TRANG CHỦ

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT - THÀNH PHỐ CHÂU ĐỐC
- Địa chỉ liên lạc : 47 đường Quang Trung, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc ( tỉnh An Giang ) ............... Điện thoại văn phòng : ( 02963 ) 866 321 Tạp chí Văn nghệ Châu Đốc - Email : vnchaudoc@yahoo.com.vn

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

* NGƯỜI HÀNG XÓM - truyện ngắn Đỗ Phu


   Bà Tư chuẩn bị thu dọn buổi sáng, nhìn đống tô dĩa, trong thùng nước bà “ứ hự”, phải chi con Lan bữa nay còn ở nhà, cô sẽ phụ một tay, loáng một cái là sạch sẽ ngăn nắp…Bà ngẩng đầu lên, loáng thoáng bóng thằng Cà lêu khêu tới quán bà, “ nhân …nghĩa…vô võng giả…”hắn nói cái gì? Hắn nhìn bà rồi nhe hàm răng vàng thâm đen khói thuốc nặn ra từng tiếng: Bà Tư dọn hàng… sớm hả? Cô Lan đâu rồi mà hỏng… tiếp bà? Hắn nhìn đống tô, dĩa rồi cười hì: Thôi để tui… tiếp cho. Bà Tư kịp nắm tay hắn lại, không thôi ít ra “loảng xoảng” vài cái tô bể như ném đáo. Thôi được rồi ông xỉn ơi, tui còn tô bún, ăn hong? Ăn…. Hắn chùi tay vào áo xệch xệch vài cái, nuốt nước miếng cái “chụp” rồi thò tay hốt cái tô, hắn cười khẩy . Chèn ơi, bún gì mà nước hong vậy? Bà Tư vả lả, nước lèo sắc xuống còn ngon lắm, hết bún rồi ăn đỡ đi, cạn nồi mà chất lượng nghe, nè hồi nãy tao nghe mày ca cẩm gì “ nhân nghĩa…vô võng giả…”. Hắn tỏ ra biết “lý sự” nên ngước mắt nhìn trời rồi lải nhải, Chú Bảy đầu xóm nói vậy, mà…mắc nợ người khác mà… không trả thì… thì bất nghĩa mặc dù người ta “thí” không khi giúp người khác nhưng người nhận mà quên tuốt thì hỏng phải con người nữa, bởi “dị” tui tới tiếp rửa tô… dĩa cho bà nè. Bà tư hỏi, còn không phải con người chớ những người quên ân quên nghĩa là con gì? Hắn lại cười, là con mèo mun…Ừ con mèo hôm qua đẻ được ba con, lạ lắm bà, ba con đều khác màu da, mẹ đen, con thì lâm râm vàng, con loang lổ trắng, con thì đen vàng và trắng luốt! Hỏng biết ba nó là ai nữa, chẳng lẽ…?
   Hắn ngẩm nghĩ gì đó rồi húp tô bún cái rột, với tay nốc ly nước trà đá nguội cái ọt, tằng hắng chuẩn bị kể tiếp. Bà Tư biết hong, bà Chín Chuối Chiên kế nhà ông Bảy mấy bữa trước kêu thợ về xây lại cái nhà bếp, bả lấn qua nhà ông Bảy hết mấy mét đất…hì hì…cũng ngộ, lúc bả nghèo ông Bảy giúp nhiều lắm, ông sống cui cui một mình chẳng có con cháu vậy mà tốt thiệt nhe… ổng cho gạo cho nước mắm bà Chín hoài, rồi còn cho tiền thằng Tẹo đi học nữa, ổng dặn nó, mày ráng học đi lên cấp hai tao cho mày chiếc xe đạp, tội nghiệp nhà xa trường mấy cây số mà nó siêng lắm, bữa nào cũng “cuốc bộ”. Có lúc nó bệnh, mặt mày tái mét, vừa dìa tới nhà là xỉu …ngay bậc thang lên nhà, ông Bảy chạy ra thấy “dị” xốc nó đưa lên trạm xá cấp cứu…

   Ừ, ổng tốt thật nghe mậy, mày biết ổng là thầy giáo nghỉ hưu mà, ổng hay thương người, như trước kia dám rút tiền lương mua tập vở cho học trò nghèo, cho quần áo nữa…bởi “dị” tao thấy nhiều đứa học trò cũ cũng đến thăm hỏi ổng, mua quà cho ổng nữa…

   Ổng còn góp tiền cất nhà tình nghĩa nữa nghe bà Tư, ổng có dặn mấy anh đi góp tiền đừng ghi tên cảm tạ gì ráo, chuyện nhỏ như con thỏ mà. Bà Tư gật gật đầu, ổng là vậy, “Thi ân bất cầu… báo” mà. Bà Tư giục, ăn xong chưa ông kẹ để tui dọn dẹp, nãy giờ cà kê hoài, trưa rồi, bữa khác kể tiếp nghe. Hắn gật gật cái đầu bồm xồm. Hì, hì… bữa khác tui nói chuyện này hấp dẫn lắm bà Tư… ui, bỏ lâu nó nguội! Nguội tổ cha mày…tối ngày không lo mần ăn lo nói chuyện bao đồng.

   Tối chập choạng, nhà hàng xóm lên đèn, bà Tư thu gọn mớ nguyên liệu cho nồi bún rêu, rau cải, mắm muối…bà lom khom coi lại đống tô, dĩa thì thấy bóng lêu khêu của anh Cà quẹo vô nhà. Gặp bà hắn nói liền,  bà rảnh hong… bà Tư? Có chuyện gì hong? Có chứ… tui kể tiếp cho bà nghe chuyện… hôm qua. Chuyện gì nữa đây? Thì bà ngồi… xuống đi. Ừ, tao ngồi đây, mày kể đi, bà với tay múc cho Cà ky nước rồi dặn kể in ít thôi nghe, tao còn đi ngủ sớm, bán buôn cỡ này chậm quá, giá rau cải, mắm muối gì cũng lên, tao hỏng biết tính sao, lên giá tô bún thì khách hỏng ăn, bán hoài giá này có ngày đứt vốn.

   Thằng Cà húng hắng, lắc lắc đầu rồi nói, bà đừng có lo…, làm phải gặp phải, lời ít mà nhiều người ăn còn hơn giá cao mà ít ai ăn phải… hong bà, món bún của bà ngon thiệt nghe, ở tận Long Xuyên, miệt thứ gì đó lên đây cũng ghé sạp bún của bà, hỏng chừng…,hỏng chừng gì? Hỏng chừng mai mốt bà lên “ti qui” bà con tới ủng hộ nhiều hơn nữa, bà giàu “rùi”, mai mốt giàu đừng quên thằng Cà… này nghe! Bà cười khẩy,ừ, đồ “cà chớn” ăn không tính tiền còn xeo nại ngon dở, mày hơn cha tao nữa! Sao bà Tư nói xấu tui, bà nhớ lại coi… có bữa mưa tơi tả, bà buồn… thiu, nồi bún rêu còn “khẩm”, tui mới chạy bưng cho bà vô mấy nhà phố, gặp một đám đang ăn thua bài… tiến lên, tụi nó đói bụng, gặp tô bún là chộp… liền, năm sáu thằng ăn cả chục tô, hỏng nhờ tui bà “ế” lâu! Ừa, tao cám ơn mày, bởi “dị” tao cho mày mỗi ngày một tô để mày “rao” dùm tao. Rồi, ngưng được chưa? Bà toan đứng lên. Cà níu tay bà nói tiếp, khoan đã, tui chưa nói hết chuyện bà Chín. Ừ, nói tiếp đi. Nè, bà biết bà Chín xây cái bếp nhờ tiền… đâu hong? Nghe đồn bà trúng số, “Trúng gió” chớ trúng số gì, tiền ông Bảy cho mượn. Trời, ổng cho mượn thiệt hong? mà cho mượn còn bị chiếm đất nữa, thiệt tội nghiệp! Hổm rày ổng bệnh nặng mày tới thăm chưa? Có…buồn lắm, tội nghiệp lắm, nghĩ mà giận thúi gan… thúi ruột. Cà sửa soạn bộ ngồi lại, hắn mỏi chân nên xổ căp chân khẳng khiu như “que tăm” ra, chống hai tay ra sau đỡ cái thân “ốm yếu gầy mòn” rồi lầm bầm, bả ác lắm, bà mưu toan, mưu…tính mai mốt ông Bảy “đi bán muối” thì bả chiếm luôn căn nhà của ổng. Bà Tư chặn lại, ai nói với mày là bà “âm mưu cướp nhà” vậy? Trời ơi, ai nói đâu, tui biết “lòng dạ đàn bà” hết trụi, chiếm đất rồi chiếm nhà mấy hồi! Thôi đừng nói cà rỡn, ở tù như chơi nghe con. Bộ ông Bảy hỏng thưa kiện gì hả? Thưa mần… chi, miễn có tiền thì… thắng chứ thưa gởi làm chi cho mệt, bà còn nói nhà đất ông Bảy về ở trước kia là đất ông già của bả. Giấy tờ đâu? Giấy tờ gì? Mất rồi, mà làm lại mấy hồi, người ta có “ý đồ” nói không thành… có thì xá gì ba cái …lẻ tẻ đó.

   Bà Tư bỗng thở dài, bà như chán chường việc đời mà bà từng chứng kiến, anh em thưa nhau, mẹ con thưa nhau, cha con kiện nhau …vì… cục đất!

   Thằng Cà cũng thấm chuyện đời khi bị hất hủi, bị khinh rẻ khi cạn sát đáy túi, có bữa thèm giọt rượu mà mua chịu hỏng ai bán…cũng còn có gia đình bà Tư thương tình cho ăn, cho tiền, mặc dù Cà biết việc đó là “có qua có lại”, Cà giúp bà khuân vác, bưng bê vài tô bún, dọn dùm quán thì bà cho tiền Cà “công bằng” thôi. Cà thấm rượu nên hai mắt sụp sụp chớp chớp, đứng dậy ngả nghiêng từ giã bà Tư, rồi quay lại hỏi bà, cô Lan đi… đâu mấy bữa rồi bà Tư? Bà Tư nhìn hắn, mày hỏi làm chi, bộ điều tra hả? Cà khoát tay, hong, hỏi cho biết để tui qua dọn hàng tiếp bà… vậy mà! Bà hay nghi oan cho người “đàng hoàng” như tui… đây quá! Bà Tư hỏng muốn dây cà dây muống nữa nên nói gọn, đi làm từ thiện, đi cho quà với phái đoàn cho gạo, thuốc người nghèo, trẻ em mồ côi, được chưa? Hắn gật gật đầu, được chớ, bà tin đi,  Bà Tư nghi ngờ cái thói cà rỡn của Cà,tin cái gì? Mai mốt sẽ có nhiều anh thanh niên tới…làm quen với cô Lan cho coi, cổ tốt…mà hơi…Bà nhìn hắn để thử nghe hắn nhận xét cô con gái của bà, xấu phải hong? Hắn không nói, chỉ ậm ờ rồi khẳng định, Kệ đi, xấu mày, xấu mặt chớ đâu xấu lòng!

   Nói nhừa nhựa hết câu, hắn tìm đôi dép mòn gót, xỏ đại vô chân, bước ra cửa.

   Hắn liu xiu ra ngõ phố rồi lẩm bẩm “ nhân…nghĩa…vô võng giã…”
                                                                                          
  ĐỖ PHU
 ( Châu Đốc )


(theo ĐP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét