TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

* THỜI TÔI ĐI HỌC - bút ký Trịnh Bửu Hoài


 












    Thời tôi đi học không sung sướng bằng bây giờ nhưng cũng không cực nhọc như thời cha tôi.
     Thời cha tôi ở làng chưa có trường, muốn học phải ra tỉnh lỵ cách nhà gần năm cây số. Lúc đó cũng chưa có xe đạp, cha tôi phải đi bộ một ngày bốn lượt vì học hai buổi.
Trên đường có xe ngựa đưa khách, nhưng học trò nghèo đâu có tiền đi. Để mau tới trường, ông thường vịn đít xe ngựa chạy bộ theo. Mỗi ngày phải vượt qua hai mươi cây số bằng đôi chân trần trong nắng mưa để kiếm chút chữ nghĩa. Cái học ngày xưa gian khổ như thế đó.

     Thuở ấu thơ, tôi rất mê sách bút. Dù chưa biết chữ, nhưng gặp viết giấy là tôi vẽ nghuệch ngoạc chẳng ra con gì. Cha mẹ tôi là nông dân nhưng vì thương con nên sẵn sàng mua cho tôi từ cuốn tập này đến cuốn tập khác, hết cây viết này đến cây viết khác. Có lẽ nhờ vậy mà sau này tôi có hoa tay, viết vẽ đều khá đẹp.

Khi tôi lên sáu, ông Nội dạy kèm cô Út tại nhà nên tôi được học ké. Nhờ cô Út, tôi biết được những chữ đầu tiên. Sau đó tôi tới tuổi đến trường, vì tôi quá nhút nhát nên cô Út phải đưa vào lớp và ngồi học cùng tôi. Nhờ tôi, cô Út mới học hết bậc sơ cấp (lớp ba ngày nay).

Ngôi trường đầu tiên của tôi nằm trong sân miếu nên có tên là trường sơ cấp Miếu Điền. Trường chỉ có vài phòng học bằng tre lá, cách nhà tôi khoảng năm trăm mét đường chim bay nhưng phải băng qua nghĩa địa và một rừng mây um tùm. Nếu đi đường vòng theo xóm nhà thì xa hơn một cây số. Trước sân trường cũng là sân miếu có một cây đa to, cả chục người ôm không giáp. Trong bụng cây là một khoảng trống, cha mẹ chúng tôi dặn rằng không được chun vào đó đùa giỡn, sẽ bị thần linh quở phạt. Sau này tôi đi xa, mỗi lần về quê đứng ở đầu làng nhìn tàn đa cao nổi bật trên vòm trời xanh biếc, lòng bồi hồi nhớ lại ngôi trường xưa nơi ấy.

Bây giờ, ngôi trường đã được xây dựng tường vôi ngói đỏ khang trang với hai dãy lớp trên mười phòng học, nhưng cây đa thì không còn nữa. Ngôi miếu cổ rêu phong trở thành ở đậu trong sân trường. Con đường tắt xuyên nghĩa địa mà thuở xưa chúng tôi phải từ bốn năm đứa trở lên mới dám đi qua, có khi còn phải ù té chạy vì một tiếng động bất ngờ, bây giờ đã được đắp cao mở rộng, có nhà ở rải rác. Xóm nhà đông hơn thì nghĩa địa cũng đông hơn. Nhà ngói, nhà tường mọc lên thì mả đá, mả vôi cũng san sát.

Thuở ấy, tuổi thơ của chúng tôi không có đồ chơi hoặc phương tiện giải trí đa dạng và phong phú như hiện nay. Ngày nghỉ học cả bọn thường rủ nhau đi bắt dế, xúc cá thia thia hay móc đất sét nắn trâu bò, xe kéo… Hoặc bày những trò chơi đồng quê như bứt cỏ đá gà, bắn ống thụt, thả diều… Còn những trò chơi có tính ăn thua tôi chẳng bao giờ dám tham gia như đánh đáo, thảy lổ lạc… Vì nếu thua thì xót tiền của cha mẹ cho, còn lỡ ăn thì tội nghiệp bạn mình quá, đành phải trả lại nó thôi. Điều đó có lẽ ảnh hưởng đến đời tôi sau này, luôn đứng ngoài những cuộc chơi có tính cách cờ bạc.

Người thầy lớp năm (lớp một bây giờ) đã rèn luyện cho lũ nhóc chúng tôi một thế ngồi cầm viết ngay ngắn, cán viết phải hướng về vai phải, tập để thẳng trước mặt, ngực không tựa vào bàn. Một cách ngồi viết thoải mái, không gây ảnh hưởng tới cơ thể, mà chữ lại đều và đẹp. Thời đó bậc sơ cấp chúng tôi không được sử dụng bút nguyên tử, tất cả phải dùng viết chấm mực để dễ gò nét chữ trên trang giấy.

Năm lớp ba tôi đã bộc lộ năng khiếu, cuốn tập làm văn của tôi được thầy giữ lại để làm bài mẫu cho năm sau. Hết lớp ba tôi phải xuống Mỹ Đức học tiếp lớp nhì (lớp bốn ngày nay). Trường tiểu học Mỹ Đức A có khoảng sân rộng và hai dãy lớp khang trang, nằm bên cạnh ngôi đình làng cổ kính. Trước sân cũng có cây đa nhưng không to bằng cây đa miếu Điền. Phía sau đình có cây sao cao vút, chúng tôi thường ra nhặt trái sao ném lên trời rồi nhìn nó bay xoay xoay trong gió. Vì nhà cách trường hơn bốn cây số nên cha tôi mua cho tôi một chiếc xe đạp nhỏ. Con đường Mỹ Đức rợp bóng nhãn xanh, che mát cho tôi ngày hai quận đi về. Đến mùa nhãn chín, chúng tôi đi trong hương thơm ngào ngạt.

Tựu trường được ít lâu làng tôi bị lụt lớn, đó là mùa nước nổi năm 1961. Các trục lộ giao thông đều bị ngập nước, chúng tôi phải bơi xuồng đi học. Có hôm gặp trận mưa to ướt cả tập vở. Nhưng bọn chúng tôi thì khoái chí vì trên đường đi học về thi nhau phóng xuống đồng nước lặn hụp, đùa giỡn, hái trái cà na. Lúc đó cây cà na mọc như rừng ở hai bên bờ con rạch cặp lộ, tha hồ mà hái ăn không ai cấm cản.

Cuối năm lớp nhất (lớp năm bây giờ) chúng tôi chuẩn bị ra trường tỉnh ứng thí. Lúc đó thi vào đệ thất (lớp sáu) rất khó khăn. Cả tỉnh chỉ có một trường công lập với trên ba ngàn thí sinh dự thi nhưng chỉ tuyển chọn hơn ba trăm, tỉ lệ một chọi mười. Đứa nào cũng có cha mẹ hoặc chú bác đưa đi thi vì đám học trò nhà quê chúng tôi có biết đường sá gì đâu. Thấy nhà lầu cao là choáng ngợp, thấy đèn điện là lóa mắt ngơ ngơ ngác ngác như nai xa rừng. Gặp đề văn bình luận câu "Một con ngựa đau cả tàu chê cỏ" chúng tôi thi nhau tả chiếc tàu chạy trên sông, kết quả rớt lộp độp !

Cha tôi cho tôi vào học trường Trung học tư thục Hòa Bình bên cạnh nhà thờ Châu Đốc mới vừa xây dựng, nhưng chỉ được vài tháng không lo nổi tiền học phí nên tôi phải ôm tập trở xuống trường Nam tiểu học học lớp tiếp liên. Thời ấy có lớp tiếp liên dành cho những học sinh thi rớt đệ thất luyện lại một năm nữa để tái ứng thí. Nhưng trường Nam chỉ có hai lớp loại nầy nên ai muốn vào học cũng phải qua kỳ thi tuyển.

Vào học trường Nam tôi được tiếp xúc với ánh sáng đô thị, dù Châu Đốc không phải là một thành phố lớn nhưng cũng có một khoảng cách khá xa với xóm quê của tôi. Tôi biết nhịn quà để mua những quyển sách đầu tiên. Các câu chuyện cổ tích, thần thoại, phiêu lưu hấp dẫn tuổi thơ tôi và những hoài bão, ước mơ bắt đầu nhen nhóm trong lòng cậu học trò đã biết nhìn ra ở phía chân trời không chỉ có mây và gió. Phía sau hàng cây xanh xa xăm kia là bao điều bí ẩn mà tuổi trẻ hiếu kỳ muốn khám phá. Tôi nhớ mãi bà bán sách sol có dáng cao gầy bên cạnh rạp chiếu bóng Lạc Thanh. Bà trải tấm cao su trên vỉa hè rồi bày ra đủ thứ loại sách với giá rẻ thu hút người qua đường. Tụi nhỏ chúng tôi chỉ đủ tiền mua những cuốn sách mỏng mỏng, và những quyển sách đó phải đổi bằng bữa ăn sáng của mình, dù chỉ là bữa ăn sáng đơn sơ bằng khoai mì chuối hoặc ổ bánh mì chan. Bà rất dễ tính, cho bọn tôi tha hồ lựa chọn và cứ ngồi đọc vài trang, cuốn nào thích thì mua, không ưng thì để xuống rồi đi.

Tôi lớn lên từ mùi rơm rạ, từ những thỏi đất cày cháy nắng, vui đùa với dòng sông đục ngầu phù sa, với tiếng dế gáy đi vào giấc ngủ… Nhịp sống đô thành đã gieo vào hồn quê chơn chất của tôi một luồng sinh khí mới, tạo cho tôi một tính cách năng động, hoạt bát hơn.

Tôi học thêm chương trình luyện thi hè với quyết tâm vào trung học và cuối năm đó tôi đã đậu hạng cao. Bước vào trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa là vinh dự cho gia đình và bản thân tôi, bởi cả xóm quê chỉ có vài người thi đậu. Chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay, quần tây xanh, giày ba ta trắng, tôi là cậu học trò mới vào trung học vừa chững chạc, vừa ngây ngô. Đường lên chợ tỉnh xe cộ đông đúc, cha tôi không cho tôi đi xe đạp vì sợ tai nạn. Mỗi ngày tôi phải đi xe đò đến trường. Những chiếc xe Folic kéo thùng máy nổ inh tai, khói bay mù mịt, bây giờ đã lùi vào quá khứ, nhưng thời đó là phương tiện thông dụng, sau nầy mới có xe Lambetta, Daihatsu hiện đại hơn.

Vốn mê văn chương, tôi tập sáng tác và mạo muội gởi đăng báo ở Sài Gòn. Lần đầu tiên thấy bài mình trên báo, lòng tôi vui mừng kỳ lạ. Năm đệ lục (lớp bảy ngày nay) tôi được các anh lớp trên mời vào Thi văn đoàn sinh hoạt thơ văn. Anh chị thấy bài mình xuất hiện trên báo nên lần mò tìm tới lớp làm quen. Sau đó tôi và mấy người bạn cùng lớp thành lập nhóm thơ văn riêng, nơi sinh hoạt hội họp là Bồ đề đạo tràng ! Rồi rủ nhau hùn tiền làm báo, lúc đầu chỉ đủ vốn in ronéo. Có một số hiệu buôn giúp đỡ chúng tôi bằng cách nhận quảng cáo. Ngày xưa người ta rất quí học sinh và trọng nghề báo nên đi tới đâu chúng tôi cũng được ủng hộ. Báo in xong, chúng tôi ôm vào các trường học bán, thỉnh thoảng gặp mấy cô bạn nghịch ngợm chọc "quê" làm mình muốn độn thổ. Vậy mà dần dần chúng tôi có đủ tiền làm báo in typo (lúc đó chưa có offset), thường xuất bản vào mỗi độ xuân hè.

Phong trào sáng tác thơ văn trong học sinh lúc đó rất rần rộ dù tất cả đều là tự phát. Tôi còn nhớ chỉ trong trường Trung học Thủ Khoa Nghĩa, với sỉ số học sinh không đông như bây giờ, có đến khoảng hai mươi bút nhóm, thi văn đoàn. Mỗi nhóm trung bình mười cây bút thôi thì đã có hai trăm nhà văn nhà thơ tí hon. Tiếc rằng số người theo đuổi sự nghiệp này đến ngày nay chỉ còn trên đầu ngón tay !

Thấy tôi hay bỏ nhà đi làm báo, lúc đầu cha tôi rất lo và tỏ vẻ không hài lòng vì sợ tôi chểnh mảng sự học. Nhưng năm nào tôi cũng mang về nhà một phần thưởng cao nghệu. Lúc đó phần thưởng cho một học sinh hạng nhất rất xứng đáng, tôi ôm trên tay mà chồng sách muốn cao hơn đầu mình. Cha tôi vui và không còn lo lắng.

Có thể nói việc viết văn, làm báo vào lúc rảnh rỗi của chúng tôi là một trò chơi giải trí tao nhã, lành mạnh hơn nhiều so với một số bạn đi đánh bi-da, đá banh bàn hoặc mài đủng quần trong quán cà-phê nhạc, một loại hình mới xuất hiện rất thu hút bạn trẻ thời đó.

Năm tôi học đệ tứ (bây giờ là lớp chín) trường phát động Giải văn chương Thủ Khoa Nghĩa và tôi được giải nhất về thơ. Tôi mang về cho cha tôi thêm một phần thưởng trong lớp học. Cha tôi vui lắm và lần đầu tiên ông thấy một chút giá trị của văn chương, thấy con đường mà tôi theo đuổi là không lầm lạc.

Chiến tranh bùng nổ ác liệt. Tổng động viên ! Mười tám tuổi trở lên phải nhập ngũ, kể cả học sinh. Có khoảng hai phần ba bạn bè trong lớp tôi nhận được lệnh gọi trình diện. Mọi người hoang mang, nhốn nháo. Học sinh bất mãn, buông thả rồi tuyệt vọng. Một số ít tuổi còn nhỏ tiếp tục lên trung học đệ nhị cấp (đệ tam đến đệ nhất). Số còn lại nếu không đi lính thì bỏ trốn. Người vô bưng theo kháng chiến, kẻ lìa xứ tìm nơi náu thân. Tôi thay tên đổi tuổi mua học bạ giả xuống Long Xuyên tiếp tục sự học.

Đến Long Xuyên tôi vào học lớp đệ tam trường Bồ Đề, một trường Trung học tư thục của Phật giáo. Tôi mướn nhà trọ ngang sân vận động, chỉ cách trường vài chục mét. Tôi nhanh chóng hòa nhập với anh em văn nghệ ở đây. Tuy mới gặp nhưng đã biết tên nhau trên báo nên coi như đã quen từ lúc nào. Tôi cùng một nhóm học sinh trường Trung học Thoại Ngọc Hầu kết hợp làm báo, công khai có lén lút có.

Trường Bồ Đề lúc ấy quản lý lỏng lẻo, chất lượng học không cao nên năm sau tôi chuyển sang trường Trung học Phụng Sự, cũng là trường tư thục nhưng của Công giáo. Bởi thích ở gần trường nên tôi thuê nhà trọ ở khu Đèn bốn ngọn. Xa quê, sống kiếp ở trọ, tôi rất nhớ nhà nên chiều thứ bảy nào cũng khăn gói về quê. Một ngày chủ nhật quí giá. Tôi đi rong trên cánh đồng làng còn ướt sương mà hít thở hương ngàn gió nội. Tôi đắm mình trong dòng kinh biên biếc in bóng mây trôi. Tôi tận hưởng giây phút ấm cúng của mái gia đình. Tôi tranh thủ gặp lại bạn bè xưa… Ngày chủ nhật qua nhanh quá ! Tôi không muốn rời quê nửa bước, nhưng vì hoàn cảnh nên phải ra đi.
       Học, viết và đọc sách. Lúc này tôi vùi đầu đọc sách vì đất Long Xuyên ít có chỗ nào đi chơi giải trí thú vị như núi Sam, xóm Chăm Châu Giang, vườn nhãn Mỹ Đức của Châu Đốc. Qua cồn một đôi lần đã nhàm chán. Vào núi Sập thì xa quá, hơn hai mươi cây số. Không khí trong thành phố lại nhàn nhàn, ru ngủ. Đầu tuần có sách mới về là cuối tuần tôi phải nhịn ăn sáng. Không có cha mẹ bên cạnh, tôi phải tự tin, tự rèn luyện để nên người… 

TRỊNH BỬU HOÀI 
 ( Châu Đốc )

( Theo - TTT )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét