TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

* VIÊN NGỌC RỒNG - truyện dân gian của Liêm Châu


        Xưa ở phía Bắc vùng biển Nam Hải mọc lổm ngổm nhiều hòn đảo lớn nhỏ xen kẽ nhau. Từ xa, đông đúc dân cư đến lập nghiệp. Trên bờ, ngoài chợ búa phố xá, còn trang trại của những gia đình phú hộ nhờ nghề hàng hải. Bên mé biển sẵn những cảng thiên nhiên nên hàng ngày thuyền bè ra vào tấp nập. Dân địa phương đặt tên đảo Thổ Châu. Gần hải cảng có gia trang của phú hộ Bùi Đình rất đồ sộ. Sắm ba chiếc thương thuyền lớn nhỏ, hắn chở hải sâm qua các đảo xa lạ đến các nước lân bang đổi hoặc mua vật dụng cần thiết cả hàng vải về nhà bán lại. Nhờ làm ăn suôn sẻ mà tài sản hắn chồng chất đếm không xuể. Bà vợ chánh sanh được hai trai hai gái. Nuôi con vừa trưởng thành, phu nhơn vội lìa đời. Bùi Đình cưới thêm người thiếp trẻ tuổi tên Lữ Ái Hoa. Tuy nhan sắc tuyệt đẹp nhưng tánh tình sâu sắc nên kẻ ăn người ở trong nhà đều e dè sợ sệt. Ngoài đám gia nhân, trong nhà còn nuôi hàng chục tên võ sĩ để bảo vệ tánh mạng của gia đình chủ nhân và giữ gìn tài sản. Gã cầm đầu tên Tần Lôi. Chẳng những giỏi võ nghệ mà còn túc trí đa mưu. Một hôm, Bùi Đình sai Tần Lôi tuyển ba mươi thủy thủ, ba thuyền trưởng chuẩn bị chở hàng hóa, giong thuyền đi xa bán. Biết được ý đó, Lữ  Ái Hoa vội hỏi:
       - Chàng đi bao lâu mới trở về?
- Mau là hai tháng, nếu gặp gió chướng, thuyền đi chậm mất ba tháng. Bùi Đình đáp.
- Chàng đến xứ nào để bán hàng hóa?
- Các chủ thuyền đi trước nói là nước Phù Nam. Mình mới đi thử lần đầu.
- Thiếp sai nô tỳ làm tiệc. Chúc chàng thượng lộ bình an.
Mờ sáng hôm sau, nàng bịn rịn chia tay. Cánh buồm lướt gió, mỗi lúc mịt mờ rồi khuất hẳn. Hai mươi ngày sau thuyền đỗ bến cảng Vydhapura (1) – thủ đô nước Phù Nam, một vương quốc hùng mạnh theo chế độ mẫu hệ. Thần dân tôn bà chúa Liu Yi làm nữ hoàng. Bùi Đình dặn dò các thủy thủ giữ thuyền cẩn thận, còn chàng lên bờ thả bộ đến chợ dọ giá hàng hóa và xem cách thức buôn bán. Đến nơi, chàng thấy đàn ông mặc độc chiếc khố, đàn bà thiếu nữ vải vóc che thân. Lấy làm ngạc nhiên, Bùi Đình cho rằng nơi đây thiếu hàng vải, nếu bán được sẽ đắt lắm. Mấy ngày đầu, ngôn ngữ bất đồng, kẻ mua người bán chưa hiểu ý nhau. Sáng hôm sau, chàng đi lang thang tiếp xúc các giới để học hỏi tiếng địa phương. Ngày kế tiếp, quen lệ đi từ sáng sớm đến gần xế chiều, chàng lật đật trở về thuyền nhưng khi nhìn xuống bến, ba thương thuyền đã nhổ neo dời đi đâu mất. Hốt hoảng chạy ngược chạy xuôi, chàng hỏi han tở mở, cũng chẳng ai biết thuyền đi về phương nào?
- Trời ơi! Bọn thủ hạ âm mưu cướp thuyền chở hàng hóa đi nơi khác, bỏ ta bơ vơ xứ người. Bây giờ làm sao về? Ở đây cơm gạo đâu mà ăn, áo quần đâu mà mặc, ta chết mất. Bùi Đình than khóc kêu gào.
Dư âm bị sóng biển âm thầm đánh đi lạc hướng. Chàng bơ vơ.
Từ đó, hắn thành kẻ ăn xin đi rảo từng ngày kiếm miếng ăn. Nơi đây dẫy đầy bọn ăn mày mà sinh hoạt của nhân dân cũng thiếu thốn. Họ đâu có dư dã cơm gạo mà bố thí. Bùi Đình đành chịu bữa đói bữa no. Chàng nhận thấy chỉ có hạng tu sĩ mới được nhân dân thường xuyên cúng dường. Những tu sĩ này, mỗi ngày chỉ ăn một lần vào buổi trưa đúng ngọ. Từ chiều đến tối họ nhịn ăn cho đến sáng hôm sau. Bùi Đình nhận thấy phương pháp nầy rất giản dị. Các cư sĩ tiền bối giải thích để bụng đói, hít thở sâu tạo chất lửa giúp tiêu hóa bày trừ vật dư thừa tích lũy làm tổn thương nội tạng.
- Bây giờ ta thử làm xem sao. Hiện tại hoàn cảnh của mình đâu đủ tiện nghi một ngày ăn ba bữa.
Lẩm bẩm xong, chàng quyết tâm thực hiện. Tuy vậy, hàng ngày hắn vẩn vơ đi rảo khắp hải cảng trông ngóng các thương thuyền qua lại để hỏi tin tức. Ba bốn năm vằng vặc trôi qua, cũng chẳng ai biết manh mối, tâm tư sanh chán nản, lão lủi thủi vào rừng sâu khai phá đất hoang trồng trọt hoa màu, tự lực cánh sinh. Gần gũi với thiên nhiên, Bùi Đình cảm thấy bao nhiêu lo âu cho số mạng đều gác bỏ ngoài tâm, thần trí trở nên sáng suốt. Tháng sau, suốt ngày mưa to ròng rã liên tiếp trút nước như cầm chỉnh mà đổ. Lão bó gối ngồi co ro trong lều. Chợt dông tố ầm ầm nổi dậy, sấm sét lòe sáng đe dọa vạn vật. Lão lẩm bẩm:
- Ủa! Điềm chẳng lành ắt xảy đến.
Lùa theo gió rít, từ đâu văng văng tiếng người loang đến.
- Bớ người ta cứu tôi sắp chết!
Ngạc nhiên, lão tự hỏi:
- Ai kêu gọi giữa lúc này? Người hay yêu tinh?
- Bớ người ta cứu tôi với! Tiếng kêu thắt thẻo âm vang.
Chẳng thể làm ngơ, đứng dậy lão quơ cây gậy tầm vông, đầu đội tàu lá rộng bản che mưa, lão bươn bả đi theo hướng phát ra tiếng gọi. Trong rừng cây cối ngã đổ ngổn ngang, lão đi vấp chướng ngại té xuống. Nước lũ chảy xiết xô vẹt chỗ thấp thành trủng cuốn lôi cả động vật đi về. Phía cái hồ lớn, tiếng kêu cầu cứu tắt nghẽn lần, chỉ còn dư âm văng vẳng.
- Tôi sắp chết! Tôi sắp chết!
Bất kể gió bão, xông xáo đến nơi, lão biết đó là cái hố sâu, thường ngày chẳng ai dám bén mãn. Bùi Đình cất tiếng hỏi:
- Ai kêu cứu? Ở chỗ nào?
- Tôi. Tôi kẹt ở dưới này. Tiếng mừng rỡ đáp.
- Làm cách nào kéo lên được. Bùi Đình lo lắng hỏi.
- Chặt nhánh cây dài thòng xuống, tôi ráng níu đeo lên.
Bùi Đình vất vả khó khăn lắm mới làm được  cây sào. Đầu cây thọc xuống hố, phút chốc nghe động đậy. Lão cố sức rút cây lên khỏi miệng hố. Đầu cành cây dính gã thợ săn, áo quần ướt sũng, tóc tai rũ rượi như dã nhân. Vai vẫn đeo cung tên săn bắn. Sau lưng thợ săn, con khỉ lông đỏ thẫm như trái mồng tơi, đôi mắt thau lóng lánh nhìn Bùi Đình. Sau lưng khỉ là con rắn khoanh tròn, da óng ánh chớp ngời. Cuối cùng là con quạ, lông đen ướt sướt mướt, nhảy tập tễnh lên đất. Khi tất cả đến gò đất an toàn. Bùi Đình hỏi người mắc nạn:
- Chú ở đâu? Vì sao đi lạc trong rừng giữa cơn mưa bão?
Chưa vội trả lời, mắt gã dáo dác thòm thuồng nhìn các con vật.
- Tôi làm nghề thợ săn biệt danh Độc Tôn Giả, vì rượt con sóc rừng bất ngờ bị gai tre móc hư một con mắt nên bọn hiệp hộ gọi Độc Nhãn Tôn Giả. Sáng nay, tại hạ đuổi rượt con mang chạy đến đây, thình lình gặp dông bão tối mịt trời nên sa chân lọt xuống hố. May được ngài cứu sống. Chẳng hay cư sĩ pháp danh gì?
Bùi Đình đáp:
- Tôi pháp danh Định Tâm.
- Xin có lời cảm ơn cư sĩ. Để tôi giết con khỉ này làm thịt mời ngài cùng ăn.
Bùi Đình khoát tay:
- Đừng nuôi ý đồ sâu độc. Tại sao trong lúc hoạn nạn cùng nhau san sẻ nỗi lo âu, nay lên được nơi an toàn đòi giết nó ăn thịt?
Bất bình, con khỉ lông đỏ sửng lông gáy thốt lời:
- Tôi tên Hỏa Hầu, rất cảm ơn lòng tốt của cư sĩ. Lúc nào cần đến ngài cứ gọi tên, Hỏa Hầu này sẽ không giống tên thợ săn vô ơn bội nghĩa kia đâu.
Nói xong, nó nhảy vọt bay biến vượt đọt cây như sao xẹt.
Con rắn bò đến cúi đầu:
- Tôi tên Kim Tuyến Xà, đầy mình tươm nọc độc mà tư thù cũng chai. Cảm ơn cư sĩ cứu sống. Thế nào cũng có ngày tôi đền ơn.
Kim Tuyến Xà thè lưỡi lau mép, nhìn tên thợ săn:
- Đừng hòng giết ta. Vô ích.
Nói xong, rắn phóng đi mất. Từ nãy giờ, con quạ đã giũ cánh khô lông, nhảy xoi xói đến trước mặt cư sĩ:
- Tôi tên Ô Thước, rủi mắc nạn, được ngài cứu sống, nguyện suốt đời chẳng quên ơn. Quạ đập cánh bay mất.
Nghe các con vật phân bua, tên thợ săn rất sượng sùng. Hắn xốc lại cung tên, cúi đầu chào:
- Nhà tôi ở bìa rừng. Lúc nào thiếu hụt vật chi, cư sĩ cứ đến, gia đình tôi sẽ hậu tạ.
- Cảm ơn! Cảm ơn! Bùi Đình chắp tay chào.
Khi tất cả đều đi, Bùi Đình vất vả lặn lội trở về căn lều xiêu vẹo. Trận mưa lũ tầm tã đã tàn phá sạch cây trái. Mấy hôm sau, lão ăn hết khoai bắp dự trữ, cảm thấy bụng đói meo, mặc đã tập thói quen ăn Ngọ.
- Bây giờ tìm đâu ra thức ăn? Lão tự hỏi.
- Hay ta đến nhà Độc Tôn Giả xem sao. Lão thất thỉu ra khỏi bìa rừng.
Đây là sóc nhỏ chỉ độ vài mươi nóc gia nhưng cũng có đồn của quan quân canh phòng. Thấy Bùi Đình xơ vơ đi đến, Độc Tôn Giả đoán biết lão thiếu ăn nên vội vã chạy về nhà to nhỏ dặn vợ:
- Mình phải làm như vầy, như vầy… cho đến quá Ngọ, lão bỏ cử ăn, đi nơi khác.
- Ờ! Vậy mới đỡ tốn. Vợ trề môi cười.
Hỏi đường, Bùi Đình đến trước nhà Độc Tôn Giả. Hắn chào xã giao:
- Kính chào, ngài quá bộ đến có việc gì cần?
- Thưa thí chủ dư ăn dư để, xin mở lượng từ tâm bố thí cho kẻ thiếu thốn.
- Dạ! Dạ! Lẽ dĩ nhiên là như vậy.
Nhìn vào bếp, hắn gọi:
- Mình ơi, hãy nấu nướng đồ ăn tươm tất đãi cư sĩ. Tôi bận chút việc.
- Mình đi đi, ở nhà có tôi lo. Vợ đáp.
Tức thì trong bếp, có tiếng dao thớt khua động lốp bốp. Khói bay mờ mịt. Ngồi bên mép chõng, cư sĩ sốt ruột chờ đợi đến quá Ngọ. Lão lật đật đứng dậy từ giã ra về. Độc Tôn Giả quay vào, giả vờ trách:
- Đàn bà làm ăn chậm chạp như rùa. Lần sau đừng để trễ như vậy nữa.
- Dạ! Dạ! Thiếp nhớ.
Hôm sau, quen đường cư sĩ lại đến. Cảnh phô trương khua dao thớt kéo dài quá Ngọ. Lão cư sĩ thất thểu ra đi, lượm trái sung rụng mà ăn. Ngày thứ ba, vợ chồng Độc Tôn Giả cũng dở trò như thế: “Không muốn bố thí”. Trở về, lão ngồi thừ trên phiến đá trước lều, tâm tư thiền định. Chợt nghe tiếng vỗ cánh xành xạch, chú quạ đen bay đến chào hỏi.
- Kính chào cư sĩ. Hổm rày, tiểu cầm bay theo dõi thấy cư sĩ đến nhà gã thợ săn Độc Tôn Giả. Hắn cúng dường cho cư sĩ vật gì?
- Chẳng có vật gì hết. Đến nước uống cũng không.
- Tại sao vậy?
- Vợ hắn làm bếp quá chậm chạp khiến ta không thể diêu trì với tôn chỉ của đạo pháp mà phá lệ nên thà nhịn đói.
Đập cánh, Ô Thước kêu oang oác:
- Chẳng phải vậy đâu.
- Sao ngươi biết?
Ngúc ngắc cái đuôi, mỏ chìa ra, Ô Thước nói:
- Hắn là kẻ gian ngoan. Ở khu rừng nầy ai cũng biết danh. Vợ chồng hắn muốn cư sĩ chết đói để đỡ tốn lương thực. Tiểu cầm quen ăn đồ thừa thải nên chẳng dám tha đến quấy rầy. Tiểu cầm có ý kiến này.
- Ý gì cứ nói.
- Tiểu cầm sẽ mang tặng cư sĩ một cục đá màu sắc rực rỡ, cư sĩ đem đổi gạo.
- Ở đâu mi có?
- Trong hang hốc, trên núi cao, giữa vùng sa mạc, thỉnh thoảng tiểu súc bắt gặp.
Cư sĩ vội thốt tiếng:
- Thôi đi…
Chưa dứt lời, Ô Thước vỗ cánh vùn vụt bay đi mất. Nó đi đâu? Bay lượn vào vườn ngự yển, quạ đậu trên nóc cung điện vương quốc Phù Nam. Từ khi Nữ chúa Liu Yi được đoàn thám hiểm của Hoàng tử Kaundinaya – con vua Đại đế Osaka từ xứ Tây Trúc Ấn Độ vượt đại dương sang kết thân với Phù Nam hầu mở mang bờ cõi, rèn luyện sắt thép thành binh khí, giúp dân địa phương chống hải tặc. Ở đây, hàng phụ nữ không mặc quần áo. Hoàng tử Tây Trúc dạy họ mặc y phục và tôn xưng Liu Yi làm Nữ hoàng. Nữ hoàng phong cho Hoàng tử Tây Trúc chức Nhiếp chính vương, sau này bà sẽ giữ ngôi Hoàng hậu. Hoàng tử trao cho nữ chúa cái khăn xếp đội đầu thay vương miện. Giữa khăn xếp đính viên ngọc dạ quang. Khi trao vật quý, hoàng tử ân cần nhắc nhở:
- Muôn tâu nữ chúa, vận mạng vương quốc gắn liền với viên ngọc vô giá nầy. Mong Nữ chúa hãy giữ gìn kỹ lưỡng.
Bà chúa Liu Yi mỉm cười:
- Trẫm vẫn đội trên đầu, ban đêm treo trong phòng ngủ. Bốn bề có lính canh gác, mất mát đâu mà sợ.
Trưa hôm đó, khi vào cung, Nữ hoàng treo cái khăn đội đầu lên móc đính trên vách trầm hương gần cửa sổ.
Nằm trên giường, bà ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, trước khi lâm trào, đội khăn xếp lên đầu, bà mới hay mất viên ngọc. Hốt hoảng, Nữ chúa sai thị vệ rước Nhiếp chính vương vào cung, bà thổ lộ nguồn cơn. Nhiếp chính vương lo lắng sai thị vệ hợp cùng ngự lâm quân lục soát các ngõ ngách cũng chẳng tìm ra dấu vết khả nghi. Bất đắc dĩ, ngài truyền rao khắp quần chúng nhân dân, ai bắt được ngọc đem trả, được Nữ hoàng ban thưởng năm mươi con bò, năm mươi con dê, năm trăm lượng bạc, năm trăm lượng vàng và phong chức Vạn hộ hầu. Kẻ nào chứa chấp, đồng lõa cùng thủ phạm đều bị án tử hình.
Tin ấy loan truyền khắp nơi đến cả vùng núi rừng phum sóc hẻo lánh.
Ở trong rừng, lúc nãy, chim Ô Thước bay đi rất lâu, khi quay lại nhả viên ngọc trước mặt cư sĩ.
- Ngài lấy viên đá nầy mang ra sóc đổi lấy lương thực mà ăn, mua y phục mà mặc, chớ chịu đói khát khốn khổ như vầy làm sao sống nổi.
Cầm lên quan sát, Bùi Đình biết là viên ngọc quý nên kêu thốt:
- Cha chả! Của này…
Ô Thước chận lời:
- Tiểu cầm biết phía Bắc nước kia còn một núi kim cương. Viên đá này nhằm nhòi gì.
Nói xong, chim bay mất. Tưởng thật, cư sĩ cầm viên ngọc đi xăm xăm đến nhà Độc Tôn Giả. Hắn ngạc nhiên nhưng ra tuồng làm màu mè nhớ ơn.
- Kính chào. Ngài ăn cơm chưa, để tại hạ gọi vợ chuẩn bị…
Cư sĩ khoát tay:
- Khỏi làm bận rộn vợ chồng các hạ. Lão đến đây muốn nhờ các hạ đem vật nầy đổi y phục và lương thực.
Độc Tôn Giả ngạc nhiên:
- Ngài có vật gì vậy?
- Viên đá màu sắc lóng lánh này.
Thấy cư sĩ lo le viên ngọc, hắn giựt lấy đem vào buồng cho vợ xem. Phòng tối om, đưa viên ngọc vào phát sáng chói lòa đủ sắc. Vợ hắn kêu thốt:
- Trời ơi, viên ngọc dạ quang. Ở đâu mình có.
Độc Tôn Giả ra dấu nói khe khẽ:
- Của lão Bùi Đình đem đến, nhờ vợ chồng mình đổi gạo và y phục.
Mụ Thái Thị run lập cập:
- Ngọc của nữ chúa Liu Yi bị mất. Nhiếp chính vương truyền rao khắp lê dân biết rõ tin này. Ta mau mau đến quan tổng binh tố cáo lão Bùi Đình trộm ngọc. Mình ở nhà, cầm chân lão. Thiếp lén trổ ngã sau đến phi báo cho công sai.
Độc Giả Tôn gật đầu:
- Vậy chớ sao. Đi mau kẻo nó trốn mất.
Được tin của Thái Thị mật báo, quan tổng binh tức tốc sai đội vệ quân võ trang gươm giáo ồ ạt đến nơi bao vây bắt lão cư sĩ Bùi Đình giải về triều. Hôm sau, lâm triều giữa bá quan văn võ tập họp, nữ chúa Liu Yi sai quan tổng binh vấn tội. Hỏi:
- Mi làm cách nào đột nhập vào nội cung nữ chúa mà ăn trộm ngọc. Mau khai ra kẻo bị tra tấn.
Cư sĩ một mực làm thinh. Hỏi đôi ba lần mà cư sĩ không đáp lời, quan tổng binh nổi giận truyền bọn tay sai hươi gậy đập túi bụi. Bọn chúng hằn hộc:
- Đến nổi này mà chưa khai đồng lõa à.
Cư sĩ thầm nghĩ:
- Nếu ta khai ra, tất cả loài quạ sẽ bị diệt chủng. Ci bằng một mực làm thinh nhận tội.
Những ngọn roi đòn tới tấp bay vào người, cư sĩ lăn bất tỉnh. Nhiếp chính vương truyền lịnh đưa phạm nhơn ra pháp trường đào lỗ chôn thân mình, chỉ chừa cái đầu ý đồ nhử tòng phạm. Nhân dân qua lại đều trông thấy nên có người a dua mỉa mai:
- Rõ ra lão phù thủy biết tàng hình.
- Tại sao trộm được ngọc, lão chẳng giấu đi mà tìm đến gã Độc Tôn Giả nhờ bán giùm?
- Ừ! Giỏi chịu đựng một vài ngày nữa, lão sẽ chết vì đói lạnh.
Nghe lời bàn tán mỉa mai nhưng Bùi Đình cố giữ lòng yên tịnh. Đêm vừa xuống, lão dùng phương háp thiền định cố quên đau khổ. Giữa khuya, bỗng đâu có tên gánh thùng phẩn xí lặng lẽ đi ngang. Dòm quanh quẩn chẳng thấy lính canh giữ, hắn lò mò đến mở ống tre đựng nước cho uống và đúc bánh cho ăn.
Xúc động vì lòng trượng nghĩa, cư sĩ khẽ hỏi:
- Ngươi tên gì, làm nghề gì, ở đâu mà dám đến đây cho ta ăn uống.
Hắn đáp:
- Tiểu nhân làm nghề hốt phẩn cho gia dình giàu, vì dơ dáy phải đi ban đêm nên thiên hạ đặt tên Hầu Xí. Tiểu nhân che trại ở bãi tha ma gần đống rác hôi thúi.
- Nơi đó, các hạ gặp lũ quạ đến ăn không?
- Ôi thiếu gì. Cư sĩ hỏi chi vậy?
- Nếu gặp chúng, các hạ cứ réo tên Ô Thước, báo cho nó biết tin cư sĩ Bùi Đình bị chôn sống.
- Chuyện đó dễ mà. Hầu Xí lén lút quay về.
Sáng ra, bầy quạ ào ạt bay đến tìm ăn vật thừa bỏ. Hầu Xí cất tiếng hô lớn nhiều lần. Lũ quạ truyền miệng cho nhau oang oác thấu tai Ô Thước. Biết tin, lão tức tối bứt lông cổ, lông đầu sói sọi.
- Quạ! Quạ! Ta già đầu còn ngu xuẩn. Trên núi kim cương đầy đá quý sao không tha đem về tặng ân nhân mà ăn cắp làm chi viên ngọc dạ quang của nữ chúa Phù Nam. Bây giờ, lão bị hàm oan. Hèn gì gặp ta, ai cũng mắng: “Tai bay họa gởi”. Trùng âm chớ bộ! Bây giờ làm cách nào cứu ân nhân? Ta phải gọi Hỏa Hầu và Kim Tuyến Xà để tìm biện pháp gỡ nguy.
Bọn đàn em của quạ đã tìm được hai con vật kia. Trưa đó, cả ba nhốn nháo đến pháp trường. Thừa lúc vắng người qua lại, Hỏa Hầu dưng trái cây và đổ nước cho uống. Kim Tuyến Xà bò chung quanh tiêu diệt trùn dế, ngăn chận chúng xâm nhập cắn da thịt. Ô Thước đứng ủ rũ khóc lóc rách mình gây họa cho cư sĩ. Hỏa Hầu gọi cả hai họp lại bàn mưu cứu cư sĩ. Hắn sy nghĩ giây lâu rồi thì thầm cho quạ và rắn đủ nghe kế hoạch. Cả hai bằng lòng. Trước khi thi hành, rắn nhả cục ngọc màu xám xịt đưa Hỏa Hầu nhét vào tai cư sĩ. Lão lúc lắc cái đầu, miệng kêu trời:
- Trời ơi! Cũng ngọc nữa phải không?
Kim Tuyến Xà phùng mang an ủi:
- Ân nhân chớ lo. Phải lấy ngọc trị ngọc. Lúc nào, cư sĩ nghe tin nhiếp chính vương mê man sắp chết, ngài đem cục ngọc này mài với nước cho uống, tức khắc người trúng độc sẽ tỉnh dậy.
- Nếu họ làm ngang giựt mất thì sao? Ta làm sao ra khỏi chỗ này?
- Họ sẽ chết về tội hiếp dân tham nhũng. Ngài chịu khó chờ đợi, chúng tôi sẽ ra tay. Hỏa Hầu ở đây canh chừng ân nhân.
Quạ thò mỏ gắp gang mình Kim Tuyến Xà, bay vào đậu trên cây rui nhà bếp của nữ hoàng. Thừa lúc thái giám bưng tô canh cho nhiếp chính vương ăn, gã thờ ơ đi qua ngưỡng cửa, Kim Tuyến Xà bắn giọt nước dãi trúng vào đồ ăn. Vô tình, nhiếp chính vương ăn nhầm, thần trí mê man buông đũa ngã ra bất tỉnh. Các ngự y ào đến cứu chữa, nội cung trở nên rối loạn. Thừa lúc ấy, quạ tha Kim Tuyến Xà đến báo tin cho Hỏa Hầu đang đút rái cây, trút từng hớp nước vào miệng cư sĩ uống. Thi hành kế hoạch được nửa phần, cả ba con vật vào ẩn trong rừng, ngóng nghe tin tức. Lúc ấy, trong nội cung bịnh của nhiếp chính vương càng thêm trầm trọng. Các ngự y chẳng biết ngài mắc chứng gì, dược liệu nào trị nên họ đành bó tay. Nữ chúa lo sợ, đích thân đến cầu nguyện thần cây Tà Xăng chỉ cho con đường cứu nhiếp chính vương. Thần dạy:
- Hãy truyền rao trong dân chúng, ai biết thuốc chữa khỏi bịnh sẽ được chia nửa giang san. Nữ chúa Liu Yi chấp nhận.
Từ thành thị đến các ngã đường đâu đâu cũng có tiếng loa cầu cứu. Chạng vạng hôm đó, Hầu Xí gánh phẩn đi ngang lén lén thăm cư sĩ và báo tin: Kẻ ác gặp ác. Hắn phân bua:
- Trên đời nầy, mấy ai có thuốc tiên cứu sống nhiếp chính vương. Hắn chết là vừa.
Cư sĩ Bùi Đình thở dài:
- Mạng hắn chưa dứt. Tôi chữa được. Nếu các hạ muốn bỏ cái nghề dơ dáy này thì hãy báo tin cho quan quân biết. Họ đến moi đất, đưa tắm rửa, thay quần áo tươm tất, lão phu sẽ cứu sống. Chừng đó, các hạ được tiếng trung quân ái quốc.
- Thật vậy à. Tại hạ đi ngay. Hầu Xí mừng rỡ, chạy một mạch.
Trong triều, bá quan đang khoanh tay bó gối, mặt mày ủ rũ, chợt Hầu Xí được quân canh dắt vào thưa tự sự. Bá quan vào tâu với nữ chúa xin tạm thời xá tội cho cư sĩ Bùi Đình để chữa bịnh nhiếp chính vương. Nữ chúa tin lời thần cây Tà Xăng rất hiệu nghiệm nên truyền lịnh sai quân moi đất đưa cư sĩ đi tắm rửa, thay y phục tươm tất mới dắt đến chỗ nhiếp chính vương nằm thiêm thiếp. Lão lấy viên ngọc rắn mài với nước lã, nhỏ từng giọt vào miệng nạn nhân. Giây lâu, nhịp tim trở lại điều hòa, hắn hé mí mắt nhìn chung quanh. Bá quan la dội:
- Nhiếp chính vương sống lại rồi. Thần dược! Thần dược!
Cư sĩ đưa chung nước, ngài uống cạn rồi lồm cồm chỗi dậy.
- Ai cứu sống ta vậy?
Thừa tướng quỳ tâu:
- Bẩm thiên tuế, chính tử tội Bùi Đình chữa trị bằng viên ngọc quý.
- Đưa ta coi. Úy! Viên ngọc cải tử hườn sanh đây mà.
Bùi Đình xá:
- Thưa phải.
- Trời! Nếu cư sĩ Bùi Đình có viên ngọc cải tử hườn sanh thì hắn ăn cắp làm chi viên ngọc dạ quang chỉ là đồ trang sức. Việc này ắt có uẩn khúc, ta cần tra xét lại. Bây giờ xin nữ chúa xá tội cho Bùi Đình và đưa về dịch xá an nghỉ chờ điều tra.
Khi khỏe mạnh trở lại, nhằm lúc nữ chúa lâm triều, nhiếp chính vương quỳ tâu tự sự và sai quân khiêng kiệu rước cư sĩ Bùi Đình vào triều kiến giữa đông đủ bá quan. Làm lễ chúc tụng xong, thị vệ nhắc cẩm đôn mời Bùi Đình an tọa. Nhiếp chính vương yêu cầu cư sĩ kể nguồn cơn lai lịch. Lão thuật lại vắn tắt nguyên do từ khi bị bọn cướp thuyền bỏ rơi trên đất khách đến diễn biến sự cố bất ngờ. Nữ chúa Phù Nam truyền quan tổng binh đến hải cảng xem xét coi có thuyền nào giống như lời Bùi Đình miêu tả. Giây lâu quân vào báo:
- Muôn tâu nữ chúa, có ba chiếc thuyền buôn từ đảo Thổ Châu vừa ghé vào. Xin phép nữ chúa cho cư sĩ đến nhận dạng.
- Chuẩn tấu.
Cư sĩ đi ra mé biển quan sát, buột miệng kêu thốt:
- Chính nó, mấy năm nay, chúng lẫn trốn, tưởng sự việc mờ ám đã êm xuôi, nay quay lại ắt có ý đồ dò xét.
Muốn rõ việc ngay gian. Nhiếp chính vương truyền chỉ cho năm trăm vệ binh xuống thuyền bắt hết thủy thủ cả thuyền trưởng giải đến sân chầu đối chất. Trước mặt Bùi Đình chúng khai chi tiết:
- Khi ở đảo Thổ Châu, trang chủ có mướn mấy mươi tên võ sĩ do tần Lôi cầm đầu. Vì trang chủ thuyền xuyên buôn bán xa, lâu ngày, ở nhà người thiếp Lữ Ái Hoa sanh lòng tà muội tư thông với Tần Lôi. Trong chuyến đi sau cùng, Tần Lôi âm mưu tuyển các thủy thủ thân tín, bày kế đoạt thuyền. Lúc trở về, chúng phao đồn là Bùi Đình trêu chọc phụ nữ bản xứ nên bị quân Phù Nam hạ sát. Lữ Ái Hoa giả vờ khóc lóc lập bàn thờ để tang, còn sau trướng mụ tự do ăn ở với Tần Lôi. Hai đứa con trai của vợ trước Bùi Đình tên Bùi Trí và Bùi Tín, tuổi đã thành niên, xin phép kế mẫu đi tìm cha. Mụ cấp cho hai thuyền nhỏ chỉ đi trên sông rạch nên không dám ra khơi. Năm sau, Bùi Trí và Bùi Tín giành dụm được số tiền lớn lén mua hai thương thuyền giương buồm bắt đầu vượt biển đến các hoang đảo mục đích tìm tung tích cha. Sống với Tần Lôi, mụ Lữ Ái Hoa sanh được một trai một gái. Lúc này, thế lực của hắn bao trùm dư luận nên anh em Trí, Tín không dám thường xuyên đến thăm em gái tên Bùi Diễm còn kẹt lại đó. Nàng bị ép gả co tên bộ hạ của Tần Lôi. Hắn tên Lưu Ất đã thi hành độc kế cướp thuyền của Bùi Đình. Ỷ lại lập công to, hắn hành động tự tung tự tác ra vào trang trại chọc ghẹo nô tỳ nên bị Tần Lôi đuổi đi. Bùi Diễm nết na hiền thục gạn hỏi mãi chuyện trước, khiến hắn ăn năn hối hận việc làm sai trái đành thổ lộ hết cơ mưu cho vợ biết và khuyên nàng báo tin cho Trí và Tín sắm thuyền sang nước Phù Nam may ra gặp cha. Ngày nay râu tóc Bùi Đình đã bạc phơ, lại ăn mặc theo y phục cư sĩ nên mọi người nhìn không ra. Biết được mưu gian hại người của kẻ độc ác, lại tưởng thuyền của thủ hạ Tần Lôi, nên nhiếp chính vương đùng đùng nổi giận sai quân sĩ lôi bọn thủy thủ ra pháp trường. Hai thuyền trưởng bước ra quỳ tâu:
- Thưa ngài, chúng con đi tìm cha, chớ không phải tay sai của tên ác ôn Tần Lôi.
- Cha ngươi là ai? Tên gì? Ngài ngạc nhiên.
- Cha chúng con tên Bùi Đình. Nếu đã chết xin chỉ mồ chôn để chúng con đến tế lễ, an ủi linh hồn xiêu lạc.
Lau nước mắt, Bùi Đình chạy đến ôm chầm hai con vào lòng:
- Tiểu tử phải Bùi Trí, Bùi Tín đó không?
- Thưa phụ thân, chúng con đến tìm rước cha về.
Cha con ôm nhau khóc sướt mướt. Bá quan đều mủi lòng. Nhiếp chính vương tâu lên nữ chúa xin thả hết các thủy thủ trả lại thương thuyền cho Trí, Tín. Bà khen ngợi tình phụ tử và ban thưởng cho vàng bạc lụa là. Hôm sau, hai con xin phép nữ chúa rước cha về đảo Thổ Châu để an hưởng tuổi già. Bùi Đình khăng khăng từ chối:
- Thế lực của Tần Lôi rất mạnh, ái thiếp của phụ thân lấy hắn sanh con riêng. Bây giờ đâm đầu về khác nào đem mồi đút vào miệng cọp còn phá gia cang hạnh phúc của người khác. Vả lại kiếp phù sinh rất ngắn ngủi chẳng có đạo hạnh nào hơn tâm yên thường lạc là chân lý vĩnh cửu của giác ngộ. Phụ thân cũng đã quen nếp sống trong khuôn khổ thiền định ắt không thể bị vật chất làm lu mờ. Hiện tại chỉ còn một việc…
- Thưa phụ thân việc gì? Bùi Tín hỏi.
- Các con hãy lập cửa hàng bán tơ lụa đền ơn gã hốt phẩn rác để gã làm chủ. Gã dám liều thân dưng nước đem bánh cứu cha khỏi chết đói khát.
- Thưa phụ thân, hiện nay hắn ở đâu?
- Hai con theo cha đến lều hắn ở để gặp mặt.
Đi vòng theo mé biển một đổi, tìm chỗ Hầu Xí ở, họ bày tỏ lời biết ơn và yêu cầu gã đi theo ra chợ. Lần nầy, Hầu Xí dắt đi ngã khác. Khi lầm lũi ngang bãi pháp trường, cả thảy đều sửng sốt nhìn hai thủ cấp vấy máu tươi nằm lăn lóc cách xa thân mình.
Hầu Xí trỏ tay, miệng hỏi:
- Thưa ngài có quen biết vợ chồng tên tử tội?
Bùi Đình giựt mình:
- Ủa! Sao giống Độc Tôn Giả vậy?
- Chính vợ chồng hắn chớ ai.
Hầu Xí kể lể chi tiết:
- Sáng nay vợ chồng hắn hí hởn kéo đến triều đình đòi lãnh thưởng công tố cáo tên trộm ngọc dạ quang. Nhiếp chính vương thét quân trói tay rồi hạch sách thói cáo gian. Hết phương chối cải, hắn cúi đầu nhận tội xin tha tội chết. Luật pháp công bằng xét xử từ quan đến dân, nhiếp chính vương ra lịnh xử trảm kẻ vong ân bội nghĩa để làm gương hậu thế.
Nghe xong, Bùi Đình sụt sùi lẳng lặng bưng hai thủ cấp ráp vào cổ rồi quỳ xuống cúi lạy nức nở khóc.
- Lỗi tại lão phu tất cả. Vợ chồng hắn chỉ là nạn nhân của thói tham nhũng, gian xảo, lừa thầy phản bạn. Vốn dĩ không được ở gần người tốt để giáo hóa nên trở thành độc ác. Lão phu sẽ xin phép nhiếp chính vương cho thiêu xác vợ chồng Độc Tôn Giả, đem tro rải ra biển, cầu mong linh hồn siêu rỗi vào cõi hư vô.

LIÊM CHÂU
Ngày 27-10-1994
Biên tập, ngày 18-10-2008

(1) Vydhapura ngày nay cải danh là Lò Gò. Trước kia, vào tháng Chạp, dân núi Sam băng đồng đến núi Lò Gò đốn mai về ươn. Đến gần Tết, mai trổ hoa, họ đem ra chợ Châu  Đốc để bán.

( Theo  Đỗ Phu )








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét