đất, thiếu thốn trăm thứ, bị giết chóc, cướp bóc, không ai
bênh vực. Bỗng dưng, gặp được người cùng giống nòi. Lại là tướng lãnh, binh gia
rầm rộ, đuổi được bọn ác, bảo vệ nhân dân cơ nhỡ, sức yếu thế cô. Vậy mà vị
tướng Nguyễn Hữu Cảnh nhân từ kia, còn dùng lời lẽ ngọt dịu, an ủi, ủy lạo lưu
dân, thì bảo làm sao dân không mến không thương cho được?! Tình quân dân cá
nước như nắng hạn gặp mưa rào. Vị quan lớn của triều đình Nguyễn Hữu Cảnh bỗng
xuất hiện giữa nơi quạnh quẽ, hoang vu, nơi khỉ ho cò gáy như thế này. Hình ảnh
của ông vừa hùng dũng, uy nghi như vị thần nhân từ, vừa đầy đủ uy lực phủ trùm
lên một góc trời, để che chở cho con dân nước Việt. Rồi đột nhiên, tin dữ như
tiếng sét xé lòng, xé ruột, tin ông qua đời làm cho lưu dân chết lặng, sững sờ.
Không ai bảo ai, phải lập ngay đền thờ để thờ ông. Lập tức, những ngôi đình
dựng lên khắp nơi, như những chiếc nấm mọc rộ sau cơn mưa rào. Đình Châu Phú,
Châu Phong, Đa Phước, Mỹ Đức, Bình Mỹ, Chợ Mới...
Từ đó, người
dân đi mở cõi có được một vị thần hộ mệnh, luôn theo sát mọi người để hộ trì,
che chở, phù hộ cho lưu dân có cuộc sống bình yên, no đủ. Các quỷ thần ở vùng
ma thiêng nước độc, khi thấy nơi nào có đình thờ Chưởng Cơ Thượng Đẳng Lễ Thành
Hầu Nguyễn Hữu Cảnh thì các ác thần phải rút sâu vào núi rừng. Thế là, nơi đó
sẽ được bình yên, mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt.
Đến năm 1757,
sau ngày Nguyễn Hữu Cảnh mất 57 năm, vua Chân Lạp Nặc Nhuận bị con rể là Nặc
Hinh giết chết để cướp ngôi. Con Nặc Nhuận là Nặc Tôn chạy sang nhờ Mạc Thiên
Tứ cầu cứu với chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn giúp Nặc Tôn lên ngôi. Để tạ ơn, Nặc
Tôn dâng đất Tầm Phong Long (vùng châu thổ sông Tiền và sông Hậu ngày nay).
Kể từ đó, đất
Tầm Phong Long được xác nhập vào địa đồ của ta về phương Nam , để đánh dấu kết thúc cuộc Nam tiến của
dân tộc suốt 775 năm (982-1757). Khi ta có chủ quyền, các tổ chức hành chánh
được thành lập, có quan lại trông coi, bắt đầu xúc tiến cuộc khẩn hoang lập ấp.
Và cũng từ đó, nhân dân đã nhiều lần trùng tu đình thần Nguyễn Hữu Cảnh trong
làng mạc của mình. Đến nay, hơn 300 năm, những ngôi đình làng theo thời gian
biến đổi, dần dần trở nên đẹp đẽ, sáng sủa trong màu ngói đỏ uy nghiêm, khói
hương nghi ngút.
Binh sĩ lập
đình để thờ chủ tướng Nguyễn Hữu Cảnh:
Từ nhiều đời
sau, người dân vẫn còn tôn kính vị khai quốc công thần có lòng thương yêu dân
như con, đối với thuộc hạ như tay chân. Lúc đó, ông chỉ ghé lại thăm viếng, hàn
huyên với người Việt cặp hai bờ sông Cửu Long trong một đôi ngày mà tình nghĩa
nhân dân còn nặng mang như vậy. Huống chi, binh gia đối với ông tình như chủ
tướng, từng sống chết trong lúc hiểm nguy, xông pha trận mạc, vào sanh ra tử.
Xuất binh từ miền Trung, ngàn dặm núi rừng xông xáo vào Nam , tiến qua
Chân Lạp, bình định Nam Vang. Trong toán binh gia ấy cũng có người xuất thân
cùng quê hương với ông. Bỗng chốc, ông rời xa vĩnh viễn, bỏ lại đệ huynh làm
cho mưa sầu, đất thảm. Các tướng lãnh cùng binh sĩ đều ngậm ngùi rơi lệ, rũ
trắng cờ tang. Đoàn quân tiến về mang theo hài cốt của ông trong niềm tiếc
thương vô hạn... Tưởng là bình định xong quân giặc, lúc về khải hoàn hát khúc
quân ca. Nhưng không ngờ, ông đột ngột chết đi, ví như cây đại thụ bỗng ngã quỵ
xuống dòng sông, binh sĩ thình lình mất đi vị chủ tướng tài ba, làm cho binh
gia bàng hoàng xót đau thảm thiết...
Theo đoàn quân
rút về kinh đô, đa số binh sĩ cùng hương hồn ông về lại quê hương. Nhưng, cũng
có số người ở lại hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu sinh cư lập nghiệp! Bởi vì,
sau ngày ông ghé lại thăm dân Việt hai bên bờ sông, nhìn thấy đất đai tài
nguyên trù phú, phù sa của dòng sông Cửu Long về sau sẽ có tiềm năng bồi đắp,
nâng cao vùng châu thổ nầy. Và nếu dân Việt định cư nơi này càng đông, thì bờ cõi
sẽ tiếp tục được mở rộng về phương Nam . Vì thế, ông ra lệnh cho thuộc
cấp, binh sĩ và binh phu của ông ở lại sống cùng nhân dân.
Chính đội quân
nòng cốt nầy, đầu tiên lãnh đạo bảo vệ nhân dân, khai hoang lập ấp. Và cũng
chính binh gia của ông, là động cơ thôi thúc dân Việt khắp nơi lập lập đình để
thờ chủ tướng Nguyễn Hữu Cảnh.
Tuy không theo
được đoàn quân về lại quê hương miền Trung xa xôi, nhưng binh tướng ở lại trên
mảnh đất phù sa trên cơm dưới cá nầy, đoàn kết quây quần lập ấp, lập làng, sanh
con đẻ cháu. Những người ấy, chính là những bậc Tiền hiền theo lệnh Nguyễn Hữu
Cảnh ở lại khai hoang mở cõi. Trong lòng quan binh luôn tôn kính vị tướng lãnh
mến yêu của mình. Vì vậy lúc nào họ cũng muốn có ông bên cạnh để nâng đỡ che
chở, nên đã lập đình tôn thờ. Thật sự, ông Nguyễn Hữu Cảnh đã hiển thần, và
liên tục nhiều đời vua nhà Nguyễn phong cho ông nhiều sắc thần, với danh vị
khác nhau. Ông Nguyễn Hữu Cảnh đã hộ trì cho con dân của mình quanh vùng châu
thổ sông Cửu Long liên tục được mùa, đời sống sung túc no đủ. Thế rồi, 57 năm
sau ngày ông mất, vùng đất Tầm Phong Long đã trở nên màu mỡ mà ông đã tiên
liệu, thì bấy giờ đã chính thức nằm trong bản đồ của đất nước Việt Nam.
Thật vậy, nhân
dân rất nhớ ơn ông, chính những ngôi đình thuở xa xưa được dựng lên bằng tre
nứa, thì ngày nay nhiều lần trùng tu trở nên đồ sộ, sừng sững nằm ngay đầu
làng, bên cạnh có gốc đa già hay hàng sao cổ thụ.
Xin được
nghiêng mình tri âm vị khai quốc công thần mở mang bờ cõi Chưởng Cơ Thượng Đẳng
Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, vị thần mà bao đời vẫn tồn tại trong lòng nhân
dân đất phương Nam.
Đ.V.N
* Tài liệu
tham khảo:
- Mùa hội Vía
– Trịnh Bửu Hoài.
- Lược sử Tân
Châu – Huỳnh Quang Ngự.
- Việt Nam sử
lược – Trần Trọng Kim.
- Nửa tháng
trong miền Thất Sơn – Nguyễn Văn Hầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét