TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

* CÂY LÚA THẦN VÀ CON CÁ LINH - Tùy bút Đỗ Văn Ngôn




Tôi gọi cây lúa “thần” vì thân lúa dài ba, bốn thước. Và con cá “linh” bởi có tánh linh, hễ nước giựt nó theo nước trở về nguồn, nơi nó sinh ra.
Trước năm 1975, tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hà Tiên chỉ toàn cây lúa thần và cá linh không biết làm gì cho hết. Cá linh nấu dầu để đốt đèn, cá linh ủ phân để bón cây. Về sau, cá linh làm nước mắm, làm mắm để dành ăn. Nhiều quá, đem bán cũng ít ai mua, phải bán rẻ, nên có câu: “Rẻ như cá linh”.
Cây lúa thần và con cá linh có liên quan với nhau. Trời sanh cây lúa lạ lắm! Hằng năm, nước đầu nguồn sông Cửu Long đổ về ngập đồng, sâu lút đầu. Vậy mà lúa vẫn mọc theo, nước tới đâu lúa theo tới đó. Thử tưởng tượng, cánh đồng mênh mông như biển, hơn trăm ngàn cây số vuông, cá linh non bằng que tăm từ biển Hồ tràn về, sống lẫn trong lúa và lớn nhanh như thổi. Cá vào đồng từ tháng bảy đến tháng mười thì lớn bằng ngón tay cái. Đến chu kỳ nước bắt đầu giựt, trong đồng nước ngã màu thúi đỏ. Cá linh chỉ sống được nước bạc, nên chúng nhanh chóng tìm cách thoát thân, theo đường kinh rạch, lần ra sông Cái, trở về biển Hồ. Lúc đó, người ra gọi: “Mùa cá ra”.
Vui lắm! Thuở ấy, lũ trẻ chúng tôi la cà theo đàn cá dại nổi đầy kinh. Chúng tôi đi dọc theo bờ, lấy tay kéo râu, bắt từng con cá chốt và làm chĩa nhiều mũi đâm cá lìm kìm, cá rô biển, cá hột mít…, nhưng cá linh là nhiều hơn hết. Người ta bắt cá bằng nhiều cách: Vó gạt, vó càn, đáy, lưới giựt… Từ trong ruộng, cá linh tìm mọi cách thoát ra kinh. Chỉ cần cái vó gạt chận ngang, trong chốc lát cá đầy ắp ghe chài. Những lúc cá tràn kinh xanh nước mà bên ngoài không còn chiếc ghe chài nào, buộc phải mở miệng thả cá ra sông, không thì bể lưới…
Cá nhiều như vỡ đê, vỡ đập. Nhiều đến độ không còn cân cá bằng ký mà phải đong bằng táo mới kịp. Thời kỳ ấy khan hiếm dầu lửa, nhà nào cũng chứa sẵn một lu dầu cá, để dành quanh năm đốt đèn. Cách đốt đèn đơn giản: Lấy cái tô bể đựng dầu, gát tim vải lên miệng tô. Vậy là, cây đèn dầu cá cháy tới sáng, chỉ lưng chút dầu thôi. Tụi nhỏ chúng tôi chờ đến mùa Tết, đổ dầu cá vào vỏ ốc bưu, thắp sáng, treo đầy gốc cây. Sáng ra, bên kia bờ sông đồn vang: “Năm nay xóm tôi giàu, ăn Tết chạy đèn điện”.
Thật ra, xứ nào cũng có cá, có mắm. Nhưng có lẽ mắm Châu Đốc là ngon nhất vùng. Mà muốn kho nồi mắm ngon, phải kiếm cho được con mắm cá linh. Đúng vậy! Cá linh là hương vị quê nhà! Đi xa, nhớ món cá linh kho lạt, chấm với bông súng đồng và điên điển đầu mùa vừa mới ra bông. Vị cá măn mẳn thơm lừng, vừa bùi, vừa nồng nàn ngon tê đầu lưỡi.
Bây giờ, cá linh khan hiếm, giá mắc ngang bằng thịt heo. Nhắc lại chuyện cá linh hồi xưa, tuổi trẻ lắng nghe thích thú, nhưng chúng bảo rằng giống như chuyện đùa, chuyện huyền thoại.
Cứ như là mới hôm qua, hôm kia, bữa cơm gạo Nàng Son (gạo lúa thần) bay thơm nồng khắp nhà. Chén cơm quê lấm tấm hạt điểm màu son, vị ngọt lừ ăn với mắm sống cá linh không gì sánh bằng! Gợi ta nhớ chuyện cây lúa thần lớn lên theo đất trời không phân, không thuốc. Giáp năm mới thu hoạch một lần, mỗi công chỉ được mười giạ.
Cánh đồng rộng bạt ngàn không có bờ mẫu như bây giờ. Nông dân liệng đại hột giống khô xuống ruộng, bừa lấp lại là xong. Năm nào trời hạn, nửa tháng sau mùa sạ mà chưa thấy rớt hột mưa, nông dân ra vào nhìn trời thấp thỏm, không yên. Lo sợ chuột, bọ, dế ăn hết hột giống, lúa thưa thớt thì vụ mùa cuối năm thất bát.
Xứ sở cây lúa thần làm ruộng như chơi, chẳng cực nhọc gì, sạ xong, ai nấy thu xếp về nhà, cánh đồng trở nên hoang vắng. Mấy người sinh sống bằng nghề gài rập chuột, ban đêm còn ở lại. Ai thích nghe chuyện ma trơi, ma đuốc, giữa đêm khuya giông gió thì kiếm mấy người gài chuột kể cho nghe chuyện ma say sưa đến rợn người. Tự dưng nửa đêm đau bụng, thức dậy mắt nhắm, mắt mở, trịt quần ị đại xuống bờ đìa. Bỗng dưng, đạn lửa từ đít xẹt lên trời có dây, có dọc. Hoảng kinh hồn vía, lúc đó chỉ kịp xách quần mà chạy. Cánh đồng về đêm là thế giới của người âm. Những đóm lửa nhỏ như ngọn đèn dầu leo lét, di chuyển tới lui, lúc nhanh, lúc chậm là chuyện thường. Cứ tưởng ai cầm đèn đi lại gần mình, nhưng khi bước ra chận đầu, ngọn đèn chuyển qua hướng khác. Hoặc chuyển không kịp, đóm lửa nhỏ bỗng dưng phụt tắt…
Đó là những lúc mùa khô, còn đến khi nước chạy vào đồng, cây lúa thần như bừng lên sức sống, lá bè ra và xanh mướt. Chừng đó, đàn cá linh xuất hiện. Không chỉ có cá linh mà các loại cá đồng như: Cá lóc, cá trê, cá rô… cũng nhiều vô số. Từ đấy, thôi thúc dân nghèo xoay ra sống nghề câu lưới. Lúc bấy giờ, xuồng câu dập dềnh, rải rác khắp đồng. Mỗi ngày ít nhiều cũng kiếm được năm, mười lít gạo. Ngoài ra, còn xuống lung nhổ thêm bông súng, chống quanh giề trấp đâm chuột, bắt rắn. Mùa nước mà chuột con nào cũng ú mềm. Rắn hổ thì dài thườn thượt, đem về nấu cháo đậu xanh ngon hơn thịt gà. Muốn ăn trứng chim, chịu khó chống xuồng hơi xa một chút, vào đồng lâm bẻ gương sen, hốt trứng cúm núm… dân sống trên đồng lúa “thần” nghèo nàn nhưng không đói. Mọi thứ đều có sẵn.
Nhưng đâu phải trời yên biển lặng hoài. Những hôm giông bão, đồng lúa cũng chao nghiêng. Thảm họa ập xuống mấy chiếc xuồng câu, chơi vơi không chịu nổi con sóng dữ, lật úp, chết người. Kinh nghiệm trên đồng nước, đêm xuống, xuồng phải tìm chòm gáo mà cột. Nếu không, gió mạnh bị xô giạt đến phương nào cũng chưa biết. Ẩn vào chòm gáo rồi, đôi lúc vẫn không yên, gặp cơn giông lớn đứt dây, chìm xuống, chỉ còn cách leo lên đọt gáo trốn mưa chờ sáng. Sáng ra, thấy bóng người mới la lên kêu cứu…
Dân nghèo sống bằng nghề câu lưới cam chịu lênh đênh mấy tháng trên đồng nước, đong gạo kiếm ăn từng bữa, thật nguy hiểm! Thời gian từ năm này qua năm khác, với họ vất vả mãi rồi cũng quen.
Trời đổi tiết, gió bấc thổi sòng ngọn, mang về hơi lạnh. Cây lúa thần hơi giựt mình, vội vã ra bông. Lúc nằm dài ngã đọt về hướng Nam, xuôi chiều như mái tóc người thiếu nữ. Nước bắt đầu giựt. Cá bỏ đồng tìm ra sông Cái. Thân cây lúa thần nằm chồng lên nhau dầy hai, ba tấc. Lúc nầy, những người thợ gặt xuống đồng, lưỡi hái cắt ngọt từng nạm bông, oằn hột. Tất cả được cộ lết, làm bằng tre, kéo bởi hai con bò gom về sân lúa. Không phải như bây giờ có máy gặt đập liên hợp mà bốn, năm con bò ken lại với nhau, đi xoay tròn trên sân lúa giẫm đạp sáng đêm. Vừa tờ mờ sáng người ta sốc bả, bới rơm, rồi đàn bò đạp đi, đạp lại nhiều lần. Đến khi không còn sót hạt lép mới thôi. Trên đồng, số rạ dầy, nông dân tận dụng sạ đậu.
Sau mùa lúa, cánh đồng bắt đầu xanh mùa rẫy. Xong rẫy, đến mùa đốt đồng, cày đất, rồi sạ xuống hạt giống mới. Vậy là, chu kỳ của cây lúa thần đã qua hết một năm.
Cây lúa thần thu hoạch năng suất không nhiều, nhưng đặc sản lạ thường của vùng đất ngập nước, một thời cung cấp lương thực dư dả cho Nam bộ. Cùng lúc, vụ mùa của cây lúa thần mang lại niềm vui rộn rã cho nông dân, chính là mùa thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Về sau, cánh đồng bao đê chuyển qua làm Thần Nông hai vụ, rồi lên ba vụ. Năng suất so với cây lúa thần tăng gấp bảy, tám lần. Cho nên ngày nay dường như ít ai còn nhớ tới một giống lúa quý đã thích nghi với vùng nước nổi, tồn tại một thời gian dài, suốt thời kỳ khai hoang mở đất. Mất cây lúa thần, từ đấy không còn môi trường sống của con cá linh nữa!...

ĐỖ VĂN NGÔN

( Theo - Đỗ Phu )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét