Chị Thùy tỉnh
lại ở bệnh viện, người thân mừng chị thoát chết, con gái chị khóc vì mẹ hôn mê
lâu quá. Nguyên nhân chị ngất xỉu do hạ can-xi nhưng phát hiện chậm nên có thể
nguy hiểm đến tính mạng vì khi chị vào bệnh viện thì tim đã gần thôi đập. Chị
nhớ lại đêm ấy sau khi rời Trung tâm Ngoại ngữ đáng lý chị phải ghé tiệm quen
ăn một tô cháo hay phở mì gì đó cho bữa tối nhưng chị thấy chán ăn nên về nhà,
váng vất khó chịu nên không vào phòng mà ngồi phệch ở sa lông. Thằng Quân con
chị nhảy chân sáo từ trên lầu xuống vừa huýt sáo rất vui, ngang qua chị nó hỏi:
“Hôm nay mẹ về sớm, bộ mẹ chờ khách hả, con đi uống cà phê với bạn nghe mẹ”. Nó
nói một hơi không nhìn chị, đi ra cửa, có lẽ chị thì thào nên nó không nghe chị
nói mẹ mệt. Cảm nhận cuối cùng của chị là tiếng đóng ập cửa.
Chồng chị về
hơn một tiếng đồng hồ sau đó, lập công cứu tử nhờ hôm đó anh nói như có linh
tính nên phá lệ không đi tăng hai mà về nhà trước 11 giờ đêm. Con bé Thy tiếc vì phải chi không nghe bạn rũ
đi xem văn nghệ thì đã về sớm hơn, còn thằng Quân thì vò đầu bứt tóc vì sự vô
tâm của mình, nó cứ kêu sao mẹ không kêu con… chị cũng không cho nó biết chị đã
có trả lời. Bác sĩ phát hiện tim chị có vấn đề và thần kinh suy nhược, cơn hôn
mê là chuyện của tim, còn hạ can-xi chỉ là cơ hội, chị cần ở lại bệnh viện để
theo dõi.
Một tuần ở
bệnh viện, chị nằm phòng dịch vụ chất lượng cao, mời bác sĩ điều trị theo yêu
cầu, chỉ sau một ngày chồng chị chu đáo dẫn vào cho chị một cô bé phục vụ bằng
tuổi con Thy túc trực bên chị. Chị cũng đỡ buồn dù đếm được anh thăm chị được
ba lần, con gái bốn lần và con trai hai lần vì nó có chuyến đi cắm trại cùng
nhà trường, chị tự nhủ ai cũng bận mà với một chút tủi thân. May mà bạn bè tấp
nập thăm nom, con bé Nhanh thì hết sức siêng năng và ngoan ngoãn. Rồi chị về
nhà, theo yêu cầu của chị con bé Nhanh tiếp tục công việc, có nó quanh quẩn chị
bớt cô đơn, đúng là nó nhanh tay và lẹ miệng như cái tên của nó, chị có cơ hội
biết được nhiều thứ qua chuyện trò với nó, khám phá một thế giới khác mà lâu
lắm rồi chị cách biệt. Được hai ngày chị thấy nó khóc lúc đang bóp chân cho
chị, hỏi mới biết mẹ nó bị ung thư bệnh viện cho về nhà chắc là sắp chết, nó sợ
mẹ nó chết không thấy mặt. Chị giật mình hỏi: “Thế hồi ở bệnh viện sao cháu
không nói. Nó khóc: “Dạ lúc đó mẹ con còn ở bệnh viện, nhà hết tiền, ba con bán
chiếc xích lô cũng không đủ tiền mua thuốc, may mà gặp ông chủ mướn trả tiền
cao lại cho mượn trước con sợ nói ra cô chê không cho con ở với cô thì không có
tiền trả lại, hôm ở bệnh viện khi cô sai ra ngoài thì con chạy về thăm mẹ, bây
giờ về nhà cô xa quá mà con không dám xin cô nên con ở đây mà nhớ mẹ con lắm.
Chị nghe nhói trong tim, chị gom góp bánh trái trong nhà, cho tiền nó đi xe
buýt, hối nó về thăm mẹ dặn tối không phải tới. Hèn nào mới mười lăm tuổi mà nó
phục vụ người bệnh tốt đến vậy, nó nói khi mẹ nó bị đau nhức tội nghiệp lắm nó
không biết làm sao nên nhờ cô hộ lý chỉ cho nó cách xoa bóp cho mẹ đỡ đau.
Những ngày ở nhà, một mình, nhàn nhã vô vị chị
phục hồi dần, lịch sinh hoạt của chồng con chị vẫn không có một chút xáo trộn
nào dù chị vẫn là người bệnh. Bởi chị đã có người phục vụ và những phương tiện
cần thiết cho sức khỏe của chị, máy mát xa, máy tập chạy… được mang về bày đầy
phòng cùng với lời hướng dẫn dặn dò chi li của chồng chị… xem như chị được chăm
sóc chu đáo tối đa. Và để chị tịnh dưỡng, tạm thời anh ngủ riêng, bởi anh luôn
về khuya. Thực đơn dinh dưỡng cũng được đặt cho người mang tới đúng giờ, tươm
tất. Một mình trên chiếc bàn ăn rộng chị thấy tủi thân, phải thuyết phục mãi
con bé Nhanh mới chịu cùng ăn, nó thường xuýt xoa phải chi mẹ nó được ăn một
phần các thứ này chắc là không ốm như bây giờ. Nó được về nhà ngủ với mẹ mang
theo những thứ mà nhà không có người dùng.
Chị đã tới
thăm nhà của Nhanh trong một khu xóm lao động, gặp ba nó, người đàn ông già hơn
tuổi bốn mươi của anh, lúc nào cũng tận tụy bên vợ, bón từng muỗng cháo, ly
thuốc, một phụ nữ tàn tạ, héo hắt, duy chỉ còn đôi mắt rất sáng. Và nữa, hình
ảnh chị bắt gặp trong một lần tới thăm, anh đang ân cần làm vệ sinh cho vợ,
bằng những động tác vừa nhẹ nhàng, vừa âu yếm. Chị đã gần như ngừng thở trước
vẻ đẹp của tình chồng vợ, lặng lẽ lùi ra để rồi hình ảnh ấy cứ như một sự ám
ảnh. Lần cuối chị đến thăm mẹ của Nhanh tỉnh táo và khỏe khoắn một cách bất
ngờ, chị không đau nhức và chuyện trò khá vui vẻ, chị nhận mình có phước vì
được chồng con thương, rồi than vô phước vì không được sống lâu hơn để hưởng
hạnh phúc. Chị buồn vì đã làm khổ chồng con, lo rồi đây khi chị chết, cha con
nó nợ nần càng khổ hơn. Nhưng rồi chị lại tin vào số mệnh, chị nói trong nụ
cười héo khô: “Cha con nó nợ tôi kiếp trước đến đây thôi, trả xong rồi thì
không còn vướng bận chắc chắn sẽ tốt hơn phải không chị”.
Để an ủi, chị hứa với người bệnh sẽ lo cho
con bé Nhanh, còn chồng chị là người tốt chắc không ai bỏ. “Dạ, con Nhanh cứ tỉ
tê rằng bà chủ nó hiền lắm, tốt lắm, được chị giúp tôi mang ơn”… Cách một ngày
sau mẹ con Nhanh chết. Chị đã không giấu
được xúc động trước hình ảnh người chồng quấn khăn tang ngồi bất động bên quan
tài vợ, trong ảnh là một phụ nữ đẹp phúc hậu. Dĩ nhiên với sự giúp đỡ của Hội
Từ thiện, cùng với sự lo toan của chị, đám tang cũng xong. Chị thương lượng với
ba con Nhanh vẫn để nó giúp việc nhà một cách để nó có thu nhập và cho nó đi
học may và thật tâm chị sợ về nhà một
mình, ban ngày chị đã tìm đủ cách để lấp hết thời gian, nhưng đến đêm chị phải
đối mặt, không biết đi đâu làm gì cho hết một tháng nghỉ dưỡng bệnh. Chị bắt
đầu làm một cuộc so sánh hoàn cảnh của chị, một con bệnh lành mạnh về thể xác,
đang có những biểu hiện thương tổn về tinh thần. Có hôm để giết thời gian chị
tỉ mẩn làm món chè đậu xanh mà cả nhà rất thích, nhưng chờ mãi chẳng có ai về
trước mười giờ đêm, chị đành cho tất cả vào tủ lạnh.
Khó ngủ nên
bao thứ suy nghĩ cứ ùa về, chị nhẩm tính bao lâu rồi vợ chồng chị chưa gần
nhau. Từ hôm xuất viện về nhà, đã ba tuần lễ; chồng chị rất thất thường, hôm
nào cũng gần nửa đêm có khi còn trễ hơn, anh gõ cửa nhẹ nhàng, lịch sự, nếu chị
lên tiếng, anh vào phòng hỏi hôm nay em khỏe không? Đi chơi những đâu? Cứu trợ
được bao nhiêu người? Vui vẻ chạm môi lên trán chị, với tay đắp lại tấm chăn
như một hành vi quán tính… Chúc ngủ ngon. Anh bình thản đi ra, bỏ lại trong
phòng mùi rượu cộng với hương của nước hoa, nước khử mùi trong các phòng lạnh…
Chị cảm thấy khó chịu, đã nhiều lần chị còn thức, nhưng không lên tiếng, anh
yên chí chị đã ngủ.
Cũng khá lâu anh dần không còn thói quen về
nhà vồ vập lấy chị trong hơi men, cuồng nhiệt, kích động để chị hưởng ứng vào
cuộc, nồng nàn mê đắm như hồi trước. Chị đã từng rất tự tin vào bản lĩnh của
mình, tin và bằng lòng với cung cách đối xử của anh, chấp nhận giải thích về
lịch thời gian, về những quan hệ giao tế mà yêu cầu làm ăn anh không thể khác
hơn. Không tin sao được khi vợ chồng chị hai mươi năm chia bùi sẻ ngọt, tạo
dựng từ hai bàn tay trắng, nung nấu ý
chí vươn lên, đã từng còng lưng chở cả nhà bốn người trên chiếc xe đạp cũ,
quyết tâm tậu xe gắn máy như là một hoài vọng. Vợ chồng chị đã cùng nhau toan
tính, hỗ trợ cho nhau, động viên nhau làm giàu. Anh bày cho chị làm sao để nâng
cao tay nghề chuyên môn, cách thức để học trò có nhu cầu học thêm môn Anh văn
của chị. Học trò giỏi hơn, chị có thu nhập. Chính đáng quá đi chứ. Thời kỳ kinh
tế mở, người có nhu cầu Anh văn càng tăng thu nhập của anh chị tăng theo. Rồi
rất tỉnh táo anh chị thống nhất một trong hai người sẽ chuyển ra ngoài ngành,
anh vừa là đàn ông, vốn đàm thoại tiếng Anh vững vàng hơn, anh ra theo mời gọi
của các công ty nước ngoài, để còn cất nhà lầu đi xe hơi chứ không phải là xe
gắn máy. Chị ở lại giữ giềng mối gia đình để dạy dỗ hai con, rồi còn cho con du
học nước ngoài. Vợ chồng đã cứ thế mà thăng tiến, từng rất tự hào trước những ý
kiến ca tụng của bạn bè, của người quen. Một gia đình điển hình trong thời buổi
kinh tế thị trường. Một gia đình công nghiệp thời hội nhập, nhưng vẫn giữ được
tính truyền thống. Nhu cầu ngày càng tăng số giờ dạy của chị ở nhiều trường,
nhiều Trung tâm Ngoại ngữ lấp kính ngày tám tiếng và hai giờ các lớp đêm. Chị
không còn thời gian đi chợ, cơm nước. Chị thuê người làm việc nhà, nhưng rồi
các bữa cơm nguội lạnh không có người ăn, một lần chị bắt gặp người làm đang
thu dọn các thức ăn nhà chị để mang đi, dù là các thứ dư thừa nhưng chưa được
sự đồng ý của chị. Chị quyết định cho nghỉ và không thuê người làm nữa, chồng
chị đồng ý và còn đồ thêm, ngộ nhỡ gặp kẻ gian nó dọn cả nhà cũng chẳng ai hay.
Thế là nhà chị
không còn bữa cơm gia đình nữa, bữa trưa mỗi người được tự lực, chồng, chị và
con trai lớn đến các hiệu ăn tùy thích. Con gái nhỏ học bán trú chị hay anh sẽ
rước, liên lạc nhau bằng điện thoại, buổi chiều nếu tiện thì gặp nhau ở hàng
quán nào đó. Ban đầu chị cố gắng thu xếp để có ngày chủ nhật cả nhà sum hợp,
trong bữa ăn bằng tài nấu nướng của mình, nhưng rồi hai con xin phép hợp bạn,
sinh hoạt ngoài giờ ở trường ở đoàn, hội… hay vắng mặt. Chồng chị thì thất
thường nhất với các chuyến công tác nước ngoài nước trong, chị thi thoảng cũng
tham gia vào các hoạt động từ thiện. Bữa ăn chị bỏ công nấu nướng con gái chị ngây
thơ phê bình mẹ nấu không ngon bằng ở tiệm… Chồng chị lên tiếng rằng chị cũng
đã bận rộn lắm rồi, không nên bày vẽ. Cần thì gọi điện để người ta đến phục vụ,
thứ gì chẳng có. Chị lại thấy anh có lý. Thời buổi công nghiệp mà. Dần dà chị
mới phát hiện thực đơn hằng ngày của chị rất ít là cơm. Chị bằng lòng với sinh
hoạt mới: Tất cả đều là dịch vụ kể cả giặt ủi quần áo, mua sắm…
Về khoản giáo
dục con, anh chị cũng là niềm tự hào được nhiều người ca ngợi. Con trai chị
thuộc loại học giỏi chơi văn nghệ hay đang theo học ở hai trường Đại học, học
thêm Vi tính, Ngoại ngữ và đang săn học bổng ở trường danh tiếng nước ngoài… Nó
bận rộn lắm, chị ít khi có dịp nói chuyện với nó. Tín hiệu cho biết nó ở nhà là
tiếng nhạc vọng ra từ phòng của nó, thường là từ mười giờ đêm. Con gái nhỏ được
sắm xe gắn máy khi vào lớp mười, thời khóa biểu của nó cũng lấp kín bởi việc
học ở trường, học thêm và sinh hoạt đoàn. Chị theo dõi việc học của nó qua
những lần ký sổ liên lạc, không xuất sắc bằng anh Quân nhưng Thy học ổn định.
Anh luôn tự hào với phương pháp dạy con theo khoa học hiện đại, tôn trọng con,
tạo điều kiện tối đa và làm cho nó có trách nhiệm với tương lai của chính nó.
Chồng chị ngày càng thăng tiến bằng sự năng động trong lĩnh vực kinh doanh,
thời mở cửa càng chắp thêm cánh cho anh bay cao, bay xa. Những chuyến đi nước
ngoài càng dày thêm, dài thêm.
Từ hồi nào chị đã không còn thói quen chờ
chồng hàng đêm nữa. Có những lúc một mình trong căn phòng tiện nghi sang trọng,
chiếc giường vốn đã lớn chị thấy càng lẻ loi. Cái thói quen gối đầu trên cánh
tay anh, rúc đầu vào ngực anh chê anh nặng mùi quá, mà vẫn thích thú không rời
ra, hình như đã mất lâu lắm, từ khi anh có thói quen tẩm nước hoa tất cả những
thứ cần dùng, ngâm mình trong nước ấm có pha hương trước khi lên giường. Chị
quên mất mùi da thịt của chồng. Gần đây chị phát hiện tăng cân, bụng to hơn và
anh có hơi thở rất nặng khi ngủ.
Những đêm cô
quạnh, vò võ, thoát ra các nhịp sống thường nhật như công thức của mười năm
qua. Chị nhìn lại cuộc sống của gia đình mình, chị nhớ cảnh nhà của con bé
Nhanh. Chị nghĩ dại, nếu lỡ lâm bệnh hiểm nghèo mà chồng con chăm sóc được như
cha con của Nhanh, chị cũng can tâm.
Có phải rằng,
lẽ thường ở đời khi mình được cái này thì phải mất cái kia. Cái này của chị là
sự thành đạt trong mắt mọi người, là những tiện nghi vật chất cao cấp, sự trọng
vọng, nể vì. Chị có quyền hãnh diện vì đã đạt được mục tiêu mà chị đặt ra cho
mình và gia đình mình. Cái gia đình công nghiệp đang được người ta coi là điển
hình. Để rồi chị phải chịu đánh mất cái kia là sự quan tâm chăm sóc, mối ràng
buộc tình nghĩa của những người trong gia đình, sự cần thiết có nhau, là của
nhau. Từ hồi nào các con đã rời khỏi vòng tay của chị, chồng chị đã không cần
sự chăm sóc và không còn để ý đến suy nghĩ của chị nữa, không còn ham muốn nhau
nữa. Chị sợ sự chai sạn cảm xúc của mình, sợ sự độc lập đến hờ hững vô tình của
các con trong suy nghĩ và hành động, sợ sự hãnh tiến của chồng, sòng phẳng đến
mức máy móc trong cư xử.
Từ hồi nào,
ngôi nhà chị trở thành quán trọ và các thành viên là những khách trọ sử dụng nó
để giải quyết các nhu cầu riêng. Khi các tiện nghi hiện đại đi vào, nó đã xua
các hơi hám của mái ấm ngày xưa đi mất rồi. Chị tự trách mình đã về hùa với lối
sống thời thượng, không đủ tỉnh táo và quyết liệt để giữ lại cái hồn, cái gốc
cho cuộc sống gia đình.
Chị thiếp đi,
trong mơ chị thấy: Sau giờ dạy anh chở chị rước hai đứa con, cả nhà chị đang
làm xiếc trên chiếc xe đạp, chồng chị đang gò lưng nhấn bàn đạp lên dốc nhỏ dẫn
vào nhà, phía trước thằng Quân đứng tỳ mông chia với ba nó cái yên, hai tay nhỏ
xíu bấu vào tay của ba, phía sau chị choàng tay ôm bụng chồng cả bé Thy đang
đứng giữa, anh em nó cùng hô hào: Mạnh lên ba, mạnh lên ba. Bó rau muống to
treo lủng lẳng trên ghi đông như chực rơi xuống. Cảnh cả nhà cùng loay hoay lo
bữa cơm chiều, chị nhóm bếp cha con nó vừa lặt rau vừa cười đùa lớn tiếng…
Có tiếng gõ
cửa phòng, chị tỉnh giấc và lên tiếng, chồng chị đang vào, mong anh đừng quá
say. Chị muốn san sẻ những suy nghĩ của mình với chồng; phải làm cái gì trước
khi quá muộn. Chị rời giường đón chồng tận cửa phòng.
CA GIAO
( Theo Đỗ Phu )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét